VỊ TRÍ CỦA NHÀ HÁT OPERA TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

            Trên thế giới, ở những thành phố có lịch sử lâu đời và gắn liền với nền văn minh nhân loại, nhà hát opera giữ một vị trí khá quan trọng trong đời sống xã hội. Nó quan trọng không chỉ ở sứ mệnh là cầu nối đưa nghệ thuật opera đến với đông đảo công chúng, mà còn mang trong mình nhiều ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, kiến trúc... gắn với chính mảnh đất nó được xây dựng nên...

 

 

Niềm tự hào

Hình ảnh đầu tiên khi nhắc tới nhà hát opera chính là lối kiến trúc độc đáo đẹp đẽ. Nhà hát thường được thiết kế theo lối kiến trúc thời Hy Lạp cổ đại, đồ sộ, nguy nga và có nhiều chạm trổ tinh vi, đặc biệt là mái vòm và các chân cột... Bên cạnh đó, địa thế để xây dựng nhà hát thường ở những vị trí trung tâm của các thành phố lớn, nên nó thường nổi trội hẳn lên trong tổng thể cảnh quan chung. Không ít nhà hát đã trở thành đại diện tiêu biểu cho phong cách kiến trúc của một thành phố, một dân tộc, hay một thời kỳ trong quá trình phát triển nền văn minh nhân loại. Điều này dễ bắt gặp ở các thành phố châu Âu, cái nôi sinh ra lối kiến trúc nhà hát opera mà giờ đây đã lan tỏa và trở nên phổ biến khắp thế giới.

Cho dù giá trị văn hóa của các nhà hát không chỉ ở mặt hình thức, mà chính ở chức năng của nó được sinh ra là nơi truyền bá nghệ thuật opera sang trọng, đầy sức hấp dẫn đến với khán giả. Song, cũng không thể phủ nhận rằng với lối kiến trúc ấy, cùng những trang trí điêu khắc trên tường, trên trần cả bên trong, bên ngoài đã tạo cho khán giả một cảm giác hưng phấn ngay từ lúc bước chân tới nhà hát, và đẩy họ vào một miền cảm giác sảng khoái khi nghe các vở diễn. Đối với bộ môn nghệ thuật như opera, đòi hỏi sự thưởng thức mang tính chiều sâu và sự tập trung cao độ, thì lối kiến trúc ấy là một trong những yếu tố cần thiết, vô cùng quan trọng.

Các nước có nền âm nhạc phát triển đều có nhà hát opera. Nhìn chung, về mặt kiến trúc tổng thể thì không thay đổi, nhưng các nhà hát luôn làm mới mình bằng cách thay đổi trang trí trong nội thất, trên sân khấu cũng như mở rộng khán phòng, trang hoàng lại hàng ghế khán giả... Tất cả cái đó, không những mang lại ấn tượng sâu sắc cho người thưởng thức, mà ở phương diện nào đó, nó còn thể hiện một thái độ trân trọng của con người, cộng đồng đối với nghệ thuật opera.

Nhà hát opera chính là nơi sinh ra những vở opera. Nơi đây, những đêm sáng đèn, qua các giọng ca tài năng, giai điệu âm nhạc vang lên làm say đắm lòng người. Và, những người yêu nghệ thuật opera cũng tụ họp ở đây. Nhà hát opera tạo nên những giá trị về văn hóa, niềm tự hào, vinh dự của một đất nước, một dân tộc. Chính các nhà hát, bằng phương tiện nghệ thuật, mở ra cho con người một thế giới vẻ vang hơn, truyền bá tinh thần yêu nước tiến bộ của mọi thời đại. Cũng chính tại các nhà hát này, thính giả hấp thụ được những khái niệm về đạo đức cao cả, về nghĩa vụ, về vẻ đẹp hành động và tình cảm của con người.

Tuy nhiên, nhà hát opera không chỉ đơn thuần là nơi diễn các vở opera và ballet, mà còn là trung tâm lớn của đời sống văn hóa và xã hội. Không ít những nhà hát opera đã trở thành địa điểm của nhiều cuộc đấu tranh gay gắt vì những nhu cầu chân chính của nghệ thuật, vì sự phát triển của nền văn hóa dân tộc. Những cuộc đấu tranh đó thường vượt xa khỏi phạm vi nghệ thuật âm nhạc để mang một ý nghĩa chính trị xã hội lớn lao. Trong cuộc đấu tranh này, nền âm nhạc cổ điển của nhiều nước đã chính thức được khai sinh và phát triển. Vài minh chứng cụ thể cho điều vừa nói trên đây là việc thành lập nhà hát opera Dân tộc Praha - một sự kiện nổi bật trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của người dân Tiệp Khắc chống quân xâm lược Áo. Lịch sử các nước thuộc Tiệp Khắc sẽ còn nhắc mãi sự kiện năm 1881, ngay tại lễ khánh thành nhà hát, vở opera Libussa của nhạc sĩ F.Smetana (1824-1884), người sáng lập ra nền âm nhạc cổ điển Tiệp Khắc, lần đầu tiên được công diễn. Buổi biểu diễn đó đã biến thành cuộc biểu tình lớn. Hay ở Italia, tên tuổi nghệ sĩ G.Verdi đã gắn liền với phong trào giải phóng dân tộc của đất nước tươi đẹp này. Trong những lần công diễn các vở opera của ông, nhiều buổi đã biến thành cuộc biểu tình chính trị. Ở Nga, tháng 3-1905 ghi dấu ấn bằng sự kiện sinh viên Nhạc viện Peteburg biểu diễn opera Katchei bất tử của Rimsky Korsakov, vở diễn kết thúc bằng cuộc mít tinh chính trị và đã bị cảnh sát ngăn cản, giải tán.

Nhà hát opera nổi tiếng nhất thế giới đó là La scala thuộc thành phố Milan của Italia. La scala chính là niềm tự hào của đất nước nơi sinh ra nghệ thuật opera. Nhà hát này ra đời chủ yếu dành cho opera, còn nghệ thuật múa ballet luôn ở vị trí thứ hai. Các ca sĩ nổi tiếng thế giới đều mong ước được đến hát ở Milan. Đồng thời, chính bản thân thành phố Milan cũng có những ngôi sao thật sự sáng chói của nghệ thật belcanto như các giọng nữ cao: Gaspare Pachiarotti, Luidgi Marchesi, Girolamo Créentoni, Carlo Farinelli, Giovanni Vetluti; giọng nam cao: Giacomo David; những nữ ca sĩ: Caterina Gabrielli, Catalani Angelica...

Ngày 14-8-1814, lần đầu tiên nhà hát La scala diễn vở opera Turco của Rossini. Giọng hát rất khỏe của Philippo Galli trong vai Selime vang động trong phòng nghe lớn. Vai Donna Fiorilla do ca sĩ Francesca Maffei Festa đảm nhận. Vai người yêu của nàng trao cho giọng nam cao nổi tiếng Giovanni David. Còn vai Geronio được thể hiện qua giọng nam trầm có hạng Luidgi Paccini.

Một cao trào yêu nước mới của những người Milan lại bùng phát với vở opera tiếp theo của Bellini Puritaine. Ngày 26-12-1835 cũng tại nhà hát La scala trình diễn bản hợp xướng Hãy vang lên tiếng kèn và tôi không hề sợ hãi lao vào cuộc chiến đấu trở thành bài ca chính thức của các chiến sĩ Risorgimeto (phong trào giải phóng). Sau đó là những sự kiện buồn liên tiếp đến với nhà hát La scala như Bellini qua đời, tác phẩm của Rossini cũng thưa thớt, những tác phẩm xuất sắc của Donizetti thỉnh thoảng mới được dàn dựng. Cuối năm 1830, nghệ thuật opera ở La scala đã bị sa sút và mất dần đi vị trí đỉnh cao. Chương trình của nhà hát La scala đầu TK XIX phản ánh chung về bức tranh khủng hoảng của thể loại opera ở Italia.

Song, cho dù có khó khăn tới đâu thì La scala vẫn luôn được coi là thánh đường opera, vẫn thu hút sự quan tâm của những giọng ca opera hàng đầu thế giới. Cho tới thập kỷ cuối của TK XX, La scala vẫn tiếp tục đón chào những giọng ca xuất sắc đến từ nhiều nước trên thế giới, trong đó phải kể tới các nghệ sĩ nhân dân Liên Xô: Arkhipova, Elena Obrazova, Bulgari có giọng nam trầm xuất sắc N.Gaurov, Mỹ có nữ ca sĩ Leotin Price, xứ sở Tây Ban Nha có giọng nam cao lừng danh Placido Domingo, hay nữ ca sĩ Ý Mirella Freni... tới biểu diễn. Điều đó có thể khẳng định, trải qua hơn hai thế kỷ, với nhiều thăng trầm, nhà hát La scala luôn là trung tâm của nghệ thuật opera lớn của thế giới và là niềm tự hào của nước Italia.

Trong khi đó, đối với người dân Australia, nhà hát opera Sydney cũng là niềm tự hào, đồng thời là một biểu tượng nổi tiếng của đất nước rộng lớn này. Tọa lạc trên cảng Sydney, đây là một trong những công trình đặc biệt nhất TK XX, đồng thời là một trong những khu biểu diễn nghệ thuật ấn tượng nhất thế giới.

Nhà hát opera Việt Nam

Ở Việt Nam, nhà hát có hai nghĩa: là một rạp hát lớn và nhà hát mà trong đó diễn ra hoạt động của các nhạc công, nghệ sĩ opera và nghệ sĩ ballet. Song, các nhà hát này hoạt động tương đối khác so với các nước phương Tây. Khác biệt ở chỗ, giữa hai mảng nhà hát và nghệ sĩ hoạt động hoàn toàn độc lập nhau.

Về nhà hát opera theo nghĩa đơn thuần là rạp hát lớn sang trọng, thì nước ta có 3 nhà hát lớn và đẹp, đều tọa lạc ở vị trí trung tâm của 3 thành phố lớn, sầm uất bậc nhất Việt Nam là Hà Nội, TP.HCM và Hải Phòng. Tuy có quy mô, lối kiến trúc không hoàn toàn giống nhau, nhưng cả ba nhà hát đều là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc kiệt tác, mang dáng dấp lối kiến trúc của thời kỳ phục hưng. Ba nhà hát này từ lâu trở thành niềm tự hào và là một trong những biểu tượng quen thuộc, quan trọng bậc nhất của ba thành phố. Về quy mô, nhà hát ở Hải Phòng nhỏ nhất, rồi đến nhà hát TP.HCM.

Kiến trúc đồ sộ và giá trị nhất chính là nhà hát lớn Hà Nội. Nhà hát xây dựng từ năm 1901-1911 theo mô hình của nhà hát lớn Pari (Pháp), tọa lạc trên quảng trường Cách mạng tháng Tám. Đây là một trong những trung tâm văn hóa của thủ đô, nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động biểu diễn ca múa nhạc, hòa nhạc, giao lưu. Trên sân khấu nhà hát cũng từng xảy ra những hiện tượng nghệ thuật mang màu sắc chính trị. Có những vở kịch sau khi diễn xong, các chiến sĩ cách mạng đã rải truyền đơn, như trong sự kiện lịch sử của ngày 19-8-1946. Phía bên ngoài nhà hát là một quảng trường rộng lớn, từng diễn ra nhiều sự kiện chính trị đặc biệt gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng vĩ đại của dân tộc ta.

Về nhà hát theo nghĩa là đơn vị quản lý các nhạc công, ca sĩ opera và các nghệ sĩ ballet, thì ở Việt Nam có: Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam và Nhà hát Nhạc Vũ Kịch TP.HCM.

 Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam trải qua hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành, luôn khẳng định thương hiệu bằng các chương trình mang đậm chất nghệ thuật hàn lâm opera, ballet với chất lượng đạt trình độ ngang tầm quốc tế. Hàng chục vở nhạc kịch, ballet, chương trình hòa nhạc lớn nhỏ đã được diễn ra thường xuyên. Một trong những vở diễn gần đây nhất được công diễn ngày 14-01-2011 tại Nhà hát lớn Hà Nội, tạo sự chú ý cho công chúng là vở Người đi qua thung lũng. Vở diễn hấp dẫn không chỉ hình thức thể hiện mà còn ở nội dung câu chuyện mang tính nhân văn. Đây là vở nhạc kịch kết hợp nhiều thể loại nghệ thuật khác nhau. Vở nhạc kịch này được sáng tác dựa trên những huyền thoại trong Parzival của thi hào Wolfram Eschenbach mang dấu ấn 700 năm nước Đức. Nhà viết kịch hàng đầu Đức Tankred Dorst cùng Ursula Ehlers đã nghiên cứu những huyền thoại, những tác phẩm văn học, âm nhạc và hội họa liên quan đến Parzival để tái hiện lên tác phẩm nghệ thuật, và nó được diễn trên sân khấu Việt Nam.

Vở opera đầu tiên Evgeni Onegin mà Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam dàn dựng, trình diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội năm 1961, do NSND Liên Xô David Badridze làm đạo diễn. Có thể nói đây là bước hội nhập đầu tiên của chúng ta đối với nghệ thuật opera và là tiền đề cho quá trình xây dựng nền nghệ thuật opera mang tính chiến lược lâu dài. Dù mới chỉ là cuộc thử nghiệm, nhưng ấn tượng về tác phẩm của nhạc sĩ thiên tài Nga không bao gi phai trong tâm trí những người yêu âm nhạc Việt Nam. Đồng thời, công chúng cũng ghi nhận lớp diễn viên tham gia vở diễn mang tính lịch sử của nghệ thuật opera nước nhà, đó là học sinh, sinh viên khóa I khoa Thanh nhạc, Trường Âm nhạc Việt Nam (nay Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Bên cạnh các vai diễn chính: Onegin do Quý Dương và Gremil do Trần Hiếu thể hiện còn có Ngọc Dậu, Trần Chất... cùng tham gia.

Lần đầu công diễn, tuy không đạt được kết quả như mong muốn, mà mới chỉ mang tính chất giới thiệu một loại hình nghệ thuật còn mới lạ đến với công chúng nước ta, nhưng nó tạo đà cho sự phát triển sau này. Không lâu sau, các nhạc sĩ Việt Nam đã vững tin để sáng tác nên những bản opera đầu tiên cho đất nước như Cô Sao (Đỗ Nhuận), Bên bờ Krông pa (Nhật Lai)...

Nhìn lại mối quan hệ giữa nhà hát với hoạt động của các nghệ sĩ ở nước ta hiện nay thì thấy có nhiều bất cập.

Thứ nhất, nghệ thuật opera chủ yếu hoạt động trong các nhà hát nhạc vũ kịch. Cho dù ở đó có đủ đội ngũ nhân sự, nhưng lại không có nhà hát riêng để biểu diễn, nên đã gây nhiều hạn chế cho hoạt động nghề nghiệp.

 

 

Thứ hai, việc không thống nhất giữa hai khái niệm nhà hát khiến cho loại nhà hát kiểu rạp hát lớn không còn là thánh đường của nghệ thuật opera. Để duy trì hoạt động, nhà hát phải chấp nhận cho nhiều loại hình âm nhạc, nghệ thuật ngoài opera, thậm chí cả những hoạt động không phải nghệ thuật cũng diễn ra tại đây. Những hoạt động đó, tuy đạt được mục đích về kinh tế, nhưng nó lại làm mất đi vị trí, giá trị và chức năng chính của nhà hát. Thực trạng này đã diễn ra ở cả Hà Nội và TP.HCM nhiều năm qua.

            Để nghệ thuật opera Việt Nam có những bước phát triển mang tính đồng nhất, thì cần có cái nhìn khoa học về vị trí, vai trò của các nhà hát. Nếu chỉ hoạt động như hiện nay, so với thế giới thì nhà hát opera ở nước ta mới chỉ sử dụng được 50% giá trị. Đó đơn thuần chỉ là cái rạp hát sang trọng, là một trong những niềm tự hào về kiến trúc của thành phố mà thôi.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 325, tháng 7-2011

Tác giả : Đỗ Quốc Hưng

;