Trước kia, các nhà nghiên cứu văn hóa thường nhìn nhận diện mạo cấu trúc văn hóa Việt Nam theo cơ cấu tối giản: gia đình - làng xã - đất nước. Dẫu có vẻ khuyết thiếu, tuy nhiên, không thể nói cơ cấu này bỏ qua những mắt xích văn hóa quan trọng là cá nhân, dòng họ, vùng miền. Với quan niệm phù hợp với giai đoạn lịch sử xã hội ấy, các nhà khoa học nhân văn mặc nhiên coi nghiên cứu văn hóa gia đình đã bao hàm văn hóa cá nhân (với tư cách thành viên gia đình) và văn hóa dòng họ (với tư cách gia đình mở rộng, đại gia đình, gia tộc). Cũng như thế, nghiên cứu văn hóa làng xã cũng mặc nhiên bao hàm nghiên cứu văn hóa cá nhân (với tư cách thành viên cộng đồng làng), văn hóa vùng miền (với tư cách làng xã mở rộng: liên làng...)... Do đó, dù chỉ chú ý vào ba trọng tâm gia đình, làng xã, đất nước, song nhiều vấn đề về văn hóa cá nhân, văn hóa dòng họ, văn hóa vùng miền đã được đề cập khá sâu sắc. Dù thế, cũng không thể không thấy rằng, sự nghiên cứu mở rộng mang tính gián tiếp đó đã ít nhiều tạo ra những hạn chế trong việc nhìn nhận triệt để diện mạo văn hóa cá nhân, dòng họ, vùng miền, nhất là văn hóa dòng họ một vấn đề hiện đang nổi trội và bản thân nó đóng vai trò khá quan trọng trong cơ cấu văn hóa Việt Nam. Đó là một hạn chế bất khả kháng, mang tính lịch sử.
Hiện nay, trong bối cảnh đa dạng hóa trong thống nhất các nền văn hóa toàn nhân loại, bên cạnh văn hóa gia đình, làng xã, đất nước, văn hóa cá nhân, dòng họ, vùng miền trở thành những thực thể có diện mạo riêng, và do đó, trong thực tiễn nảy sinh những nhu cầu mới về việc nghiên cứu thấu đáo những thực thể này nhằm xây dựng và phát triển một nền văn hóa toàn diện, bền vững. Từ chỗ xuất hiện như một hiện tượng, một nhu cầu thực tiễn, chúng dần khẳng định một vị thế riêng trong cơ cấu văn hóa Việt Nam, trở thành những mắt xích mà thiếu chúng, diện mạo văn hóa Việt Nam có thể được bộc lộ không toàn vẹn và chuỗi liên kết văn hóa Việt Nam dễ chứa đựng khả năng đứt gãy. Dòng họ và văn hóa dòng họ là một trong những mắt xích quan trọng đó.
Vậy, một cách khái quát, có thể nhìn nhận vị thế cơ bản của văn hóa dòng họ trong cơ cấu văn hóa Việt Nam như thế nào.
Trước hết, trong mối quan hệ với văn hóa làng xã, như một bộ phận cấu thành, văn hóa dòng họ là một trong hai bộ phận tạo nên hình thức quan hệ khăng khít, chặt chẽ trong họ - ngoài làng (xét bên trong thì người ta chú ý đến thanh danh họ mạc; nhìn bên ngoài thì người ta chú trọng diện mạo, tính chất làng xã), trong đó xã (cơ cấu hành chính), gia đình, cá nhân phần nào bị khuất lấp. Trong họ - ngoài làng là mối quan hệ còn thể hiện tính chất đồng nhất giữa dòng họ và làng xã. Có thể, thuở ban đầu, khi khai phá, tạo lập nơi cư trú, dòng họ và làng xã gần như là một, mỗi làng xã có thể chỉ gồm một dòng họ (nhất họ nhất làng), vì thế, nguyên lý tập hợp người của dòng họ và làng xã đều là cùng huyết thống. Sự đồng nhất này dần dần bị phá vỡ do sự phát triển và biến động xã hội, khi làng xã trở thành nơi cộng cư của nhiều dòng họ. Và nguyên lý tập hợp người cùng huyết thống, đến một lúc nào đó, bị nguyên lý tập hợp người cùng chỗ (cùng địa vực cư trú, tức quan hệ láng giềng) chi phối làm nhạt nhòa, nhưng không mất đi. Mối quan hệ khăng khít giữa dòng họ và làng xã hình thành, không tách biệt, đối lập với nhau mà gắn bó trong một mối cộng cư, cộng mệnh, cộng cảm đặc biệt. Có thể nói, ở nông thôn châu thổ Bắc Bộ, và có thể nói đến nông thôn cả nước, xưa và nay, dòng họ luôn là một cơ cấu hòa quyện, đôi khi nổi bật nhưng thường ẩn mình vào làng xã. Dù thế, dòng họ có vai trò không kém quan trọng trong sinh hoạt cộng đồng làng thuở ban đầu, nhất là khi làng xã vốn chỉ có một dòng họ, hoặc khi sau này, làng xã ấy bị chi phối bởi một vài dòng họ lớn. Còn về vai trò quan trọng của dòng họ (gia tộc) đối với gia đình thì thực tiễn ở nông thôn châu thổ Bắc Bộ cũng như nông thôn cả nước đã cho những minh chứng rõ nét và sinh động. Những ngày giỗ tổ tiên, những ngày giỗ tổ họ tại nhà thờ họ, những mối quan hệ khăng khít đời thường giữa những người cùng họ, cùng gia tộc, gia đình bên cạnh quan hệ cùng ngõ, cùng xóm... với vai trò đặc biệt quan trọng của những người phụ nữ, là những dịp bộc lộ rõ vai trò của cơ cấu dòng họ.
Thứ hai, văn hóa dòng họ là một trong những bộ phận quan trọng hình thành văn hiến dân tộc. Ở nông thôn châu thổ Bắc Bộ, nơi làng xã và dòng họ đã trải qua quá trình tồn tại và phát triển lâu đời, và phần nào nông thôn, đô thị cả nước, bên cạnh những làng nghề, dòng họ làm nghề cha truyền con nối, có không ít dòng họ khoa bảng, dòng họ văn hiến... Đây là những dòng họ đã sản sinh và trao truyền được những giá trị văn hóa tiêu biểu, những gương mặt hiền tài tiêu biểu cho dân tộc, vùng miền, địa phương ở những giai đoạn lịch sử nhất định. Dòng họ Lê (với Lê Quý Đôn), Nguyễn (với Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Tông Quai...) ở Thái Bình; dòng họ Phạm với Phạm Nguyễn Du ở Nghệ An, Phạm Đan Quế ở Ninh Bình, Phạm Tu ở Hà Nội...; dòng họ Đặng (với Đặng Xuân Bảng, Đặng Hữu Toán...) ở Nam Định... và rất nhiều dòng họ văn hiến khác đã cho thấy một diện mạo đáng chú ý của văn hóa dòng họ trong việc hình thành, kết tinh văn hiến, văn hóa Việt Nam từ xưa đến nay. Đây là một thực tiễn đã được ghi nhận và nghiên cứu, song chưa được nhìn nhận thật chân xác dưới một cái nhìn tổng quan. Vì thế, đánh giá đúng đắn vai trò của cá nhân, của dòng họ văn hiến, khoa bảng trong việc hình thành văn hiến, văn hóa Việt Nam xưa và nay, thiết nghĩ, vẫn đang là một vấn đề cần được chú trọng.
Thứ ba, cũng như làng xã, dòng họ và văn hóa dòng họ ở châu thổ Bắc Bộ nói riêng và cả nước nói chung là một hệ thống mở: từ dòng họ (gia tộc) mở rộng ra phạm vi vùng, miền, quốc gia... trên cơ sở một ý thức và tâm linh cội nguồn chung. Tục thờ tổ tiên không chỉ tồn tại trong từng gia đình (thờ cha, ông, cụ, kỵ...) mà còn mở ra dòng họ (thờ tổ tiên chung cả họ, thờ tổ nghề của họ) rồi mở tiếp ra phạm vi quốc gia (thờ vị quốc tổ chung: vua Hùng). Nghĩa là, ý thức cội nguồn là một sợi chỉ xuyên suốt các bộ phận của hệ thống cấu trúc xã hội, từ cá nhân đến gia đình, dòng họ, làng xã, vùng miền, quốc gia. Ý thức này tạo nên sự liên kết văn hóa không chỉ trong phạm vi dòng họ mà còn ở phạm vi nhỏ hơn (gia đình) và lớn hơn (làng xã, vùng miền, quốc gia), hình thành nguồn lực nội sinh trong đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó có thể coi là một đặc thù của văn hóa dòng họ, là điểm mạnh minh chứng vị thế cầu nối, giữa gia đình và xã hội, của dòng họ.
Tuy nhiên, ở một mặt khác, tính đặc thù của dòng họ ở châu thổ Bắc Bộ nói riêng và cả nước nói chung, với tư cách một hệ thống mở, cũng sản sinh những bất cập, đặc biệt về phương diện ứng xử văn hóa thời hiện đại. Chính vì vậy, trong đời sống xã hội, nhất là xã hội đô thị, việc mở rộng khung ứng xử gia đình - gia tộc - dòng họ ở nông thôn ra phạm vi toàn xã hội đã và đang bộc lộ những cái được và mất. Cái được là người dân được sống trong không khí gia đình, gia tộc, họ hàng quen thuộc, tạo nên tâm lý cố kết cộng đồng... Nhưng cái mất, lớn hơn, là không khí gia đình (với tất cả những cái hay cái dở, mà thói gia trưởng, sự hành xử và làm việc tùy tiện, nhịp độ lao động chậm, thói ti tiện bè phái, cách xưng hô và ứng xử kiểu gia đình chủ nghĩa... là một số cái dở) ấy không thực sự phù hợp với chuẩn mực ứng xử, nhịp điệu thông tin, nhịp độ lao động... của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa. Sự đề cập đến lối sống tiểu nông trong xã hội hiện nay, và trong tương lai, có thể gọi là xã hội đô thị, với thái độ không chấp nhận hoặc nhiều khi phê phán nặng nề chính là thể hiện sự không đồng tình với sự mở rộng của khung ứng xử gia đình, dòng họ trong xã hội với các điểm yếu những cái dở mà chúng tôi vừa nêu trên. Song, dù thế nào chăng nữa, thì văn hóa dòng họ, ở tính mở rộng đặc thù của nó trong toàn xã hội, cũng thể hiện sự đồng nhất về ý thức cội nguồn từ gia đình, dòng họ tới làng xã, vùng miền, quốc gia. Chẳng phải ngẫu nhiên mà không ít người từng khẳng định rằng: lòng yêu nước, ý chí quật cường chống ngoại xâm, ý thức tự hào dân tộc... đều có nguồn gốc sâu xa từ tình yêu gia đình, dòng họ, làng quê... Lẽ đương nhiên, dòng họ đã góp phần vào việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước ở mỗi một con người.
Thứ tư, sự nổi trội của vấn đề dòng họ và văn hóa dòng họ hiện nay, như vừa trình bày, bộc lộ một vấn đề tâm linh cộng đồng đáng chú ý: tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được xem trọng, ý thức nguồn cội được phục hồi và do đó, tinh thần cộng đồng được đề cao trong từng cá nhân, gia đình, dòng họ, làng xã, quốc gia. Ta thường thấy, tín ngưỡng nói chung, tín ngưỡng dòng họ nói riêng thường được thể hiện thông qua hoạt động tập thể, cộng đồng, ít khi được thể hiện thông qua hoạt động cá nhân. Thờ cúng tổ tiên trong từng gia đình hạt nhân (giỗ cha mẹ, ông bà, cụ kỵ...) chẳng hạn, là một minh chứng. Trong phạm vi tối giản nhất ấy, thì hoạt động tín ngưỡng chí ít cũng là hoạt động của tập thể nhỏ (cha mẹ và các con của họ, chưa kể sự góp giỗ của các gia đình hạt nhân cùng tổ tiên khác hoặc rộng hơn là tổ chức kỵ giỗ hay tế tổ tại nhà thờ họ (từ đường), nhà tộc trưởng. Cho nên, có thể nói, sinh hoạt dòng họ, văn hóa dòng họ là sản phẩm mang đậm tính cộng dồng, trước hết là cộng đồng huyết thống và sau đó là những cộng đồng khác với quy mô lớn hơn: thôn làng, vùng miền, quốc gia, trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, văn hóa, tâm linh... Cũng thật dễ hiểu, khi ở đô thị, thậm chí cả ở những làng xã đang đô thị hóa với tốc độ chóng mặt, những nơi mà gia đình nhỏ tồn tại trong phạm vi hẹp đến mức cực đoan và quan hệ láng giềng cũng mờ nhạt và được chăng hay chớ, thì xu hướng gia tăng hoạt động giỗ chạp, tế tổ, cúng tổ tiên với tần suất cao (ngày tết, ngày rằm, các ngày lễ trong năm...) thực ra là một phương thức thắt chặt quan hệ họ hàng và nâng cao tính tập thể, tính cộng đồng đang bị phai nhạt trong bối cảnh mới.
Thứ năm, dòng họ, gia tộc, với tư cách một thiết chế xã hội, là môi trường giáo dục nhân cách người trong gia đình, gia tộc và trong làng xã, quốc gia. Đây là một vị thế ngày càng quan trọng của dòng họ, gia tộc (gồm cả gia đình lớn và nhỏ) đối với sự phát triển văn hóa xã hội. Muôn đời, gia đình, gia tộc vẫn là môi trường đầu tiên, cái nôi đầu tiên cho sự nhập thân văn hóa của con người, cho sự trao truyền văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ở đó, con người được sống, học tập, trau dồi ngôn ngữ, trí tuệ, khả năng ứng xử văn hóa, ý thức cội nguồn, bồi bổ nhân cách... trong cả một giai đoạn quan trọng nhất: từ tuổi ấu thơ đến lúc trưởng thành chưa kể, văn hóa gia đình và dòng họ còn như một hành trang thân thiết theo mỗi cá nhân đến suốt cuộc đời. Chính vì lẽ đó mà càng ngày, chúng ta càng nhận rõ và đánh giá cao vai trò giáo dục hết sức quan trọng của gia đình, gia tộc, một trong ba phương thức giáo dục cơ bản: gia đình, nhà trường, xã hội, trong xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người mới.
Thứ sáu, trong bối cảnh giao lưu văn hóa mạnh mẽ hiện nay, sự giao lưu giữa các dòng họ trong và ngoài nước, sự liên kết giữa các dòng họ qua hôn nhân, trao đổi văn hóa, tín ngưỡng... đã tạo tiền đề và điều kiện cho việc trao đổi, lựa chọn, nâng cao các giá trị văn hóa, góp phần tạo nên truyền thống, bản sắc văn hóa làng xã, vùng miền, quốc gia. Có thể nói, văn hóa dân tộc, văn hóa quốc gia là sự thống nhất những đa dạng văn hóa tiêu biểu từ cá nhân, gia đình, dòng họ, làng xã, vùng miền. Trong sự chung đúc nền văn hóa tổng thể đó, văn hóa dòng họ có một vai trò quan trọng nhất định.
Còn có thể đưa ra không ít những minh chứng cho vị thế ngày càng tăng của dòng họ trong xã hội, văn hóa dòng họ trong văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, chỉ với một vài khía cạnh mà chúng tôi vừa đề cập, cũng có thể thấy dòng họ và văn hóa dòng họ thực sự là một thực thể có vị trí trong đời sống xã hội và đời sống văn hóa, với những đóng góp ngày càng cụ thể và hiệu quả. Dù thế, bên cạnh những điểm mạnh, dòng họ và văn hóa dòng họ trong xã hội cổ truyền và hiện đại ở nông thôn châu thổ Bắc Bộ nói riêng và cả nước nói chung cũng bộc lộ những mặt trái, những tiêu cực và hạn chế. Đó là tư tưởng, lối sống tiểu nông gây cản trở nhịp phát triển xã hội hiện đại như chúng tôi đã đề cập. Đó là tư tưởng bè phái, vây cánh, chèn ép nhau, mâu thuẫn nhau dẫn đến phá vỡ tính cộng đồng đặc thù, do tính cố kết, ý thức tự tôn dòng họ được đẩy lên mức cực đoan. Đó là sự lạm dụng lề thói làng xã, ứng xử tôn ti, trên dưới khắt khe tạo nên thế lực áp bức, thói gia trưởng... cản trở tự do phát triển của gia đình, cá nhân. Đó là tệ nạn lợi dụng tâm linh, tín ngưỡng trong thờ cúng tổ tiên, thờ cúng dòng họ để ganh đua xây cất nhà thờ họ, mộ tổ... hào nhoáng, tốn kém, tạo sức ép và gánh nặng cho cộng đồng nhỏ... Tuy nhiên, những hạn chế mà chúng tôi vừa nêu đang được chú ý khắc phục và chúng cũng không làm nhòe đi tính tích cực cũng như vị thế quan trọng của dòng họ trong sự phát triển văn hóa xã hội ở châu thổ Bắc Bộ nói riêng và cả nước nói chung.
Nói tóm lại, dòng họ và văn hóa dòng họ là một vấn đề nổi trội đang đặt ra nhiều vấn đề cần nghiên cứu, xem xét cả về lý luận lẫn thực tiễn. Việc nghiên cứu dòng họ đã được chú ý, song chưa hoàn toàn trực tiếp trong sự mổ xẻ toàn diện đối tượng, mà chủ yếu gián tiếp làm ánh lên diện mạo dòng họ, văn hóa dòng họ qua nghiên cứu văn hóa, kinh tế, lịch sử... gia đình, làng xã, quốc gia. Những công việc đang được chú trọng hiện nay trên phạm vi toàn quốc là giao lưu dòng họ trên nhiều địa vực, tập hợp dòng họ bốn phương để lập tộc phả, để làm gia tăng vị thế và sự cố kết dòng họ; khảo sát dòng họ ở các tỉnh, thành... để nhìn nhận vai trò khá toàn diện của dòng họ trong cấu trúc xã hội về cơ cấu tổ chức, thiết chế xã hội, sự liên kết kinh tế, ảnh hưởng tới văn hóa, tín ngưỡng... Song một văn hóa dòng họ mang tính chất vừa khái quát vừa sâu sắc thì, có thể nói, chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào đề cập toàn diện và triệt để. Vì thế, việc tìm hiểu văn hóa dòng họ vẫn là vấn đề mở. Và, công việc cần tập trung quan tâm hiện nay, tìm hiểu vị thế văn hóa dòng họ trong cơ cấu văn hóa Việt Nam, hay tìm hiểu chuyên biệt hơn về văn hóa dòng họ ở châu thổ Bắc Bộ nói riêng và cả nước nói chung, thực ra, cũng chỉ là một cố gắng nhỏ để tiếp tục khám phá bức tranh dòng họ và văn hóa dòng họ, dưới dạng những thực trạng chung. Chính thực trạng chung ấy sẽ phản ánh trung thực hay không diện mạo văn hóa dòng họ cổ truyền và hiện đại ở châu thổ Bắc Bộ và cả nước.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 328, tháng 10-2011
Tác giả : Nguyễn Thị Hồng Hà