Trong suốt 4.000 năm lịch sử, đi cùng sự lớn mạnh của nước ta là sự hoàn thiện không ngừng của con người, mỗi lúc một đẹp thêm nhờ những bộ trang phục và trang sức quý giá. Nếu ngày xưa mọi người chỉ mới trang điểm bằng những chiếc lông chim cài trên mũ và xiêm áo thì dần về sau đã có những trang sức phong phú từ lông, lá cây, hạt cỏ, ngọc ngà, vàng bạc…
Mỗi dân tộc, vùng miền có một kiểu trang sức riêng, song về hình dạng đều là những hoa văn quen thuộc như hình kỷ hà, công cụ lao động, nông sản và muông thú cách điệu. Ở Tây Nguyên, nơi có nhiều hạt cỏ, đá và gỗ, người dân thường đeo vòng hạt cườm, đá và gỗ màu sắc rực rỡ như đỏ, vàng, xanh, tím. Nam giới đeo hạt to, phụ nữ đeo hạt nhỏ. Một số nơi có trang sức bằng ngà voi, xương thú, gồm khuyên tai, trâm cài tóc và vòng nhẫn, dùng cả một miếng ngà to mà đeo rất hoành tráng. Ở vùng rừng núi Tây Bắc, Việt Bắc do có mỏ bạc và để kỵ gió người dân thường đeo vòng bạc, ngoài ra trên áo còn đính những hàng khuy chạy dọc từ cổ xuống ngang lưng, chia thành hai hàng hình hoa, bướm; trên mũ nón, túi sách cũng hay gắn những đồng xu tròn rời rạc hoặc xâu chuỗi và bên dây lưng dắt một bộ xà tích (dây chuyền) bạc lủng lẳng. Có thể nói Tây Bắc, Việt Bắc là một thế giới trang sức bạc độc đáo. Người Lự thích gắn trên áo hàng chục đồng xu bạc. Người Mông, người Dao lại thích đeo vòng cổ không khép kín mà ở hai đầu nối với một chuỗi xích dài buông gần hết ngực. Vòng cổ của người Mông có hình ống uốn tròn hoặc bán nguyệt (trăng lưỡi liềm). Vòng cổ của người Dao cũng có hình tròn nhưng tán dẹt. Từ một chiếc vòng, người Mông thường uốn nhỏ tạo thành hai lớp vòng. Người Dao lại đeo một lúc ba, bốn cái tăng dần về kích cỡ, theo kiểu đường tròn đồng tâm, cách đều hoặc buộc cố định.
Những loại trang sức ít nhiều nói lên điều kiện sống, phong tục tập quán, lễ nghi và tính cách của người đeo. Do đời sống còn nghèo, đồng bào các tộc ít người luôn coi trang sức là một tài sản lớn của bản thân và gia đình, đồng thời cũng là vật dụng hàng ngày, đồ thờ cúng, chữa bệnh, ước hẹn hay trao đổi. Khác với người vùng xuôi, người vùng núi, tộc thiểu số không xem trọng lắm đối với tiền và hiện vật. Mọi người chỉ xem trọng vòng, nhẫn, dây chuyền... Khi cưới xin, người dân luôn đòi hỏi cô dâu, chú rể phải có một số tư trang là của hồi môn mang theo, trong đó nhất định phải có bao nhiêu chiếc vòng hay nhẫn cưới, vì vậy mà các chàng trai cô gái phải sắm sửa trang sức ngay từ sớm. Từ nhỏ, cha mẹ đã phải đánh trang sức cho con. Cô gái nào có nhiều trang sức sẽ được nhiều chàng trai để ý. Thường khi nhỏ, nam nữ đeo một loại trang sức, lớn lại đeo một loại khác. Phụ nữ có chồng cũng có một loại nữa. Nhưng, vào một thời điểm nhất định như mùa xuân và lễ hội, mọi người đều đeo tất cả trang sức lên người, bộc lộ sự giàu có, vẻ thanh tao hoặc địa vị đối với làng bản.
Ngoài làm đẹp, phần lớn trang sức của các dân tộc nhằm hộ thân. Trên đó có những dấu hiệu của thần linh, gồm những vị thần của từng dân tộc, thần của vùng đất, anh hùng lịch sử và hình ảnh của tổ tiên nhờ thế mà khi đeo ai nấy đều cảm nhận được sự che chở, bao bọc. Trên đó cũng thấy yếu tố đa giáo: vừa có hình ảnh tô tem theo tín ngưỡng tôn thờ đồ vật vừa có biểu tượng đạo Lão và Phật giáo… Mỗi trang sức nói chung là sự hòa điệu của trời - đất, mặt trời - mặt trăng và con người đem tới sức khỏe, niềm vui, an vi, tự tại. Do nhiều chất liệu, đặc biệt là bạc có thể phòng chữa bệnh tốt, nhiều tộc luôn đeo bạc bên mình như trên trán phía đỉnh đầu, hai bên thái dương, dái tai, quanh cổ, tay và chân. Họ cũng đính bạc trên quần áo theo một hình thù nhất định giống như một tấm mạng che mặt, một cái khăn quanh cổ, một dải yếm đỡ ngực hay một chiếc tạp dề quanh eo để bạc ngăn ngừa độc chất trong gió, mưa, bụi đất và các tia tử ngoại.
Không chỉ đem lại vẻ đẹp rực rỡ, trang sức của các tộc người còn cho thấy mối quan hệ giữa người với người. Có khi một dòng họ, một cộng đồng được gắn kết bởi một chuỗi hạt đeo cổ, một cái vòng tay, vòng chân. Ở các tộc theo chế độ mẫu hệ như người Churu, mọi quyền hành trong nhà đều nằm trong tay phụ nữ, nhất là người em gái út hoặc chị cả. Người dân coi những chuỗi vòng cổ, tay, nhẫn là biểu tượng cho uy quyền của gia tộc, nên cha mẹ luôn truyền lại cho con gái, chỉ có người đứng đầu mới được đeo, giữ gìn và vào dịp giỗ tết mới mang ra để mọi người chiêm ngưỡng.
Trang sức cũng luôn đi cùng các lễ tục. Một ví dụ là tục xâu lỗ tai và căng tai của người Tây Nguyên. Cứ đến tuổi cập kê, cả nam lẫn nữ đều xâu một đoạn nứa, gỗ, đá, bạc hoặc ngà voi qua dái tai làm lỗ tai rộng ra, dài hơn và xem đó là đẹp. Từ nhỏ, các bé gái đã đeo vòng tay. Ngược lại các em trai phải đợi tới khi 15 - 16 tuổi trong lễ trưởng thành. Sau khi gia đình giết gà, trâu, lợn, bày rượu cần, cơm lam cúng giàng, già làng bỏ một chiếc vòng tay vào bát tiết cho nó xoay một vòng, để tiên đoán hậu vận của chàng trai và đưa cho anh chiếc vòng đeo vào cổ tay, như một sự xác nhận với tổ tiên, làng bản anh đã trưởng thành.
Nam nữ các tộc người cũng có tục trao vòng cầu hôn, và khi trao tặng chiếc vòng đó cho ai thì coi như đã trao thân gửi phận cho người ấy. Ở người Ba na, khi yêu nhau, chàng trai cô gái sẽ trao tặng một cái vòng tay như một lời đính ước. Vì một lý do nào đó mà một bên chưa trả lại chiếc vòng thì không được kết hôn với người khác. Tương tự, ở người Chăm vào ngày cưới, sau khi khấn lễ, chú rể sẽ đeo vào cổ tay cô dâu một chiếc vòng có ba dấu khắc do anh làm, cô dâu cũng đeo vào cổ tay chú rể chiếc vòng có bảy dấu khắc.
Ngoài vòng, người ta cũng có thể trao nhau thứ khác làm tín vật. Ở người Xtiêng, vào ngày cưới, chú rể sẽ đeo một đôi khuyên tai cho cô dâu. Kể từ đây, người vợ sẽ không được tháo ra (chỉ trong trường hợp người chồng chết trẻ mới được tháo đôi khuyên chôn theo chồng). Khi còn nhỏ, các cô gái Thái đen đều để tóc dài nhưng khi lấy chồng, trong lễ tằng cẩu sẽ phải vấn tóc lên cao, cuộn lại bằng một sợi dây xà tích rồi cài cố định bằng một cái trâm. Đây không những là cách làm đẹp mà còn là nghi thức cho thấy cô gái đã có nơi có chốn, nam giới không được trêu ghẹo. Vào ngày hợp hôn, chú rể sẽ đem tới chiếc hộp đựng một cây trâm bạc để cô dâu cài lên tóc.
Nhằm tôn vinh vẻ đẹp trang sức, vào năm 2006, Bảo tàng phụ nữ Việt Nam đã trưng bày 1.000 hiện vật trang sức từ xưa đến nay của nam nữ các dân tộc trên cả nước, như Mường, Thái, Tày Nùng, Cao Lan, Hà Nhì, Mông, Chàm,… gồm vòng cổ, vòng tay, vòng chân, khuyên tai, nhẫn, kẹp tóc, trâm, gương, lược… Đa số đều bằng bạc trắng hoa xòe, phần nữa là bằng vàng, ngọc, đất nung, tre nứa, gỗ và hoa cỏ khô.
Dưới đây là một số kiểu trang điểm và trang sức của các tộc người
Nam nữ Ba na đều vấn tóc, cài lược hoặc cắm một chiếc lông chim trên búi tóc. Riêng phụ nữ còn buộc ngang đầu một dải dây ngũ sắc. Cả hai giới đều đeo ở tay những chiếc vòng xoắn, và ở cổ những chuỗi hạt cườm dài lõng thõng, nhiều khi là vòng bạc to. Thanh nữ thường đeo vòng cổ hạt cườm xanh, và dắt ở eo nhiều sợi dây cườm đa sắc. Nam giới cũng dắt ở thắt lưng một vòng cườm treo một cái hộp hình chữ nhật nhỏ bằng kim loại đựng mấy thứ lặt vặt như tẩu hút thuốc chẳng hạn.
Phụ nữ Bru Vân Kiều luôn mặc áo chàm đen, ở hai nẹp trước đính những đồng xu bạc. Họ cũng đeo vòng cổ hạt cườm, mã não hoặc nhựa to, mỗi chuỗi thường khá dài nên phải quấn thành hai, ba vòng nhỏ. Với họ, vòng hạt cườm hay hạt đá có ý nghĩa rất to lớn, thể hiện sự giàu có và sự gắn kết sâu sắc. Ngày cưới, chú rể đích thân đeo vào cổ cô dâu một chuỗi hạt. Họ cũng đeo vòng tay, vòng chân bạc để kỵ gió và trong cưới hỏi, nhà gái luôn thách cưới bằng một đôi vòng bạc.
Phụ nữ Cor thích đeo vòng hạt cườm, và một lúc từ dăm đến chục cái vòng cổ to nhỏ màu đỏ, vàng hoặc trắng. Ngoài ra, họ cũng đeo ở tay xâu hạt cườm, song quấn ít vòng hơn, quàng quanh cổ và đầu những chùm sợi sặc sỡ.
Phụ nữ Cống lại thích đeo vòng cổ bạc hình tròn và những chuỗi lục lạc. Họ thường đeo một chiếc tạp dề trước ngực đính nhiều quả chuông bạc và một dây lưng buộc nhiều xâu lục lạc nhỏ.
Nam nữ Cơ tu hay búi tóc và cài lông nhím, răng lợn rừng, xương thú. Một số nơi đội vòng tre hoặc dây rừng cắm lông chim…
Nam nữ Dao thích trang sức bạc, tuy nhiên người Dao đỏ còn thích bịt hai chiếc răng cửa bằng vàng, người Dao đen thì dắt trên thắt lưng một sợi dây treo nhiều chìa khóa, mở nắp hộp và bấm móng tay… Cả hai giới đều đeo vòng cổ. Riêng phụ nữ còn đeo hoa tai, đội khăn đính tiền xu, lục lạc, hạt cườm, hạt đá; phía trước ngực trang trí một dải yếm đính hoa văn hình hoa, cánh quạt, hình tròn hoặc con dấu vuông bạc.
Phụ nữ Hà Nhì cũng đeo vòng tròn bạc. Đặc biệt họ luôn đính trên tóc, mũ, khăn những chuỗi hạt cườm, hạt bạc, tiền xu và những bông tua màu rất đẹp.
Nam nữ Hrê đều đeo vòng cổ, vòng tay. Ở phụ nữ có thêm vòng chân và khuyên tai. Chủ yếu vòng cổ là hạt cườm hoặc đá nhỏ và vòng tay, chân bằng nhôm, đồng.
Phụ nữ Khơ mú đeo vòng cổ bạc tròn và vòng tay. Ngoài ra, họ còn mặc trang phục gắn hàng khuy bạc, ngang hông thòng một dây đai tết nhiều sợi bạc, vàng hoặc vỏ ốc. Người già đeo bông tai to có thể che cả vành tai.
Phụ nữ La hủ cũng giống phụ nữ Hà nhì chú trọng trang sức trên tóc, với những chiếc bờm và khăn đính hạt bạc và một sợi dây bạc rủ từ trên đầu xuống cằm để giữ chiếc khăn này. Phía sau gáy đính nhiều chuỗi hạt cườm và tua màu. Họ cũng đeo vòng cổ hạt cườm và trang trí trước ngực một dải đồng xu.
Người Mạ luôn đeo vòng xoắn ở cổ chân, cổ tay và những chiếc vòng to bản khắc những dấu hiệu của lễ hiến sinh, thần hộ mệnh và ý nghĩa cầu may. Người già xâu lỗ tai theo tục căng tai bằng những mảnh tre, gỗ, ngà to.
Phụ nữ Mảng ngoài đeo vòng cổ, và trên áo có hàng khuy bạc còn đeo chuỗi hạt cườm, chỉ màu và đồng xu bạc tết thành những tua dây trang trí quanh cổ và phấp phới trước ngực. Bông hoa tai của họ cũng là xu bạc đính chỉ màu.
Phụ nữ Mông rất chuộng khuyên tai. Thiếu nữ thường đeo mảnh khảnh một đôi khuyên, song người già đeo cùng lúc nhiều đôi khuyên tạo nên một đặc điểm dễ nhận dạng.
Phụ nữ Sán dìu cũng đeo vòng cổ và còn đeo một cái túi thêu hình múi bưởi trước ngực để đựng trầu cau và dao nhíp.
Phụ nữ Tà ôi đeo vòng đồng quấy thành nhiều khấc ôm lấy cổ chân và tay. Một chiếc vòng của họ có từ bảy, tám nấc trở lên, gần như mỗi nấc đánh dấu một độ tuổi hay một sự kiện của cộng đồng. Vòng cổ Tà ôi là những hạt đá hoặc nhựa to.
Người Tày có một vật làm đẹp khá đặc biệt, đó là một chiếc vòng bạc rất to và tròn ở cổ, ngoài ra là những chiếc vòng tay bạc và những đôi khuyên tai bằng vàng.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 331, tháng 1-2012
Tác giả : Chu Mạnh Cường