Người Hà Nội nói riêng, nhân dân cả nước nói chung, đã có nhiều người biết đến một Văn Miếu - Quốc Tử Giám cổ kính, trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Đây nguyên là nơi thờ Khổng tử, các bậc tiên thánh, tiên sư của Nho học. Từ sau năm 1070, Văn Miếu còn là nơi thờ Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An - người thày đáng kính của nền giáo dục Việt Nam. Sau thời Lê sơ, Văn Miếu được mở rộng thêm nơi học hành của các thái tử và trở thành Văn Miếu- Quốc Tử Giám như bây giờ.
Kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã có từ thời Lý. Diện mạo của ngôi trường đại học này được thay đổi qua các triều đại phong kiến, nhiều chi tiết, bộ phận kiến trúc được trùng tu song vẫn dựa trên tinh thần nền tảng của tư tưởng nhập thế Nho giáo.
Có thể nói, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một công trình kiến trúc độc đáo, nó không chỉ chứa đựng yếu tố văn hóa mà còn là thành quả sáng tạo tuyệt vời của người xưa với những tố chất tạo hình đậm đà phong cách dân tộc Việt Nam. Từ Tứ Trụ tới Văn Miếu môn, Đại Trung môn, Khuê Văn Các, Đại Bái, Điện Đại Thành (nơi thờ Khổng tử và tứ phối: Tử tư, Nhan tử, Mạnh tử, Tăng tử), đến Nhà Thái Học, nơi thờ thày Chu Văn An và 3 vị vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông, tất cả tạo nên một chu trình kiến trúc khép kín trong không gian mở. Toàn cảnh kiến trúc với dáng vẻ nhấp nhô của những hàng mái lợp ngói mũi hài với sắc nâu trầm như những cung bậc của một khuông nhạc trong không gian trầm mặc tĩnh tại của Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đó là sự kết hợp khéo léo giữa hệ thống kết cấu kiến trúc với cách thức trang trí trên cột trụ, đầu đao, mái vảy, trán bia… tạo nên nét đa phong cách của cụm kiến trúc trung tâm.
Trên tinh thần kế thừa ý tưởng giáo dục xưa kia, Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày nay được trang trí khá đẹp mắt. Từ tam quan đi vào, trên con đường theo trục bắc nam, hai bên có những câu đối chữ Hán thêm trang trí kết hoa sinh động:
Hưng học nhâm hiền. Trung thú hiếu đễ.
Học chính kinh truyền. Đạo trọng sư tôn.
Từ tứ trụ, tam quan đến Khuê Văn Các, bái đường… đều được hình thành trong tư duy thiết kế gắn chặt với tư tưởng Nho giáo và cùng với những văn bia, họa tiết trang trí tạo nên một chỉnh thể trọn vẹn. Trên gờ nóc Đại Trung môn có hình nậm rượu cuốn thư và lưỡng chép chầu hai bên kết hợp với hoa lá cách điệu tạo nên sự mềm mại, tinh tế. Chất liệu trang trí kiến trúc được gắn gốm màu kết hợp với kỹ thuật khắc chạm bằng các yếu tố nét, mảng, khối chắc khỏe, song không kém phần sinh động. Nói đến trang trí ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám thường không thể bỏ qua họa tiết hoa sen trang trí trên văn bia cổ ở đây, đó là một kiểu thức trang trí tinh tế giàu yếu tố văn hóa - nghệ thuật. Sen - biểu tượng của tinh thần Phật giáo - là loài hoa mang những phẩm chất thanh cao của nhà Phật song trong hệ thống kiến trúc và trang trí kiến trúc ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, sen lại thể hiện được rõ nét tinh thần Nho học. Đặc biệt những mảng chạm khắc hình hoa sen trên trán bia với sự thay đổi cách điệu về kiểu dáng, bố cục đã thể hiện nét tinh tế của người xưa muốn gửi gắm ý tưởng về những phẩm chất thanh sạch, tinh khiết, lưu giữ hương thơm của loài hoa quý. Phải chăng đây chính là cách so sánh ẩn ngầm về phẩm chất của các bậc hiền nhân được ghi danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Về chất liệu kiến trúc cơ bản mang tính chất cổ kính, bền chắc. Không gian kiến trúc nội tự Văn Miếu - Quốc Tử Giám được ngăn cách với vườn Giám và không gian bên ngoài bằng tường gạch vồ; gồm 5 lớp không gian, mỗi lớp được giới hạn bởi các tường gạch và có các cửa thông nhau, một cửa chính giữa và hai cửa phụ hai bên với các kiến trúc chủ thể là: cổng Văn Miếu, cổng Đại Trung, Khuê Văn Các, cổng Đại Thành, khu điện thờ, cổng Thái Học và kết thúc là khu Thái Học. Phía trước Văn Miếu môn là tứ trụ (nghi môn) và hai tấm bia hạ mã hai bên, đó là mốc ranh giới chiều ngang phía trước mặt cổng. Xưa kia dù công hầu hay khanh tướng, dù võng lọng hay ngựa xe hễ đi qua Văn Miếu đều phải xuống đi bộ ít nhất từ tấm bia hạ mã bên này sang tới tấm bia hạ mã bên kia mới lại được lên xe lên ngựa.
Đặc biệt, tứ trụ trước Văn Miếu môn được xây bằng gạch, hai trụ giữa được xây cao hơn, trên có hình 2 con nghê chầu. Hai trụ ngoài đắp nổi 4 con chim phượng xòe cánh chắp đuôi nhau. Trên tứ trụ có đắp đôi câu đối chữ Hán. Văn Miếu môn là cổng tam quan phía ngoài, cổng có ba cửa, cửa giữa cao to và xây 2 tầng. Tầng trên có ba chữ (Văn Miếu môn), kiểu dáng kiến trúc Văn Miếu môn mang nhiều nét độc đáo, nhìn bên ngoài tam quan là 3 kiến trúc riêng biệt. Phía trước cổng tam quan là đôi rồng đá cách điệu thời Lê, bên trong là đôi rồng đá thời Nguyễn. Hai mặt cổng tam quan phía ngoài có hai câu đối (không rõ niên đại).
Từ cổng chính Văn Miếu môn, vào không gian thứ nhất gọi là khu nhập đạo, theo đường thẳng tới cổng thứ hai là Đại Trung môn. Ngang hàng với Đại Trung môn bên trái có Thành Đức môn, bên phải có Đạt Tài môn. Bức tường ngang nối ba cửa vươn dài ra hai bên tới tận tường vây dọc bên ngoài. Hai bên tả hữu của cả khu Văn Miếu, cùng với tường ngang nơi Văn Miếu môn tạo thành một khu hình vuông có tường khép kín. Cửa Đại Trung môn được làm theo kiểu 3 gian, xây trên nền gạch cao, có mái lợp ngói mũi hài, có hai hàng cột hiên trước và sau, ở giữa là hàng cột chống nóc. Gian giữa cổng treo một tấm biển nhỏ đề 3 chữ sơn then Đại Trung môn.
Con đường thẳng từ Văn Miếu môn tới Đại Trung môn vươn dài thẳng tiếp tới Khuê Văn Các là một lầu vuông tám mái, bao gồm bốn mái thượng và bốn mái hạ, cao gần chín thước. Gác dựng trên một nền vuông cao cân xứng có lát gạch Bát Tràng, mỗi bề có chiều dài là 6,8 mét. Để bước lên được nền vuông này phải đi qua ba bậc thang đá. Kiểu dáng kiến trúc Khuê Văn Các rất hài hòa và độc đáo. Tầng dưới là 4 trụ vuông, mỗi cạnh của trụ có chiều dài 1 mét và trên các mặt trụ đều có chạm trổ các hoa văn mây, lá cách điệu rất tinh xảo. Tầng trên, kiến trúc gỗ sơn son thếp vàng trừ mái lợp và những phần trang trí góc mái hoặc trên bờ nóc là bằng chất liệu đất nung hoặc vôi cát có độ bền cao với các môtíp hoa lá cách điệu. Trên bờ nóc có đôi rồng chầu chạm khắc với các đường nét mảnh nhỏ, cách điệu cao, kết hợp với hoa văn mây lưỡi lửa đậm nét phong cách trang trí thời Lê. Sàn gỗ có chừa 2 khoảng trống để bắc thang lên gác. Bốn cạnh sàn có diềm gỗ chạm trổ hoa lá, mây trời một cách tinh vi. Bốn góc sàn có lan can con tiện cũng bằng gỗ. Bốn mặt tường bịt ván gỗ, mỗi mặt đều làm một cửa tròn có những thanh gỗ chống tỏa ra bốn phía. Cửa và những thanh gỗ chống tượng trưng cho sao Khuê và những tia sáng của sao. Mé trên sát mái phía cửa ngoài vào treo một biển sơn son thiếp vàng 3 chữ Khuê Văn Các.
Gác Khuê Văn, gác nhỏ, kiến trúc giản dị nhưng tao nhã và hàm chứa văn hóa sâu sắc. Theo Kinh dịch những con số lẻ (1, 3, 5, 7, 9) thuộc về dương, biểu hiện sự sinh sôi nảy nở và phát triển, Khuê Văn Các có 8 mái là bát quái, có thêm 1 nóc ở trên là 9, số cửu trù, số cực dương. Theo quan niệm xưa, giếng Thiên quang hình vuông tượng trưng cho mặt đất, cửa sổ hình tròn của gác Khuê văn tượng trưng cho bầu trời, có ý nói nơi đây là nơi tập trung mọi tinh hoa của trời đất, có ý tưởng đề cao trung tâm giáo dục văn hóa Nho học Việt Nam (1). Đó là sự kết hợp chỉnh chu của trời và đất, của vuông và tròn trong quy luật hài hòa âm - dương. Ngoài ra, lớp kiến trúc này còn có cửa Bí văn và cửa Súc văn. Cửa Bí văn kết thúc con đường lát gạch nhỏ chạy từ cửa Thành Đức bên trái, Bí văn được hiểu nghĩa là trang sức nên vẻ đẹp - văn chương trau chuốt sáng sủa. Cửa Súc văn kết thúc con đường lát gạch nhỏ chạy từ cửa Đạt Tài bên phải, Súc Văn được hiểu nghĩa là văn chương hàm súc phong phú, có khả năng nuôi dưỡng vẻ đẹp của tâm hồn. Hai cửa này cùng với gác Khuê Văn dẫn tới Thiên Quang Tỉnh và hai vườn bia tiến sĩ tạo nên một thể thức kiến trúc khép kín.
Thiên Quang tỉnh (giếng soi ánh sáng bầu trời) còn được gọi là Văn Trì (ao văn). Thiên Quang nghĩa là ánh sáng bầu trời. Giếng hình vuông, quanh bờ đều xây hàng lan can tới độ ngang lưng. Người xưa muốn gửi gắm quan niệm giếng hình vuông tượng trưng cho đất, cửa tròn gác Khuê Văn tượng trưng cho trời là sự kết hợp hoàn hảo tinh hoa của cả trời và đất.
82 tấm bia tiến sĩ dựng ở hai bên phải trái của giếng Thiên Quang, mỗi bên 41 tấm dựng thành 2 hàng ngang, mặt bia đều quay về phía giếng. Cả hai bên, giữa mỗi vườn bia xây một tòa đình vuông, 4 mặt bỏ trống, nền cao, giữa nền có bệ, cửa đều trông thẳng xuống giếng. Đây là hai tòa đình thờ bia.
Trong số các bia đá tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, người ta phân theo các nhóm trang trí trán bia với các phong cách khác nhau: “Từ 1484-1536, 14 bia có kích thước bia nhỏ, trán bia khác hình hoa lá, mây, trăng, rùa đầu ngẩng cao, dáng mỏ chim, khối tròn chải chuốt. 25 bia từ 1653 trán bia có hình rồng chầu mặt nguyệt, rùa cổ rụt, đầu hơi chúc, mặt bẹt, sống mũi nâng cao. 43 bia 1714-1780 điêu khắc chạm khắc sinh động. Rùa đá cổ ngắn, mai vồng lên, có gò sống lưng chạm hình 6 cánh” (2). Riêng văn bia năm 1602 có trang trí diềm trán bia với hình 2 phượng chầu mặt nguyệt, tạo thành điểm phá cách cho hệ thống trang trí bia đá tại khu Văn Miếu. Ngoài hệ thống trang trí và những lớp kiến trúc trong nội tự Văn Miếu - Quốc Tử Giám, vẻ đẹp của Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn được tôn thêm bởi hệ thống tượng tròn; tuy không nhiều nhưng những tác phẩm đặc tả chân dung thày Chu Văn An, 3 vị vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông tại khu Thái Học đã thể hiện nét độc đáo của nghệ thuật điêu khắc, trang trí ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói riêng.
Nhìn chung, yếu tố nghệ thuật trong hệ thống trang trí - kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nguồn vốn cổ phong phú, vô tận… khơi nguồn sáng tạo cho những ai đam mê nghệ thuật truyền thống dân tộc. Có thể nói Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi chứa đựng những giá trị văn hóa độc đáo, nơi ghi danh các bậc hiền tài đất Việt, nơi ngàn đời lưu giữ vẹn nguyên nguyên khí của một quốc gia giàu truyền thống văn hóa… là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
_______________
1. Nguyễn Quang Lộc - Phạm Thúy Hằng, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Thăng Long - Hà Nội, Nxb Hà Nội, 2009, tr.21.
2. Trích lời dẫn in trên bảng giới thiệu bia tiến sĩ tại Văn Miếu.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 337, tháng 7-2012
Tác giả : Đào Thị Thúy Anh