Bình Định là một vùng đất giàu truyền thống thượng võ với hào khí Quang Trung bất khuất. Người Bình Định học võ để tự vệ, để giúp ích cho người, cho xã hội chứ không phải để ỷ tài hiếp yếu, trái với đạo làm người. Bản chất cái đạo của người học võ là hết sức nhân văn. Nói về quan hệ giữa văn và võ, cha ông ta có câu: “Văn không võ, văn nhu nhược/ Võ không văn, võ bạo tàn, Võ văn hai chữ tương quan/ Lục thao, tam lược xứng hàng hùng anh” (Ca dao).
Võ không văn, võ bạo tàn
Người học võ mà có được một tâm hồn nghệ sĩ thì đòn tung ra sẽ điêu luyện và nhân bản hơn. Trong xu thế mở cửa giao lưu và hội nhập hôm nay, điều này càng trở nên cần thiết. Các võ sinh khi hành đạo trên đời phải có văn hóa, phải xác định cho được điểm dừng pháp luật, tuyệt đối không được xâm phạm tính mạng con người. Và tất nhiên họ chỉ dùng đòn tối hậu với kẻ thù chứ không dùng với đối thủ. Đã qua lâu rồi cái thời phải kê quan tài dưới sàn đài, trao sinh tử trang cho đối thủ. Mọi động tác xâm phạm tính mạng con người đều phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.
Đứng trên lĩnh vực võ học, võ đạo, chúng ta có thể thấy tinh thần kỷ luật của quân đội Tây Sơn trong tâm thức là phần người nhất nằm trong hai chữ con người. Đó là lễ, là đạo là những giá trị nhân văn tích tụ lại từ ngàn xưa. Người học võ cần có đức hiếu sinh để mở rộng lòng mình cho sự sống rào rạt trong từng đường gân, thớ thịt. Các động tác lập tấn, khiêm nhu trầm mình, mắt nhìn thẳng, lòng rộng mở bái tổ, kính huynh đệ đã nói lên đầy đủ vẻ đẹp nhân tâm của người học võ. Sau khi đúc kết các chiêu, phân thế, chỉ rõ các đòn, thế đánh, các võ sư xếp lại thành một bài võ, rồi dùng thơ ca diễn tả một cách hào hùng. Đó là các bài thiệu, thực chất là các bài thơ võ. Nét độc đáo của võ cổ truyền Bình Định là ngoài các kỹ thuật căn bản ra đều có lời thiệu diễn tả phương cách tấn công, phòng thủ phản đòn, biến thế, phác họa thế trận trong đó ẩn chứa triết lý nhân văn sâu sắc. Lời thiệu có thể là thơ hay phú chữ Hán, chữ Nôm hoặc quốc ngữ. Võ thuật truyền lại cái tâm huyết của một đời người. Nó chau chuốt cô đúc như vậy cho nên phải tìm đến sự hàm súc của thơ Đường như một tất yếu. Bài phú võ là một bài thơ gồm các câu 6, câu 8, phép niêm vận, luật bằng trắc mang đầy tính nhạc. Khi âm điệu vang lên thì sự hào hùng của khí phách ngàn xưa cũng vọng về… Khi võ sư đọc thiệu thì tất cả võ sinh đọc theo, đọc đến đâu múa theo đến đó nên tạo được rất nhiều sự hưng phấn cho người đọc. Có nhiều bài thiệu mới đọc lên cái tên thôi cũng đã thấy vẻ đẹp của sự tài hoa: ngọc trản (chén ngọc), tiên ông phá thạch, thần đồng, phượng hoàng… Trong những bài thiệu đó, lời thiệu bài hùng kê quyền là bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú được coi như kinh điển: Lưỡng kê giao nạp thủy tranh hùng/ Song túc tề phi trảo thượng xung/ Trấn ải kim thương như bạch hổ/ Thủ quan ngân kiếm tựa thanh long/ Xuyên hầu độc tiễn tàng ư trác/ Hồi thủ đơn câu thụ tự hung/ Khiên, tẩu, dược, trầm thiên sở tứ/ Nhu, cương, cường, nhược tận kỳ trung. Hùng kê quyền được mô phỏng theo những động tác của con gà trống chọi nhau. Tương truyền bài hùng kê quyền do Nguyễn Lữ, anh em nhà Tây Sơn, sáng tạo qua việc khái quát các thế chiến đấu của những con gà chọi trong một cuộc chọi gà rồi áp dụng huấn luyện cho nghĩa quân dùng trong việc binh chống quân Thanh vào cuối TK XVIII. Lời thiệu miêu tả đôi gà từ khi so cổ chuẩn bị đá cho đến lúc xung trận, gài thế nhau với những ngón đòn linh hoạt. Bài thiệu sử dụng nghệ thuật đối hết sức điêu luyện, và rồi kết lại bằng một triết lý nhân sinh: Khiêu, tẩu, dược, trầm thiên sở tứ/ Nhu, cương, cường, nhược tận kỳ trung (Nhảy, chạy, luồn lách, hụp lặn là các thế do trời ban phát/ Mềm, cứng, mạnh, yếu, tất cả đều hàm chứa ở trong đó cả). Bài quyền răn dạy ta một cách sống không nên máy móc, không ỷ lại vào những gì thiên phú mà cần phải linh hoạt tùy cơ ứng biến lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, dùng yếu thắng mạnh. Hùng kê quyền là bài võ hội đủ những tố chất tiêu biểu của người Việt Nam. Con gà trống có hai cựa, mang dáng oai vệ của một võ tướng nhưng cũng có cái mào trên đầu như cái mũ quan văn. Nó không khiếp sợ kẻ thù đó là dũng, chiến đấu khôn ngoan là trí, khi gặp mồi thường gọi cả đàn cùng ăn đó là Nhân. Mỗi bài thơ sống được là nhờ cái tứ, cái tứ như thể là thế võ trong một bài thơ. Khi tứ thơ khởi sắc, thế võ ấy bật lên thì bài thơ sẽ trường tồn. Trong võ thuật, vẻ đẹp mềm mại của thơ ca cũng làm cho các thế đánh trở nên tài hoa và điêu luyện.
Bình Định là miền đất võ nhưng cũng là vùng trời văn. Lúc gây dựng sự nghiệp, Tây Sơn tam kiệt đều thụ giáo các bậc thày cả văn lẫn võ, hấp thụ lấy tinh hoa mà tạo lập cơ đồ. Đến đời Nguyễn, Bình Định được chọn là nơi tổ chức trường thi võ. Võ sinh đi thi phải thi các môn thao lược binh thư đồ trận. Huấn luyện và tổ chức quân đội phải có người văn võ kiêm toàn học rộng, vừa giỏi về côn quyền vừa giỏi binh thư. Nếu tướng chỉ biết võ thì phải kèm theo một quan văn bên cạnh. Các tướng nhà Tây Sơn không chỉ có võ nghệ xuất chúng mà còn có tài năng văn chương và một tâm hồn nghệ sĩ. Xung quanh Nguyễn Huệ, có thể kể đến Trần Quang Diệu, Ngô Thời Nhậm, Võ Văn Dũng, Bùi Thị Xuân, Ngô Văn Sở… Chính họ đã để lại một gia tài văn học thời Tây Sơn tương đối đồ sộ. Ngoài yếu tố lịch sử, giáo dục lòng yêu nước, cùng với nghệ thuật chiến đấu hiệu quả, đặc thù của võ cổ truyền Bình Định còn là những áng văn chương trác tuyệt, ẩn tàng triết lý nhân sinh sâu sắc. Mạch ngầm thượng võ Bình Định đã tìm đến và bén duyên với văn chương. Văn là vẻ đẹp, chương là vẻ sáng, văn chứa đạo, võ chứa đức. Văn cũng như võ đều làm phát sáng những vẻ đẹp nhân tâm.
Khơi nguồn văn hóa
Sau những năm tháng chinh chiến, cha ông ta có điều kiện ghi lại những kinh nghiệm xương máu thành những bài võ. Mỗi hình ảnh của các chiêu thức ấy đều lấy ra từ những tích cổ của nền văn hóa phương Đông. Các bậc tiền nhân mượn hình ảnh của loài vật trong địa chi và trong tứ linh để đặt tên cho các bài võ. Việc làm đó gọi là thảo. Thảo trong võ thuật có hai dạng là thảo bộ và thảo roi. Thảo bộ là bài tập về tay không và thảo roi là bài tập với cây gậy, cây côn. Thảo là lối viết rất nhanh, bay bướm, là một trong bốn thế viết thư pháp: lệ, chân, triện, thảo. Trong thư họa, thảo là nét vẽ, nét hoa. Do đó khi luyện tập một bài thảo, thì chắc chắn đó là một bài võ hài hòa, uyển chuyển, nhanh nhẹn, linh hoạt, đẹp đẽ mang đậm hồn cốt dân tộc khác với các môn võ trên thế giới. Có lẽ vì vậy mà người ta thấy người Bình Định đánh võ mà như múa. Múa trong hát bội không tách rời võ cổ truyền Bình Định. Người ta nhận ra trong các động tác múa nền tảng võ thuật đã được cách điệu rất chau chuốt. Đào kép chỉ thực sự xuất sắc nếu có được sự hiểu biết cơ bản về võ thuật. Cũng vì vậy mà ông tổ hát bội Đào Tấn yêu cầu học trò: “Kép hát phải biết võ nghệ mới được”. Trong hội hè đình đám ở Bình Định thường không thể thiếu hát xướng và võ thuật. Nói đến những lễ hội tràn đầy tinh thần thượng võ trên đất Bình Định, người ta nghĩ ngay đến lễ hội Tây Sơn.
Võ sư Trần Xuân Mẫn, nguyên ủy viên Ban kỹ thuật Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam cho rằng: “Nói đến nhân văn là nói đến việc lấy con người làm nền tảng, có nghĩa là phải nhân bản. Thứ đến, nhân văn bao giờ cũng hướng tới cái chân, thiện, mỹ, hướng tới sự xây dựng con người trung thực (chân), xây dựng con người ngày càng tốt hơn về cái bên trong (thiện), đẹp hơn về cái bên ngoài (mỹ). Khi muốn tìm hiểu võ cổ truyền Bình Định, phải lưu ý đến các yếu tố võ triết, võ đức và võ thuật. Võ triết thể hiện nhân sinh quan của môn võ. Võ đức thể hiện mục tiêu hướng thiện của môn võ. Võ thuật thể hiện cách lý giải biện chứng những kỹ thuật tự vệ phát triển hợp quy luật nhằm giúp con người tự hoàn thiện mình về cả thể chất và tinh thần”.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 320, tháng 2-2011
Tác giả : Phạm Văn Học