VẺ ĐẸP NHÂN VĂN HỒ CHÍ MINH TRONG THƠ CHẾ LAN VIÊN

Đã có nhiều tuyển tập thơ dâng Bác chọn lọc được nhiều thơ hay của đông đảo người sáng tác trong và ngoài nước với những khuynh hướng và phong cách nghệ thuật đa dạng. Cũng đã có những tập thơ riêng của những nhà thơ lớn thể hiện thành công hình tượng toàn vẹn Hồ Chí Minh. Song có thể nói, Chế Lan Viên là một trong số ít nhà thơ cảm nhận và thể hiện thành công suất sắc nhất vẻ đẹp nhân văn lãnh tụ và tư tưởng chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.

1. Hồ Chí Minh - trái tim bao la

Sau khi tìm đường cứu nước, Người trở về với tư cách người mở nước và cũng là người dựng nước với Tuyên ngôn độc lập thể hiện tư tưởng nhân đạo cách mạng vô cùng lớn lao, mang tính thời đại. Khẳng định quyền được sống, được tự do, bình đẳng, được mưu cầu hạnh phúc của dân tộc Việt Nam, Tuyên ngôn độc lập chính là tuyên ngôn nhân đạo và chính nghĩa của một dân tộc mang sức mạnh kiên cường, nhân đạo truyền thống. Người đại diện công bố, Hồ Chí Minh, là nhà cách mạng nhân văn lỗi lạc...

Hồ Chí Minh là một lãnh tụ mang tính dân tộcnhân dân sâu sắc, một lãnh tụ cách mạng kiểu mới xuất hiện trong một quan hệ độc đáo Việt Nam: quan hệ thân thiết, ruột thịt trong đại gia đình dân tộc.

Bậc đại nhân từ, đại nhân đức

Hồ Chí Minh xứng danh là con người mang chữ nhân lớn. Đó là con người nhân hậu từ tấm bé. Thuở thiếu thời, trong lòng cậu Nguyễn Sinh Cung đã sớm nảy nở tình yêu gia đình, làng xóm. Sau 50 năm đi hoạt động cách mạng trở về thăm quê lần đầu đã có bao xúc động nghĩa tình, lãnh tụ còn nhớ như in cảnh xưa, tình cũ từ bạn bè tuổi nhỏ đến thày giáo, người vỡ lòng chữ nghĩa, đạo lý; nhớ từ buổi câu cá giếng cốc đến bữa chơi diều núi Chung. Người hỏi thăm cả đôi mộ cổ góc vườn vắng chủ đến kíp lò rèn heo hút nơi xóm vắng. Có thể nói từ tình yêu quê hương đã nảy nở mạnh mẽ lòng yêu nước thiết tha ở nhà cách mạng tương lai. Quê hương đất nước đã quyện hòa trong tình yêu tuổi trẻ. Trong hình hài đất nước ngày mai có “một góc quê hương, nửa đời quen thuộc… cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà”(1).

Là người nhân đức, Bác Hồ trước sau bao giờ cũng là con người gắn bó máu thịt quê hương đất nước tình nghĩa một đời:

Đi khắp năm châu về đậu bến sông Hồng

Nghe trăm giọng, giọng làng Sen Bác nhớ

Và anh linh của Người vẫn quấn quýt nơi chôn rau, cắt rốn:

Người đã hóa hương sen/ Trở về cái làng Sen muôn thuở

Yêu thương đồng bào như một tất yếu của trái tim nhân từ Hồ Chí Minh. Nhà thơ Chế Lan Viên với tư duy phân tích sắc sảo đã biểu hiện tấm lòng thương cảm đặc biệt của Bác Hồ. Đó là nỗi đau sâu thẳm của người cùng cảnh ngộ, cùng thân phận. Trái tim bao la Hồ Chí Minh đã ôm trọn đồng loại và mọi kiếp người.

Xưa kia, trong cảnh đất nước còn bị cầm tù trong ách đô hộ, Người yêu thương những cuộc đời tăm tối cần lao đã từng bưng bát cơm mồ hôi nước mắt, miếng ăn chan đẫm nhọc nhằn, khổ ải; những kiếp đói nghèo bỏ xác bên đường ray nơi đất nước đầy tiềm năng của cải bị cướp đoạt mỏ thiếc, mỏ than, rừng vàng, bể bạc…

Trong thời kỳ dựng nước và giữ nước, ba mươi năm của sự nghiệp chiến tranh nhân dân chống xâm lược và kiến thiết hòa bình, Hồ Chí Minh đã sống cuộc đời cách mạng tuyệt vời trong lòng dân tộc với tư thế hết sức tiêu biểu vị tướng lớn người trồng cây.

Có được sự cảm thông da diết: Thương người Mán trên non cao sương buốt đêm dày bởi Người đã từng lạnh cóng quét tuyết giữa giá băng... Rồi sau này trong hoạt động bí mật: “Dân tộc rét chưa che Người đủ ấm/ Hang đá này Bác đắp chiếc chăn sui/ Khớp xương buốt vì hơi rêu lạnh thấm”. Ngược lại là nghịch cảnh nóng bức: “Thương hè đến, phố phường chật chội/ Dân còn phải ra ngủ hè lắm muỗi”. Chắc hắn Người liên tưởng tới nỗi bức xúc, khổ cực những ngày bị tù đày... Cái nóng, lạnh của thiên nhiên đã như hun nóng và làm tê cóng trái tim cảm thương của lãnh tụ. Đã từng thiếu đói khi thất nghiệp trong cuộc kiếm sống ở trời Tây, mỗi ngày chỉ ăn một bữa, nên Người, hơn ai hết, thấu hiểu giá trị của hạt gạo. Tự tay Người nêu gương tiết kiệm, phát động xây dựng hũ gạo cứu đói trong toàn dân: “Bởi vì Người đã đói mọi cơn đói ngày xưa/ Vì Người đã chết hai triệu lần năm đói bốn nhăm khủng khiếp”. Những dòng chỉ thị, công văn như máu huyết tuôn chảy từ trái tim nhân hậu: “Nhắc Ban Bí thư chăn mùa đông cho cháu nhỏ… Dặn bớt phần gạo mình để góp quỹ đồng tâm”. Đâu chỉ là giấy tờ. Đó là những con chữ tạo nên sự sống trong ý nghĩa sinh động, thiết thực vô cùng cao quý lớn lao của tình thương lãnh tụ. Có thể gọi đó là chính trị nhân văn hay chính sách vì con người.

Một nét đặc sắc của trái tim Hồ Chí Minh là sức chứa đựng vô hạn, kể cả gánh chịu nỗi đau của đồng bào, của những phận người, những kiếp sống... Người đau nỗi đau lớn như đức Phật gánh chịu khổ ải, trầm luân nhân gian. Tuy nhiên, do thấu hiểu triết lý đạo Phật nên Người đã tìm ra con đường để giải thoát khổ đau. Đó là sự kết hợp từ bi và thông tuệ, trái tim và khối óc. Đó là sự tìm ra con đường để phát huy tình thương yêu, lòng bác ái, nhân từ bằng hành động vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Và hoạt động cách mạng của Người chính là sống theo đức hạnh cao nhất. Triết lý hành thiện cao cả biến thành hành động cứu khổ, cứu nạn có tính chất cách mạng.

Bằng sự tưởng tượng kỳ diệu, Chế Lan Viên như còn chiêm nghiệm được nỗi niềm thao thức Hồ Chí Minh:

Bác nằm đây lòng động đến trăm nơi

Sóng nào rách châu Phi, sóng nào đau châu Á,

Mỗi con sóng đau thương trên bể loài người

Đều chấn động trái tim người thủy thủ

Di chúc cũng thể hiện sự phiền lòng của Người về phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, mong muốn sự hòa giải, hòa hợp có tình, có lý, sự xích gần lại những trái tim vì nghiệp lớn cách mạng giải phóng con người.

Hành trình Hồ Chí Minh trong đời hoạt động cách mạng là một hành trình huyền thoại, một đời người vất vả ăn không ngon, ngủ không yên vì dân vì nước. Trái tim nhân văn trăn trở không nguôi vì khát vọng độc lập, thống nhất cho tổ quốc và tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Đã có bao nhiêu đêm huyền thoại - đêm không ngủ vì con người của Hồ Chí Minh. Hoặc như bao nhiêu đêm không ngủ được. Người trằn trọc băn khoăn, năm canh thao thức trong giấc mơ cứu nước:

Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước

Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà

Thời ở Pác Bó, Người từng có những đêm trắng. Những tháng ngày kháng chiến, “Bác thương đoàn dân công/ Đêm nay ngủ ngoài rừng”, Bác thương đoàn quân chiến trận “súng trĩu nặng vượt dốc cao nghìn thước”. Cũng có khi Bác ít ngủ, hoặc khó ngủ, ấy là tâm thức của nhà thơ nghệ sĩ không thể cầm được trước cảnh đẹp một đêm trăng thơ mộng. Nhưng chủ yếu là “chưa ngủ vì do nỗi nước nhà”. Và đây là một giải thích thơ, một định nghĩa thơ kỳ diệu: Đêm nay Bác không ngủ/ Vì một lẽ thường tình/ Bác là Hồ Chí Minh. Việc lớn là vậy: yêu nước, thương dân. Có việc vì một cá nhân cũng phải băn khoăn, day dứt vì mang ý nghĩa nhân sinh đặc biệt. Thời kháng chiến, Bác đã trăn trở suốt đêm để ký duyệt y bản án tử hình Trần Dụ Châu, sĩ quan quân đội phạm tội tham ô lớn. Cân đi, nhắc lại một quyết định cuối cùng về sống chết một sinh mệnh, Chủ tịch nước có thể ký lệnh ân xá cũng có thể quyết định tội chết. Loại trừ một cá nhân khỏi đồng loại trên thế gian này nếu giết một người (khiến cho) vạn người sợ việc xử chết ấy có ý nghĩa răn đe, phòng ngừa tích cực. Phải chăng đã có sự hạ bút đầy khó khăn, nặng nề, xót xa của một lãnh tụ quyền uy tối cao. Và đã có một đêm trắng - đêm thức trắng của trái tim nhân văn Hồ Chí Minh.

Trái tim của Người sẻ chia cho tất cả nhưng cũng có ưu tiên, ưu đãi. Ấy là, lúc này lúc khác, nơi này nơi khác, ở những hoàn cảnh nào đó, Người chú tâm hơn vào một đối tượng cụ thể.

Hình như do thân phận riêng, sớm côi cút, thiếu tình mẫu tử, Người thường dành nhiều thương cảm cho những bà mẹ, những người phụ nữ nghèo khó, vất vả tảo tần. Tết đến, Người thường đến thăm và tặng quà những người không có tết. Đêm 30 tết năm hòa bình đầu tiên (1955), Người đến thăm và tặng quà một chị công nhân vệ sinh, “thương cảnh thiếu bánh tét, bánh chưng trên bàn thờ tết đến”. Bác đặc biệt ưu ái các cháu nhi đồng, thiếu niên, nhất là vào các dịp khai trường, tết Trung thu “chỉ có vầng trăng chia đều chia cháu nhỏ”. Và vô hạn tình thương yêu cho thế hệ đời sau, cho tất cả: “Ôi muôn vàn tình thương yêu tỏa ra từ lúc ấy/ Muôn vàn tình thương yêu tràn lên khắp núi sông (Di chúc của Người).

Có lý do chính đáng để Người dành nhiều tình cảm thân thương nhất, da diết nhất với đồng bào miền Nam: “Ai gian khổ nhất thì Người thương mến nhất…/ Bác nhìn đau đáu mũi Cà Mau giờ nhắm mắt (Bác vẫn còn đây).

Nhưng trên hết, bao trùm nhất là nhân dân. Nhân dân thần thánh là hiện thân con người mà Hồ Chí Minh tôn thờ. Suốt đời yêu mến, kính trọng nhân dân, suốt đời mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân, khi ra đi, Người có một ân hận, một nuối tiếc lớn là vì “không còn được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa” (Di chúc). Quan điểm nhân dân là cốt lõi trong tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh.

         Tấm lòng khoan hòa đại độ

Là hiện thân của tình yêu thương lớn, Người cũng là hiện thân của lòng bao dung trời bể, nhất là với những thân phận lầm lỡ:

Tình thương của Bác Hồ như bóng mát cây xanh

Tỏa đến đâu che lòng ta đến đó

Trong cuộc đại đoàn viên dân tộc, “trăm vết bỏng trong hồn và vết nhơ trên má”, một lớp người sẽ được tẩy rửa, chữa trị bằng tình thương tổ quốc... Đó cũng chính là tình thương kỳ diệu của Bác Hồ, tình thương được tiếp mạch từ suối nguồn nhân ái xa xưa. Với lòng độ lượng khoan dung lớn lao, trong Di chúc, Người còn căn dặn phải kết hợp giáo dục với luật pháp để cải tạo, giúp đỡ nạn nhân của xã hội cũ trở thành những người lao động lương thiện trong cuộc sống mới. Đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại là châm ngôn đầy tính nhân đạo của con người Việt Nam. Đã có giai thoại được truyền tụng về lòng nhân ái của Bác Hồ đối với tù binh Pháp ở Mặt trận Biên giới 1950. Một cử chỉ bình thường nói lên tư tưởng cao cả của vị tư lệnh tối cao Hồ Chí Minh. Thấy một tù binh áo rách tả tơi, Người bảo đồng chí phục vụ lấy một cái áo trong ba lô đem ra cho. Việc lớn là chính sách khoan hồng. Theo chỉ thị của Người, chúng ta đã thả tù binh hàng loạt giữa cuộc kháng chiến chống Pháp, một sự kiện hy hữu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh trên thế giới. Khoan dung như trời biển chính cũng vì tin tưởng mãnh liệt vào chính nghĩa và lương tri con người. Tư tưởng lớn đại đoàn kết của Hồ Chí Minh cũng xuất phát từ trái tim nhân ái vô hạn.

2. Hồ Chí Minh - một con người, người nhất

Khi Bác Hồ ra đi, trong nỗi đau vô hạn, tổ quốc khóc người cha: “Đóa hoa sen mặt đất tỏa hương trời/ Hương nhân ái thấm vào hồn ta mãi”. Đây là một tôn vinh tuyệt vời của Chế Lan Viên…

         Trái tim vô biên đâu phải vô tình

Hồ Chí Minh là bậc đại nhân chính vì Người đã sống rất người, người nhất. Là con người, Người đã sống hoàn toàn như một người bình thường, có đầy đủ tính cách người, tính chất người, trải nghiệm đủ tình người.

Từ nhỏ, cậu Nguyễn Sinh Cung đã sống trong tình bạn thân thiết, yêu mến bạn bè. Sau 50 năm về thăm quê, Bác còn thăm hỏi những người thân quen từ thuở thiếu thời: bạn thả diều, bạn câu cá… Những năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đã gắn bó với bao bạn bè chiến đấu. Khi trở thành Chủ tịch nước, Người vẫn giữ được mối thâm giao, tình xưa nghĩa cũ. Trong số bạn bè quốc tế có những văn nghệ sĩ, chính khách, những chiến sĩ hòa bình có uy tín và tiếng tăm: Henri Barbusse, Saplin, Picasso, Loseby, các nhà hoạt động chính trị Nêhru, Chu Ân Lai, Vorosilov …

Gần năm chục bài thơ chữ Hán về đề tài bằng hữu Hồ Chí Minh làm ở Trung Quốc khiến ta thấu hiểu tình cảm bạn bè quốc tế của Người trong quan hệ với con người nhân loại của một nhà nhân văn cách mạng lớn.

Điều quan trọng nhất là từ một tình cảm bình thường ấy qua Người trở thành tình cảm lớn. Hồ Chí Minh chính là người, từ rất lâu, đã khai mở tình hữu nghị quốc tế, là người bạn của trận tuyến những con người cùng khổ bị áp bức bóc lột, liên kết, sát cánh với nhau để đấu tranh tự giải phóng, xây dựng một xã hội mới dân chủ, tự do. Người là hiện thân của tư tưởng nhân văn cao cả, một minh triết tình nghĩa.

Cũng từ tấm bé ta đã thấy một tâm hồn trẻ thơ thấm đẫm tình cảm gia đình. Mồ côi mẹ từ nhỏ, cậu Cung là người khát khao tình mẫu tử. Lớn lên đi học theo cha, Người đã chứng tỏ là một đứa con có hiếu. Nhưng khi lớn lên, hiểu biết, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành thấy rõ phải báo đáp công sinh thành bằng một sự nghiệp lớn, phải tìm đường cứu nhà, cứu nước, cứu đồng bào. Vì vậy nhà cách mạng trẻ tuổi đã từ tình yêu gia đình, quê hương đến với chủ nghĩa yêu nước. Chữ hiếu và trung được nâng tầm, thành trung với nước, hiếu với dân. Sau khi Bác mất, nhà bảo tàng được phép mở hai kỷ vật riêng quý giá về cụ thân sinh và anh, chị của Người, trong đó có một hộp nhỏ đựng tấm ảnh chụp phần mộ cụ Phó bảng do một đơn vị bảo vệ ở Cao Lãnh, Đồng Tháp hồi kháng chiến chống Mỹ gửi tặng Người. Trong sự nuối tiếc không thể sống được lâu hơn để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, chắc chắn có nỗi niềm đau đáu chờ ngày thống nhất để được thăm miền Nam và thắp hương cho vong linh người cha muôn vàn yêu quý đã sinh hạ Người. Miền Nam ở trong trái tim tôi thực sự là câu nói thấm đẫm nước mắt riêng, chung...

Đã có tiểu thuyết nói về tình yêu của Nguyễn Tất Thành. Điều đó có thể có thật, nhưng cũng phải dành một lề rộng rãi cho tưởng tượng nghệ thuật. Chuyện quan hệ tình cảm riêng tư là câu hỏi mở và trả lời mở của lịch sử. Tuy nhiên, có thể đoan chắc là tuổi trẻ Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc khó loại trừ những rung động và khát vọng tình yêu, trạng thái tâm lý thường tình... Chắc người đã phải tự dằn lòng, kiềm chế, đắn đo, cân nhắc bao lần… Tất cả chỉ có thể cắt nghĩa bằng đức hy sinh cao cả thiêng liêng.

Thương cảm biết bao một đời người: “…một tổ ấm riêng/ Một đứa con riêng, Người chẳng có” (Người chẳng có gì riêng). Duy nhất “chỉ có trái tim bao la là tất cả gia tài…”.

Nếu có chút riêng tư trong tình cảm gia đình, có thể kể đến ba người con đỡ đầu của Bác, tức là, Người có tình cha con, dù là con nuôi. Theo lời mời thân tình, hồi sang Pháp hội đàm, Bác đến ở nhà riêng giáo sư Aubrac nghị sĩ Quốc hội Pháp. Ngày 15-8-1946 bà Lucie Aubrac sinh hạ bé gái Elizabeth Aubrac. Bác đã đến bệnh viện phụ sản thăm và nhận làm cha đỡ đầu của bé. Ngày 19-5-1957, gia đình ông bà Walter R.Hartmann sinh sống ở Postdam, Đông Đức sinh hạ bé trai Knuth Wolfgang Walter Hartmann. Do ngày ra đời của cháu trùng ngày sinh Hồ Chủ tịch nên gia đình gửi thư đề nghị Người nhận cháu làm con đỡ đầu. Tháng 9 năm đó, Bác gửi thư cho gia đình, vui lòng nhận lời và gửi biếu cháu một ảnh nhỏ chân dung của Người và một đồng bạc Việt Nam làm kỷ niệm. Tiếp đến, mùa hè 1958, Bác cũng gửi thư và vui lòng nhận đề nghị làm cha đỡ đầu cho bé gái đầu lòng Irina Dimitrievna của gia đình nhà báo Dimitri ở Liên Xô. Hàng năm, Bác Hồ vẫn gửi thư, tặng quà cho các con và cũng nhận quà các con vào những dịp lễ tết hoặc tiếp thân tình khi cả nhà sang thăm Việt Nam. Sự kiện ấy thực sự là một bù đắp tình cảm thiêng liêng trong tâm hồn Hồ Chí Minh...

         Trái tim Hồ Chí Minh là rất có tình

Đó là những tình cảm nhạy bén, tế nhị, tinh tế mà thắm thiết, sâu xa, cao cả. Những tình cảm ấy bình thường mà thực ra là phi thường.

Người có những ham muốn rất thường tình của ông già Việt Nam nhưng lại có màu sắc của nhà hiền triết. Vui thú chốn lâm tuyền: “Tâm hồn Người ư? Là yên tĩnh những khu rừng”; ham thích cảnh điền viên, bạn bè với lão tiều phu, trẻ mục đồng và “tri kỷ với hoa mộc trong vườn”; sống giữa đất trời “cái xứ thiên nhiên không tên, không tuổi”; ấy là cái ước vọng sau khi hoàn thành ham muốn tột bậc giành độc lập, thống nhất cho tổ quốc, được lui về cuộc sống tiêu dao, an nhiên, tự tại.

Chế Lan Viên đã diễn đạt tài tình bằng thơ cái mong muốn bình dị thanh cao và rất thơ mộng của Hồ Chí Minh về hạnh phúc trong sự mãn nguyện, thanh thản vì nghĩa lớn.

Đã nhiều lần Người trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài. Cùng với tâm nguyện lớn vì nước, vì dân là nguyện vọng cá nhân: “Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, trẻ em chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi…”.

Sự thực lịch sử là Người đã không được toại nguyện. Câu chuyện “câu cá bên khe, làm thơ bên suối”, kỷ niệm xa xôi một thời, chỉ có thể trở thành huyền thoại trong cuộc đời cách mạng Hồ Chí Minh.

         Lãnh tụ vĩ đại là con người rất người

Hồ Chí Minh đã quan niệm đúng về bản chất con người ở cả hai mặt: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi”(2). Phép màu để tự cải tạo, tự hoàn thiện bản thân vươn lên là phê bình và tự phê bình. Đó cũng là lẽ sống, lý tưởng cầu tiến của con người, dù là một cá nhân hay một đoàn thể. Tự phản tỉnh, tái tạo lương tâm, đánh thức cái tốt đẹp trong con người, đó là quan niệm nhân văn tích cực, khi phân tích bản chất con người. Hồ Chí Minh quan niệm không ai là hoàn hảo, kể cả người lãnh đạo tối cao. Chính Người đã thay mặt Đảng xin lỗi đồng bào về sai lầm trong thực thi chính sách cải cách ruộng đất, một hành động dũng cảm hiếm có của một nguyên thủ quốc gia, xuất phát từ lòng nhân ái lớn lao, cũng là một ứng xử văn hóa, văn minh. Người từng chỉ thị: “Một Đảng mà không biết nhận khuyết điểm là một Đảng hỏng”, tự tay viết Sửa đổi lối làm việc và răn dạy về tu dưỡng đạo đức cho cán bộ cách mạng. Theo Hồ Chí Minh, điều quan trọng nhất của một cá nhân là ở đờilàm người.

Viết Hồ Chí Minh một con người, người nhất là khắc họa một phẩm chất tuyệt vời lãnh tụ. Đây là một định nghĩa kép. Một mặt, thể hiện một con người mang bản chất người, với tất cả bản tính tự nhiên và xã hội của nó. Mặt khác, và đây là mặt quan trọng hơn cả, là một yêu cầu về tính chất người, hay chất lượng người cần có.

Ai ai cũng là người. Ai ai cũng phải làm người. Ở đời làm người tử tế, hoàn thiện nhân cách vừa dễ, vừa khó. Dễ là khi thực sự có tâm lớn, có chí lớn. Ngược lại, rất khó, cực khó. Con người ấy phải hội tụ các kiểu dạng con người cá nhân (trong gia đình - tế bào đặc biệt của xã hội, trong gia tộc - quan hệ huyết thống gần gũi); con người công dân (trong xã hội - tổ hợp của những gia đình), con người dân tộc (trong lãnh thổ và cộng đồng dân tộc ngoài lãnh thổ) con người đồng loại (trong cộng đồng nhân loại, toàn cầu). Tóm lại, là con người trong quan hệ cá nhân - cộng đồng.

Làm người là làm tròn con người bổn phận, nghĩa vụ trong pháp luật, trong đạo lý để sống, duy trì, phát triển cá nhân và xã hội. Con người ấy với lý tưởng phấn đấu tận thiện, tận mỹ mang giá trị phổ quát vĩnh hằng của nhân loại tiến bộ.

Hồ Chí Minh là người đã kết tụ được các kiểu mẫu người, những phẩm tính người cao đẹp nhất của con người dân tộc, thời đại. Có thể nói Hồ Chí Minh là người mang tinh chất con người. Tinh chất ấy tổng hòa được các tính cách anh hùng và văn hóa, văn minh; vĩ đại mà giản dị, khiêm nhường; siêu việt qua bình thường, rất chung từ riêng biệt. Tất cả trong và qua một con người.

Chất người - nhân văn Hồ Chí Minh tỏa sáng. Viên ngọc tâm hồn ấy như một nguồn chói lọi chiếu rọi tình yêu, hy vọng, niềm tin và chiến thắng cho con người. “Viên ngọc thời Hồ Chí Minh chói ra cả thời gian nó chói”. Cùng phong cách suy tưởng trí tuệ với Chế Lan Viên, nhà thơ Việt Phương viết: “Hồ Chí Minh - người đi soi sáng chất con người. Tia sáng của người soi sáng mặt người là nguồn ấm nóng hồn người. Bởi một chân lý vĩnh cửu, “Bác là mặt trời chiến thắng” của chủ nghĩa nhân văn rực rỡ.

_______________

1. Tất cả câu thơ trích trong bài viết đều lấy từ Tuyển tập Chế Lan Viên, tập I, Nxb Văn học, Hà Nội, 1985.

            2. Những câu nói của Hồ Chủ tịch đều trích từ Danh ngôn Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học Nxb Văn học, 2011.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 328, tháng 10-2011

Tác giả : Đoàn Trọng Huy

;