Ở các quốc gia có nền nghệ thuật nhiếp ảnh phát triển như Mỹ, Pháp, Trung Quốc, đào tạo nhiếp ảnh là một nghề luôn được tôn vinh và đầu tư xứng đáng. Không một quốc gia nào chỉ nhìn vào những giải thưởng nước ngoài gặt hái được, rồi tự nhận mình là một cường quốc về nhiếp ảnh, nếu đào tạo nhiếp ảnh không xếp vào những vị trí dẫn đầu, có danh tiếng, được giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp và sinh viên thế giới ngưỡng mộ.
Cầu vàng Đà Nẵng - Ảnh: Huỳnh Văn Tuyền
Do tính đặc thù của nó, nhiếp ảnh dễ gây nên một sự ngộ nhận rất tai hại về quan niệm nghề nghiệp. Có rất nhiều bài báo viết về nghề nhiếp ảnh đã đưa những kết luận dễ dãi: “…chỉ cần một chiếc máy ảnh DSLR hơn chục triệu đồng, một bản crack của photoshop và sự tìm tòi cá nhân có thể đưa bạn đi rất xa trong sự nghiệp này…”. Hoặc bài báo khác cho rằng “…theo đuổi nhiếp ảnh và kiếm sống từ nó không cần đòi hỏi bằng cấp hay đào tạo bài bản nào…”. Ðó là những sai lầm nghiêm trọng. Nó chẳng những đã khiến nhận thức về đào tạo nhiếp ảnh chính quy trở nên lệch lạc, mà còn đánh đồng những người hoạt động nhiếp ảnh chuyên nghiệp với các tay máy thợ chụp ảnh dạo.
Nếu chỉ nhìn vào đội ngũ sáng tác ảnh để qua đó có một đánh giá về đào tạo nhiếp ảnh thì e rằng sẽ không chính xác vì có quá nhiều những điều bất cập. Nhìn vào một bức tranh vẽ, bạn dễ dàng nhận biết được sự chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp hơn là nhìn vào một bức ảnh. Có nhiều người chụp chỉ là nghiệp dư (tính chất công việc, năng lực chuyên môn) nhưng lại lầm tưởng và tự nhận mình là chuyên nghiệp. Ngược lại, nhiều bạn trẻ, được đào tạo nhiếp ảnh chính quy từ các trường đại học trong và ngoài nước, tài năng, có tác phẩm nổi tiếng thế giới thì lại không/chưa được coi là chuyên nghiệp.
Một vấn đề nữa cũng cần chỉ ra trong đào tạo nhiếp ảnh là việc coi các trung tâm đào tạo (hiện đang mọc ta như nấm tại các đô thị) sẽ đào tạo ta các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Có nhiều người sau khi tốt nghiệp các trung tâm đào tạo đó, có được một vài bức ảnh đoạt giải, trở thành hội viên hội này, hội kia, đã tự nhận mình là nghệ sĩ chuyên nghiệp. Có trung tâm đào tạo còn tự phong là học viện đào tạo ảnh chuyên nghiệp.
Chuyển động múa - Ảnh: Vũ Hồng Kỳ
Ðào tạo nhiếp ảnh như thế nào
Ðào tạo nhiếp ảnh không chỉ đơn thuần là đào tạo ra người chụp sử dụng thành thạo công cụ mà hơn thế, còn phải trang bị cho họ một khối lượng kiến thức không nhỏ về phương pháp tạo hình nghệ thuật bằng ánh sáng, điều này quan trọng hơn nhiều so với vấn đề kỹ thuật. Sinh viên của các trường nhiếp ảnh phải quan tâm nhiều đến vấn đề ý tưởng hơn là vấn đề “khẩu-tốc”. Ngay từ năm thứ hai, sinh viên nhiếp ảnh đã phải có vốn kiến thức căn bản mà một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp sau này nhất định phải có. Chẳng hạn có thể viết được những bài luận lớn như “Quan niệm của Kant trong phê phán thẩm mỹ” hoặc “Kí hiệu học trong vấn đề đọc ảnh”…
Dễ dàng nhận ra sự khác biệt tương đối lớn về tri thức nghệ thuật giữa nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên nghiệp của các nước có nền nhiếp ảnh phát triển với phần còn lại. Ðể trở thành một cử nhân nhiếp ảnh, sinh viên phải nắm chắc và qua được các kì thi các giáo trình cơ sở nhiếp ảnh như lý thuyết ánh sáng, nguyên lý cái đẹp, lý thuyết phê bình nhiếp ảnh, lịch sử mỹ thuật, nguyên tắc vật lý của chụp ảnh...
Phê bình mỹ thuật nói chung và nhiếp ảnh nói riêng luôn là việc khó. Phải nói thẳng là nếu không học không thể viết được phê bình. Phê bình không có nghĩa là chê xấu dở. Phê quan trọng nhưng bình còn quan trọng hơn. Phát hiện và chỉ ra được cái mới dưới ngôn ngữ của lý luận nhiếp ảnh, thuyết phục được người đọc, dẫn dắt được người sáng tác, đó mới là mục đích của phê bình. Như người ta vẫn phàn nàn, phê bình ở ta vừa yếu và vừa thiếu. Như vậy có thể thấy, công tác đào tạo trong lĩnh vực này phải chịu một phần trách nhiệm trong cái yếu và thiếu đó.
Muốn có những nhận xét phê bình có giá trị với tác phẩm, điều trước tiên bạn phải hiểu được tác giả nói gì. Nếu không được học bài bản về phê bình ảnh, bạn sẽ lúng túng trước những sáng tạo mới có tính đột phá về phong cách, và khi đó sẽ rất khó khăn trong vấn đề phê bình. Ðào tạo đội ngũ phê bình, cơ sở đào tạo phải trang bị được cho người học những lý luận và công cụ đọc ảnh hiện đại, đáp ứng được với tất cả các thể loại ảnh. Ðiều này đòi hỏi cơ sở đào tạo phải cập nhật liên tục những lý thuyết mới, xu hướng mới trong lý luận phê bình. Có ba điểm mấu chốt mà các trường dạy nhiếp ảnh thế giới luôn nhắc người học phê bình phải tránh là:
1. Hoài cổ. Ðó là xu hướng cho rằng nhiếp ảnh xưa từng tốt hơn nhiều so với bây giờ và xu hướng hiện tại là nguy hiểm hoặc đáng lo ngại.
2. Không tin cái mới. Xu hướng này cho rằng phong cách mới là quan trọng, nhưng thực ra nó là trống rỗng. Ðiều này thui chột việc tìm tòi phát hiện cái mới đáng trân trọng của tác giả.
3. Mặc cảm. Cho rằng cái cũ đang bị xóa bỏ hết nên xem xét sáng tạo trong sự ràng buộc của truyền thống. Ví dụ điển hình là các nhà phê bình sợ công nghệ.
Ðối với một nền nhiếp ảnh phát triển, ngoài đội ngũ sáng tác và phê bình hùng mạnh, còn một thành phần quan trọng nữa không thể thiếu, đó làm giám tuyển ảnh. Giám tuyển ảnh cũng phải được đào tạo bài bản với tất cả kiến thức của một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và cộng thêm kiến thức quản lý ở mức nâng cao. Trong tam giác động lực của nhiếp ảnh, giám tuyển là một trong ba thành tố không thể thiếu. (H1)
(H1) Tam giác động lực của nhiếp ảnh
Chức năng ban đầu (xuất phát từ tiếng la tinh), giám tuyển chỉ có nghĩa là chăm sóc (cura). Nghệ thuật hiện đại ngày nay đã quy định cho giám tuyển những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Ở mức độ nhỏ, giám tuyển có thể chỉ là người chăm sóc bộ sưu tập chuẩn bị đưa ra trước công chúng. Nhưng trong một quy mô lớn, giám tuyển phải lãnh trách nhiệm của người quản lý toàn bộ các công đoạn của một dự án lớn. Tham gia ngay từ đầu và nắm chắc ý tưởng sáng tác của tác giả, giám tuyển lên kế hoạch marketing, tập hợp và quản lý đội ngũ kỹ thuật thuật viên, luật sư, tìm nhà tài trợ…
Một dự án ảnh lớn, đến được với công chúng đã là khó, nhưng đi được vào tiềm thức của họ lại càng khó hơn. Ðiều này đòi hỏi giám tuyển phải am hiểu lịch sử và tâm lý người xem ở mức chuyên gia. Hiện nay không nhiều người thừa nhận rằng sự phát triển của môn nghệ thuật ánh sáng đang thiếu bàn tay nâng đỡ của thị trường. Chính giám tuyển là người thiết lập và điều hòa mối quan hệ qua lại giữa thị trường và mỹ thuật và cũng chính giám tuyển sẽ là nhà tư vấn tốt nhất cho các tác giả về mức độ tái đầu tư sức lao động mỹ thuật để đi tới những sáng tác mới.
Với yêu cầu như vậy, đào tạo ban đầu của giám tuyển có thể từ các môi trường khác nhau. Tuy nhiên, để trở thành một giám tuyển ảnh chuyên nghiệp, nhất thiết các trường đào tạo nhiếp ảnh phải có chuyên ngành riêng dành cho đối tượng này.
Trên đây là một vài nhận xét nhỏ về vấn đề đạo tạo nhiếp ảnh. Mong rằng các cơ quan, tổ chức có liên quan đến vấn đề này sẽ có kế hoạch dài hạn, bài bản để xây dựng nên một môi trường đào tạo chuyên nghiệp, đồng bộ về nhiếp ảnh, chắp cánh cho những tài năng nhiếp ảnh của đất nước bay cao, để cho nhiếp ảnh Việt Nam có những tác phẩm xứng đáng được trưng bày trong những bảo tàng nổi tiếng thế giới ngày nay.
Tác giả: Lưu Phương Bình
Nguồn: Tạp chí VHNT số 472, tháng 8-2021