LTS: Trong các ngày 03 và 04-10-2015, tại TP.HCM diễn ra cuộc Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức. Tham dự có hơn 150 nhà khoa học, các văn nghệ sĩ tiêu biểu, các cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn học, nghệ thuật ở trung ương và một số tỉnh, thành phố. Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Lê Khả Phiêu, Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã tới dự và phát biểu gợi mở một số vấn đề căn cốt, có giá trị định hướng trong quá trình triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới và Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. VHNT trích đăng ý kiến kết luận cuộc Hội thảo quan trọng này của PGS,TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.
Vấn đề xây dựng nhân cách con người trong văn học, nghệ thuật, được ông cha ta quan tâm từ rất lâu, mà điển hình là Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu… đã sáng tạo những tác phẩm để đời về dân tộc, về nhân cách và số phận con người với một chủ nghĩa nhân văn cao đẹp, về thân phận những lớp người cụ thể trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Và trong mỗi thời kỳ lịch sử của dân tộc ta, giới văn học, nghệ thuật nước nhà đều coi đó là nhiệm vụ vẻ vang của người “chở đạo”, góp sức xây dựng nền tảng tinh thần xã hội. Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước hiện nay, việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam vẫn là một trong những vấn đề cốt lõi, thời sự, cấp bách của sự phát triển bền vững đất nước, đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; đồng thời cũng là đòi hỏi cấp thiết của công chúng với nền văn nghệ của nước ta trong giai đoạn mới. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa XI (tháng 6 - 2014) về Xây dựng và phát triển văn hóa , con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã chỉ rõ: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách (chúng tôi nhấn mạnh), có lối sống tốt đẹp với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”.
1. Về khái niệm nhân cách con người và thực trạng
Nhân cách là tổng hợp những phẩm chất, những thuộc tính bản sắc của cá nhân, và giá trị xã hội của con người.
Nhân cách được biểu hiện tập trung ở những phẩm chất và năng lực nội tại, những yếu tố bên trong của mỗi cá nhân, được bộc lộ qua mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội. Mỗi cá nhân trong cuộc sống của mình đều tiếp thu những giá trị phổ biến của xã hội, thông qua sự tiếp nhận và chọn lọc của bản thân để hình thành những giá trị căn cốt của nhân cách. Đó là các giá trị, như lý tưởng, niềm tin, quan hệ lợi ích, định hướng nhận thức và hành động để xác định hành vi cụ thể mang những đặc trưng chung của toàn xã hội. Nhân cách theo Hồ Chí Minh là đức và tài, lấy đức làm gốc; nhân cách hình thành qua sự tu dưỡng, rèn luyện bền bỉ của cá nhân, chịu sự tác động chi phối của xã hội, nhưng “phần nhiều do giáo dục mà nên”.
Về thực trạng nhân cách trong Đảng
Từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tiến hành hội nhập quốc tế sâu rộng, đã nảy sinh nhiều vấn đề xã hội đáng quan tâm. Trong bối cảnh tác động xấu của mặt trái kinh tế thị trường và sự tăng cường chống phá của những lực lượng cơ hội, thù địch với âm mưu, hành động “diễn biến hoà bình”, thúc đẩy “tự diễn biến” , “tự chuyển hóa” trong Đảng, làm cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên ở nhiều ngành, nhiều cấp do thiếu tu dưỡng rèn luyện, đã mất cảnh giác, sa vào tệ quan liêu, tham nhũng, lối sống hưởng lạc, buông thả, xa rời thực tế, kèn cựa, chạy chức, chạy quyền, cục bộ, bè phái, giảm sút ý chí chiến đấu, thậm chí vi phạm pháp luật… đang có chiều hướng gia tăng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng (thực trạng đó đã được nêu rõ trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay). Có thể coi đó là những biểu hiện cụ thể của sự tha hóa về nhân cách của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang diễn ra ở các cấp, kể cả trong những người giữ trọng trách ở cấp cao, là “một thực trạng đáng báo động”. Nhân đây cần nhắc lời cảnh báo của Hồ Chí Minh: “Do bất niêm mà đi đến tội ác trộm, cắp”. Người dẫn ra lời Khổng Tử: “Người mà không liêm, không bằng súc vật”; còn Mạnh Tử nói: “Ai cũng tham lợi, thì nước sẽ nguy”. Từ đó Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, suy cho cùng, để cán bộ hư hỏng là do chủ nghĩa cá nhân phát triển. Như Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã khẳng định: cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng tuy có sự chuyển biến ban đầu, nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra. Đây cũng là rào cản lớn trong quá trình xây dựng nhân cách con người khiến cho cán bộ, nhân dân bất bình, ảnh hưởng tiêu cực đến việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, niềm tin, lý tưởng xã hội, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Về thực trạng nhân cách xã hội
Dư luận xã hội tỏ ra lo ngại về lối sống buông thả, vọng ngoại, lai căng…, đang có chiều hướng tăng lên. Tệ nạn ma túy và nhiều tệ nạn tiêu cực xã hội đang len lỏi vào từng gia đình, cộng đồng, trường học… gây nên những hành động phi nhân tính, như cướp của, giết người, cưỡng hiếp, dùng bạo lực để xử lý các mối quan hệ thông thường... Đáng lưu ý là, những vụ việc thảm sát man rợ gần đây diễn ra ở Bình Phước, Nghệ An, Yên Bái, Quảng Trị, Gia Lai…, làm dư luận xã hội bàng hoàng, lo lắng trước những hành động mất hết nhân tính. Cái ác và cái thiện ngày càng đan cài, nhiều lúc, nhiều nơi, cái ác lấn át cái thiện; những rối loạn trọng hệ giá trị phẩm chất đạo đức đang cắn rứt lương tâm những người chân chính; đặc biệt là tình trạng tham nhũng, bất bình đẳng về thu nhập, bất công trong xử lý đất đai và thực hiện các chính sách xã hội…, hầu như chưa có biện pháp đột phá để khắc phục. Thực tiễn văn hóa vốn đang tụt hậu hơn so với kinh tế, lại đang ngổn ngang trăm mối, chưa xác định thật rõ điểm tựa để ngăn chặn và phát triển. Có ý kiến đặt vấn đề: phải chăng, chúng ta đã phiến diện, phần nào tự đánh mất mình, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc trong từng con người hôm nay?
Về nguyên nhân thực trạng
Trong khi khẳng định những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, nhiều ý kiến băn khoăn trước những thành tựu về văn hóa, văn học, nghệ thuật chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế; đây đó xuất hiện nhiều vấn đề đáng lo ngại. Chúng ta nhớ lại lời cảnh báo của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà văn hóa lớn cách đây 21 năm: “Mọi tầng lớp nhân dân của mọi địa phương, nhất là những người đang sống đau khổ, trước những hiện tượng thuần phong, mỹ tục của dân tộc mất dần và thay vào đó không biết bao nhiêu thói hư, tật xấu dần dần trỗi dậy hoặc xâm nhập từ bên ngoài”. Từ đó, Thủ tướng đặt câu hỏi: “Nếu môi trường đó ô nhiễm thêm theo hướng hiện nay, thì mọi người chúng ta sẽ sống làm sao, sẽ sống với ai và sẽ sống để làm gì?”. Cuộc Hội thảo này sẽ thiết thực góp sức tìm câu trả lời thỏa đáng đối với vấn đề mà nhà văn hóa lớn đã chỉ ra từ lâu.
Cùng với tình trạng suy thóai về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, một số tham luận mạnh dạn nêu lên những hạn chế, bất cập đang tác động xấu tới việc hình thành nhân cách. Đó là, đời sống văn hóa, tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, sự hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa so với các đô thị, vùng đồng bằng đang còn khoảng cách lớn. Môi trường văn hóa tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh; sự tiếp thu ào ạt các trào lưu tư tưởng, nghệ thuật phản tiến bộ trong các hoạt động văn hóa - văn nghệ cả về nội dung và phong cách biểu diễn… không phù hợp thực tiễn, làm mất đi bản sắc dân tộc Việt Nam.
Đề cập nguyên nhân trực tiếp, nhiều ý kiến nhấn mạnh vai trò chủ quan của các chủ thể hoạt động tư tưởng, văn hóa, giáo dục; vai trò các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị các cấp tỏ ra thờ ơ, đổ lỗi cho nhau. Đáng chú ý, việc dạy văn học từ hệ phổ thông đến cao đẳng, đại học - một nhân tố cực kỳ quan trọng để tác động hình thành nhân cách đầu đời của con người bị buông lỏng, hoặc làm chiếu lệ; trong khi đó vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội đối với giáo dục hầu như mờ nhạt. Đi liền đó là công tác định hướng, kiểm tra, thể chế hóa các chủ trương, chính sách về văn hóa, văn nghệ quá chậm và chưa sát thực tiễn. Một bộ phận văn nghệ sĩ hoặc né tránh, hoặc thờ ơ, lãnh đạm, buông xuôi, không dám đương đầu chống lại các thói hư, tật xấu nên tác phẩm phản ánh hiện thực nông cạn, mờ nhạt, không khắc họa rõ nét, sâu sắc diện mạo xã hội và chân dung nhân vật của đời sống đương thời. Không ít người mắc bệnh sùng bái những lý thuyết xa lạ của phương Tây, tiếp thu không chọn lọc các lý thuyết đó, dẫn đến những tác hại không nhỏ (như vận dụng lý thuyết “giải tự sự”, “giải lịch sử”, “giải thiêng”, “giải lời nguyền”, “giải giới tính”). Cùng với quá trình đó, là sự “lên ngôi” của các yếu tố hình thức, là ham muốn đào sâu vào thế giới tâm linh, vô thức của con người ... Một số văn nghệ sĩ còn hạn chế trong tiếp cận và nhận thức những vấn đề mới của cuộc sống, chưa cảm nhận đầy đủ ý nghĩa, chiều sâu và tính phức tạp của quá trình chuyển biến mang tính lịch sử trong thời kỳ mới của đất nước. Trong một số trường hợp, có biểu hiện cực đoan, chỉ tập trung tô đậm mặt đen tối, tiêu cực của cuộc sống hiện tại, thậm chí xuyên tạc, bóp méo lịch sử, hoặc bị các thế lực cơ hội, thù địch lôi kéo, đã sáng tác, truyền bá các tác phẩm độc hại, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, đất nước .
2. Thực trạng về văn học, nghệ thuật tham gia xây dựng nhân cách con người
Cần khẳng định văn học, nghệ thuật đã có những đóng góp lớn trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ nền độc lập và trong sự nghiệp đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế với hàng loạt tác phẩm có giá trị thức tỉnh, bồi đắp tâm hồn, trí tuệ, lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, lý tưởng và nhân cách cao đẹp của con người Việt Nam. Đó là những tác phẩm của những tác giả lớn như: Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Đỗ Nhuận, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Cao, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Sáng, Phan Kế An, Huỳnh Văn Gấm, Diệp Minh Châu, Nguyễn Thi, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Đỗ Chu, Ma Văn Kháng, Hải Ninh, Đặng Nhật Minh, Thu Bồn, Lưu Quang Vũ, Thanh Thảo, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Anh Ngọc, Phạm Anh Phương, Tuyết Minh,… Những tác phẩm của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ từ sau năm 1930, nhất là sau ngày lập nước đến nay, đã khắc sâu trong tâm khảm người đọc về nhân cách cao đẹp của nhiều thế hệ người Việt Nam - đó là lòng yêu nước, thương nòi, ý thức tự giác chấp nhận hy sinh cho độc lập, tự do của tổ quốc; là tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, là lẽ sống “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”. Đáng chú ý là, từ sau những năm 80 của TK XX đến nay, khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đã xuất hiện thêm nhiều tác giả, tác phẩm văn học mới có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, thể hiện tính đa dạng các chủ đề nảy sinh từ những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội, những góc khuất trong suy nghĩ và thân phận con người; đặc biệt, có những tác phẩm để cập trực diện về sự suy thóai, xuống cấp của đạo đức xã hội, nhân cách con người, có tác dụng cảnh báo, khơi gợi ý thức đấu tranh đẩy lùi cái ác, vun đắp cái thiện, như các tác phẩm của Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng, Cao Duy Sơn, Nguyễn Trí, Nguyễn Bắc Sơn, Xuân Đức, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Xuân Khánh, Lò Ngân Sủn, Hữu Phương, Trịnh Thanh Phong, Bão Vũ, Trần Văn Tuấn, Thái Bá Lợi, Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Khắc Phê, Chu Lai, Trầm Hương,...
Cùng với văn học, các tác phẩm nghệ thuật, như sân khấu, điện ảnh, truyền hình, âm nhạc, mỹ thuật, múa… đã có nhiều tìm tòi sáng tạo, góp thêm tiếng nói cổ vũ công chúng hướng tới những giá trị đạo đức mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng nhân cách con người hướng tới chân - thiện - mỹ. Gần đây, khi tình hình biển Đông có những biến động phức tạp, trong các năm 2011-2012, cuộc thi thơ, nhạc với chủ đề Đây biển Việt Nam đã thu hút lực lượng văn nghệ sĩ lớn nhất cả nước tham gia với gần 1500 tác giả, đem lại kết quả đáng trân trọng. Sau một giai đoạn mà chất sử thi, chất anh hùng ca lắng xuống, thì đến cuộc thi này đã được khơi dậy, thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước mạnh mẽ, cổ vũ ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc. Ngoài cuộc thi đó, chủ đề biển, đảo, chủ quyền dân tộc… vẫn tiếp tục được văn nghệ sĩ hưởng ứng, khơi dậy nguồn cảm hứng sáng tạo mới trong văn, thơ, nhạc, múa, nhiếp ảnh, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật… trên khắp các địa bàn cả nước, đem lại sinh khí mới mẻ, có tác dụng lớn trong giáo dục nhân cách, lý tưởng sống của con người Việt Nam trước bối cảnh đất nước đan xen thời cơ và thách thức, vận hội và nguy cơ.
Cùng với những thành tựu đạt được như đã nêu trên, thì sáng tạo văn học, nghệ thuật về đạo đức, về nhân cách con người tuy đã được phản ánh với số lượng không nhỏ trong các loại hình văn học, nghệ thuật; song, nghiêm túc nhìn nhận thì còn không ít tác phẩm chưa khắc họa được rõ nét những nhân vật điển hình mang tính tích cực xã hội, mà còn có nội dung thiếu tính xây dựng, thậm chí phản giáo dục, phản đạo đức, phản nhân cách. Bên cạnh nhiều tác phẩm thể hiện được sinh khí xã hội, khát vọng đổi mới, còn không ít tác phẩm mờ nhạt, non yếu về chất lượng tư tưởng và nghệ thuật. Cá biệt, đã xuất hiện những tác phẩm xuyên tạc, làm sai lệch bản chất đổi mới, thậm chí phủ nhận sạch trơn quá khứ, gây ra phản ứng chính đáng của dư luận. Không ít tác giả, nhất là những tác giả trẻ vẫn quá say mê với các đề tài “thời thượng”, những chủ để “hot”, như bạo lực, tình dục, bản năng, mà quên đi chức năng giáo dục và dự báo của văn học... Tác phẩm văn học, nghệ thuật có xu hướng dễ dãi, chiều theo thị hiếu - thị trường, thể hiện ở nhiều lúc, nhiều lĩnh vực có biểu hiện áp đảo.
Đó còn là những hiện tượng bôi nhọ, xuyên tạc lịch sử được tán phát trên mạng internet, hoặc trong một số tác phẩm đã khai thác tỉ mỉ các khía cạnh tình dục, chú trọng quá nhiều đến tính chất giải trí, bỏ qua những nội dung cốt lõi, bản chất của đạo đức, nhân cách, xa rời các chuẩn mực chân - thiện - mỹ, xóa nhòa những tinh hoa văn hóa, đạo đức dân tộc. Một số chương trình sân khấu, ca, múa, nhạc “thị trường” hiện đang làm hoen ố thuần phong, mỹ tục của văn hóa, nhân cách, đạo đức Việt Nam, gây sự bất bình của công chúng.
Những mặt chưa tốt của văn học, nghệ thuật trên đây có nguyên nhân khách quan như đã nêu ở phần trên, còn có nguyên nhân chủ quan là trách nhiệm của một bộ phận văn nghệ sĩ. Một số ý kiến khẳng định: thực trạng việc phản ánh chưa sâu sắc sự xuống cấp đạo đức, nhân cách trong văn học, nghệ thuật, có nguyên nhân từ xã hội, nhưng cũng có những nguyên nhân sâu xa từ bản thân người làm văn học, nghệ thuật là chủ thể sáng tạo. Trên thực tế, có hiện tượng đáng chú ý là, nhiều tác giả tỏ rõ ý thức trách nhiệm trong sáng tác, cố gắng xây dựng những nhân vật chính diện như là những chuẩn mực về đạo đức, nhân cách xã hội nào đó; song hiếm khi thành công, hoặc do non tay, hoặc bị chi phối bởi mục tiêu thương mại… Mặt khác, khi tìm hiểu, khám phá bản chất cuộc sống hiện nay, một số văn nghệ sĩ với cách nhìn định kiến, chủ quan, phiến diện, đã tập trung miêu tả xã hội hoàn toàn là màu đen, hoặc để màu đen lấn át hết các gam màu sáng, mà lẽ ra văn nghệ sĩ với trách nhiệm công dân, nghĩa vụ xã hội phải vun đắp và nhân rộng những mầm tươi tốt ấy thành rừng cây có nhiều hoa, trái lấn át cỏ dại và quả độc. Một vấn đề nữa cần được nhắc lại là, quá trình sáng tạo là quá trình gạn đục khơi trong , là tôn trọng các giá trị văn hóa thiêng liêng của dân tộc, của những nhân vật lịch sử đã nằm lòng trong các thế hệ người Việt Nam, nhưng mấy thập niên gần đây, lại xuất hiện một số tác phẩm “giải thiêng”, phủ nhận giá trị các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc, bài xích một số anh hùng dân tộc vốn được nhân dân ta tôn kính, ngưỡng mộ. Đã xuất hiện những hiện tượng sùng bái hình thức, tự đánh bóng mình, biến thật thành giả, cố tạo ra những scandal trong một số hoạt động văn học, âm nhạc, nhiếp ảnh, sân khấu, điện ảnh… Người nghệ sĩ có phần thờ ơ, thu mình trong thế giới riêng, thiếu chí khí đổi mới tư duy, nghệ thuật sáng tạo, chạy theo tâm lý đám đông, tìm kiếm lợi nhuận, xa rời những vấn đề cốt lõi của đời sống, đề cao một chiều chức năng giải trí, coi nhẹ chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ của tác phẩm, đang có chiều hướng tăng lên…
3. Một số giải pháp chủ yếu
Đề cao trách nhiệm của văn nghệ sĩ trong việc xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống của con người Việt Nam
Trước hết, cần nhận thức sâu sắc một yêu cầu quan trọng nêu trong Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI đối với văn học, nghệ thuật: “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước; tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước”.Theo chúng tôi, đây cũng thật sự là sứ mệnh, là trọng trách cao cả của văn nghệ sỹ với tư cách là người chiến sỹ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa như lời dạy của Hồ Chí Minh: “Đây là công việc cực kỳ to lớn, nặng nề phức tạp nhưng cũng rất vẻ vang. Đây là cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”.
Vấn đề xây dựng đạo đức, xây dựng nhân cách con người hiện nay đang trở thành nhu cầu cấp bách và cảm hứng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sỹ. Biến cảm hứng sáng tạo thành tác phẩm cụ thể để góp sức vun đắp đạo đức, nhân cách con người Việt Nam là một quá trình không đơn giản. Ở khía cạnh quan trọng này, chúng tôi đồng tình với cách tiếp cận của một số tác giả là, khi nhìn con người Việt Nam nói chung, không chỉ thấy mặt ưu, mặt mạnh, mà còn thấy cả mặt hạn chế, mặt yếu kém; thấy hạn chế, yếu kém để ra sức khắc phục, chứ không phải để đánh mất lòng tin. Điều này cũng là nỗi trăn trở của số đông văn nghệ sĩ hiện nay. Trên cơ sở đề cao trách nhiệm nghệ sĩ - chiến sĩ, mỗi văn nghệ sĩ cố gắng hướng về cơ sở, nghiên cứu sâu thực tiễn đang vận động đa dạng, phức tạp, nhưng đã và đang xuất hiện không ít điển hình cá nhân, tập thể trong quá trình học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Viết về đạo đức, đề cao nhân cách, truyền cái tốt, cái đẹp cho người khác, cho xã hội, mà nhà văn không là tấm gương sáng thì rất khó thuyết phục công chúng. Chúng ta càng thấm thía lời nhà trí thức Ngô Thì Sĩ (TK XVIII) rằng: “Đem đạo thánh hiền để quở trách thói đời, không bằng đem đạo lý đời thường để cảm hóa lòng người”. Theo hướng đó, xã hội đòi hỏi văn nghệ sĩ đề cao tinh thần tự rèn luyện, bồi dưỡng, giữ gìn nhân cách của mình, không ngừng tích luỹ tri thức văn hóa, bám sát hiện thực cuộc sống, tìm tòi, phát hiện, khám phá những yếu tố mới mang tính bản chất xã hội trong cả quá trình sáng tạo. Thực tế đã cho thấy, nếu văn nghệ sĩ thật sự là tài năng, có tâm, có tài, có tầm, thì dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng có thể sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị đích thực, để lại dấu ấn, vẻ đẹp lâu bền trong xã hội.
Tăng cường công tác quản lý của ngành giáo dục - đào tạo và các ngành liên quan
Nhiều ý kiến nêu ra những băn khoăn trước thực trạng giáo dục hiện nay liên quan trực tiếp việc xây dựng nhân cách con người, và cho rằng: nhà trường chưa coi trọng giáo dục đạo đức, giáo dục nhân cách cho học sinh, sinh viên, chỉ chú trong dạy chữ, chưa chú trọng dạy người …Ở khía cạnh này, chúng tôi đồng tình với nhận định và kiến nghị của một số tác giả: nền giáo dục chúng ta coi nhẹ vấn đề xây dựng nhân cách con người Việt Nam cho các giáo viên và học sinh - đó cũng là nguyên nhân cơ bản gây ra những biểu hiện tiêu cực trong mối quan hệ thày - trò, quan hệ gia đình - nhà trường, quan hệ ứng xử giữa học sinh với học sinh, trong đó rất đáng chú ý là, nạn bạo lực trong các học sinh nữ ở một số trường trung học từ cơ sở trở lên đang gia tăng.
Qua nhiều lần khảo sát thực tế ở những trường trọng điểm đào tạo văn hóa, văn nghệ trong cả nước, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã nêu kiến nghị: Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thường xuyên đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, rà sóat, điều chỉnh, bổ sung chương trình giảng dạy ở các cấp học theo hướng tăng cường về số lượng và chất lượng những tác phẩm văn, học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, có tác dụng giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách con người Việt Nam trong giai đoạn mới. Kịp thời chấn chỉnh, loại bỏ những nội dung trong một số đề tài nghiên cứu khoa học về văn học, nghệ thuật đang gây tác hại đến nhận thức, thẩm mỹ của học sinh, sinh viên. Các trung tâm nghiên cứu, giảng dạy cần sớm có biện pháp xử lý dứt điểm những hiện tượng giảng dạy, hướng dẫn luận văn, luận án trái với đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, phủ nhận những giá trị chuẩn mực về văn hóa, về đạo đức, xúc phạm đến nhân cách con người Việt Nam. Thiết nghĩ, để góp sức thiết thực giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh, sinh viên, Bộ cần chỉ đạo quyết liệt các trường khẩn trương đổi mới, cải tiến mạnh mẽ nội dung chương trình, sách giáo khoa về các môn văn học, văn hóa học, mỹ học, giáo dục công dân; đặc biệt, cần phải chú ý việc dạy các môn học này ngay từ tuổi nhi đồng, thiếu niên. Đương nhiên, nhiệm vụ này là của cả hệ thống chính trị, nhưng nhà trường các cấp học đóng vai trò nòng cốt, tiên phong. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, thiết nghĩ cần nhắc lại lời nhà văn vĩ đại Victor Hugo: “Với cá nhân, quyền lực duy nhất phải là lương tâm; với nhân dân, quyền lực duy nhất là pháp luật” .
Mở rộng sự phối hợp các ban, bộ, ngành hữu quan
Nhiều ý kiến đề nghị cụ thể: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp… cần tăng cường sự phối hợp thống nhất chương trình, kế hoạch, lộ trình thực hiện các đề án khả thi triển khai Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9,khóa XI. Đồng thời, coi trọng công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xử lý dứt điểm, nghiêm minh những biểu hiện tiêu cực trong tuyên truyền, quảng bá, giáo dục, nghiên cứu, giảng dạy, hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật, hoạt động báo chí - xuất bản... Trước hết, cần sớm khắc phục tình trạng đề cao quá mức chức năng giải trí, tôn sùng chủ nghĩa hình thức, dẫn đến lệch chuẩn trong tất cả các loại hình văn hóa, văn học, nghệ thuật; kịp thời phát hiện, cổ vũ những tác phẩm hay viết về đạo đức, nhân cách con người; ngăn chặn và phê phán xu hướng “giải thiêng” các giá trị truyền thống lịch sử, đạo đức, nhân cách tốt đẹp của con người Việt Nam.
Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan khảo sát, nghiên cứu làm tốt công tác tư vấn, tham mưu giúp Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương… về những vấn đề liên quan đạo đức, nhân cách con người đang được dư luận xã hội quan tâm. Đồng thời, Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam cùng với các hội chuyên ngành của trung ương, địa phương, các cơ quan báo chí, xuất bản và cả hệ thống chính trị các cấp đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật tiêu biểu, xuất sắc viết về đạo đức, nhân cách con người có tác động tích cực với công chúng và xã hội.
Đổi mới, bổ sung cơ chế, chính sách
Nhiều ý kiến kiến nghị: các ban, bộ, ngành liên quan cần chú ý nghiên cứu, tư vấn, đề xuất với Chính phủ xem xét điều chỉnh chế độ nhuận bút đối với những tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí viết về chủ đề này tương xứng với giá trị, phù hợp với tình hình hiện nay. Tiếp tục phối hợp các hội chuyên ngành trung ương đề xuất chế độ phụ cấp thường xuyên đối với các văn nghệ sĩ đã có thành tựu xuất sắc và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tạo thêm điều kiện để giúp họ sống và hoạt động sáng tạo thuận lợi; bổ sung, hoàn thiện chế độ đặt hàng đối với văn nghệ sĩ tích cực sáng tạo những tác phẩm văn học, nghệ thuật lớn viết về nhân cách con người.
Các hội chuyên ngành trung ương và các địa phương cần quan tâm giúp văn nghệ sĩ thường xuyên nắm bắt những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội và thực tiễn cuộc sống đa dạng, nhiều chiều, tạo nguồn cảm hứng cho sáng tạo văn nghệ. Phát hiện kịp thời những tác giả có tác phẩm xuất sắc; trên cơ sở đó động viên, khen thưởng thỏa đáng và chọn lọc, giới thiệu, quảng bá rộng rãi trong nước và ngoài nước.
Các hội chuyên ngành từ trung ương đến địa phương cần phối hợp các cơ quan hữu quan xây dựng và hoàn thiện Quy chế giải thưởng, trong đó cần đề cao trách nhiệm thẩm định tác phẩm, coi trọng chất lượng, tạo được sự đồng thuận, sức lan tỏa tích cực của các giải thưởng văn học, nghệ thuật hàng năm đối với công chúng yêu văn học, nghệ thuật. Hơn lúc nào hết, cần đề cao vai trò của văn hóa đọc, nhất là đọc các tác phẩm viết về đạo đức, nhân cách con người; chú ý thích đáng việc sáng tác dành cho nhi đồng, thiếu niên; khôi phục việc dạy chữ Hán - Việt trong các trường khối văn hóa, văn học, nghệ thuật để khai thác, tiếp thu di sản quý báu của ông cha viết về đạo đức, nhân cách con người Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; coi trọng giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong đó có truyền thống cách mạng và kháng chiến,…
Đẩy mạnh công tác lý luận, phê bình
Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật để làm tốt vai trò gắn bó, đồng hành, định hướng các hoạt động sáng tạo. Công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay cần tập trung vào một số trọng tâm sau đây:
Các trung tâm nghiên cứu, giảng dạy, các nhà khoa học tiếp tục đi sâu nghiên cứu, tổng kết lý luận, phê bình văn học Việt Nam ở mỗi lĩnh vực chuyên ngành; đồng thời phối hợp, cộng tác tích cực với Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương thực hiện thành công Đề án khoa học cấp Nhà nước về Lý luận văn nghệ ở Việt Nam - Thực tiễn và định hướng phát triển để hình thành hệ giá trị chuẩn mực, vừa giúp cho việc định hướng sáng tạo, vừa giúp cho việc thẩm định, đánh giá tác phẩm văn học, nghệ thuật trong thời gian tới - như Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã chỉ ra.
Nhạy bén phát hiện và kịp thời phản bác những biểu hiện lợi dụng, lạm dụng các lý thuyết văn nghệ nước ngoài, như thuyết “trung tâm - ngoại biên”, hoặc “giải lịch sử”, “giải thiêng”, “trò chơi văn học”… nhằm xóa nhòa chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ của văn học, nghệ thuật, mưu toan phủ nhận truyền thống lịch sử, tinh hoa văn hóa dân tộc, xóa nhòa thành quả cách mạng trong các cuộc kháng chiến oanh liệt giữ gìn nền độc lập, tự do và phát triển đất nước của Đảng và nhân dân ta. Đây thật sự là một cuộc đấu tranh không kém phần quyết liệt trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, đã và đang đòi hỏi sự đóng góp tích cực, có trách nhiệm của mỗi văn nghệ sĩ chúng ta.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 377, tháng 11-2015
Tác giả : NGUYỄN HỒNG VINH