Mọi định nghĩa đều cho thấy, du lịch gắn liền với hoạt động nghỉ ngơi, giải trí, nhằm giúp con người hồi phục về thể chất và tinh thần, để họ có thể lao động sản xuất với chất lượng mới, đạt năng suất cao. Đồng thời, thông qua hoạt động du lịch, mỗi cá nhân có thêm những trải nghiệm, nhận thức mới, để hoàn thiện hơn nhân cách bản thân.
Hoạt động du lịch thường được chia thành hai nhóm là du lịch văn hóa và thiên nhiên: “Người ta gọi du lịch văn hóa, khi hoạt động du lịch chủ yếu diễn ra trong môi trường nhân văn, hoặc hoạt động du lịch đó tập trung khai thác tài nguyên du lịch nhân văn. Ngược lại, du lịch thiên nhiên diễn ra nhằm thỏa mãn nhu cầu về với thiên nhiên của con người”(1). Tuy nhiên, cách chia này chỉ là tương đối, xét đến cùng, chẳng có hoạt động nào thỏa mãn nhu cầu của con người lại diễn ra ngoài môi trường sống của họ. Nói cách khác, vì mọi hoạt động thỏa mãn nhu cầu của con người đều mang tính xã hội và trong một bối cảnh nhất định. Nên, hoạt động thỏa mãn nhu cầu về với thiên nhiên của con người, thực ra, không tách rời với môi trường nhân văn địa phương.
Thực tế, những cảnh quan, danh lam thắng cảnh tự nhiên là tiêu chí rất cần của một điểm hay vùng du lịch. Nhưng sức hấp dẫn của vùng hay điểm du lịch lại phụ thuộc chủ yếu vào những giá trị văn hóa địa phương điểm đến. Một nhánh sông, con suối, tảng đá, hang động, ngọn núi… chỉ trở thành những điểm du lịch hấp dẫn khi được người dân địa phương thổi vào chúng hơi thở cuộc sống. Chính những câu chuyện kể, truyền thuyết, huyền thoại từ trí tưởng tượng phong phú của con người đã làm chúng trở lên lung linh huyền ảo và sống động, có sức quyến rũ du khách đến tham quan.
Giá trị văn hóa của nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên có thể được ví như cái duyên của cô gái. Cái duyên càng đằm thắm thì sức quyến rũ càng mạnh. Tương tự như thế, giá trị văn hóa hàm chứa trong nguồn tài nguyên du lịch càng nhiều thì sức hấp dẫn của chúng đối với du khách càng lớn. Cảnh quan thiên nhiên cũng giống như vẻ đẹp ngoại hình của cô gái. Đó là lợi thế thu hút sự chú ý ban đầu khi đến với điểm hay vùng du lịch. Tuy nhiên, các giá trị văn hóa của cảnh quan ấy, cái duyên của chúng mới là những yếu tố lôi cuốn, níu kéo bước chân du khách quay trở lại.
Một trong những lý do khiến các chuyên gia của tổ chức du lịch thế giới (OMT), khi tiến hành dự án VIE/89/03 đánh giá rất cao tiềm năng du lịch của Việt Nam, chính bởi nguồn tài nguyên thiên nhiên nước ta luôn hàm chứa giá trị văn hóa truyền thống. Nhờ có những giá trị văn hóa truyền thống, mà cảnh sắc thiên nhiên vốn đã đẹp, lại càng thêm độc đáo. Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) là một ví dụ điển hình. Với hàng ngàn đảo đá lớn, nhỏ trong muôn vàn dáng vẻ của những tác phẩm điêu khắc, hội họa hoàn mỹ, nhấp nhô trên sóng nước lung linh huyền ảo, đã trở thành nguồn tài nguyên thiên nhiên lý tưởng của ngành du lịch. Hầu như hòn đảo nào ở đây cũng được gắn với một câu chuyện, truyền thuyết vừa lãng mạn, vừa hào hùng, khiến cả một vùng đất đảo đá vô tri, tĩnh lặng, trở thành thế giới cổ tích huyền bí, sống động. Ngay bản thân tên vịnh Hạ Long cũng được giải thích bằng truyền thuyết gắn với cội nguồn con rồng cháu tiên của dân tộc Việt. Theo truyền thuyết, ở buổi đầu lập dựng cơ đồ, nước Việt đã là mục tiêu nhòm ngó của không ít thế lực ngoại bang. Có lần, Ngọc Hoàng ở trên trời, nhìn thấy một thế lực vô cùng hùng mạnh, đang dùng thuyền tấn công vào nước Việt, đã sai rồng mẹ cùng đàn con, xuống trần giúp người Việt bảo vệ giang sơn. Đàn rồng vâng lệnh, hạ giới đúng lúc các chiến thuyền giặc từ ngoài khơi ào ào tiến vào bờ. Rồng mẹ cùng đàn con phun lửa, nhả ngọc vào đoàn thuyền giặc. Những viên châu ngọc khi rơi xuống biển, hóa thành muôn vàn đảo đá, tạo ra một bức tường thành vững chắc, chặn đứng bước tiến của đoàn thuyền giặc. Đoàn thuyền giặc đang vun vút lao nhanh bị chặn đột ngột bởi các đảo đá, đã đâm vào đảo đá hoặc đâm vào nhau mà tan tành. Sau khi giặc tan, rồng mẹ và đàn con không trở về trời, mà ở lại chính nơi diễn ra cuộc chiến ác liệt. Nơi đàn rồng con hạ xuống là Bái Tử Long. Nơi rồng mẹ đáp xuống là vịnh Hạ Long. Đàn rồng con, tính nghịch ngợm thường quẫy đuôi suốt ngày khiến vùng đất ở phía sau trắng xóa, nên người dân ở đây gọi là Bạch Long Vỹ với bãi cát mịn, dài hơn chục km. Do được phủ lên mình những truyền thuyết, huyền thoại hư ảo, mà vịnh Hạ Long giống như nụ cười huyền bí của nàng Mona Lisa trong bức họa nổi tiếng của Leonardo da Vinci có sức lôi cuốn lạ lùng du khách đến khám phá.
Nhìn chung, các danh lam thắng cảnh của Việt Nam đều được gắn với truyền thuyết, huyền thoại mang màu sắc của tín ngưỡng dân gian bản địa cổ xưa. Mọi cảnh sắc vốn vô tri, câm lặng, nhờ sáng tạo từ trí tưởng tượng phong phú của người Việt, đã trở nên có hồn, sống động và duyên dáng. Sức truyền cảm, khả năng hấp dẫn du khách của cảnh sắc tự nhiên do vậy được tăng lên gấp bội.
Bức tranh sơn thủy của hồ Núi Cốc, với những dãy núi tím, rừng cây xanh biếc và nhiều đồi chè lô nhô, lượn sóng, soi bóng xuống mặt hồ bao la, phẳng lặng, cùng câu chuyện tình đầy lãng mạn của chàng Công - nàng Cốc đã làm xao lòng du khách tới tham quan. Theo anh Nguyễn Thành Trung, hướng dẫn viên công ty lữ hành HanoiTourist, trước năm 2000, phần lớn du khách khi được hỏi vì sao chọn điểm du lịch hồ Núi Cốc đều có chung câu trả lời vì muốn tìm hiểu nơi có truyền thuyết đẹp như chuyện tình Romeo - Juliet. Không chỉ có vậy, nhờ truyền thuyết về mối tình của chàng Công - nàng Cốc, vì nhớ người yêu hóa thành sông núi, còn là cơ sở để hồ Núi Cốc, vốn là một công trình thủy lợi phát triển thành khu du lịch văn hóa sinh thái hấp dẫn của tỉnh Thái Nguyên.
Như vậy, ngay ở những hoạt động du lịch thiên nhiên, văn hóa đã cho thấy vai trò quan trọng của nó đối với hiệu quả trong việc thu hút du khách. Không chỉ làm cảnh sắc thiên nhiên thêm huyền ảo, sống động và quyến rũ, những giá trị văn hóa truyền thống còn là mục tiêu, động cơ thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển phong phú các loại hình. Sự tăng vọt về số lượng khách du lịch đến những quốc gia hoặc địa phương tổ chức nhiều hoạt động văn hóa như: World Cup, thế vận hội Olympic, Sea Games, festival, hội chợ quốc tế, lễ hội truyền thống… đã cho thấy mối quan hệ không tách rời giữa văn hóa và du lịch. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa tham quan danh lam thắng cảnh và thưởng thức những giá trị văn hóa, làm phong phú hơn sự khám phá của du khách trong hành trình du lịch. Bên cạnh đó, yếu tố văn hóa còn chứng tỏ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của hoạt động du lịch, được thể hiện thông qua số lượng du khách gia tăng.
Thực tế, kể từ khi điểm du lịch hồ Núi Cốc được xây dựng mô phỏng theo truyền thuyết chàng Công - nàng Cốc, lượng khách du lịch tới đây đã tăng dần qua các năm. Năm 2010, khu du lịch hồ Núi Cốc đón 600.000 lượt khách, tổng thu từ du lịch của tỉnh Thái Nguyên đạt 20 tỷ đồng; năm 2011, lượng khách tăng 750.000 lượt, đạt tổng thu 22 tỷ; trong 9 tháng đầu 2012, lượng khách đến khu du lịch đã đạt 745.000 lượt (2). Thông qua sự so sánh một số điểm du lịch, chúng ta có thể thấy rõ hơn vai trò của văn hóa trong phát triển các loại hình du lịch và khả năng thu hút khách tham quan. Đối chiếu giữa 2 khu du lịch Đồ Sơn (Hải Phòng) và vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Đối với khu du lịch Đồ Sơn, hiệu quả cạnh tranh là một trong những mối bận tâm. Đồ Sơn không còn là khu du lịch hàng đầu như nó từng có trước đây. Ngay cạnh khu nghỉ mát này, đảo Cát Bà và vịnh Hạ Long là những đối thủ cạnh tranh lớn nhất. Đảo Cát Bà là một khu du lịch của Hải Phòng, có điều kiện sinh thái và môi trường tốt hơn so với Đồ Sơn. Hơn thế, Cát Bà là một khu du lịch còn mới mẻ, với nhiều cảnh quan tươi đẹp, nhiều giá trị văn hóa địa phương còn được lưu giữ, nơi đây là điểm dừng chân lý tưởng của du khách. Trong khi đó, vịnh Hạ Long lại được du khách biết đến và công nhận về giá trị cảnh quan và văn hóa. Không chỉ có cảnh quan hùng vĩ, nơi đây còn được biết đến bởi có nhiều vết tích văn hóa cổ xưa. Vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thế giới vào năm 1994, và đặc biệt hơn năm 2012 nó còn được công nhận là 1 trong 7 kỳ quan thế giới mới.
Năm
Chỉ tiêu |
Đơn vị tính |
Năm |
Tăng bình quân (%) |
||||
2005 |
2006 |
2007 |
2008 |
2009 |
|||
1. Tổng lượt khách du lịch |
1.000 lượt khách (LK) |
1.215 |
1.473 |
1.680 |
2.100 |
2.415 |
18,15 |
Khách quốc tế |
LK |
540 |
720 |
860 |
940 |
1120 |
18,75 |
Khách nội địa |
LK |
975 |
1.153 |
1.330 |
1.660 |
1.895 |
17,90 |
2. Tổng doanh thu |
Tỷ đồng |
283 |
363 |
404 |
470 |
540 |
17,15 |
(Số liệu thống kê của Sở VHTTDL Hải Phòng 2010)
So với Quảng Ninh:
Năm Chỉ tiêu |
Đơn vị tính |
Năm |
Tăng bình quân (%) |
||||
2005 |
2006 |
2007 |
2008 |
2009 |
|||
1. Tổng lượt khách du lịch |
1.000LK |
1.977 |
2.344 |
2.500 |
2.665 |
2.824 |
9, 4 |
Khách quốc tế |
LK |
679 |
921 |
1.085 |
1.043 |
1.106 |
12,9 |
Khách nội địa |
LK |
1.498 |
1.723 |
1.815 |
1.922 |
2.518 |
7,3 |
2. Tổng doanh thu |
Tỷ đồng |
468 |
746 |
874 |
1.060 |
1.219 |
26,5 |
(Số liệu thống kê của Sở VHTTDL Quảng Ninh 2010)
Căn cứ vào số liệu, chúng ta thấy tổng số khách du lịch của Quảng Ninh tính đến năm 2009 cao hơn hẳn so với Hải Phòng cả về tổng lượt khách (quốc tế và nội địa), doanh thu... Rõ ràng, vịnh Hạ Long có ưu thế hơn hẳn các điểm du lịch khác, bởi nó hội tụ được cả vẻ đẹp tự nhiên và giá trị văn hóa.
Một trong những động cơ khiến con người đi du lịch là để tìm kiếm những điều mới lạ, thay đổi môi trường sống, mở rộng sự hiểu biết của bản thân. Sự khác biệt về môi trường văn hóa càng lớn, thì càng có sức hấp dẫn du khách. Điều đó có nghĩa, địa phương nào có nhiều ưu thế bộc lộ được các giá trị văn hóa, thì nơi đó có tiềm năng du lịch lớn. Như vậy, hiệu quả của hoạt động du lịch rõ ràng phụ thuộc vào việc khai thác các giá trị văn hóa của địa phương nơi khách đến tham quan.
Hoạt động khai thác những giá trị văn hóa địa phương phục vụ cho nhu cầu của du khách luôn được ngành du lịch đặc biệt quan tâm. Trong giá trị văn hóa thường được ngành du lịch quan tâm phát triển chủ yếu tập trung vào những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật dân gian, ẩm thực... Có thể nói Hội An là điểm du lịch hấp dẫn cả về cảnh quan và giá trị văn hóa, chẳng thế mà số lượng du khách tới đây ngày một tăng. Vào những ngày trăng tròn, số lượng khách đến Hội An thường rất đông. Vào những ngày này người dân địa phương thường tổ chức lễ hội hoa đăng, thả hàng trăm ngàn chiếc thuyền đèn nến nhỏ trên dòng sông Thu Bồn. Đây vốn là một tục lệ cầu mưa thuận gió hòa rất cổ xưa của cư dân trồng lúa nước. Cùng với dòng chảy của thời gian, ý nghĩa của tục lệ này đã được mở rộng là những mong ước về cuộc sống ấm no hạnh phúc. Với ý nghĩa cao đẹp như vậy, Hội An đã để lại trong lòng du khách những dư âm thật ngọt ngào. Cùng với người dân, du khách đã hòa mình vào không khí lễ hội, để cùng cầu ước những điều tốt đẹp, đây chính là yếu tố nhân văn sâu sắc. Tương tự như thế, du khách đi du lịch Sa Pa chủ yếu là với mục đích nghỉ ngơi, tận hưởng không khí mát mẻ khí hậu vùng cao, chiêm ngưỡng phong cảnh núi non hùng vĩ. Du khách thường lên Sa Pa vào hai ngày cuối tuần. Đến vào dịp cuối tuần, du khách được tham dự chợ tình Sa Pa. Vào tối thứ 7, trước phiên chợ chính ngày chủ nhật, nam nữ thanh niên các dân tộc Mông, Dao, Giáy, Tày… sống ở những bản cách khá xa trung tâm đến chợ để gặp người quen, uống với nhau vài chén rượu, hay tìm bạn đời… Nhờ giai điệu réo rắt của tiếng khèn, đàn môi, sáo, kèn lá, những lời hát cùng điệu múa uyển chuyển, mạnh mẽ để tìm bạn tình của chàng trai, cô gái các tộc người ở Sa Pa. Đến đây, du khách được thưởng thức, trải nghiệm những nét văn hóa riêng có của các tộc ít người. Ngoài ra, họ còn có thể mua được những sản phẩm thủ công rất độc đáo như: vải dệt truyền thống tinh xảo, đồ trang sức làm bằng tay rát cầu kỳ, hàng thêu công phu...
Sa Pa và Hội An đều là những địa phương được đánh giá là có tiềm năng du lịch lớn và thường xuyên đón khách đến thăm quan. Hiện tượng khu khách tăng mạnh ở những nơi này khi có những sự kiện văn hóa, không chỉ cho thấy vai trò quan trọng của văn hóa đối với hoạt động du lịch, mà còn phần nào minh chứng cho khả năng hấp dẫn, thu hút khách một cách đặc biệt của các giá trị truyền thống. Có thể ví các giá trị văn hóa truyền thống là những thỏi từ có sức hút du khách mạnh mẽ của địa phương. Hiệu quả kinh tế của hoạt động du lịch địa phương nhờ đó cũng tăng trưởng mạnh, góp phần vào phát triển kinh tế chung của cả nước.
Không phải vô cớ mà ngành du lịch trong quá trình phát triển đã xác định hai nhiệm vụ cơ bản là: giới thiệu về đất nước con người tới du khách; kinh doanh có lãi, góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước, cũng như của ngành. Thực chất, xét trên phương diện kinh tế, hoạt động kinh doanh du lịch là hoạt động khai thác các giá trị văn hóa, biến chúng thành những sản phẩm của ngành du lịch. Bởi thế, hoạt động du lịch không thể tách rời với các yếu tố văn hóa. Rõ ràng, các giá trị văn hóa không chỉ là mục tiêu, mà chúng còn là động lực thúc đẩy sự phát triển của hoạt động du lịch. Hiệu quả kinh tế hoạt động du lịch phụ thuộc vào việc khai thác những giá trị văn hóa của vùng, địa phương của điểm đến.
_______________
1. Trần Đức Thanh, Nhập môn khoa học du lịch, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.63.
2. Theo số liệu của Sở Du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2012.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 353, tháng 11-2013
Tác giả : Phạm Hoài Anh