Văn hóa tạo nên hình ảnh và thương hiệu đặc sắc của doanh nghiệp

Với chủ đề “Chấn hưng Văn hóa - nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững”, Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với Doanh nghiệp” lần thứ hai (tổ chức ngày 3-12) nhằm triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng văn hóa, còn người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; khẳng định vai trò, tầm quan trọng của văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp trong phát triển kinh tế đất nước.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận xung quanh các vấn đề chính như: vai trò, nội dung, tác động của chấn hưng văn hóa đến phát triển kinh tế bền vững; Những bài học thực tiễn của doanh nghiệp Việt Nam về phát huy vai trò của văn hóa trong phục hồi và phát triển kinh tế, nhất là trong và sau đại dịch COVID-19; Giải pháp nâng cao vai trò của văn hóa trong phục hồi và phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh hậu COVID-19…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam” năm 2022 cho 24 doanh nghiệp

Văn hóa kinh doanh - một trong những yếu tố quan trọng dẫn dắt sự tồn tại và phát triển bền vững của từng doanh nghiệp

Trình bày tham luận tại Diễn đàn, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam nhấn mạnh, Văn hóa kinh doanh được coi là yếu tố then chốt tạo nên triết lý kinh doanh, niềm tin của khách hàng và là giá trị cốt lõi để doanh nghiệp xây dựng, giữ gìn, phát triển thương hiệu. Không một thương hiệu mạnh nào không được xây dựng trên một nền tảng văn hóa kinh doanh vững chắc. Văn hóa tạo nên hình ảnh và thể hiện qua hình ảnh, thương hiệu đặc sắc của doanh nghiệp. Chúng ta đều biết, không bao giờ có hai công ty có cùng một bản sắc và giá trị văn hóa. Để cạnh tranh, đối thủ có thể sao chép nhiều thứ, từ chiến lược, sản phẩm, quy trình cho đến bí quyết công nghệ…, song, không thể sao chép được những giá trị văn hóa, tinh thần.

Trong một thế giới thay đổi nhanh, nhiều rủi ro, bất ổn và khó dự báo như hiện nay, văn hóa kinh doanh càng thể hiện rõ vai trò “trụ đỡ”/“lực đẩy” quan trọng, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và thách thức, phục hồi và tiếp tục phát triển bền vững. Thực tế hơn 2 năm qua đã chứng minh, văn hóa kinh doanh đóng vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp đứng vững trước những biến cố, chấn động bất ngờ, các “cú sốc” của thị trường, và của đại dịch COVID-19. Văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội là nơi tạo ra nguồn vốn xã hội, là yếu tố giúp gia tăng nguồn lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, bên cạnh nguồn lực tài chính và nguồn lực con người.

Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam trình bày tham luận tại Diễn đàn

Bà Hà Thu Thanh khẳng định, Để phát triển liên tục và bền vững, doanh nghiệp cần củng cố và xây dựng nền móng văn hóa kinh doanh vững và sáng. Văn hóa kinh doanh sẽ là một trong những yếu tố quan trọng, dẫn dắt sự tồn tại và phát triển bền vững của từng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn, và tạo nên lợi thế cạnh tranh riêng biệt; Văn hóa kinh doanh là một thành tố quan trọng của năng lực cạnh tranh, là thứ duy nhất còn sót lại khi gặp khủng hoảng.

Bất cứ doanh nghiệp làm kinh tế đều mong tạo ra lợi nhuận. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện thực hóa khát vọng làm giàu nhưng không được chà đạp lên mọi giá trị, vì hoạt động kinh doanh còn chịu sự điều chỉnh của pháp luật và văn hóa. Văn hóa kinh doanh có thể sẽ không giúp doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận ngay tức thì, nhưng đây sẽ là nền tảng giúp ngày càng tăng ngưỡng chịu đựng, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, vượt qua mọi thử thách. Điều này có thể thấy rõ ràng trong những thời kỳ khủng hoảng, gần đây nhất là thời kỳ đại dịch COVID-19 - bà Hà Thu Thanh nhận định. 

Cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đặc sắc và khác biệt

Với tham luận “Chấn hưng văn hóa và khát vọng vươn tầm thế giới của doanh nghiệp Việt Nam", ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP.HCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình khẳng định: “Doanh nhân Việt Nam cần có tư duy toàn cầu và mạnh dạn phát triển kinh doanh ra nước ngoài. Để có sự thành công vượt trội, chúng ta cần xây dựng một văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đặc sắc và khác biệt. Từ đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ vươn tầm thế giới và có thể bứt phá. Trong hội nhập, chúng ta cũng cần nuôi khát vọng cống hiến cho việc bảo vệ và phát triển nền văn minh, sự thịnh vượng của toàn nhân loại...

Ông Lê Viết Hải trình bày tham luận “Chấn hưng văn hóa và khát vọng vươn tầm thế giới của doanh nghiệp Việt Nam"

Ông Lê Viết Hải cho rằng, trong thời kỳ hội nhập, khi doanh nhân Việt Nam phát triển kinh doanh ra thị trường toàn cầu luôn cần có những tiêu chí văn hóa kinh doanh phù hợp với giao thương quốc tế. Đó là những tiêu chí xem xét về đóng góp vào sự thịnh vượng chung của thế giới cũng như việc bảo vệ và phát triển nền văn minh của nhân loại.

“Hơn lúc nào hết, chúng ta cần xác định thật rõ sứ mệnh của doanh nghiệp Việt Nam ngoài đóng góp vào sự phát triển của quốc gia là đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế toàn cầu, đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của thế giới do Liên Hiệp quốc khởi xướng, mà quan trọng nhất là gìn giữ hòa bình cho thế giới”.

Vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp trong xây dựng và phát triển văn hóa kinh doanh Việt Nam

Trong khuôn khổ diễn đàn này cũng đã diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề: "Vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp trong xây dựng và phát triển văn hóa kinh doanh Việt Nam", các doanh nghiệp cũng đã trao đổi, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, thiết thực trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ chia sẻ những kinh nghiệm của doanh nghiệp trong quá trình vượt qua đại dịch và tình hình suy thoái kinh tế: “Trong chặng đường 35 năm hình thành và phát triển, giá trị lớn nhất của thương hiệu chính là văn hóa và con người PNJ. Đó là giá trị cốt lõi và ngày càng được vun đắp, làm giàu, tạo sức mạnh cho doanh nghiệp. Trải qua những bước đi từ những ngày đầu còn khó khăn, cho đến những giai đoạn sau này và đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, chúng tôi càng nhận thấy những giá trị của văn hóa doanh nghiệp luôn tạo nên sức mạnh. Văn hóa giúp doanh nghiệp hình thành và phát huy những giá trị cốt lõi là sự kiên định, sự quan tâm cùng phát triển và tính kỷ luật, giúp doanh nghiệp vững vàng vượt mọi thử thách”.

Đại biểu trong Tọa đàm với chủ đề: "Vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp trong xây dựng và phát triển văn hóa kinh doanh Việt Nam"

Là doanh nghiệp chuyên về mảng giao thông, thực hiện nhiều dự án, công trình lớn của đất nước, ông Ngọ Trường Nam - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, Đèo Cả luôn chọn những dự án khó với tâm thế giải cứu những dự án này. “Chúng tôi luôn mang theo hành trang của mình khát vọng vươn lên, mong mỏi đóng góp điều lớn lao cho doanh nghiệp và xã hội, khẳng định niềm tự hào, tự tôn của dân tộc. Để làm được điều đó, yếu tố văn hóa doanh nghiệp rất quan trọng. Văn hóa doanh nghiệp cần được thổi vào từng cán bộ, nhân viên và tạo thành sức phát triển cho Tập đoàn. Vì thế, khi thực hiện những công trình giao thông, sẽ gặp phải những khó khăn tại hiện trường, thì vấn đề chăm sóc đội ngũ cần được chú trọng. Quan tâm đến cán bộ, nhân viên là vấn đề mà Đèo Cả là doanh nghiệp tiên phong, thay đổi quan điểm từ “lán trại hiện trường” thành “nhà ở hiện trường”.

Luôn cố gắng tạo nên những giá trị cốt lõi đẹp đẽ, từ đó có thể thấm vào người lao động là vấn đề được bà Trần Thị Quyên – Giám đốc Nhân sự TH Group nêu ra tại tọa đàm. “Việc thực thi để văn hóa doanh nghiệp ngấm vào mỗi người lao động, từ những khẩu hiệu, đến hệ thống và mô thức tư duy của doanh nghiệp, niềm tin và nề nếp làm việc của doanh nghiệp đều được chú trọng. Chúng tôi quan niệm, những giá trị mà doanh nghiệp muốn đưa đến khách hàng thì cũng cần đưa đến cho nhân viên của mình. Giá trị cốt lõi của chúng tôi là Vì hạnh phúc đích thực…”, bà Trần Thị Quyên cho biết.

Tại Diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp cũng đã đề xuất và mong muốn lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh, tạo niềm tin đối với doanh nhân, doanh nghiệp trong môi trường hoạt động kinh doanh trong nước, để từ đó các doanh nghiệp hội đủ nội lực, niềm tin phát triển, vươn tầm ra thế giới...

Tại Diễn đàn cũng diễn ra Lễ tôn vinh và trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam” năm 2022 cho 24 doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam do Hội đồng Quốc gia xét duyệt, gồm: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội; Công ty Cổ phần Thực phẩm sữa TH; Ngân hàng Quân đội; Tổng Công ty May 10; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Chi nhánh Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông; Công ty Cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam; Công ty TNHH Minh Long I; Công ty Cổ phần MISA; Công ty TNHH Du lịch SACO; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong; Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn; Khách sạn Bến Thành (Rex Hotel Saigon); Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau; Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí; Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh; Chi nhánh Tổng Công ty Khí Việt Nam - Công ty Khí Cà Mau; Tổng công ty Du lịch Sài Gòn TNHH Một thành viên; Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP; Công ty Cổ phần Tập đoàn DKNEC; Công ty Cổ phần Nam Dược; Khách sạn Hoàn Cầu (Hotel Continental Saigon); Công ty Cổ phần Gama Việt Nam; Công ty TNHH Thương mại và nhập khẩu Hòa Bình Group.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy và Chủ tịch VNABC Hồ Anh Tuấn trao hoa và cúp lưu niệm cho các diễn giả tham gia tham luận và tọa đàm

BTC 248 trao hoa và Bằng khen cho các doanh nghiệp đã hưởng ứng tích cực Cuộc vận động "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam" năm 2022

Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL cũng tặng Bằng khen cho 13 tập thể có thành tích xuất sắc triển khai Cuộc vận động “Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” và Ban Tổ chức 248 tặng Bằng khen cho 33 đơn vị đã tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” năm 2022.

Diễn đàn là một trong những hoạt động thiết thực góp phần đẩy mạnh công cuộc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước, từng bước hình thành những đặc trưng tiêu biểu của văn hóa kinh doanh Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

NGỌC BÍCH - Ảnh: TRẦN HUẤN

;