Xây dựng nông thôn mới là chương trình lớn nhằm động viên mọi nguồn lực nhằm mục tiêu phát triển nông thôn một cách toàn diện, nâng cao đời sống của nông dân trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 bao gồm 11 nội dung, trong đó có nội dung: “bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống theo phương châm mỗi làng một sản phẩm, phát triển ngành nghề theo thế mạnh của địa phương”. Tiếp đó, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề, gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới với mục tiêu “phát triển làng nghề, ngành nghề, dịch vụ, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, phát huy bản sắc dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”(1).
Làng nghề truyền thống (LNTT) có vị thế và tiềm năng rất lớn trong xây dựng nông thôn mới. Để đảm bảo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thì các LNTT có nhiều lợi thế so với các làng thuần nông bởi thường nằm ở những vị trí giao thông thuận lợi, có nghề phụ và dịch vụ, thuận lợi trong chuyển dịch cơ cấu lao động và ngành nghề. LNTT cũng là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc và những tinh hoa nghề nghiệp của nhiều thế hệ, từ đó góp phần tạo dựng bộ mặt nông thôn mới vừa hiện đại vừa giàu bản sắc dân tộc. Chính vì vậy, bảo tồn và phát triển LNTT, song song với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng nghề có ý nghĩa hết sức quan trọng trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong cả nước nói chung, tỉnh Bắc Giang nói riêng.
Bắc Giang là một trong những tỉnh có nhiều LNTT nổi tiếng từ lâu đời ở nước ta, nhất là trong lĩnh vực chế biến nông lâm sản thực phẩm. Nhiều thương hiệu sản phẩm làng nghề đã trở nên nổi tiếng ở thị trường trong và ngoài nước như: rượu làng Vân, mì gạo Chũ, bánh đa Kế, chè kho Mỹ Độ, mật ong rừng Lục Ngạn, Sơn Động, mây tre đan Tăng Tiến, gốm Thổ Hà... Hiện nay, với 33 làng nghề đã được công nhận, trong đó có 14 LNTT, trên 6.400 hộ và trên 20.800 lao động tham gia làm nghề, thu nhập từ làm nghề tại các làng nghề Bắc Giang chiếm khoảng 80% tổng thu nhập (2). Bên cạnh những đóng góp đáng ghi nhận về giá trị kinh tế của các sản phẩm làng nghề là những đóng góp về mặt xã hội trong việc góp phần giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động dôi dư của địa phương. Với nguồn thu nhập ổn định và tương đối cao so với sản xuất nông nghiệp, làng nghề Bắc Giang đã và đang thu hút ngày càng lớn lực lượng lao động nông thôn tham gia làm nghề. Tiêu biểu như làng Vân 100% số hộ tham gia nấu rượu và bán rượu, làng Thủ Dương 87% số hộ làm mì (mì Chũ), xã Dĩnh Kế 80% số hộ làm bánh đa, mì gạo, xã Tăng Tiến 70% số hộ làm nghề đan lát...(3).
Các LNTT đã tận dụng được lợi thế từ nguồn nhân lực của địa phương cũng như nguồn nguyên liệu từ nông nghiệp. Do đa số LNTT Bắc Giang thuộc lĩnh vực chế biến nông lâm sản thực phẩm, sử dụng nguồn nguyên liệu chủ yếu của địa phương và một số tỉnh lân cận nên có thuận lợi nhất định trong việc chủ động nguồn nguyên liệu, giảm thiểu chi phí vận chuyển. Các làng nghề đã tận dụng được lực lượng lao động dồi dào thuộc nhiều lứa tuổi và thời gian nhàn rỗi ở nông thôn, tạo ra sản phẩm mang bản sắc địa phương, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng.
Trong những năm qua, sự phát triển của các LNTT và của khối kinh tế làng nghề đã tạo ra của cải vật chất dồi dào, giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân làng nghề; đóng góp một phần không nhỏ làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Bắc Giang theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu của địa phương. Mặt khác, các nghề thủ công truyền thống lâu đời của Bắc Giang không chỉ có giá trị kinh tế mà còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, có sức sống lâu bền trong đời sống cộng đồng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự phát triển của các LNTT ở Bắc Giang còn bộc lộ nhiều hạn chế. Phần lớn các làng nghề đều sản xuất tự phát, tự tìm đầu ra, hạn chế trong tiếp cận nguồn vốn, quy mô sản xuất nhỏ, thủ công dưới dạng hộ gia đình, cơ sở vật chất nghèo nàn, nhỏ hẹp, máy móc thiết bị lạc hậu, sản xuất manh mún, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm.
Tỉnh Bắc Giang hiện có 11 cơ sở sản xuất nằm trong danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý triệt để, trong đó có 2 làng nghề là làng giết mổ trâu bò Phúc Lâm và làng rượu Vân Hà. Ngoài ra, ở nhiều làng nghề khác như làng bún Đa Mai, làng mì Thủ Dương, làng mì Dĩnh Kế... ô nhiễm môi trường cũng ở mức độ nghiêm trọng do nước thải chưa qua xử lý xả thẳng ra hệ thống ao hồ, sông suối.
Trong xu thế hiện nay, phát triển kinh tế làng nghề không chỉ bằng vào chất lượng sản phẩm hàng hóa mà còn là sự kết hợp giữa sản xuất hàng hóa và khai thác du lịch làng nghề. Với việc mở rộng khai thác du du lịch làng nghề, các LNTT có điều kiện để phát triển bởi xuất khẩu theo đường du lịch là một trong những biện pháp tích cực giải quyết đầu ra của sản phẩm làng nghề. Hơn nữa, việc quảng bá sản phẩm qua con đường du lịch rất quan trọng. ở Bắc Giang, nhiều làng nghề có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời, nổi tiếng trong và ngoài nước; nhiều làng nghề gắn liền với những di tích lịch sử văn hóa, lễ hội… Đó là những điều kiện rất thuận lợi để xây dựng tour du lịch làng nghề. Có thể thấy tiềm năng du lịch làng nghề ở Bắc Giang khá lớn nhưng chưa được chú trọng khai thác. Thực tế hiện nay cho thấy vấn đề phát triển du lịch làng nghề ở Bắc Giang còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ du lịch ở hầu hết các làng nghề còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu để trở thành các điểm, tuyến du lịch, thiếu kỹ năng tiếp thị, môi trường ô nhiễm gây trở ngại rất lớn cho việc khai thác du lịch; không gian văn hóa truyền thống tại một số làng nghề bị phá vỡ do quá trình đô thị hóa nông thôn...
Để giải quyết những vấn đề này, cần có phương hướng và giải pháp tháo gỡ, không chỉ dựa vào sự tự thân của các làng nghề mà cần có sự trợ giúp của Nhà nước, chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng, hiệp hội làng nghề. Yêu cầu đặt ra đối với việc bảo tồn, phát triển LNTT trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là phải đáp ứng được ba tiêu chí: hiệu quả kinh tế, hiệu quả văn hóa xã hội và giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường. Như vậy, khôi phục và phát triển LNTT phải gắn với tăng trưởng kinh tế, bảo đảm vệ sinh môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và các giá trị văn hóa nghề nghiệp.
Từ góc độ văn hóa, có thể đề xuất một số giải pháp nhằm bảo tồn, phát triển LNTT song song với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa LNTT như sau:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng của người lao động làng nghề; tuyên truyền, tác động vào ý thức của người dân làng nghề trong việc giữ gìn và phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống, bảo lưu, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong nhân dân về giá trị của các sản phẩm thủ công truyền thống; tuyên truyền, vận động, khuyến khích nhân dân sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ tiêu dùng trong đời sống hàng ngày.
Phát triển làng nghề truyền thống phải đặt trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và công nghiệp của địa phương. Cần triển khai công tác quy hoạch các LNTT kết hợp du lịch, xử lý ô nhiễm môi trường. Về vấn đề này, tỉnh Bắc Giang đã đưa ra 2 phương án. Phương án thứ nhất là xây dựng cụm làng nghề tập trung. Bước đầu lựa chọn những làng nghề nổi tiếng, tiếp đó triển khai đồng bộ hạ tầng: điện, đường, cấp nước, xử lý nước thải, chỉnh trang cảnh quan, bảo vệ môi trường (tỉnh đã tiến hành quy hoạch và xây dựng khu tiểu thủ công nghiệp - làng nghề Việt Yên). Phương án này đòi hỏi kinh phí rất lớn. Phương án thứ hai là đầu tư xử lý chất thải ngay tại hộ gia đình. Triển khai thử nghiệm tại làng nấu rượu Vân Hà đã đem lại hiệu quả trong việc xây dựng và cải tạo hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. Nước thải được xử lý làm sạch trước khi xả ra sông Cầu. Với phương án này, kinh phí chủ yếu do các hộ gia đình, song cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước và địa phương.
Cần có chính sách đầu tư liên kết, hợp tác giữa các làng nghề với nhau, giữa làng nghề với cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và với các doanh nghiệp công nghiệp lớn để hợp tác gia công và tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp làng nghề, tạo ra dòng vốn liên kết giữa những doanh nghiệp làng nghề đầu tàu với các hộ sản xuất, doanh nghiệp sản xuất trong làng để giải quyết những khó khăn về vốn, mở rộng năng lực sản xuất, triển khai áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm lượng chất thải. Tại một số làng nghề như làng bún Đa Mai, làng mì Dĩnh Kế đã thành lập ban liên lạc nhằm phối hợp và hỗ trợ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Tôn vinh nghệ nhân và đào tạo lao động có tay nghề cao. Cho đến nay Bắc Giang vẫn chưa có nghệ nhân được phong tặng các danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân. Vì vậy cần chú trọng hơn nữa trong việc hướng dẫn nghệ nhân kê khai, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét phong tặng. Cần thường xuyên tổ chức các cuộc thi tay nghề và trao giải cho những lao động có tay nghề cao. Việc tuyển chọn và trao giải cho những tác phẩm thủ công xuất sắc cần được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng năm nhằm khuyến khích khả năng sáng tạo của nghệ nhân. Cần có cơ chế khuyến khích và chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân giỏi trong việc dạy nghề, truyền nghề, đẩy mạnh việc đào tạo lao động có tay nghề cao trong các nghề thủ công truyền thống. Từ đó hình thành đội ngũ các doanh nhân, nghệ nhân, thợ giỏi, làm hạt nhân thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn và làng nghề ở Bắc Giang. Trong việc đào tạo nghề, tại một số làng nghề ở Bắc Giang như làng mì Dĩnh Kế, chính quyền xã đã phối hợp với tỉnh và thành phố tổ chức các lớp tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất, quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho lao động làng nghề. Cần chú trọng phương thức truyền nghề của nghệ nhân song song với việc tổ chức những lớp bồi dưỡng ngắn ngày ngay tại địa phương. Về lâu dài, nên tổ chức các lớp học nghề tại làng và tại các cơ sở đào tạo với sự tham gia của các nghệ nhân và các nhà khoa học.
Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề. Các cấp chính quyền địa phương cần có kế hoạch giúp đỡ, hỗ trợ các cơ sở sản xuất thủ công tiếp cận thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm. Chính quyền địa phương cần chủ động tìm kiếm các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu, giải quyết tốt việc bán hàng và xuất khẩu sản phẩm thủ công; chủ động tìm kiếm các doanh nghiệp đảm nhiệm khâu giải quyết đầu ra cho sản phẩm thủ công truyền thống thông qua việc tổ chức tốt các hội chợ, triển lãm hàng thủ công tại địa phương; liên hệ gửi sản phẩm thủ công của địa phương đi trưng bày, triễn lãm ở các hội chợ vùng miền trong cả nước và các hội chợ quốc tế nhằm giới thiệu quảng bá thương hiệu sản phẩm thủ công Bắc Giang tới các vùng miền trong cả nước. Mặt khác cần mở rộng tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm ngoài nước, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ xuất khẩu yên tâm làm ăn lâu dài. Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm thông qua hình thức củng cố, mở rộng phát triển du lịch làng nghề.
Tiến hành thống kê nghệ nhân, thợ giỏi và lao động có tay nghề cao ở các làng nghề. Có kế hoạch và biện pháp khai thác kịp thời vốn tri thức kinh nghiệm và các giá trị văn hóa truyền thống từ các nghệ nhân cao tuổi ở các làng nghề. Tiến hành nghiên cứu và lưu giữ kho tàng kinh nghiệm, kỹ thuật, bí quyết nghề nghiệp... Khảo sát phát hiện những gia đình và dòng họ có truyền thống lâu năm trong nghề. Hỗ trợ họ trong hoạt động sản xuất kinh doanh và xây dựng mô hình vừa sản xuất vừa trình diễn hoạt động nghề phục vụ khách tham quan.
Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của tục thờ tổ nghề và lễ hội làng nghề. Thông qua tục thờ tổ nghề và lễ hội làng nghề, có thể làm sáng tỏ nhiều nét văn hóa đặc sắc của nghề và làng nghề. Chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng nghề bằng phương thức khai thác du lịch lễ hội. Thông qua du lịch lễ hội để giới thiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm làng nghề. Lễ hội làng nghề là nơi giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của làng nghề như bánh đa hội Kế, bún hội Đa Mai, chè kho hội Mỹ Độ, bánh khúc tai mèo hội Thổ Hà, rượu hội Vân... Chính từ những đặc trưng văn hóa của lễ hội làng nghề Bắc Giang, có thể lựa chọn một số lễ hội tiêu biểu làm điểm nhấn trong đầu tư phát triển du lịch làng nghề kết hợp du lịch lễ hội làng nghề. Chẳng hạn như lễ hội Thổ Hà, làng nghề nổi tiếng với nghề gốm và nấu rượu. Đây là nơi có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp bên bờ sông Cầu. Đình làng với kiến trúc điêu khắc độc đáo nổi tiếng từ thế kỷ XVII, nơi thờ tự ông tổ nghề gốm. Lễ hội Thổ Hà tiêu biểu cho lễ hội dân gian truyền thống lâu đời của vùng Kinh Bắc với nhiều hoạt động văn hóa đa dạng, phong phú và đặc sắc, đặc biệt là hát quan họ của các liền anh liền chị từ các làng xung quanh...
Thiết kế các tuyến du lịch làng nghề theo chuyên đề, tạo cơ hội thuận lợi cho du khách trong việc tiếp cận với các giá trị văn hóa làng nghề. Có thể thiết kế một số tuyến du lịch làng nghề như: nhà cổ - các công trình kiến trúc thờ tự tổ nghề - nơi sản xuất hoặc trình diễn nghề - nơi trưng bày và bán sản phẩm thủ công truyền thống; kết hợp du lịch làng nghề và du lịch lễ hội làng nghề... Cũng có thể thiết kế mô hình du lịch home stay, nhất là tại các gia đình nghệ nhân có truyền thống lâu năm trong nghề, để du khách vừa tham quan vừa có thể trực tiếp tham gia vào một vài công đoạn trong quy trình sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống. Bên cạnh đó, tại các làng nghề cần xây dựng nơi lưu giữ, trưng bày, giới thiệu về các quy trình, kỹ thuật, công cụ sản xuất cũng như các mẫu mã sản phẩm của nghề truyền thống, các hiện vật, hình ảnh, tư liệu về nghề và làng nghề. Đây vừa là nơi quảng bá, giới thiệu và tôn vinh sản phẩm làng nghề, vừa có thể trực tiếp bán sản phẩm làng nghề cho khách du lịch. Các cấp chính quyền địa phương cũng như các cơ sở sản xuất làng nghề và bản thân người lao động làng nghề cần xác định du lịch là yếu tố giúp quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm tại chỗ, góp phần tích cực vào phát triển làng nghề. Vì vậy bên cạnh việc cần không ngừng cải tiến mẫu mã, chất lượng làm cho sản phẩm thủ công ngày càng phong phú về mẫu mã, chủng loại, hình thức bắt mắt, hấp dẫn du khách, người dân ở các làng nghề còn cần tự trang bị kiến thức cơ bản để có thể giới thiệu về nghề, về sản phẩm làng nghề của địa phương với du khách.
Việc giải quyết các vấn đề trên đòi hỏi phải có sự đồng thuận giữa các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và người dân làng nghề. Đặc biệt phải có sự hỗ trợ từ Nhà nước thông qua các chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn và phát triển làng nghề, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa làng nghề. Việc bảo tồn, khôi phục, khơi dậy tiềm năng thế mạnh của mỗi làng nghề có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới hiện nay ở Bắc Giang nói riêng, cả nước nói chung. Trong đó, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa làng nghề là nền tảng cho sự phát triển làng nghề bền vững, để các làng nghề có đủ khả năng đảm bảo các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
_______________
1. Quyết định số 2636/QĐ-BNN-CB ngày 31-10-2011 về việc Phê duyệt Chương trình Bảo tồn và Phát triển làng nghề.
2. ebacgiang.com.vn.
3. baomoi.com.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 353, tháng 11-2013
Tác giả : Nguyễn Phương Lan