VĂN HÓA DU LỊCH VIỆT NAM

       Trong nhiều thập niên qua, ngành du lịch được coi là một trong những lĩnh vực kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới, trở thành động lực chủ yếu đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội ở các quốc gia. Mỗi quốc gia đều tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở khai thác các nguồn tài nguyên, đặc biệt là lợi thế về văn hóa của dân tộc.

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang tăng cường xu thế mở cửa và hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị, du lịch...trong đó, du lịch đóng vai trò quan trọng cả trên phương diện kinh tế lẫn văn hóa. Điều này được khẳng định trong Pháp lệnh Du lịch: “Nhà nước Việt Nam xác định du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao; phát triển du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng của nhân dân và khách quốc tế, góp phần nâng cao dân trí, tạo việc làm và phát triển kinh tế xã hội của đất nước”.

Như vậy, Pháp lệnh Du lịch đã đưa ra nội dung cơ bản, bản chất của du lịch Việt Nam là du lịch văn hóa. Du lịch Việt Nam muốn phát triển tất yếu phải khai thác, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.

1. Các giá trị văn hóa vật chất

Con người có hai loại nhu cầu cơ bản là nhu cầu vật chất và tinh thần, do vậy, tương ứng với nó là hoạt động sản xuất vật chất và tinh thần. Từ đó, quan niệm văn hóa được phân chia thành hai dạng văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần.

Văn hóa vật chất còn được gọi văn hóa vật thể, văn hóa hữu hình, bao gồm toàn bộ những sản phẩm do hoạt động sản xuất vật chất của con người tạo ra như: đồ ăn, đồ mặc, nhà cửa, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, công cụ sản xuất, phương tiện đi lại, các di tích lịch sử - văn hóa...

Các giá trị văn hóa vật chất là nguồn tài nguyên nhân văn quan trọng trong quá trình quy hoạch để phát triển du lịch cho từng vùng miền, địa phương và quốc gia. Các giá trị văn hóa vật chất chủ yếu được khai thác thông qua hệ thống các di tích lịch sử, di tích lịch sử văn hóa để tạo nên tuyến, điểm tham quan của du khách.

Các giá trị văn hóa được ứng dụng, khai thác trong quá trình tạo ra hệ thống cơ sở vật chất, trang trí cơ sở hạ tầng của ngành du lịch như: khách sạn - nhà hàng, văn phòng du lịch. Khi thiết kế khách sạn, nhà hàng hay văn phòng du lịch họ đều sử dụng các vật liệu, hay kiểu dáng, phong cách kiến trúc để tạo nên sự khác biệt để gây ấn tượng cho du khách.

Các giá trị văn hóa ẩm thực được chủ yếu khai thác thông qua hoạt động kinh doanh đồ ăn, uống; dựa trên đặc điểm ẩm thực của các vùng, miền, để xây dựng những chương trình du lịch hấp dẫn du khách. Thông qua cách ăn, nghệ thuật chế biến, du khách sẽ có cơ hội hiểu thêm về văn hóa độc đáo của mỗi vùng miền trên đất nước Việt Nam. Ví như, khi tặng cho du khách Mỹ một chiếc điếu cày bằng tre, họ được nghe giải thích về tập quán hút thuốc lào trong văn hóa người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ qua câu ca dao sau: Nhớ ai như nhớ thuốc lào/ Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên.

2. Các giá trị văn hóa tinh thần

Văn hóa tinh thần còn được gọi là văn hóa vô hình, văn hóa phi vật thể bao gồm toàn bộ những sản phẩm do hoạt động sản xuất tinh thần của con người tạo ra như: tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo, nghệ thuật, phong tục tập quán, lễ hội, đạo đức, ngôn ngữ, văn chương, âm nhạc...

Các giá trị văn hóa phi vật thể được khai thác vào hoạt động du lịch:

Các giá trị lịch sử văn hóa trong kho tàng lễ hội truyền thống Việt Nam, lễ hội du lịch như: lễ hội gắn với cuộc sống của cư dân sản xuất nông nghiệp lúa nước, canh tác nương rẫy, môi trường sông nước; lễ hội gắn với các danh nhân văn hóa, danh nhân lịch sử và các sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc... Lễ hội truyền thống và hiện đại chính là cơ hội để thu hút du khách, quảng bá văn hóa du lịch của từng địa phương, vùng miền và quốc gia, ví như: lễ hội văn hóa du lịch quốc tế cồng chiêng Tây Nguyên, lễ hội du lịch Huế (Hue festival), lễ hội văn hóa du lịch dân ca quan họ Bắc Ninh...

Thông qua việc tìm hiểu các giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo và phong tục tập quán...; nghệ thuật kiến trúc, chạm khắc, điêu khắc tại các điểm tham quan là những ngôi miếu, đền, đình, chùa, tháp... sẽ làm cho du khách thêm hiểu rõ hơn về văn hóa Việt Nam.

Nghệ thuật âm nhạc dân gian truyền thống là các điệu ví, hò, lý, ca trù, dân ca... cũng được phát huy để phục vụ cho khách du lịch như: ca bài chòi trên sông Thu Bồn, ca Huế trên sông Hương, dân ca quan họ Bắc Ninh, nghệ thuật hát ca trù, múa rối nước, các điệu lý của người Việt ở Nam Bộ, âm nhạc và những điệu múa của người Chăm...

Các làng nghề truyền thống Việt Nam cũng là những điểm tham quan thu hút du khách trong và ngoài nước hiện nay như: tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), gốm Bát Tràng (Hà Nội), gốm Chu Đậu (Hải Dương), gốm Bầu Trúc (Ninh Thuận)... Bên cạnh đó du khách sẽ hiểu thêm về những đặc trưng văn hóa làng xã cổ truyền ở từng vùng miền khác nhau.

3. Văn hóa du lịch từ góc nhìn thời gian

Văn hóa du lịch từ góc nhìn theo diễn trình lịch sử nghiên cứu, theo lịch đại từ truyền thống cho đến hiện đại. Nói cách khác, văn hóa du lịch từ góc nhìn lịch sử là khai thác các giá trị lịch sử của từng giai đoạn, từng thời kỳ. Ví như, khi tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu các hiện vật trưng bày trong Bảo tàng lịch sử Việt Nam du khách sẽ hiểu biết về quá trình hình thành, phát triển văn hóa Việt Nam thời tiền sử, sơ sử, thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, thời kỳ tự chủ... và các nền văn hóa tiêu biểu như: Núi Đọ, Sơn Vi, Hòa Bình, Bắc Sơn, Đông Sơn, Sa Huỳnh, văn hóa Chăm, văn hóa Óc Eo, văn hóa triều Lý, triều Trần...

4. Văn hóa du lịch từ góc nhìn không gian

Từ góc nhìn địa - văn hóa nghiên cứu văn hóa du lịch theo chiều ngang, không gian văn hóa vùng miền, từ điều kiện thiên nhiên đến cảnh quan trong quan hệ tương tác với con người.

Việt Nam có sáu vùng văn hóa, mỗi vùng lại có những điểm khác biệt để tạo ra những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng.

Vùng văn hóa Tây Bắc, là phần lãnh thổ rộng lớn thuộc địa phận các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang và một phần của Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, miền núi Thanh - Nghệ. Với núi non trùng điệp và hệ thống sông Đà, sông Mã, sông Chu. Đây là nơi sinh sống của các tộc người Mông, Dao, Hà Nhì, Thái, Mường, Lự, Lào, Lô Lô, Kháng, Xinh mun... với phương thức canh tác nương rẫy là chủ yếu.

Vùng văn hóa Việt Bắc, bao gồm các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang. Các tộc người sinh sống là Tày, Nùng, Mông, Dao, Hoa... Trong đó người Tày là cư dân bản địa lâu đời, có trình độ phát triển cao về kinh tế, văn hóa - xã hội so với các tộc người khác.

Hai vùng văn hóa trên chủ yếu khai thác các giá trị văn hóa tộc người, làng bản để tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn. Các giá trị đó được thể hiện trong lối sống, tín ngưỡng, phương cách ứng xử, nghệ thuật tạo dựng nhà sàn, văn hóa ẩm thực...

Vùng văn hóa Bắc Bộ nằm trên lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình, sông Mã, sông Chu với nghề canh tác nông nghiệp lúa nước là chủ yếu. Đây là nơi hội tụ và giao lưu của nhiều nền văn hóa như Hán, Ấn Độ và muộn hơn là văn hóa Pháp, văn hóa phương Tây với hệ thống di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, làng nghề đa dạng, phong phú.

Vùng văn hóa Trung Bộ là khu vực bao gồm các tỉnh thuộc Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ, như Thanh Hóa, Nghệ An... đến Ninh Thuận, Bình Thuận. Khí hậu khắc nghiệt, địa hình đa dạng với các loại hình núi, rừng, đồng bằng, biển thuận lợi cho phát triển nhiều loại hình du lịch gắn với các di tích lịch sử, lễ hội truyền thống, các loại hình nghệ thuật... Chủ thể văn hóa chính là người Việt, Mường, Bru - Vân Kiều, Thái... và người Chăm. Đây là nơi tập trung những trung tâm văn hóa cổ như: Núi Đọ, Đông Sơn, Quỳnh Văn, Sa Huỳnh, Bàu Tró, văn hóa Chăm, văn hóa Huế

 Vùng văn hóa Trường Sơn - Tây Nguyên, là địa bàn sinh sống của trên hai mươi tộc người nói các dạng ngôn ngữ thuộc hệ Môn - Khơme và Nam Đảo trong đó các tộc người nhiều hơn cả là Ba na, Xơ đăng, Mnông, Mạ, Kơ ho, Ê đê, Gia rai. Đó là các tộc người bản địa của vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, có mối quan hệ nguồn gốc và lịch sử với người Chăm, vương quốc Chămpa và văn hóa Chăm, văn hóa Lào. Từ sau 1975 đến nay, vùng Trường Sơn - Tây Nguyên không chỉ có mối quan hệ mật thiết với người Việt mà còn có sự giao thoa, tiếp biến với văn hóa Việt. Vùng này cũng chủ yếu khai thác các giá trị văn hóa gắn với các tộc người vào sự phát triển văn hóa du lịch làng bản, du lịch sinh thái.

Vùng văn hóa Nam Bộ vùng đất mở cõi cuối cùng của người Việt về phương Nam. Nằm trên lưu vực sông Đồng Nai, sông Cửu Long, khí hậu phân chia thành hai mùa đó là mùa mưa và mùa khô. Chủ thể văn hóa chính bao gồm người Việt, Chăm, Khơme, Hoa, Mạ... Văn hóa ở vùng này mang tính tổng hợp cao như văn hóa Hoa, Khơme, văn hóa Việt... và muộn hơn là sự giao lưu và tiếp biến với văn hóa phương Tây. Văn hóa du lịch vùng này mang tính tổng hợp, vừa đa dạng nhưng lại có những nét khác biệt so với các vùng khác, nó gắn với tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội và du lịch sinh thái miệt vườn.

5. Đào tạo nguồn nhân lực du lịch ở Việt Nam

         Từ việc phân tích về mối quan hệ giữa văn hóa Việt Nam và hoạt động du lịch ở Việt Nam, chúng tôi cho rằng cần đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo tri thức văn hóa cho người học chuyên ngành du lịch Người học cần được cung cấp kiến thức cơ bản về những đặc trưng của văn hóa dân tộc, trong khu vực và thế giới theo quan điểm vừa mang tính hệ thống vừa mang tính tổng hợp. Đối với một đất nước đang phát triển như Việt Nam, để đáp ứng được yêu cầu nói trên đòi hỏi phải nỗ lực trên mọi phương diện, tận dụng lợi thế của văn hóa trong phát triển du lịch. Bên cạnh đó, cũng cần đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao đào tạo về kỹ năng giao tiếp và đặc biệt là trình độ ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên thuộc chuyên ngành du lịch nhằm tạo điều kiện phát triển du lịch Việt Nam một cách bền vững.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 335, tháng 5-2012

Tác giả : Nguyễn Văn Bốn

;