Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài trong giai đoạn hiện nay

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia” đã trở thành bài học trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Từ xa xưa, ông cha ta rất quý trọng nhân tài và coi trọng dụng nhân tài là việc hệ trọng, quyết định sự hưng thịnh của quốc gia dân tộc. Phát huy truyền thống tốt đẹp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng việc đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài thành một chiến lược. Người đã để lại nhiều bài học và những kinh nghiệm quý báu về nghệ thuật dùng người, trọng dụng nhân tài làm nên những thành công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, yêu cầu phát triển đất nước càng trở nên bức thiết. Để sánh vai cùng các “cường quốc năm châu”, chúng ta cần có nhiều hơn nữa những người tài đức. Chính vì vậy, tư tưởng của Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài thêm một lần nữa cần được khẳng định tính đúng đắn cả về lý luận và thực tiễn. Đây chính là kim chi nam để Đảng và Nhà nước ta lãnh đạo nhân dân xây thực hiện mục tiêu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh.

Bài học về trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài. Người coi nhân tài là tài sản quý của dân tộc, coi việc sử dụng nhân tài là điều kiện tiên quyết trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và kiến thiết nước nhà: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài” (1). Việc trọng dụng nhân tài không chỉ là sách lược nhất thời mà đã được Hồ Chí Minh nâng lên thành chiến lược: “Trí thức phục vụ nhân dân bao giờ cũng cần, kháng chiến kiến quốc cũng cần, tiến lên xã hội chủ nghĩa càng cần” (2). Quan điểm của Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài thể hiện qua những điểm chính sau đây:

Thứ nhất, nhân tài là “người tài đức”

 “Tài” có thể hiểu là tài năng, năng lực, kinh nghiệm, kỹ năng, tính chuyên nghiệp về trình độ chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật để giải quyết công việc một cách thông minh, linh hoạt. Còn “đức” là đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch, giản dị, chín chắn trong suy nghĩ, hành động; người có “đức” sẽ là người luôn cố gắng học tập để nâng cao trình độ của bản thân, luôn tu dưỡng, rèn luyện để hoàn thành nhiệm vụ được giao phó, suốt đời hy sinh, đấu tranh vì dân, vì nước. Hồ Chí Minh cho rằng nhân tài phải là người vừa có đức, vừa có tài. Quan điểm của Người là từ đạo đức để đi đến tài năng, phải có đạo đức trước rồi mới có chuyên môn, đức phải có trước tài, tài càng lớn đức phải càng cao. Người từng nói: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Thứ hai, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài là công việc gốc của Đảng

Ngay từ khi xác định được con đường cứu nước cho dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy được tầm quan trọng, vị trí, vai trò của nhân tài trong sự nghiệp cách mạng. Người đã tích cực hoạt động và chuẩn bị cho việc đào tạo lớp cán bộ đầu tiên để đưa đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đưa những thanh niên ưu tú, có năng lực, trình độ sang Quảng Châu (Trung Quốc), đào tạo họ trở thành những nhà hoạt động cách mạng kiên cường. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và việc mở lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu (Trung Quốc) là cơ sở và nền tảng cho việc Đảng ta đào tạo đội ngũ cán bộ sau này.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, cách mạng Việt Nam đã có người chèo lái, Người càng dành sự quan tâm nhiều hơn đến công tác bồi dưỡng, đào tạo nhân tài. Năm 1941, trở về nước, Người đã ra lời kêu gọi toàn thể các nhân sĩ, trí thức có lòng yêu nước, chí khí cách mạng tham gia Mặt trận Việt Minh để cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Họ đã được bồi dưỡng lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, được tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng, được tích lũy kinh nghiệm trong thực tiễn, có cơ hội cống hiến năng lực, đội ngũ trí thức - nhân tài do Hồ Chí Minh xây dựng và rèn luyện thực sự đã trở thành lực lượng có đóng góp quan trọng cùng với quần chúng nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, họ đấu tranh giành chính quyền, làm nên thành công của cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng trở thành đảng cầm quyền, sự nghiệp xây dựng chính quyền mới và sự nghiệp kháng chiến - kiến quốc đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách, Người đã hai lần viết “Chiếu cầu hiền”: Nhân tài và Kiến quốc, Tìm người tài đức đăng trên Báo Cứu quốc giãi bày tâm can cùng nhân dân và yêu cầu chính quyền các cấp tiến cử nhân tài cho Chính phủ.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mặc dù còn nhiều khó khăn, Người vẫn chỉ thị việc tuyển chọn và gửi những thanh niên ưu tú của Việt Nam sang Liên Xô, Trung Quốc nhằm đào tạo trí thức bậc cao, phục vụ công cuộc kiến thiết nước nhà. Từ năm 1950 đến năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở một số trung tâm nghiên cứu khoa học, cơ sở đào tạo bậc đại học và cao đẳng, tiêu biểu điển hình như: Trường Đại học Y Dược (ở chiến khu Việt Bắc); lớp Toán đại cương và các trường dự bị đại học, sư phạm cao cấp (ở chiến khu IV); các trường khoa học cơ bản và sư phạm cao cấp (Quảng Tây, Trung Quốc) nhằm tạo dựng đội ngũ trí thức có đủ tài, đủ đức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

Thứ ba, sử dụng đúng người đúng việc

Cùng với việc phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đặc biệt coi trọng việc sử dụng nhân tài. Với cách nhìn biện chứng, Hồ Chí Minh nhìn nhận con người là một chỉnh thể thống nhất giữa các mặt đối lập, trong mỗi con người tồn tại cả điểm mạnh, điểm yếu. Sử dụng đúng người, đúng việc, sắp xếp công việc theo khả năng của từng người sẽ phát huy được điểm mạnh, đồng thời hạn chế, khắc phục những điểm yếu. Người căn dặn: “Người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở… Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được” (3). Sử dụng nhân tài chớ theo kiểu “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn”. Nếu khéo sử dụng thì không thiếu nhân tài và cũng không bị lãng phí nhân tài.

Có thể nói, hiếm có vị lãnh tụ nào có thể tập hợp được đội ngũ trí thức - nhân tài đông đảo xuất thân từ những thành phần khác nhau, trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…, đoàn kết họ lại thành một khối thống nhất, phát huy sức mạnh của trí tuệ, lòng yêu nước, đạo đức cách mạng, làm rạng rỡ đất nước Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thứ tư, phải tạo điều kiện cho nhân tài phát triển tài năng

Người quan tâm chăm lo nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của họ vì “con người trước hết cần phải ăn, uống, chỗ ở và mặc đã rồi mới có thể làm chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo và v.v... được” (4). Người nhắc nhở: “Lao động trí óc cần được khuyến khích giúp đỡ, phát triển tài năng” (5). Năm 1941, trong Chương trình Việt Minh, Người nêu rõ: “Khuyến khích và giúp đỡ các hạng trí thức được phát triển tài năng của họ” (6). Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, những lợi ích chính đáng của các tầng lớp, giai cấp trong xã hội nói chung, đặc biệt là của đội ngũ trí thức nói riêng, luôn được chú trọng quan tâm.

Thứ năm, phê phán căn bệnh ích kỷ, hẹp hòi, bè phái trong việc trọng dụng nhân tài

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, vai trò của người lãnh đạo vô cùng quan trọng trong việc thu hút, trọng dụng nhân tài. Người lãnh đạo phải có đức, có tài mới trọng dụng người tài, mới không ganh ghét, đố kỵ với người tài, mới dám dùng người tài, có như thế mới phát huy được sức mạnh của đoàn kết. “Bệnh hẹp hòi”, ích kỷ, cục bộ địa phương, bè phái, chia rẽ sẽ phá hoại Đảng từ ngay bên trong. Bên cạnh đó, người lãnh đạo phải biết sửa mình rồi mới sửa người, “đã không tự biết mình thì khó mà biết người, vì vậy, nếu muốn biết đúng sự phải trái của người ta thì trước hết phải biết đúng sự phải trái của mình” (7).

Vận dụng bài học sử dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay

Trải qua những giai đoạn cách mạng khác nhau, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài.

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, miền Nam giải phóng, thống nhất nước nhà, cả nước tiếp tục công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Trước tình hình đó, Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 11-01-1979 của Bộ Chính trị (khóa IV) đặt ra nhiệm vụ cải cách giáo dục, trong đó yêu cầu: “Trong hệ thống giáo dục phổ thông, cần mở những trường - lớp phổ thông cho những học sinh có năng khiếu đặc biệt...” nhằm đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình đi lên của đất nước, trong đó đào tạo, bồi dưỡng nhân tài đã được xác định: Nhân tài không phải là sản phẩm tự phát mà phải được phát hiện và bồi dưỡng công phu. Nhiều tài năng có thể mai một nếu không được phát hiện và sử dụng đúng lúc, đúng chỗ. Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 18-6-1997 của Hội nghị Trung ương lần thứ ba, khóa VIII xác định nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục quốc dân là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, coi trọng dụng nhân tài là vấn đề “cốt tử” trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước: “Chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp từ Trung ương đến cơ sở; cán bộ khoa học đầu ngành; cán bộ quản lý kinh doanh các doanh nghiệp lớn”.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 được thông qua tại Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ VII (năm 1991), có ghi rõ: “Mở rộng đào tạo nghề; bồi dưỡng nhiều người giỏi về khoa học, công nghệ, kinh doanh, về quản lý kinh tế, xã hội và nhiều công nhân lành nghề; nâng cao trình độ văn hóa, khoa học, kỹ thuật cho người lao động” (8).

Thực hiện Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định triển khai các cơ chế, chính sách phát hiện, khuyến khích, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng nhân tài như: tuyên dương, vinh danh sinh viên tốt nghiệp thủ khoa; đặc cách tuyển dụng các thủ khoa xuất sắc; có chính sách đãi ngộ thu hút người tài, tạo môi trường thuận lợi cho các cá nhân, bao gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam để họ có điều kiện phát triển tài năng và được hưởng những lợi ích xứng đáng với giá trị sức lao động và trí tuệ của mình: “Có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với các nhà khoa học có công trình nghiên cứu xuất sắc; khuyến khích cán bộ khoa học, kỹ thuật công tác tại các vùng khó khăn, vùng nông thôn; động viên các nhà khoa học bám sát cơ sở sản xuất, hướng dẫn nhân dân nắm bắt và làm chủ những tri thức mới về khoa học và công nghệ” (9); “Thực hiện chính sách trọng dụng nhân tài, các nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư, kỹ sư trưởng, kỹ thuật viên lành nghề và công nhân kỹ thuật có tay nghề cao... Thu hút chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia giỏi người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia giảng dạy, phát triển khoa học và công nghệ ở Việt Nam” (10). Qua thực tế, nhiều nhân tài đã phát huy được năng lực, sở trường và đạt được những kết quả đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và sự phát triển đất nước.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại một số bất cập về vấn đề chất lượng nguồn nhân lực, cơ chế thu hút, đãi ngộ nhân tài chưa hấp dẫn, vẫn còn tình trạng chảy máu chất xám, sự thiếu đồng bộ trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực… Do đó, nếu không khắc phục kịp thời những hạn chế này sẽ là rào cản rất lớn đối với các mục tiêu phát triển quốc gia. Trước tình hình đó, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định nhiệm vụ: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài” (11). Đây được coi là vấn đề chiến lược, vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Thay lời kết

Có thể nói, ở bất kỳ quốc gia nào, trong thời đại nào, những người tài giỏi chính là lực lượng nòng cốt có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Nhân tài - những người tài đức là sức mạnh cốt lõi quyết định sự phát triển và hưng thịnh của quốc gia.

Trong sự nghiệp đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay, để xây dựng và phát triển đất nước, Việt Nam rất cần có đội ngũ cán bộ, trí thức tài năng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức tốt và giỏi về chuyên môn nghiệp vụ. Nhận thức được điều này, Đảng và Nhà nước ta đã sớm xây dựng và ban hành Chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng, đãi ngộ nhân tài, làm cơ sở cho các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện.

Việc thu hút nhân tài về nước đã khó nhưng giữ chân nhân tài để họ tận tâm, tận lực cống hiến cho đất nước lại càng khó hơn. Trên thực tế, một số nhân tài sau khi được đào tạo, bồi dưỡng và thu hút về làm việc ở các tỉnh, thành phố một thời gian đã xin thôi việc. Nguyên nhân chủ yếu là do môi trường làm việc chưa thực sự phù hợp, chưa đủ khả năng cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác về môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ. Vì vậy, để chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài được thực hiện có hiệu quả cần xây dựng văn hóa công sở lành mạnh, tạo môi trường làm việc thuận lợi, phát huy sức mạnh tập thể cùng với trí tuệ, sức sáng tạo của cá nhân có tài năng. Thực hiện tốt những chính sách ưu đãi trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân tài cả ở trong và ngoài nước thông qua chế độ tiền lương, tiền thưởng, nhà ở, điều kiện và các phương tiện làm việc... Tạo điều kiện cho nhân tài được tham gia học tập, giao lưu với các chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài để cập nhật tri thức mới, hướng phát triển mới, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Cơ chế đãi ngộ phải có sức cạnh tranh đủ lớn cả về vật chất, tinh thần để giữ chân họ. Bên cạnh đó, có cơ chế đào thải hoặc biện pháp xử lý phù hợp với đối tượng không đáp ứng yêu cầu công việc cần thu hút; đồng thời hoàn thiện cơ chế đánh giá đối với người có tài năng, có chế độ đãi ngộ phù hợp với những đối tượng có năng lực và thành tích tốt.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc hợp tác quốc tế trong đào tạo, thu hút nhân tài cũng là một giải pháp để tăng hiệu quả thực hiện chiến lược thu hút nhân tài. Hiện nay, có rất nhiều du học sinh Việt Nam sau quá trình đào tạo họ ở lại làm việc và sinh sống ở nước ngoài. Do đó, cần có chính sách thu hút nhân tài là du học sinh trở về phục vụ đất nước hoặc vẫn sống ở nước ngoài nhưng tham gia vào tư vấn, kiêm nhiệm, tham mưu,... Việc làm này có ý nghĩa quan trọng trong việc khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám”, có thể tận dụng tối đa việc sử dụng nhân tài là những lưu học sinh có tri thức và kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài, góp phần thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ tiên tiến của thế giới vào Việt Nam. Việc sử dụng có hiệu quả cả hai nguồn nhân tài cả trong và ngoài nước có ý nghĩa to lớn trong việc phát huy sức mạnh tri thức của toàn dân tộc, chia sẻ kinh nghiệm, bổ sung thêm tri thức mới, cũng là việc trở về với tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo thành sức mạnh tổng hợp làm nên những thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Tóm lại, những tư tưởng quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài sẽ mãi mãi tỏa sáng trong suốt tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng đó không chỉ là cơ sở lý luận cho việc xác định chiến lược bồi dưỡng, đào tạo nhân tài của Đảng ta qua các thời kỳ cách mạng, mà còn là những bài học kinh nghiệm thực tiễn hết sức sinh động, thiết thực để chúng ta có những chủ trương, chính sách đúng đắn và hiệu quả trong chiến lược thu hút nhân tài giai đoạn hiện nay.

______________

1, 2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.56, 59.

3, 7. Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 5, tr.88, 317.

4. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tập 9, tr.500.

5. Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 7, tr.71.

6. Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 3, tr.631.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.82.

9. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1996, tr.57-58.

10. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr.12.

11. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.115.

Tác giả: Ths Lê Thị Ngọc Hoa

Nguồn: Tạp chí VHNT số 470, tháng 8-2021

;