1. Sự tiếp nhận văn hóa nước ngoài của sinh viên
Trong xu thế hội nhập, nhiều biến đổi mạnh mẽ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... đã làm thay đổi rất nhiều hệ giá trị mà người Việt Nam đang theo đuổi. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ, truyền thông làm cho quá trình giao lưu, tiếp nhận, truyền bá văn hóa diễn ra nhanh chóng. Trong thanh niên, sinh viên là bộ phận tinh hoa, tri thức, năng động, sáng tạo, tự chủ, có hoài bão, lý tưởng. Sinh viên là những người có những sinh hoạt tập thể và thường sống ở đô thị nên họ tiếp thu, tiếp biến những giá trị văn hóa nhân loại nhanh hơn cả so với các bộ phận khác trong xã hội. Do tuổi trẻ, chưa trải nghiệm nhiều, trong họ tiềm ẩn những nhân tố tiêu cực như: dễ chán nản, hoang mang dao động trước khó khăn, dễ bị kích động, nhẹ dạ cả tin, tiếp nhận thông tin ít chọn lọc. Họ đang ở độ tuổi năng động, hăng hái, sôi nổi, nhiệt tình, vô tư, nhạy bén, ưa dân chủ, chuộng cái mới song cũng dễ sa vào trạng thái cực đoan, tiêu cực. Nhìn chung, họ là những người có ý chí vươn lên trong học tập, rèn luyện nhân cách và phẩm chất, mong muốn đưa đất nước sớm thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, muốn được cống hiến, được làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình, có việc làm, thu nhập ổn định, có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, môi trường sống an toàn, được tin tưởng.
Sự tiếp nhận văn hóa nước ngoài của sinh viên diễn ra ngay trên giảng đường đại học. Đây là trải nghiệm hoàn toàn mới. Từ cuối TK XIX, nền giáo dục đại học ở Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của nền giáo dục phương Tây. Các môn học và ngành học của bậc đại học ở Việt Nam đang phát triển theo hướng đa dạng, hiện đại, giống như nhiều nước trên thế giới. Nội dung nhiều môn học, ngành học xuất phát từ nhiều nền văn hóa khác nhau của nhân loại. Đặc biệt trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, các tri thức đều gắn liền với văn hóa, văn minh nơi đã sản sinh ra nó. Và như vậy, nắm bắt tri thức, họ đồng thời nắm bắt luôn văn hóa, văn minh của chính nơi đó.
Không chỉ tiếp nhận văn hóa nước ngoài từ các môn học mà trong trường học, sinh viên còn chịu ảnh hưởng từ giảng viên và bạn bè. Trong số giảng viên của trường học, có một số được đào tạo ở nước ngoài. Họ đã đem kiến thức, quan điểm, phong cách của mình học tập từ nước ngoài đến với sinh viên. Những giảng viên Tây học hoặc có phong cách hiện đại thường được sinh viên hào hứng lắng nghe và học tập. Những sinh viên học các ngành học có yếu tố nước ngoài như: ngoại ngữ, ngoại giao, ngoại thương… thì họ học ngôn ngữ, văn hóa nước ngoài, đồng thời họ thường được giao lưu với sinh viên nước ngoài. Sinh viên trường này lại giao lưu với sinh viên trường khác. Sinh viên nước ngoài đến học tập tại Việt Nam ngày càng đông. Trường học hoặc Đoàn Thanh niên cũng tổ chức những hoạt động hợp tác, liên kết đào tạo và giao lưu sinh viên Việt Nam với sinh viên quốc tế ở các trường đại học trên thế giới. Đó là những cơ hội để sinh viên các nước học tập lẫn nhau, đồng thời quảng bá văn hóa dân tộc đến bạn bè thế giới.
Sinh viên tiếp nhận văn hóa nước ngoài thông qua đi du lịch, thăm người thân ở nước ngoài. Hiện nay, có nhiều người nước ngoài sống, làm việc và học tập tại Việt Nam. Họ có thể là giảng viên, chuyên gia hay sinh viên, trực tiếp tiếp xúc với sinh viên Việt Nam.
Rộng hơn, sinh viên Việt Nam thường sống ở đô thị nên môi trường văn hóa đô thị cũng có nhiều ảnh hưởng từ văn hóa nước ngoài. Các trung tâm vui chơi, giải trí, hệ thống siêu thị.. được thiết kế theo hướng hiện đại hóa. Các hoạt động giao lưu, triển lãm, liên hoan văn hóa nghệ thuật của các nước trên thế giới đều diễn ra ở các trung tâm văn hóa. Sinh viên có nhiều cơ hội để tham gia các hoạt động đó.
2. Những nhân tố tác động đến sự tiếp nhận văn hóa nước ngoài của sinh viên.
Xu hướng toàn cầu hóa là xu hướng khách quan tác động mạnh mẽ đến mỗi quốc gia, dân tộc và mỗi cá nhân. Thanh niên, sinh viên với tư cách là lực lượng đang chuẩn bị gia nhập vào lực lượng sản xuất mới, tất nhiên chịu sự tác động rất lớn của quá trình toàn cầu hóa.
Tác động tích cực: Do tác động của toàn cầu hóa và chính sách mở cửa, trình độ hiểu biết mọi mặt của sinh viên ngày càng được nâng cao, không chỉ giới hạn trong những kiến thức được giảng dạy trong nhà trường. Cũng qua đó, ý thức về các vấn đề trong nước và thế giới của họ cũng được nâng cao. Nhờ quá trình toàn cầu hóa mà sinh viên đi đầu trong việc tiếp nhận, bổ sung những giá trị văn hóa của nhân loại và dân tộc vào hành trang của mình. Nhiều sinh viên đã và đang thay đổi lối sống của mình, họ chuyển sang lối sống phù hợp hơn với thời đại của công nghiệp và bùng nổ thông tin. Phần lớn sinh viên đến từ nhiều vùng quê khác nhau khi thâm nhập vào cuộc sống ở đô thị có mức độ tác động của toàn cầu hóa cao hơn, họ đã chuyển từ cuộc sống có phần khép kín, cam chịu, phụ thuộc, thiếu năng động sang cuộc sống cởi mở, năng động, tự lập, dám làm, dám chịu trách nhiệm phù hợp với xu thế thời đại. Đây chính là giá trị văn hóa mà sinh viên sẽ tự tích lũy được.
Tác động tiêu cực: Toàn cầu hóa đã và đang đưa các quan niệm giá trị, lối sống phương Tây vào nước ta. Văn hóa phương Tây được hình thành trong những bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội và truyền thống khác biệt hẳn với nước ta, nên sự tương tác giữa hai luồng văn hóa khác biệt nhau sẽ tạo nên những biến đổi đáng kể đối với chủ thể tiếp nhận là sinh viên. Sự tác động này làm thay đổi quan niệm, lối sống của nhiều sinh viên theo hướng tích cực. Tuy nhiên, do sức mạnh của văn hóa nước ngoài thường được đi kèm với sức mạnh của kinh tế đã dẫn tới ưu thế của văn hóa nước ngoài trong nhận thức của sinh viên. Tuy là thành phần có trí tuệ hơn, nhưng trước sức mạnh của văn hóa nước ngoài, có không ít thanh niên có nguy cơ xa rời lối sống theo những quan điểm, chuẩn mực đạo đức truyền thống, tốt đẹp, đánh mất bản sắc dân tộc, chuyển sang sùng bái lối sống phương Tây, đề cao quá mức giá trị vật chất, lợi ích cá nhân, vị kỷ, thực dụng, đua đòi, ăn chơi xa hoa, lãng phí, sống trụy lạc, thác loạn, ưa dùng bạo lực.. xa lạ với truyền thống phương Đông và đối lập với quan niệm đạo đức truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam.
Nền kinh tế thị trường có tác động trực tiếp đến khả năng tiếp nhận văn hóa nước ngoài của sinh viên. Từ khi đất nước ta chuyển sang cơ chế thị trường, sức sản xuất được giải phóng, năng suất lao động ngày một tăng, tạo tiền đề vật chất nâng cao đời sống của nhân dân. Nền kinh tế thị trường đã khiến sinh viên phải chủ động trong việc tiếp nhận giá trị văn hóa phương Tây. Tuy nhiên, điều này cũng tạo nên cả những điều tích cực và tiêu cực với việc tiếp nhận văn hóa nước ngoài của sinh viên.
Tác động tích cực: Nền kinh tế thị trường với quy luật giá trị, với sự cạnh tranh lành mạnh sẽ tạo điều kiện bộc lộ khả năng, kích thích tiềm năng sáng tạo, đòi hỏi con người phải luôn vươn lên để tự khẳng định mình. Do đó, nó góp phần hình thành nên những con người năng động, có tính cách độc lập và có tinh thần tự chủ. Đây chính là những giá trị văn hóa mà nhiều thanh niên phương Tây đã có được và nó trở thành những mẫu hình văn hóa để sinh viên học tập. Điều đó sẽ tác động phân loại, tạo ra một bộ phận sinh viên hăng say học tập, tự giác rèn luyện để sớm khẳng định mình. Tư duy độc lập, khả năng tự chủ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm là những giá trị văn hóa của thanh niên phương Tây đã có trong nền kinh tế thị trường mà sinh viên Việt Nam cần phải rèn luyện.
Tác động tiêu cực: Nền kinh tế thị trường với những mặt trái của nó như tệ sùng bái đồng tiền, quá đề cao giá trị vật chất, lợi ích cá nhân; chạy theo lợi nhuận; thủ đoạn, gian lận, tiêu cực trong làm ăn; thương mại hóa mọi mối quan hệ, phân hóa giàu nghèo... đã và đang có tác động tiêu cực ghê gớm làm băng hoại, xói mòn các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, tạo ra một môi trường ô nhiễm, thậm chí nhiễm độc ngay trong môi trường giáo dục đại học.
Như vậy, việc sớm nhận thức đầy đủ tác động hai chiều của kinh tế thị trường, từ đó có những biện pháp chủ động phát huy mặt tích cực, hạn chế tiêu cực là một vấn đề quan trọng để định hướng sự tiếp nhận văn hóa nước ngoài của sinh viên.
Sự phân hóa sâu sắc trong nhận thức, đạo đức, lối sống, phong cách và khả năng tiếp nhận văn hóa nước ngoài của sinh viên.
Xu hướng tích cực: Do có điều kiện vật chất tốt hơn mà một bộ phận sinh viên với tinh thần tích cực, thái độ nghiêm túc, tự giác trong học tập và rèn luyện, có ý thức phấn đấu vươn lên mạnh mẽ đã trở thành một bộ phận có nhiều ưu thế trong việc lọc bỏ, tiếp nhận và xử lý những nhân tố văn hóa ngoại nhập để hình thành những giá trị văn hóa mới của riêng mình. Bộ phận sinh viên này vừa giữ gìn được những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp, vừa tiếp thu, rèn luyện và có được những phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách sống hiện đại. Đây là bộ phận sinh viên vô cùng cần thiết cho đất nước sau này.
Xu hướng tiêu cực: Sự phân hóa trong sinh viên đã tạo ra nhiều xu hướng biến đổi hệ giá trị văn hóa khác nhau. Sinh viên cũng không tránh khỏi sự mất phương hướng, không làm chủ được bản thân trước sự tác động đa chiều của nhiều yếu tố cả từ bên ngoài cuộc sống đến môi trường giáo dục đại học. Từ đó họ có nhận thức sai lầm, lệch lạc, tiếp thu thiếu chọn lọc những giá trị từ bên ngoài, xem thường những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc...
3. Từ tiếp nhận đến tiếp biến văn hóa nước ngoài của sinh viên
Biến đổi của điều kiện kinh tế xã hội kéo theo sự biến đổi hệ chuẩn giá trị xã hội. Sự tiếp nhận văn hóa nước ngoài của sinh viên khiến chúng ta phải chú trọng hơn đến hệ giá trị đang hình thành trong tầng lớp này. Trong sự thay đổi hệ giá trị đó, người ta thường nói về sự thay đổi từ tính cộng đồng sang tính cá nhân, được hiểu trên bình diện ý thức văn hóa về cá nhân. Và như vậy, tính cá nhân không nhất thiết phải đặt trong thế đối lập với tính cộng đồng, mà hướng đến sự hài hòa lợi ích giữa cá nhân và cộng đồng; đồng thời phát huy tinh thần chịu trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, khai mở sự sáng tạo.
Sự phát triển của thị trường lao động, đặc biệt là những kỹ năng làm việc theo yêu cầu và chuẩn mực của nước ngoài, đã gia tăng những đòi hỏi về văn hóa, kỹ năng nghề nghiệp và phương thức ứng xử, thúc đẩy sinh viên tự giác học thêm. Ngoài những kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, họ còn phải học thêm nhiều kỹ năng sống để có thể kịp chuẩn bị nghề nghiệp mới, phù hợp với sự phát triển của xã hội trong điều kiện toàn cầu hóa
Vì đặc tính này, nhiều sinh viên đã có những bước đi táo bạo, đôi khi liều lĩnh và thậm chí còn chà đạp lên giá trị truyền thống để khẳng định mình.
Trong giao lưu, tiếp biến văn hóa diễn ra sự tác động qua lại giữa yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Yếu tố ngoại sinh kích thích, gợi mở, thúc đẩy và là đối tượng cho quá trình nội sinh hóa diễn ra. Yếu tố ngoại sinh có thể là tiến bộ, phù hợp, cần thiết nhưng cũng có thể là lạc hậu, không phù hợp, không cần thiết.
Ảnh hưởng từ văn hóa nước ngoài, sinh viên Việt Nam trở nên mạnh mẽ, năng động, hiện đại, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Họ có khả năng dùng ngôn ngữ quốc tế để giao tiếp, học tập với người nước ngoài. Có nhiều sinh viên ước mơ được ra nước ngoài học tập, làm việc, sinh sống. Họ mang hoài bão, ước mơ hòa cùng với hoài bão, ước mơ của sinh viên thế giới; hâm mộ, thần tượng những người nổi tiếng trên thế giới, thích được rèn luyện, được trải nghiệm những giá trị cá nhân, mong muốn được khẳng định cái tôi của mình. Điều này không có gì là xấu, đặc biệt việc khẳng định cái tôi lại là tiền đề của sự sáng tạo. Tuy nhiên, phải định hướng, tuyên truyền để họ tích cực hơn trong hoạt động sáng tạo.
Sự thiếu hiểu biết về bản chất của văn hóa nước ngoài mà họ tiếp nhận, sức đề kháng từ văn hóa dân tộc thấp sẽ làm cho sinh viên bị choáng ngợp hoặc không biết lựa chọn giá trị phù hợp, dẫn đến những biểu hiện lai căng, lố bịch. Họ có thể sắm cho mình trang phục ngoại, ăn fast food, nói pha Việt với Anh, tiêu tiền ngoại tệ... nhưng không đồng bộ với suy nghĩ và hiểu biết. Tư tưởng sính ngoại làm họ quay lưng lại với những giá trị truyền thống. Mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động xấu đến một bộ phận không nhỏ trong thanh niên sinh viên lối sống thoáng, thực dụng, ích kỷ; sở thích quái dị và những hành vi thiếu lành mạnh. Trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là thông qua phong trào sinh viên tình nguyện, tính tích cực xã hội, tinh thần xung phong, ý thức chia sẻ cộng đồng đã được khơi dậy và trở thành xu hướng chủ đạo lôi cuốn đông đảo sinh viên tham gia; ý thức tiết kiệm, cần cù, vượt khó vươn lên được thể hiện rõ trong không ít bạn trẻ; quan niệm của sinh viên về đạo đức, lối sống có sự biến đổi mạnh, nhu cầu cống hiến và hưởng thụ của họ đã bước đầu đứng trên tư duy của công dân toàn cầu để lựa chọn.
4. Định hướng sự tiếp nhận văn hóa nước ngoài cho sinh viên
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về văn hóa truyền thống cho sinh viên ngay trong hệ thống giáo dục và đào tạo. Điều này giúp cho sinh viên thấy được những cái hay, cái đẹp, những giá trị nhân văn sâu sắc của văn hóa truyền thống trên cơ sở khoa học. Khi niềm tự hào dân tộc được đặt trên cơ sở khoa học, nó sẽ làm cho sinh viên có trách nhiệm, hành động trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đó cũng như xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Hơn bao giờ hết tổ chức Đoàn trong các trường đại học phải thực sự mạnh và bao gồm nhiều người tâm huyết để định hướng, dẫn dắt sinh viên tiếp nhận và tiếp biến văn hóa nước ngoài thông qua nhiều phương tiện, hình thức, kênh khác nhau, thông qua các kỳ sinh hoạt đoàn, các hoạt động tham quan, dã ngoại, về nguồn, hành trình đến với những bảo tàng, địa danh lịch sử, thi viết, thi sân khấu hóa.
Phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của sinh viên thông qua việc đẩy mạnh các phong trào tình nguyện. Đẩy mạnh các phong trào tình nguyện trong sinh viên, các hoạt động của Đoàn, phát huy cao độ vai trò của đoàn viên thanh niên trong việc khẳng định mình. Khẳng định mình, và đóng góp cho xã hội nhiều hơn cũng là những nhân tố ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài trong sinh viên. Việc phát huy vai trò xung kích dựa trên nền tảng khẳng định cái tôi của sinh viên góp phần làm cho sinh viên được phát triển toàn diện, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ. Đó là xung lực quan trọng để sinh viên tiếp nhận và tiếp biến văn hóa nước ngoài cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên học tập, rèn luyện. Xây dựng và hoàn thiện các chủ trương, chính sách về phát triển đời sống văn hóa cho sinh viên. Ngoài chuyện phải chú trọng đến việc đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất tối thiểu cho việc học tập của sinh viên, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh là động lực tin thần để sinh viên học tập hiệu quả.
Định hướng, tạo môi trường văn hóa phù hợp để thay đổi hành vi ứng xử văn hóa của sinh viên. Hành vi văn hóa ứng xử của thanh niên sinh viên là kết quả của quá trình nhận thức, tình cảm, ý chí, niềm tin trong quá trình sống, học tập và lao động. Nếu như quá trình tiếp nhận và tiếp biến văn hóa của thanh niên là phù hợp, nó cần phải được thể hiện bằng những hành vi văn hóa phù hợp với bối cảnh xã hội. Muốn khuyến khích được những hành vi này, chúng ta phải tạo nên một môi trường văn hóa phù hợp làm giá đỡ cho những điều tốt đẹp. Cho nên để vun đắp hành vi ứng xử đạo đức trong sinh viên, trước hết những người đi trước phải biết tác động một cách phù hợp vào nhận thức, tình cảm, ý chí và hành động của giới trẻ để họ từng bước nâng cao nhận thức, bồi dưỡng tình cảm, hình thành niềm tin và có những hành vi ứng xử đẹp trong cuộc sống. Có rất nhiều việc làm cụ thể và thiết thực để hướng họ tới cách ứng xử văn hóa: nêu gương của những người chung quanh để làm chuyển biến nhận thức; phát động các phong trào phù hợp trong mọi lĩnh vực để hướng họ vào những hành động tốt; ngoài ra còn sử dụng những tấm gương gần gũi như bạn bè, người thân, những tấm gương điển hình cùng trang lứa để tác động lên nhận thức, tình cảm và nhất là khơi gợi lòng tự trọng của họ; tổ chức các diễn đàn sinh viên về sống đẹp, sống có ích, sống có văn hóa...
Song hành với sự giao lưu - tiếp nhận văn hóa nước ngoài, sinh viên cần ý thức của việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội, xã hội cần có những định hướng phù hợp cho quá trình giao lưu - tiếp nhận văn hóa nhân loại cho thế hệ trẻ.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 350, tháng 8-2013
Tác giả : Phạm Thị Hằng