Người ta đã nói rất nhiều đến thư viện cổ nhất trên thế giới. Đó là thư viện của vương quốc Lưỡng Hà, từng tồn tại cách đây gần 5000 năm, một trong những sáng tạo văn hóa của cư dân Lưỡng Hà cổ đại. ở Việt Nam, thư viện xuất hiện từ thời nhà Lý, TK XI. Tuy không có thư viện lâu đời và cổ nhất thế giới, nhưng dân tộc Việt lại được sở hữu một loại thư viện rất độc đáo - thư viện văn bia.
Có thể coi hệ thống văn bia của dân tộc Việt Nam là những thư viện đặc biệt. Với những văn bia được lưu giữ qua thời gian, ta có thể đọc được những dòng lịch sử, tái hiện được những trang sử của cha ông qua các thời đại. Và người Việt có quyền tự hào vì có được một thư viện rất độc đáo, mà không phải dân tộc nào cũng có: thư viện văn bia dân dã và đầy tính thiên nhiên. Có thể thấy, văn bia mà cha ông ta để lại với những ghi chép về những gì đã và đang xảy ra trong bối cảnh đương thời, là những cuốn sách đặc biệt, tạo nên những thư viện đặc biệt ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, nhiều nhất là ở Thăng Long - Hà Nội. Cùng với thời gian, số lượng văn bia ngày càng nhiều lên, tạo nên những thư viện thiên nhiên giàu có và đầy bản sắc dân tộc.
1. Những thư viện văn bia
Quả vậy, kinh thành Thăng Long xưa luôn được tái hiện trong sử sách với khung cảnh đèn hoa rực rỡ cùng các lễ hội náo nhiệt. Hội đèn Quảng Chiếu ở kinh đô Thăng Long thời Lý đã được Đại Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư chép lại, nhưng sinh động và kỹ nhất vẫn là văn bia ở chùa Đọi, Duy Tiên, Hà Nam, soạn năm 1121 (1). Văn bia đã khắc họa tương đối đầy đủ và là vật chứng sinh động, thuyết phục nhất để ta có thể hình dung trọn vẹn về Hội đèn Quảng Chiếu và cả về chùa Một Cột đương thời. Sử sách ghi: chùa được dựng vào năm 1049 để cầu cho vua Thái Tông nhà Lý được sống lâu (qua một giấc mơ không lành của nhà vua). Hiện nay chùa được dựng như bất kể ngôi chùa nào của TK XIX, với kiến trúc và tượng mang phong cách thời Nguyễn. Bia chùa Long Đọi có ghi: “Tôn sùng đạo Phật; hâm mộ thắng nhân (mầm thiện của người tu phúc). Mở chùa Diên Hựu ở tại vườn Tây. Dấu vết theo quy mô thưở trước; lo toan do thánh ý ngày nay. Đào ao thơm Linh Chiểu, giữa ao trồi lên một cột đá, trên cột có một đóa hoa sen nghìn cánh xoè ra. Trên hoa dựng ngôi đền đỏ sẫm; trong đền đặt một pho tượng sắc vàng” (2). Có thể hiểu được ý nghĩa của lời bia như sau: Đạo Phật lấy chiếc áo cà sa màu vàng với ý nghĩa: tất cả những dục vọng đều đã chết với kiếp tu. Còn tòa nhà màu đỏ là biểu hiện cho nguồn hạnh phúc vô cùng, vô tận. Ngôi nhà này đã phát triển lên từ quan niệm về sinh khí của nhân loại.
Quan niệm của các nhà thần học và các nhà Phật học thường cho rằng, bông sen nghìn cánh là biểu tượng của trí tuệ tuyệt luân. Các học giả khi nghiên cứu văn bia chùa Long Đọi đã nhất trí: ở thời Lý, người Việt mong muốn thông qua các pháp lực vô lượng vô biên của đức Phật (hiện thân bằng đức Phật mình vàng và bông sen nghìn cánh) để đem nguồn sinh lực vũ trụ (tượng trưng bằng ngôi nhà đỏ thắm, tức khí, linh hồn) truyền qua chiếc cột đá xuống cho đất và nước làm sinh lên một cuộc sống viên mãn. Đó là ước vọng cầu phúc cho con người, cây cỏ và muôn loài (3).
Đến với Văn Miếu, du khách có nhiều ấn tượng đặc biệt. Trường Đại học đầu tiên của đất nước là Quốc Tử Giám thành lập năm 1076. Từ TK XIII, nền giáo dục ở Thăng Long có bước phát triển mới, đánh dấu thời kỳ phát triển thịnh đạt của giáo dục nho học. Hệ thống văn bia đã giúp ta hiểu rất rõ điều đó bởi nội dung bài văn và bởi Hán tự là chữ viết duy nhất thể hiện trên những tấm bia đá này.
Thời Lê sơ, trên địa bàn Thăng Long khá nhiều bia đá. Riêng Văn Miếu có 11 tấm. Việc dựng bia tiến sĩ đề danh được thực hiện (1484), mở đầu cho loại bia đề danh những người đỗ đạt cao ở nước ta. Bia có dáng thanh thoát, trán bè theo kiểu bia thời trước, trang trí không nhiều, mặt trời trán bia đôi khi không tròn, mà sang hình ô van. Có bia đã chạm cặp hình sừng đan chéo vào nhau như biểu hiện về sự đối đãi âm dương… Ngay từ tấm bia đầu tiên, Hàn lâm viện thừa chỉ Thân Nhân Trung, thừa lệnh vua, đã trân trọng ghi: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh. Nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy… Bồi đắp nguyên khí là việc quan trọng hàng đầu”. Những tấm bia này đều ghi chép về những người thực, việc thực.
Thời Lê Trung Hưng, khu Văn Miếu có những lớp vườn cây, vườn cảnh và hồ nhỏ đến lớp nhà bia và lớp thờ tự. Mở đầu lớp nhà bia là gác Khuê Văn dựng bổ sung đầu TK XIX, với hai tầng tám mái thanh cao, tầng trên bốn mặt có lan can tiện và cửa tròn trong khu vuông với đường nối tỏa đều là tượng trưng cho sao Khuê - chủ về văn học. Giữa khu này là giếng Thiên Quang hội tụ và lan tỏa ánh sáng của trời. Hai bên giếng là các nhà bia, hiện còn 82 tấm, ghi tên 1306 vị tiến sĩ thuộc các khoa thi từ 1442 - 1779, tôn vinh truyền thống hiếu học.
Hệ thống văn bia Thăng Long xưa đã cung cấp cho người đọc những thông tin về lịch sử, kinh tế, chính trị đương thời. Văn bia chùa Hòe Nhai, năm Chính Hòa 19 (1698), cho phép ta xác định vị trí của chiến thắng Đông Bộ Đầu là ở sát chùa này, bên bờ sông Nhị; bia chùa Thiên Niên ghi lại sự nghiệp của Lý Nam Đế, bia đền Bạch Mã đề cao công ơn quy hoạch Thăng Long, bia đình Thổ Quan nói về ba anh em họ Đào dấy quân cứu nước, bia ở miếu Dương Võ ghi công lao của những người dạy voi ra trận… Tấm bia ở miếu Hồng Mai (tên cũ làng Bạch Mai), xác nhận nghề cổ truyền làm thịt trâu bò của xã này, đã từng được triều đình phong kiến trao nhiệm vụ hầu như đặc quyền thui trâu bò dùng trong các cuộc tế lễ hàng năm của triều đình. Một số văn bia còn giúp ích cho việc tìm hiểu pháp luật cũ với một số hiện tượng đặc biệt. Đơn cử như phép biến chùa công thành chùa tư. Bia chùa Đồng Môn dựng năm 1684 cho biết một nhà sư đã mua đất cúng vào chùa phường Đồng Môn làm đất chùa, đồng thời hưng công xây dựng lại chùa này. Chúa Trịnh lúc đó là Trịnh Tráng đã chuẩn ban cho nhà sư chùa Đồng Môn làm chùa tư, có thể truyền lại cho con cháu.
Về mặt tôn giáo, các bài văn bia còn có nhiều tài liệu viết về các tông phái, như phái Tào Động, một trong hai phái chính của Phật giáo nước ta, bên cạnh phái Lâm Tế. Thông tin này được trình bày khá đầy đủ trên bia chùa Hồng Đức dựng năm 1932. Bia chùa Linh Sơn dựng năm 1828, cho biết: tôn chỉ của Thanh tịnh giáo (một môn phái của Đạo giáo) thịnh hành ở kinh thành Thăng Long hồi cuối Lê - đầu Nguyễn. Có nhiều bài văn bia còn tham gia vào cuộc đấu tranh tư tưởng, chống lại sự mê tín, coi thần thánh là những đấng toàn quyền ban phúc, giáng họa. Như văn bia đền Bạch Mã (soạn năm 1280), văn bia ở đền Ngọc Sơn (soạn năm 1865).
Ngoài ra, Thăng Long - Hà Nội còn có một hệ thống văn bia ở các đền, chùa: đền Cổ Loa (Đông Anh), đền Gióng (Gia Lâm), đền Kim Liên, chùa Trấn Quốc, những văn bia ở Luy Lâu…
Trước khi Thăng Long là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa thì vị trí này là của Luy Lâu. Ngoài các di tích khảo cổ, địa danh, truyền thuyết, phong tục, lễ hội, sinh hoạt văn hóa dân gian… còn có những văn bia, giúp tìm hiểu rõ hơn về sự hình thành và phát triển của đô thị Luy Lâu. Văn bia và những phát hiện khảo cổ học ở đền thờ Sỹ Nhiếp đã cho chúng ta hình dung tương đối đầy đủ về cảnh quan của khu vực này.
Trong khu vực Luy Lâu, cùng các chứng tích khảo cổ học là hàng loạt các di tích, như mộ Kinh Dương Vương, đền thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ, đền thờ các tướng thời Hùng Vương, Hai Bà Trưng… Các nguồn tài liệu phong phú kể trên đã cho phép các nhà nghiên cứu xác định: “Luy Lâu... trước thời Hán xâm lược có thể đã là trung tâm kinh tế, trung tâm buôn bán như một thị trấn”(4)...
Tại thành Cổ Loa, quần thể kiến trúc không còn để lại dấu vết gì, song trong lòng thành Nội còn hai cụm kiến trúc mang nhiều kỷ niệm về vua Thục An Dương Vương. Cụm phía tây là đền Thượng, dựng trên nền nội cung xưa, bia ghi là làm năm 1687 (nhưng nay chỉ còn đôi rồng đá chầu trước ngũ môn, còn cả nhà và tượng đồng đều là giai đoạn của sản phẩm chuyển giao TK XIX sang TK XX). Trước đền có giếng Ngọc. Cụm phía đông là Ngự triều di quy - nơi xa xưa vua Thục hội họp với các quần thần, dựng năm 1687, năm 1893 được trùng tu và đến năm 1907 làm lại lần nữa. Bên phải là am Bà chúa ở dưới gốc đa cổ thụ. Trong am có khối đá cuội lớn, dân tin là đầu Mỵ Châu đã từ biển trôi ngược về đây.
Ngày nay, tại đền Kim Liên chỉ còn lại nhà bia bên cạnh đình. Tấm bia ở đền làng Kim Liên thờ thần núi Cao Sơn Đại Vương dựng năm 1510, cao chừng 2,70m, tương đương với những bia vua và hoàng hậu ở Lam Sơn (Thanh Hóa), chạm rồng mây nổi bật trên nền bia. Theo đánh giá của các học giả, đây được xem là một tấm bia to đẹp, hiếm có trên địa bàn thủ đô. Bố cục của hình trang trí còn theo dạng bia thời trước, nhưng đề tài phần nhiều đã chịu ảnh hưởng của Trung Hoa (rồng).
Chùa Trấn Quốc, vốn có tên ban đầu là Khai Quốc, ghi dấu việc Lý Nam Đế (TK VI) lãnh đạo nhân dân chống ách thống trị phương Bắc, thành lập nước Vạn Xuân. Khi đất nước đã thực sự bước vào kỷ nguyên độc lập (sau năm 938), chùa được đổi tên là An Quốc để biểu thị sự phát triển trong hòa bình. Chùa vốn ở phường Yên Hoa, ngoài bãi ven sông Hồng. Năm 1615, bãi sông bị lở, chùa có nguy cơ bị đổ xuống sông, dân sở tại dời vào đảo Cá Vàng trong Hồ Tây và đổi tên là chùa Trấn Quốc như để giữ yên cho đất nước. Tấm bia năm 1639 đã kể lại lai lịch chùa và cho biết các đợt làm và sửa vào các năm 1624, 1628, 1639.
Đất nước Việt Nam còn rất nhiều những cuốn sách đặc biệt - những thư viện văn bia có ở khắp mọi nơi, cung cấp cho hậu thế những tư liệu quý giá với độ chính xác cao, đáng tin cậy.
2. Nhìn từ góc độ quản lý văn hóa
Văn bia là di vật mà cha ông ta để lại, đã gắn bó với những chặng đường lịch sử, với các chí sĩ yêu nước. Cùng những di tích lịch sử khác, văn bia đã tạo nên chiều sâu và bề dày của văn hóa thủ đô, và nếu mất đi những di sản này, Hà Nội sẽ mất đi “sự cuốn hút và cảm hóa rất đằm thắm của mình”(5). Một thực tế nhức nhối đang diễn ra sự xuống cấp, tàn phá của một số di tích do chiến tranh và do sự thiếu ý thức của con người. Bên cạnh đó, việc bảo tồn, tôn tạo những di tích này chưa nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền.
Bảo tồn, tôn tạo văn bia
Trên thực tế, đã có nhiều văn bia đã bị mài mòn theo thời gian, chữ khắc mờ nhạt, khó đọc. Nếu không kịp thời tôn tạo, một ngày nào đó, thế hệ sau sẽ không thể đọc được nội dung của những văn bia này. Như thế, chúng ta sẽ bị mất đi những cuốn sách quý giá, những tư liệu lịch sử sống động và thuyết phục về những trang sử hào hùng của dân tộc. Và nếu chỉ căn cứ vào bia miệng (những câu chuyện dân gian truyền miệng) sẽ thật khó thuyết phục rằng dân tộc ta có một bề dày lịch sử với nền văn hiến lâu đời...
Bên cạnh đó, nhiều văn bia ở các công trình kiến trúc cũng bị phá hủy và hư hại bởi những thăng trầm của lịch sử. Đi vào TK XXI, nếu không đề phòng, Hà Nội sẽ lây nhiễm hội chứng cao ốc hóa, bê tông hóa vốn đã và đang lan tràn hầu khắp đô thị hiện đại ở nhiều quốc gia, gây nên sự nhàm chán cho tất cả những ai thích du lịch và yêu thích tính truyền thống. Thiết nghĩ, các cấp chính quyền Hà Nội cần có sự phối hợp với các kỹ sư, các học giả chuyên ngành. Bởi đây không phải là một công việc đơn giản chỉ dựa trên kiến thức về văn hóa cổ xưa, mà còn cần dựa trên cả vốn kiến thức về lịch sử và văn hóa Hán - Việt. Hà Nội nghìn năm hơn hẳn nhiều thành phố khác trên thế giới về bề dày lịch sử. Mọi sự tu sửa di tích lịch sử nói chung và văn bia ở những di tích nói riêng, đều phải hết sức cẩn trọng, tránh làm mới cho đẹp mà thực chất là phá hoại di tích, “biến cái đẹp đích thực của cha ông thành thứ cải lương pha tạp, bỏ của thật để thay bằng của giả”(6). Một nhà báo nước ngoài đã bức xúc: “ Sự bảo tồn di sản văn hóa lịch sử và thiên nhiên Hà Nội phải được coi là phần cốt yếu của quy hoạch thành phố, chống lại được sự cám dỗ, để khỏi hấp tấp đưa ngay con gà đẻ trứng vàng ra làm thịt, hòng lấy ngay một lúc tất cả những quả trứng vàng có trong lòng nó”(7).
Giải quyết mối quan hệ truyền thống và hiện đại
Các di tích lịch sử văn hóa, trong đó có văn bia, là những gì mà cha ông ta để lại. Đến đây, con người như được trở về với cội nguồn. Và dưới tầm mắt của người dân bình thường, những di tích lịch sử văn hóa đồng nghĩa với tôn giáo tín ngưỡng. Bởi họ thường kêu cầu thần linh ban phước lành và những ước vọng khác ở những nơi ấy. Chính vì thế mà một số người cực đoan cho rằng, “di tích lịch sử là cái ổ mê tín dị đoan”(8). Điều đáng buồn là, thái độ coi thường giá trị những di tích, nhiều khi được đồng nhất với sự tiến bộ về tư tưởng. Cần khơi dậy và nhân lên những giá trị sáng tạo của ông cha ta còn tiềm ẩn và có nguy cơ bị mai một trước những thách đố khác nghiệt của cơ chế thị trường...
Trên bước đường phát triển, bất cứ ai cũng sớm nhận ra rằng, hội nhập nhưng không được hòa tan. Như thế, cần khẳng định được bản sắc văn hóa dân tộc, có nghĩa là, muốn vững bước vào tương lai thì phải biết nhìn lại quá khứ, phải biết tôn trọng truyền thống của tổ tiên và ông cha… nhằm xác định lại chính mình. Do vậy, công việc bảo tồn, tôn tạo các văn bia luôn luôn đặt trên mặt bằng trí tuệ, trình độ kỹ thuật, công nghệ và năng lực cảm thụ, quan điểm thẩm mỹ thời hiện đại để đạt đến sự hài hòa. Và cũng không có sự trở về của các giá trị cũ một cách tuyệt đối, mà hồi cố phải đi liền với cách tân, đổi mới.
Yếu tố con người
Các giá trị văn hóa tương lai của thủ đô Hà Nội đều bắt nguồn và tùy thuộc vào căn bản giá trị con người - chủ thể sáng tạo văn hóa. Bất cứ ai cũng nhận thấy, vấn đề then chốt có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ quá trình phát triển văn hóa Hà Nội trong TK XXI là việc xây dựng con người và cộng đồng người Hà Nội theo những đức tính con người Việt Nam ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (9). Các cấp lãnh đạo ở thủ đô nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao niềm tự hào của mỗi người dân về truyền thống lịch sử văn hóa của mảnh đất địa linh nhân kiệt này. Nên đưa vào chương trình giáo dục ở các trường tại Hà Nội những môn học về lịch sử và văn hóa của thủ đô. Trong thực tế, các em rất yêu thích những môn khoa học xã hội nhân văn; nhưng vấn đề là, nội dung và cách thức các môn học này như thế nào, điều đó lại phụ thuộc vào cái tài của các nhà giáo dục thủ đô.
Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của xã hội với sự phát triển khoa học kỹ thuật hiện đại là vấn đề thông tin. Thực tế là, con người hiện nay luôn bị lôi kéo bởi nhiều thông tin với những hình ảnh, lời nói trái chiều… Theo tổng kết của các nhà xã hội học thì chí ít 50% thông tin được chuyển tải hàng ngày, xuất xứ từ các cá nhân hoặc tổ chức, đều là thông tin dối trá (10). Nhưng một điều chắc chắn là, sự sai lệch thông tin sẽ không bao giờ xảy ra với văn bia, bởi những cuốn sách này, những thư viện này đã được nhân dân kiểm duyệt qua rất nhiều thời kỳ trong tiến trình lịch sử dân tộc. Một điều tất yếu là, tính chân thực của các văn bia này rất cao nên nó mới có sức sống lâu bền như vậy. Những thư viện văn bia là của nhân dân và nó luôn được trân trọng, giữ gìn, nâng niu qua nhiều thế hệ.
_______________
1, 2. Thơ văn Lý - Trần, tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977, tr.404, 405.
3, 5, 6, 8. Trần Văn Bính (chủ biên), Văn hóa Thăng Long - Hà Nội, hội tụ và tỏa sáng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.346, 421, 249, 341.
4. Trần Quốc Vượng, Xứ Bắc ngày xưa, Hà Bắc ngàn năm văn hiến, tập 2, Hà Bắc, 1974, tr.39, 45.
7. Dương Trung Quốc, Hà Nội xưa cũ và trí tuệ, tạp chí Thăng Long khoa học và công nghệ, tháng 10-1999, tr.11.
9. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm BCHTW khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.58, 59.
10. Nguyễn Chí Tình, Văn hóa và thời đại, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2009, tr.126.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 323, tháng 5-2011
Tác giả : Bùi Thị Ánh Vân