Bảo tồn các di sản văn hóa không đơn thuần chỉ là giữ nguyên hiện trạng của di sản, hay bảo tồn các yếu tố của nền văn hóa ở nguyên một trạng thái. Với tư cách là những biểu thị giá trị của cộng đồng dưới con mắt của chính cộng đồng đó, di sản văn hóa không bị giới hạn ở việc biểu thị một văn hóa của một thời kỳ lịch sử nhất định.
Vốn được coi như là một bảo tàng văn hóa, nơi lưu giữ những tín ngưỡng, tôn giáo, những sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian, nơi phản ánh tâm thức của cộng đồng,dân tộc một cách trung thực nhất, lễ hội truyền thống đã được coi là một di sản văn hóa tiêu biểu của mỗi cộng đồng, dân tộc. Cũng như mọi di sản văn hóa khác, lễ hội truyền thống không tự khuôn mình ở sự bảo tồn nguyên dạng (thực ra các lễ hội truyền thống đều được tái tạo ở các xã hội đương đại, mang những diện mạo khác với ban đầu khi nó ra đời; thậm chí, cùng một lễ hội của một cộng đồng, nhưng sự tái hiện chúng ở những năm trước và năm sau là không giống nhau). Trên dòng chảy của lịch sử, lễ hội luôn tích hợp thêm nhiều yếu tố mới để thích nghi với đời sống xã hội đương đại. Vì lễ hội truyền thống được bảo tồn thông qua sự tái hiện của chúng trong xã hội đương đại, mặt khác, việc tái dựng lễ hội đòi hỏi phải có sự tham gia của cả cộng đồng, nên, trong công tác bảo tồn lễ hội truyền thống, huy động sự tham gia tích cực của người dân là một công việc cần thiết và vô cùng quan trọng.
Sự thật thấy rằng, những nguyên nhân chính khiến các lễ hội truyền thống được bảo tồn cho đến tận ngày nay là bởi, chúng được phát huy tối đa tính tích cực của cộng đồng và các nhóm xã hội trong tổ chức tái dựng lễ hội.
Nhờ có một nền văn hóa chung, với khả năng trao đổi và truyền thụ lại mà con người hình thành được ý thức chung về những giá trị của cộng đồng - những giá trị không chỉ của người đang sống, mà còn của các thế hệ đã qua. Ý thức tập thể đó như là một di sản mà cộng đồng để lại cho những thế hệ mai sau.
Ý thức và tâm lý tập thể đặc trưng của người Việt là cộng đồng làng, hay nói cách khác là ý thức tâm lý “làng ta”. Ngàn đời tụ cư thành làng, ngay trong cuộc sống đời thường, người Việt đã hình thành và phát triển ý thức, tâm lý tập thể về cái làng của mình. “Làng ta” bao giờ cũng được người dân đánh giá một cách khá chủ quan là “nhất” về mọi mặt. Ý thức và tâm lý tập thể đó luôn được thể hiện trong lời ăn tiếng nói, cũng như trong các hành vi cử chỉ được thực hành trong cuộc sống đời thường của họ. Rất hiếm khi thấy một người nông dân Việt nào đó, khi tiếp xúc với người ngoài làng, lại nói điều không hay về người làng mình, nói xấu làng mình. Trong hành vi cũng vậy, chẳng mấy khi thấy một người nào đó lại thờ ơ khi địa giới làng, hoặc chốn linh thiêng của làng bị người làng khác xâm chiếm hay đe dọa xâm chiếm. Tâm lý tập thể này còn được biểu thị rất rõ ở những cuộc tranh đua, thi đua giữa các làng. Chẳng hạn, trong một trận đấu thể thao giữa thanh niên hai làng, người của làng nào sẽ cổ vũ cho đội của làng đó. Cho dù trong đời thường, cá nhân tham dự trận đấu có thể có mâu thuẫn với người cổ vũ, nhưng khi ra thi đấu, những mâu thuẫn ấy sẽ tạm lắng xuống. Người cổ vũ vui mừng khi đội của làng mình thắng và buồn nếu đội của làng mình thua.
Trong các lễ hội truyền thống, tâm lý và ý thức tập thể đặc biệt được biểu lộ rất rõ nét, đó là:
Có một ý thức chung về tính độc lập của làng mình, từ đó, ý thức và tâm lý chung về sự hiện diện một cách đáng tự hào về làng mình - mà hiện thân tinh thần là vị thánh của làng (thành hoàng làng) - được củng cố và phát triển.
Có ý thức chung về sự linh thiêng của vị thánh được tôn thờ. Ý thức này luôn được bồi đắp bởi những yếu tố văn hóa mang tính khuôn mẫu: những ứng xử, kiến trúc, trang trí nơi thờ tự, các truyền thuyết linh thiêng về vị thánh, các tục, lệ... của dân làng. Đã là người làng, là một thành viên cấu thành cộng đồng làng, dù thân phận như thế nào, cũng chẳng ai dám tỏ thái độ bất kính với thần linh.
Có ý thức chung về sự ganh đua giữa làng mình với làng khác, nếu không hơn được thì chí ít cũng phải bằng họ. Trong truyền thống, điều này được thể hiện rõ ở việc đóng góp vật chất, tinh thần đua tranh trong các trò chơi hay cuộc thi văn nghệ, đấu thể thao cũng như các khoản về lễ vật dâng cúng, cách trình bày, đồ ăn thức uống của bữa cỗ... bao giờ cũng phải nhiều hơn, ngon hơn, đẹp hơn.
Có ý thức chung về sự bình đẳng nghĩa vụ cũng như quyền lợi của các cá nhân thành viên trong cộng đồng làng trước vị thánh được thờ. Mặc dù lễ hội truyền thống của người Việt được hình thành và phát triển chủ yếu trong môi trường xã hội có giai cấp, nhưng tính bình đẳng công xã vẫn là nguyên tắc hàng đầu: đóng góp được bổ theo xuất đinh, không phân biệt giàu nghèo; và cũng như thế, mọi người đều được sự bảo trợ của thánh, thần như nhau (thể hiện ở việc thụ lộc thánh hoặc quyền được cầu xin phù hộ, bảo trợ từ thánh của mọi người dân trong làng).
Làng là một xã hội thu nhỏ, được hình thành bằng cấu trúc của những nhóm xã hội như thân tộc (nhóm họ hàng), lứa tuổi, địa vực, thể chế tính và nhóm văn hóa. Các nhóm xã hội thường được thiết lập một cách có ý thức, vì những mục đích cụ thể. Nếu như xã hội làng vận hành được là do sự chi phối nội bộ từng nhóm và sự tác động qua lại giữa các nhóm với nhau, thì trong sinh hoạt lễ hội truyền thống, người ta cũng thấy khá rõ điều đó. Gần như là một sự phân công truyền thống (không cần biết tại sao, chỉ biết rằng, bản thân nó đã như vậy), mỗi một nhóm xã hội ấy lại có một vai trò, nhiệm vụ nhất định và mỗi con người trong cộng đồng làng đều lần lượt được đóng vai trò ở những nhóm xã hội khác nhau. Chẳng hạn khi trẻ, anh ta ở nhóm thanh niên, trong lễ hội, anh ta lại ở trong nhóm khiêng kiệu rước, hoặc đóng vai người dẹp đám, người múa cờ... Khi trung niên, anh ta lại có thể đóng vai trò chủ đám, chủ gia đình, gia tộc. Về già, có thể đóng vai các cụ trong ban khánh tiết... Đó chính là quá trình xã hội hóa. Nhờ quá trình này, hoạt động giữa các nhóm luôn có sự khớp nối trơn tru, và lễ hội có thể diễn ra một cách suôn sẻ, mà không cần đến một tổng đạo diễn nào cả.
Do luôn ý thức được nhóm của mình trong mối quan hệ với cái ta (làng ta), mà nhìn chung, từ nhóm gia đình, địa vực đến nhóm bạn bè lứa tuổi, nghề nghiệp giới tính..., ý thức nhóm trong hoạt động lễ hội đều mang tính tích cực: nhóm mình phải cố gắng tối đa nhất để không bị mang tiếng là kém cỏi so với các nhóm khác. Vì thế ở các lễ hội làng, người ta không thấy những trường hợp bị cưỡng chế về nhiệm vụ của từng nhóm, cũng như không thấy có sự tị nạnh về các khoản đóng góp giữa các nhóm. Ngược lại, ngay từ khâu chuẩn bị lễ hội, tùy theo nhiệm vụ của nhóm phải đảm đương, mà các thành viên đã có ý thức chuẩn bị cả về vật chất lẫn tinh thần cho việc hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao cho. Dường như, niềm tự hào vì đã được đóng góp sức lực và tinh thần của cá nhân mình vào lễ hội là đặc điểm tâm lý chủ đạo của mỗi nhóm. Dĩ nhiên, mỗi một nhóm lại có nét riêng trong đời sống tâm lý lễ hội. Chẳng hạn như các cụ ở ban khánh tiết thì thường trông chờ lúc cả làng nhìn vào bữa cỗ cộng đồng ở sân đình (một bữa cỗ không có giá trị vật chất là bao, nhưng chứa đựng nhiều giá trị tinh thần, nó chứng tỏ cho những người trong làng thấy được sự đức độ trong nếp ăn, nếp ở của các cụ, những người định hướng bữa cỗ ở vị thế “mâm trên”). Nhóm thanh niên thì khác, không chỉ trông đợi vào những vai diễn mà họ đảm nhận trong đám rước sôi nổi, hào hứng, mà còn đợi chờ những cuộc vui, cuộc so tài thử sức ở các trò chơi, để chứng tỏ bản lĩnh và sức mạnh, sự tài giỏi của họ với người khác giới.
Có thể thấy rằng, sự tham gia của cộng đồng vào công việc tổ chức, tái hiện lễ hội truyền thống được diễn ra dưới nhiều hình thức đa dạng và phong phú, ở đấy vai trò của cộng đồng được thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ lễ hội. Nhờ đó, lễ hội truyền thống mới thường xuyên được tái hiện và bảo tồn.
Sự hiện diện các lễ hội truyền thống ở xã hội hiện đại không chỉ cho thấy sức sống mãnh liệt của loại di sản văn hóa này, mà còn là một minh chứng, một bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá cho công tác bảo tồn di sản văn hóa nói chung, lễ hội truyền thống nói riêng. Để bảo tồn di sản văn hóa đạt được kết quả tốt, thì cần có những biện pháp phát huy tính tích cực, tự nguyện của cộng đồng và các nhóm xã hội tham gia vào công tác này. Theo chúng tôi, cần phải làm được những việc sau đây:
Giải thích cho người dân hiểu được lợi ích và trách nhiệm mà di sản văn hóa mang lại cho cộng đồng, gia đình và chính bản thân họ. Đây là việc làm hết sức cần thiết, vì chỉ khi người dân hiểu rõ những lợi ích được hưởng (gắn với quyền lợi cá nhân), cũng như trách nhiệm phải thực hiện, thì họ mới có thể tạm quên đi những mối bận tâm về kinh tế để tham gia công việc bảo tồn di sản văn hóa.
Chú ý đến những cá nhân có ảnh hưởng xã hội để hình thành nên hạt nhân nòng cốt cho cộng đồng trong việc bảo tồn di sản văn hóa. Thực tế, các cá nhân luôn đóng vai trò quan trọng trong việc vận động người dân tham gia một cách tự nguyện và tích cực vào các hoạt động xã hội. Do vậy, trong công việc bảo tồn di sản văn hóa, nhất thiết phải đưa những người có uy tín tham gia, đóng góp ý kiến. Bởi họ là người có tiếng nói trọng lượng hơn tron việc vận động, khuyến khích người dân tham gia tích cực vào hoạt động bảo tồn di sản văn hóa.
Nhấn mạnh vai trò của các phương tiện truyền thông. Công việc này rất quan trọng trong việc thông tin cho người dân về các sự kiện của cộng đồng. Vì các phương tiện truyền thông có khả năng đưa thông tin trên một khoảng không gian rộng lớn, được lặp đi lặp lại có tác động nhất định đến người dân.
Tạo điều kiện để người dân trực tiếp tham gia vào các công đoạn của công việc bảo tồn, cho một quyền hạn nhất định để họ nhận thấy vai trò quan trọng của mình trong quá trình diễn ra các hoạt động di sản.
Di sản luôn là những biểu thị tích hợp các nền văn hóa trong điều kiện biến đổi của thiên nhiên, cũng như sự phát triển của xã hội, cộng đồng, thông qua sự tái tạo liên tục các giá trị của chúng. Do đó, bảo tồn di sản văn hóa không bao giờ là công việc của riêng một hay vài cá nhân. Bất cứ một di sản văn hóa nào chỉ có thể được bảo tồn bởi chính bản thân nó và chính cộng đồng đã sản sinh ra nó.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 307, tháng 1-2010
Tác giả : Phạm Hoài Anh