Lễ hội phủ Dày (1) gắn với tín ngưỡng thờ mẫu tứ phủ, xuất phát từ nhu cầu tâm linh của người Việt. Thông qua lễ hội, người dân vừa có ý thức về cội nguồn, vừa thể hiện mong muốn về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, sức khỏe dồi dào. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, có nhiều lý do để con người đến với lễ hội, bên cạnh mặt tích cực cũng tồn tại những hiểu biết sai lệch về bản chất tín ngưỡng, dẫn đến việc thực hành nghi lễ mất đi tính thiêng, gây khó khăn cho công tác quản lý.
1. Lễ hội thờ mẫu tứ phủ ở phủ Dày
Lễ hội thờ mẫu tứ phủ ở phủ Dày là một trong những hoạt động quan trọng, điển hình của tín ngưỡng thờ mẫu tứ phủ ở Việt Nam. Trước đây, lễ hội gắn bó chặt chẽ với hệ thống lễ nghi nông nghiệp: gieo cấy (mùa xuân) và thu hoạch (mùa thu). Sau này, do ảnh hưởng từ các nhân tố lịch sử, xã hội, tôn giáo nên lễ hội đã có những biến đổi, mang sắc thái phong phú, đa dạng như ngày nay.
Lễ hội phủ Dày diễn ra trong một quần thể di tích có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Hàng năm, lễ hội diễn ra vào 3 tháng, từ tháng giêng cho đến tháng 3 âm lịch, bắt đầu từ hội chợ Viềng (mùng 8 tháng giêng). Tuy nhiên, hội chính được tập trung từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 9 - 3 (âm lịch).
Trong những ngày diễn ra lễ hội, các nghi lễ, phong tục được thực hiện theo trình tự, bài bản. Trước hết, là tục rước mẫu lên chùa Gôi để thỉnh Phật bà Quan âm vào ngày 6 - 3, trong không khí trang nghiêm, thành kính và quy mô. Đây được coi là tâm điểm của lễ hội, thu hút hàng vạn khách thập phương về chiêm bái. Trong lễ hội, nghi thức hoa trượng, xếp, kéo chữ là một trong những hoạt động được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, đòi hỏi nhiều người tham gia và được tập dượt (2). Với trò kép chữ, người ta dùng chiếc gậy tre dài từ 4 - 5m, có quấn giấy xanh đỏ, trên đầu gậy cắm một búi lông gà, xếp thành chữ. Tùy từng năm, mà người ta chọn chữ như: Mẫu nghi thiên hạ, Quốc thái dân an, Thiên hạ thái bình (3). Xếp chữ chỉ diễn ra sau khi xin được chữ trong phủ Mẫu. Tất cả phu cờ trong đồng phục áo cánh vàng, quần trắng, đầu đội khăn đen, có phủ dải lụa vàng ra ngoài, đi chân đất, vác gậy tập trung theo tổng cờ, đi hàng đôi tiến vào trước Phương Du của phủ chính. Khi có lệnh của tổng cờ, phu cờ chuẩn bị xếp chữ (ngả chữ). Giữa tiếng trống cái, trống con gõ liên hồi rộn rã, theo cờ lệnh, các phu cờ tiến lùi, đứng lên, ngồi xuống thành hình chữ. Mỗi một chữ, tổng cờ lại mời quan/ một cụ già có học vấn cao duyệt chữ. Khi ngồi xuống, các phu cờ vứt gậy xuống đất, như mô phỏng lại tục vứt quốc xẻng của dân phu trước đền thánh Mẫu.
Ngoài ra, trong lễ hội phủ Dày không thể không nhắc tới các nghi thức hầu đồng/ lên đồng. Đây là nghi thức đặc trưng, độc đáo và đậm bản sắc nhất trong hệ thống nghi lễ của lễ hội phủ Dày. Trong suốt 3 tháng lễ hội, các giá đồng diễn ra liên tục, phục vụ đông đảo khách thập phương.
2. Lễ hội phủ Dày trong tâm thức người dân
Trong tâm thức dân gian người Việt, Liễu Hạnh được suy tôn là thánh mẫu, thần chủ trong điện thờ tín ngưỡng mẫu tứ phủ. Người dân đến với lễ hội phủ Dày với mong muốn được thánh mẫu ban phước lành, sức khỏe, tài lộc, hoặc muốn giải hạn hay được giải tỏa trong các hoạt động tế lễ, vui chơi, giao tiếp... Ngoài ra, qua lễ hội phủ Dày, người dân cũng thể hiện tình cảm, lối ứng xử của mình đối với hệ thống các nhân vật thiêng (4). Chính những mối tương tác qua lại này góp phần làm cân bằng đời sống tinh thần của người dân, giúp họ phần nào vượt qua được những lo toan, mưu sinh của cuộc sống thường nhật. Để nhận thức được giá trị, bản chất của mối tương quan này không phải điều dễ dàng, bên cạnh phát huy tính tích cực, chúng ta cần phải hạn chế được những biểu hiện tiêu cực như lợi dụng tín ngưỡng nhằm trục lợi cá nhân. Có thể nói, nếu không hiểu đúng bản chất của hiện tượng này mà lấy thế giới quan, nhân sinh quan đương thời áp đặt vào thì rất khó có thể thấy được những yếu tố tích cực của lễ hội dân gian.
Tín ngưỡng thờ mẫu tứ phủ quan niệm, thế giới được hình thành từ bốn miền: trời - đất - nước - rừng (5), phản ánh tính chất đặc thù của nền văn minh lúa nước, gắn chặt với tự nhiên. Trong đó, thiên nhiên vừa là nơi che chở, vừa là nơi nuôi dưỡng sự sống của con người. Bên cạnh sự gần gũi, tôn trọng tự nhiên, con người cũng bao hàm nỗi lo sợ trước những hiện tượng tự nhiên bất thường. Trên cơ sở những vị thần cai quản từng miền cụ thể, người Việt ở châu thổ Bắc Bộ đã quy tụ, khái quát, hình thành nên tứ vị thánh mẫu. Họ tin rằng, toàn bộ các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên như nắng hạn, lũ lụt, đất đai khô cằn hay màu mỡ, vạn vật phát triển hay lụi tàn… đều chịu sự chi phối bởi quyền năng của các mẫu. Con người luôn hy vọng mẫu sẽ che chở, đùm bọc để cuộc sống của họ được đảm bảo hơn, an toàn hơn. Có thể nói, tín ngưỡng thờ mẫu tứ phủ không coi thế giới tự nhiên là một thực thể riêng, tách rời với con người, mà con người và tự nhiên được đặt trong một thực thể đồng nhất. Hiểu được điều này mới nhận thấy, người dân tham dự lễ hội Phủ Dày không chỉ là những tín đồ phụng thờ hướng về đấng thiêng liêng mà còn mang ý nghĩa tìm đến sự đùm bọc, che chở của người mẹ. Với niềm tin đó, sự xa cách giữa thần linh và con người dường như được thu hẹp lại, thay thế bằng mối quan hệ gần gũi, thân thuộc giữa mẹ và con. Trong mối quan hệ này, khi coi tự nhiên là mẹ, tức người Việt đã đồng nhất việc giới tự nhiên đã sinh ra con người, nuôi dưỡng và che chở con người bằng nguồn của cải vô tận. Với tâm thế ấy, người Việt luôn mong muốn cuộc sống của mình sẽ được mẹ tự nhiên che chở, bao bọc để trở nên tốt đẹp và phồn thịnh hơn. Trong mối quan hệ đó, con người sẽ tìm được sự bình an và hạnh phúc. Còn trong mối tương quan ngược chiều, người con luôn biểu hiện sự thành kính, tôn trọng và biết ơn đối với mẹ. Nói cách khác, đó chính là ngụ ý về thái độ phải biết tôn trọng, quý trọng tự nhiên như quý trọng mẹ của người Việt. Cách nhận thức thế giới theo kiểu nhất thể hóa này giúp cho con người hòa đồng với tự nhiên, cảm nhận tự nhiên, lắng nghe tự nhiên và bảo vệ tự nhiên một cách hữu hiệu hơn. Trong bối cảnh xã hội đương đại, điều này lại càng trở nên thiết thực khi hướng niềm tin của con người về thế giới hiện tại, nơi mà con người luôn mong có sức khỏe, tiền tài, công danh. Có thể nói, tín ngưỡng thờ mẫu tứ phủ trong lễ hội phủ Dày đã thỏa mãn đời sống tâm linh cho nhiều tầng lớp cả trong xã hội Việt Nam cổ truyền và đương đại. Người dân tin rằng, đến với lễ hội, họ có cơ hội tiếp cận với thánh mẫu, những vị thần tối linh luôn che chở, giúp đỡ cho con người kể cả trong những hoàn cảnh éo le nhất.
Từ một góc độ khác, giá trị nhân văn của lễ hội phủ Dày còn thể hiện ở ý nghĩa khuyến thiện, trừ tà. Trong quan niệm của tín ngưỡng này, nếu con người xúc phạm đến mẫu thì sẽ phải chịu sự trừng phạt. Đó là những tai họa bất ngờ có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân, gia đình, cộng đồng. Chính từ quan niệm ngầm định ấy, tín ngưỡng này có khả năng phát khởi mối thiện tâm, khơi dậy tính lương thiện và bản chất chân thành của mỗi con người trong các mối quan hệ xã hội. Hay nói cách khác, giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ mẫu chính là tâm hướng thiện. Trong cuộc sống, điều này được biểu hiện ở người biết ăn ở, đối nhân xử thế, thành tâm thờ phụng ông bà tổ tiên, cao hơn là biết ơn những người có công với dân, với nước... Chính giá trị này góp phần tạo nên môi trường gắn kết cộng đồng, nơi gắn kết con người với đời sống thực tiễn, là biểu hiện của sự hòa thuận giữa con người với thiên nhiên.
Việc hiểu đúng giá trị, nhìn nhận đúng bản chất của lễ hội phủ Dày góp phần quan trọng trong việc hình thành thế ứng xử phù hợp của người dân đối với lễ hội. Điều đó trở thành cơ sở để những giá trị thực sự của lễ hội được bảo tồn và phát huy trong đời sống đương đại, với tư cách là những di sản văn hóa được trao truyền qua nhiều thế hệ, một vốn quý không thể tách rời trong nền văn hóa Việt Nam. Mỗi người dân cần nhận thức được cả những giá trị tích cực và tiêu cực của lễ hội thờ mẫu tứ phủ, từ đó có ý thức đấu tranh, tẩy chay cái xấu, phát huy cái tốt, hạn chế những hiện tượng lợi dụng thực hành tín ngưỡng trong lễ hội gây hậu quả xấu cho cá nhân và xã hội cả về vật chất lẫn tinh thần.
_______________
1. Trong bài viết này, và các bài viết liên quan, tác giả dùng phủ Giầy. Tuân thủ quy định biên tập, khi đăng tải, VHNT dùng phủ Dày.
2. Nghi thức này gắn với tích truyện về Vương phi của chúa Trịnh là Trịnh Thị Ngọc Đài, người gốc Phủ Dày, có công giúp dân bản sứ tránh được việc phu phen tạp dịch nặng nhọc nên được người trong vùng thờ làm thành hoàng làng Bảo Ngũ.
3. Bằng chữ Hán.
4. Hệ thống điện thần đạo Mẫu Việt Nam có thể chia theo thứ tự như sau: Phật bà Quan âm, ngọc hoàng, mẫu tam phủ, tứ phủ, ngũ vị quan lớn, tứ vị chầu bà hay tứ vị thánh bà, ngũ vị hoàng tử, thập nhị vương cô, thập nhị vương cậu, ngũ hổ và ông lốt (rắn).
5. Mẫu thiên, mẫu địa, mẫu thoải, mẫu thượng ngàn.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 384, tháng 6-2016
Tác giả : NGUYỄN DUY HÙNG