TỤC TỐNG ÔN CỦA CƯ DÂN HẢI THANH, TĨNH GIA, THANH HÓA

Xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia xưa thuộc tổng Duyên La, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Năm Duy Tân thứ 2 (1908) từ cấp phủ chuyển thành huyện trực thuộc tỉnh, huyện Ngọc Sơn đổi thành huyện Tĩnh Gia, tổng Duyên La đổi thành Tuần La, xã Hải Thanh thuộc tổng Tuần La, huyện Tĩnh Gia. Đến nay sau nhiều lần thay đổi xã Hải Thanh gồm có 7 thôn: Thượng Hải, Quang Minh, Xuân Tiến, Thanh Xuyên, Thanh Đông, Thanh Đình và Thanh Nam (1).


Là một xã ven biển nằm trong vùng cửa lạch, thuộc vùng biển nông vịnh Bắc Bộ với bờ cát trải dài 3km, xã Hải Thanh có diện tích tự nhiên là 272,91ha. Chiều dài nhất của xã là 4km, chiều rộng nhất là 0,5km, phía đông giáp biển Đông, phía nam giáp xã Hải Bình, phía bắc và tây giáp xã Bình Minh (2). Sông Lạch Bạng và sông Kênh Than uốn lượn qua xã dài 5.245m tạo nên cảnh quan kỳ vĩ. Sông Lạch Bạng bắt nguồn từ phía Nam vùng rừng núi Như Thanh dài 34,5km đổ ra biển ở cửa Bạng (Du Xuyên). Sông Kênh Than từ phía Bắc chảy xuống, gặp sông Lạch Bạng tại vùng giáp ranh 3 xã Hải Thanh, Hải Bình và Bình Minh, hòa vào Lạch Bạng cùng đổ ra biển. Ngã ba này được núi Do (hay còn gọi là núi Du Xuyên, non Tiên) che chắn, trở thành cảng cá và khu neo đậu tránh bão của tàu thuyền - gọi là cảng Lạch Bạng. Phía Đông Bắc là núi Thủi (Thổi), cao 92m nhô ra biển, tạo thành mũi Bạng, Phía nam là núi Do, cao 93m so với mặt nước biển tạo thành núi Tròn trông ra cửa Bạng (Lạch Bạng). Nhìn từ xa có thể hình dung bóng dáng núi Do Xuyên và cả địa hình xã giống như một con sư tử đang chồm về phía biển.

Với vị trí sát biển, cuộc sống của cộng đồng cư dân nơi đây luôn đối mặt với biển, gánh chịu sự khắc nghiệt của thời tiết, thiên tai từ biển như trận bão năm Đinh Mão (1927) đã làm nước dâng lên 4 - 5m, nước biển tràn ngập cả xóm làng, nhiều nhà cửa và cư dân sinh sống trong vùng bị cuốn trôi. Đối mặt với môi trường và hoàn cảnh sống như vậy, cộng đồng cư dân nơi đây đã có những ứng xử phù hợp. Một trong những cách ứng xử đó là thực hành các nghi lễ để cầu xin thần linh, theo quan niệm của họ là những người có sức  mạnh và quyền năng vô biên, có thể giúp họ thoát được tai ương, hiểm họa do tự nhiên mang lại. Tục tống ôn là một trong những cách thức ứng xử của cộng đồng cư dân nơi đây trước môi trường sống.

Tục tống ôn là một tục lệ có từ lâu đời và được duy trì cho đến ngày nay. Theo nghĩa đen, tống là tiễn đi, xua đi, ôn là dịch bệnh. Tống ôn nghĩa là tống tiễn và xua đuổi đi những dịch bệnh tai ương. Tuy nhiên, hiểu theo một cách rộng hơn thì tống ôn còn là tống tiễn xua đuổi đi những điều không may mắn, những tai ương và đón những những điều may mắn, thuận lợi sẽ đến với cộng đồng. Vì thế tục tống ôn ở nhiều nơi còn được được hiểu là tục cầu an hay tục tống gió. Mục đích của tục tống ôn là cầu bình an cho gia đình, xóm làng, tống khứ những gì xui rủi, tai ương để mong đón nhận những điều tốt, hy vọng về những chuyến ra khơi an lành, may mắn.

Lễ tống ôn thường được thực hiện ở đền hoặc chùa vào trung tuần tháng giêng. Việc lựa chọn địa điểm cũng như thời gian trên là do người Việt quan niệm rằng: để có thể giao tiếp được với thần linh thì phải thực hiện ở một không gian và thời gian thiêng. Không gian thiêng chính là những công trình tôn giáo, tín ngưỡng như đình, đền, chùa, miếu. Thời gian thiêng là những thời điểm đặc biệt trong một năm, đó là thời gian có khả năng để giao tiếp với thần linh. Tháng giêng theo quan niệm của người Việt là thời điểm khởi đầu của chu kỳ tuần hoàn của thiên nhiên đất trời, thời điểm mà mọi công việc trong năm sẽ được sắp xếp để thực hiện. Vì vậy, tháng giêng chính là thời điểm thích hợp nhất cho việc thực hiện lễ tống ôn  nhằm xua đi những cái không may mắn và đón những điều tốt đẹp cho một năm tới.

Ở xã Hải Thanh, địa điểm tiến hành lễ tống ôn là phủ mẫu của chùa Đót Tiên và đền thờ Tứ vị Lạch Bạng. Thực hiện lễ thức là sư trụ trì của chùa và một người đồng quan. Trong lễ thức, trụ trì chùa sẽ thực hiện nghi lễ cầu an và giải hạn cho cư dân trong làng, đồng quan - người có tín nhiệm và thâm niên về hầu thánh sẽ thực hiện các lễ thức tống ôn. Thời gian tiến hành bắt đầu từ chiều 14 đến rạng sáng 15 tháng giêng, nhưng sự chuẩn bị đã được thực hiện từ nhiều ngày trước: làm các nghi trượng của lễ tống ôn, chọn người làm thuyền và khiêng thuyền.

Nghi trượng quan trọng nhất, bắt buộc phải có là chiếc thuyền. Đó là chiếc thuyền giấy giống mô hình một chiếc thuyền câu của ngư dân Lạch Bạng. Vì là phương tiện chịu trách nhiệm chuyên chở những ôn hoàng dịch lệ của dân làng tống ra biển nên người làm chiếc thuyền này phải được lựa chọn rất cẩn thận. Phải là người cao tuổi biết cách đan lát, có kinh nghiệm trong việc làm thuyền bè, gia đình song toàn, không có tang, con cháu đề huề, đủ cả trai gái, làm ăn phát đạt, gia thất không có bụi. Sau khi chọn được người thì sau lễ tiên hiền của làng vào ngày mùng 10 tháng giêng sẽ tổ chức làm thuyền. Kích thước của thuyền thường từ 2,1m - 3,5m (kích thước con thuyền tùy từng năm, nếu năm đó kinh tế khá giả thì làm to, nếu không thì nhỏ hơn). Điểm cần lưu ý là dù thuyền to hay nhỏ thì kích thước của con thuyền bao giờ cũng là số lẻ. Khung thuyền làm bằng tre hoặc nứa, vỏ thuyền bằng giấy màu các loại, trên thuyền trang trí 36 hình nhân và trống, chiêng, phao, cờ, buồm, neo... (đầy đủ như một chiếc thuyền nghề), có thể có cả súng ống (những đồ này mới có thêm trong những năm gần đây và người dân quan niệm rằng đây là bảo vệ chủ quyền) (3), tất cả đồ trên thuyền đều là đồ mã.

Nghi trượng tiếp theo là chuẩn bị đuốc, tục gọi là mồi lửa dùng để xua đuổi tà ma, chướng khí, để dẫn đường cho thuyền ra biển. Lửa trong quan niệm tâm linh của người Việt có ý nghĩa rất quan trọng. Lửa vừa là nguồn sáng, nguồn sinh khí, đồng thời lửa cũng là yếu tố tiêu diệt hay thanh tẩy những điều xấu xa, không may mắn, lửa gắn với sức mạnh. Vì thế người ta tin rằng, sức mạnh của lửa sẽ thiêu hủy tất cả những điều xui xẻo, uế tạp trong làng.

Diễn trình của lễ Tống ôn gồm 2 giai đoạn, thể hiện ở 2 lễ là nhượng ôn (lễ khao mời các ôn hoàng dịch lệ còn được gọi là lễ khao thuyền) và lễ tống ôn (lễ tống đi những ôn hoàng dịch lệ, những nhớp nhúa, tai ương bệnh tật trong làng).

Các nghi thức diễn ra bắt đầu từ chiều ngày 14 tháng giêng, làng sẽ tổ chức rước thuyền từ nhà làm thuyền về cung mẫu chùa Đót Tiên, sau đó làm lễ Thượng nguyên và sư trụ trì của chùa sẽ làm lễ cúng cầu an giải hạn cho cả làng. Sau đó, từ 22 - 23 giờ 30 những giá đồng của các thanh đồng trong làng hầu bóng chứng lễ tại đền thờ Tứ vị Lạch Bạng. Trong suốt thời gian này, bà con ngư dân trong làng sẽ ra đền và chùa thắp hương. Vào thời khắc giờ tý (khoảng 23 giờ 30) ông đồng quan - một người có tín nhiệm và thâm niên về hầu thánh, có gia thế song toàn, gia đình không có tang được lựa chọn từ trước sẽ hầu thánh tại đền Tứ vị Lạch Bạng và xin lệnh, sổ thông hành (sổ hành trình) để lên làm lễ nhượng ôn (người dân nơi đây còn gọi là lễ khao tàu) tại phủ mẫu chùa Đót Tiên. Việc xin lệnh là nghi lễ thông qua ông đồng quan sẽ mời quan lớn về và xin lệnh của thánh mẫu, sổ thông hành để lên chùa làm lễ nhượng ôn. Quan lớn ở đây chính là quan giám sát hay quan sát hải (theo các cụ ở địa phương cho biết có một quy định đó là: quan sát hải sẽ chịu trách nhiệm khao tàu năm lẻ, còn quan giám sát là năm chẵn). Sau khi xin được lệnh, sổ hành trình thì đồng quan sẽ đốt một bó hương to và chạy về phủ mẫu của chùa Đót Tiên làm lễ nhượng ôn. Cùng lúc đó, chuông chùa và phủ mẫu cùng vang lên, chính thức báo cho cả làng cùng biết về lễ nhượng ôn. Nội dung chủ yếu của buổi lễ là mời tất cả các hoàng ôn dịch lệ ăn uống, sau đó các quan trong phủ sẽ đưa tất cả lên tàu để tống khứ ra biển. Đúng 24 giờ lễ tống ôn bắt đầu, dẫn đầu là 2 thanh niên cầm 2 ngọn đuốc chạy trước, sau đó 4 trai đinh sẽ khiêng thuyền mã, bắt đầu chạy quanh làng và sau đó thuyền sẽ chạy ra bến tàu. Thuyền mã được đưa lên một chiếc tàu đã được lựa chọn từ trước và đưa ra cửa biển để thả. Chiếc tàu được lựa chọn để chở thuyền tống ôn phải có gia chủ là người đức độ, vợ chồng hòa thuận, con cháu đề huề, trong năm nhà làm ăn phát đạt.

Theo quy định của làng, khi thuyền rước chạy quanh làng thì thanh niên trong làng hò hét thật to và khi thuyền đi qua nhà nào thì nhà đó sẽ dùng cây đành đành (cây dứa gai biển) quét từ trong nhà quét ra với quan niệm sẽ tống khứ đi mọi ôn dịch và những điều không may mắn của gia đình đi theo thuyền để ra biển khơi. Ngày nay, khi thực hiện nghi thức này người dân không còn dùng cây đành đành nữa mà họ dùng muối gạo vãi đi theo tàu. Sau khi thuyền được đưa ra biển thì tất cả quay trở lại hóa vàng mã và lễ tống ôn đến đây hoàn tất.

Theo như lời kể của các cụ trong làng thì lễ tống ôn được tổ chức từ xưa đến nay ở Hải Thanh, chưa bao giờ bị gián đoạn. Quy mô tổ chức lễ tống ôn phụ thuộc vào việc xem tiết trời trong đêm giao thừa. Theo tục xưa, vào đêm giao thừa làng sẽ chọn một đồng quan hiểu biết về con nước, lịch thủy triều cũng như thời tiết để xem năm tới có thuận lợi không. Nếu như thời tiết năm đó có những báo hiệu không thuận thì các đồng quan sẽ làm lễ xin mượn quân để làm lễ tống ôn vào ngày 14 tháng giêng. Tùy từng năm các đồng quan hầu các giá đồng mà xin mượn quân (âm binh của cửa thánh) để đi dẹp những rủi ro cho làng. Khi làm lễ các đồng quan khấn “lạy mẹ cho con mượn 30 vạn quân (tùy theo tình hình từng năm sẽ quyết định số quân mượn) của mẹ để đi dẹp đường và khao hoàng ôn dịch lệ, bảo vệ ngư dân làm ăn, khi nào tàu khao xong các quan hồi cửa mẹ để giữ làng” (4) và quy mô năm đó làm sẽ lớn hơn. Cũng theo lời kể của các cụ thì cũng có năm làng sẽ tổ chức lễ tống ôn 2 lần, đó là khi trong làng xảy ra nhiều tai ương, dịch họa, việc làm ăn của nhân dân không thuận lợi. Lễ tống ôn lần 2 sẽ được diễn ra vào rằm tháng bảy, ở ngã ba, ngã tư trong làng hoặc nơi xảy ra nhiều tai ương, dịch họa. Các nghi thức diễn ra cũng giống như lễ tống ôn tổ chức vào 14 tháng giêng.

Đối với các nơi khác của vùng biển Thanh Hóa, tục tống ôn cũng được thực hiện trong cộng đồng và có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của cư dân. Tuy nhiên, tục tống ôn không được duy trì thường niên như ở xã Hải Thanh mà ở những nơi này tục tống ôn chỉ được tổ chức khi trong làng xảy ra những tai ương, dịch họa (như ở vùng biển Quảng Nham, Quảng Xương; Nghi Sơn, Tĩnh Gia) hay khi gia đình có chuyện sẽ mời thày về nhà để làm lễ tống ôn (vùng biển Ngư Lộc, Hậu Lộc). Nhưng dù được tổ chức dưới hình thức nào thì cho đến nay tục tống ôn vẫn luôn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống của cá nhân và cộng đồng cư dân xã Hải Thanh, mở rộng ra là cả cư dân vùng biển Thanh Hóa. Bởi lẽ bản chất của nó không ngoài mục đích là cầu cho cuộc sống của ngư dân phong hòa vũ thuận, ngư dân sẽ có một mùa đánh bắt bội thu, làm ăn buôn bán thuận lợi.

_______________

1. Đảng bộ, HĐND, UBND xã Hải Thanh, Địa chí xã Hải Thanh, Tài liệu nội bộ, 2006.

2. Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Tĩnh Gia, Địa chí huyện Tĩnh Gia, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2010.

3, 4. Ghi chép theo lời kể của ông Nguyễn Văn Hòa,  Phó ban quản lý cụm di tích và thủ từ đền Lạch Bạng.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 385, tháng 7-2016

Tác giả : NGUYỄN THỊ TRÚC QUỲNH

;