TỤC THỜ THẦN LINH Ở THANH HÓA

 

Tục thờ cúng người chết và niềm tin vào thế giới thần linh là một thực tiễn, liên tục tiếp diễn trong quá khứ, hiện tại, tương lai của con người. Thần linh là một biểu tượng mang tính ảo tưởng, siêu thực, nhưng lại có giá trị thực tiễn với con người. Đôi khi thần linh được cộng đồng xây dựng từ những con người vĩ đại trong lịch sử đương thời. Từ thần linh của làng xã đến thần linh của một nước đều phản ánh tâm thức, khát vọng tâm linh của cộng đồng trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Ở Thanh Hóa tục thờ thần linh liệu có gì khác so với các địa phương trong cả nước? Có bao nhiêu thần linh bản địa? Sắc thái văn hóa Thanh Hóa trong tín ngưỡng thờ thần linh thể hiện thế nào?

Tục thờ thần linh ở Thanh Hóa phản ánh nổi trội qua các yếu tố huyền thoại hóa nhân vật và sự kiện lịch sử, làm cho hình tượng thần linh gần gũi với đời thường và ngược lại, các sự kiện, nhân vật lịch sử càng trở nên thiêng liêng. Hệ thống thần linh ở Thanh Hóa có nhiều điểm đặc thù so với các địa phương khác trong nước. Nếu như vùng Việt Trì, Vĩnh Phúc, Sơn Tây, nhiều linh thần liên quan đến sự tích về thời dựng nước của người Việt cổ (Lạc Long Quân và Âu Cơ, Tản Viên, các vua Hùng); thì vùng đồng bằng ven biển Bắc Bộ như Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, lại đậm đặc nhân thần, linh thần liên quan đến việc khai phá đất đai miền duyên hải và các cuộc chiến đấu chống quân phương Bắc trên sông nước (Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Yết Kiêu)… Trong khi đó, văn hóa tín ngưỡng ở Thanh Hóa phản ánh sâu sắc lịch sử xã hội, phong tục, văn hóa truyền thống của một vùng hạ lưu sông Mã.

Huyền tích về dấu chân Phật trên mỏm đá Trường Lệ ở biển Sầm Sơn phản ánh quá trình du nhập Phật giáo theo đường biển vào từ đầu CN, nhưng ngôi chùa cổ nhất ven biển Thanh Hóa lại là chùa Bạch Á (TK XII) thuộc xã Nga Thiện và chùa Vân Lỗi (TK XIV) thuộc xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn. Những nơi được xem là vùng đất thiêng, đều có đền thờ các linh thần cai quản. Ví dụ: Cao Sơn thần thờ ở 414 làng chủ yếu là trung du và miền núi huyện Lang Chánh, Ngọc Lặc, Ba Thước, Cẩm Thủy, Vinh Lộc và các huyện trung du Thanh Hóa; Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương thờ tại 94 làng ven biển; Đông Hải tôn thần (Nguyễn Phục) thờ ở 72 làng ven các sông, biển; Tham Xung Tá Quốc tôn thần thờ ở 57 làng (vùng Nông Cống, Triệu Sơn có nhiều nhất); Độc Cước tôn thần thờ ở 52 làng ven sông, biển; Liễu Hạnh công chúa thượng đẳng thần thờ ở 48 làng; Kim Ngô Long Hổ lưỡng vệ quốc thượng tướng tôn thần thờ ở 9 làng…

Thần Phù là địa danh thiêng liêng có từ đầu CN, nơi kết thúc của dãy núi đá vôi trùng điệp chạy từ Hòa Bình, Ninh Bình, qua vùng Bỉm Sơn và dừng lại trước biển Nga Sơn, nằm giữa hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình. Nơi đây tích tụ linh khí đất trời, cảnh quan hùng vĩ, sóng biển ngàn năm vỗ mòn chân núi, tạo ra cửa Tạc Khẩu nối với lạch sông Chính Đại. Tại cửa Thần Phù do sự đột ngột của địa chất, dãy núi cao chắn ngay cửa biển, nên thường xảy ra dông tố, lốc cuốn bất thường nhấn chìm nhiều tàu bè qua lại, khiến cho dân gian có câu “khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”. Do vậy, nhiều đền thờ phật, thờ mẫu pha trộn Đạo giáo được xây dựng từ xa xưa ở hai bên bờ cửa biển Thần Phù như đền ấp Lãng Chân Nhân La Viên tại xã Yên Lâm, Yên Mô, Ninh Bình đối diện với chùa Hàn Sơn thuộc xã Nga Điền, Nga Sơn, Thanh Hóa. Tương truyền, vị đạo sĩ này người Thiệu Hóa, Thanh Hóa đã có công làm phép thuật chế ngự tà thần ở cửa biển Thần Phù để vua Lý Thánh Tông đưa đoàn thủy quân đi qua an toàn. Tại xã Yên Lâm, Yên Mô (đối diện với xã Nga Điền, Nga Sơn, Thanh Hóa) có chùa Thần Phù (còn gọi là chùa Hoa Khéo), một ngôi chùa có niên đại TK XVIII, nay đã trùng tu nhiều lần. Trong ngôi chùa cũ (bên cạnh), hiện còn hai pho tượng tạc bằng đá, dáng tĩnh tọa làm phép, đọc phù chú, cao 1,1m, phong cách TK XIX (hiện đang đặt ngoài chùa). Hai pho tượng này mặc y phục vải mềm, thụng kiểu đạo sĩ. Có lẽ đây là ngôi chùa duy nhất có tượng đạo sĩ được phối thờ chung hiện thấy ở Thanh Hóa và Ninh Bình.

Tại hòn Cổ Giải, Sầm Sơn có đền thờ thần Độc Cước, một biểu tượng phân thân thần để giữ gìn biển, đất liền một cách kỳ thú. Biểu tượng thần Độc Cước phản ánh khát vọng chinh phục biển. Khác với môtip Chử Đồng Tử phản ánh quá trình tiến xuống đồng bằng và khát vọng vươn ra biển, hình tượng Độc Cước còn biểu hiện sức mạnh của con người khổng lồ. Sức mạnh của thần Độc Cước nhằm phản ánh cái gì? Phải chăng đó là việc khẳng định lực lượng sản xuất đã phát triển đến một giai đoạn mới, có tính cách nhảy vọt của thời văn minh Đông Sơn?

Theo sách Chư thần lục (Thành Thái thứ 15, 1905), có tới 1000 vị thần ở các làng xã Thanh Hóa, được phân chia từng cấp độ, được triều đình ghi vào điển lễ và cho rằng: “các vị thần dân gian ít được triều đình coi trọng”. Thành Hoàng làng bao giờ cũng được ghi là đức thánh cả, tiếp theo là đức thánh hai, đức thánh ba... Có thể thấy hệ thần phả ở xứ Thanh khá đồ sộ, nhưng hơn hết quy tụ ở hai nhóm chính: linh thần có nguồn gốc từ sự diệu kỳ của tự nhiên và thần linh nguồn gốc từ con người siêu phàm có thực trong lịch sử.

Linh thần có nguồn gốc từ tự nhiên chủ yếu chia hai nhóm: nhóm có nguồn gốc tạo dựng đất như thần Cao Sơn, Cao Các, Lập Thạch, Sơn Tiêu Độc Cước…, lại có dạng như Vọng Phu, Linh Thạch ở Nhồi và Thiết Đanh - Yên Định. Nhóm liên quan đến sông, biển như Đông Hải đại vương (các làng ven biển), vùng sông Mã, sông Chu, sông Lãng Giang, sông Bạng thờ Long Vương tôn thần, Long Uyên tôn thần, Đại Hải long vương tôn thần…

Trong nhiều trường hợp các thần linh được sáng tạo rất linh hoạt, kết hợp cả yếu tố huyền thoại và lịch sử, pha lẫn suy diễn tâm linh chủ quan như các di tích thờ linh sơn, thủy thần khá dày đặc ở hai bên bờ sông Mã, sông Chu, sông Lãng Giang... Đó là các lễ tục đền Mối, đền Mưng, đền Ối, đền Sòng, nghè Sâm thờ đức thánh ngũ vị mà tiêu biểu là hình tượng thánh Lưỡng tham xung tá quốc (Lê Ngọc và 3 con trai, 1 con gái đã hy sinh, vốn gốc người Trung Quốc là quan thái thú quận Cửu Chân thời nhà Tùy, trung thành với nhà Tùy mà đứng về phía người bản địa, chống lại nhà Đường ở TKVII). Lễ hội làng Vạc thờ các vị Cao Sơn đại vương, Linh Quang đại vương, Tô Đại Lưu với nhiều thần tích kỳ thú về những thần linh có công đánh giặc, có đức cao giúp đời. Lễ hội Mai An Tiêm ở Nga Sơn là một nét mới trong giao lưu buôn bán với thương thuyền hải ngoại thông qua cốt truyện khá rõ ràng. Lễ hội làng Cự Nham (Sầm Sơn) thờ tứ vị thánh nương là hoàng hậu triều Nam Tống bị người Nguyên bức hại nhảy xuống biển tự vẫn, trôi dạt vào cửa Cờn Nghệ An (cũng như 13 làng khác ven biển ở huyện Quảng Xương đều có đền thờ Nam Hải phúc thần là tứ vị thánh nương trên).

Các thần tích, thần phả và nghi lễ đối với mỗi thần linh thường được mỗi thời đại, địa phương thêm bớt, biến hóa rất sinh động. Ví dụ tại lễ hội chùa Độc Cước, Sầm Sơn, có tục thánh em (Độc Cước) rước đón thánh chị (Bà Triều). Theo thần tích thần Độc Cước có xuất xứ lâu đời, phản ánh thời kỳ người Việt cổ trước CN thoát ly khỏi hang núi tiến xuống đồng bằng và chinh phục biển. Trong khi đó Bà Triều, một vị thần giúp dân việc tầm tang, phát triển nghề thủ công, vậy sớm nhất cũng có từ sau công nguyên? Nhưng trong lễ hội ở Sầm Sơn, Bà Triều lại là thánh chị được thánh em là Độc Cước rước đón? Liệu ở đây có phải là yếu tố trọng nữ hay yếu tố nghề trồng trọt được coi trọng hơn nghề đánh bắt cá?

Nhiều linh thần được du nhập vào đất Thanh nhưng nhanh chóng được sáng tạo lại, hình tượng và sự tích về sự giáng thế lần 3 của thánh mẫu Liễu Hạnh là một ví dụ rõ rệt nhất. Câu chuyện đại chiến ở đền Sòng Sơn giữa Liễu Hạnh công chúa nhà trời và anh em nhà đạo sĩ Ngọc Quang thuộc Nội Đạo, cùng với tình tiết đức Phật hòa giải là một cách kết thúc hòa bình của sự tiếp xúc của các tôn giáo tín ngưỡng đương thời. Nhưng vấn đề là, tại sao lại phải chọn cuộc đại chiến và hòa giải của đức Phật ở tâm điểm của Phủ Giày - Nam Định (đạo Mẫu), Phát Diệm - Ninh Bình (Ki tô giáo), An Đông Đạo Nội - Thanh Hóa?

Đền Đế Thiên Đế Thích tại làng Cổ Bôn, xã Đông Thanh, một làng ở trung tâm đồng bằng sông Mã, lại phản ánh nhiều vấn đề rất cần xem xét. Đế Thích còn được gọi là Đế Thích Thiên, nguyên gốc từ Thích Ca (Charra), Đế Hoàn (Deva), Nhân Đà La (Indra) là vị thiên vương cai quản cõi trời thứ 2 (cõi đạo lỵ) ở núi Tu Di nằm trong dục giới. Đây là yếu tố phật hóa thần của thần ngưỡng ở người Arian (Bắc Ấn), một vị thần biểu tượng cho mưa, gió, sấm, sét. Ngôi đền thờ Đế Thiên Đế Thích có xuất xứ từ huyền thoại dân gian về sự tích ông lão thần cờ trong truyện Trương Ba, một truyền thuyết có nguồn gốc đạo giáo từ Trung Hoa vào Việt Nam. Việc truyền thuyết dân gian vùng Bồ Lô thuộc đất Cổ Bôn cho rằng ông lão thần cờ (tức Đế Thích hiện thân gặp Trương Ba) trên đất ở địa phương mình là một cách phiếm chỉ nhằm tự tôn vinh một vùng đất hội tụ được các linh khí của đất trời.

Ở Thanh Hóa, tín ngưỡng thờ linh thần thường được thêu dệt pha tạp với nhân thần một cách hồn nhiên và rất phổ biến. Có lẽ cũng bởi nguyên nhân vùng đất này từ TK XIV-XVIII, rất nhiều quan tướng hiển vinh bởi công tích của họ cho các vua Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn. Ngay trong sử liệu về gia phả và sự tích lên ngôi của Lê Thái Tổ cũng được linh diệu hóa hoàn toàn (sự tích ấn thiêng, gươm báu, cáo trắng, thủy thần…). Nhiều danh tướng sau khi chết được người dân suy tôn thành nhân thần. Đó là Trần Khát Chân thời Trần, trương truyền chín làng từ ngã ba Bông đến xã Vĩnh Quang (Vĩnh Lộc) dọc theo sông Mã đều có đền thờ ông. Việc thánh Lưỡng đồng nghĩa với danh thần Trần Khát Chân và được phong làm con của thần Nam Hải hiển thờ tại đền Lê Uy Trần Khát Chân ở làng Đông Sơn bên bờ sông Mã (Hàm Rồng) là một ví dụ. Huyền thoại và lễ hội thánh Tến, đền thờ ở làng Ích Hạ (Hoằng Hóa) và ông Bưng và ông Vồm (Thiệu Hóa) dùng sức mạnh siêu nhiên, khai thiên lập địa, để lại dấu tích là những ngọn núi ở vùng này. Lễ hội ở nghè Hổ Bái, huyện Yên Định, Thanh Hóa về truyền thuyết Hùng Trinh Vương con trai thứ 11 của Lạc Long Quân đến vùng hạ lưu sông Mã, ngày nay tục lễ vẫn còn bảo lưu tại vùng Thiệu Hóa, Yên Định.

Do yếu tố địa lý mà Thanh Hóa trở nên có vị thế đặc biệt trong quá trình phát triển lịch sử Việt Nam. Vùng đất mà hầu như các triều đại phong kiến thất thế, hay phục quốc chọn làm căn cứ kháng chiến; vùng đất mà nguồn lực và con người bị huy động tối đa cho triều đình qua các cuộc chiến tranh; vùng đất mà cùng với các điều kiện tự nhiên đa dạng chia cắt bởi bốn con sông lớn (Hoạt, Mã, Chu, Yên) đã tạo nên những yếu tố, tính cách và văn hóa của người, đất xứ Thanh trong quá khứ và ảnh hưởng cho tới ngày nay.

Theo sách Thanh Hóa chư thần lụcĐịa chí Thanh Hóa thì: Thanh Hóa có 173 thần nữ, 770 thần nam, trong đó tỷ lệ thần linh có nguồn gốc từ tự nhiên là 30%, từ nhân vật lịch sử là 70%. Trong các thần nam thì thần núi, thần sông, thần biển, hoàng đế, võ tướng chiếm 80%, còn lại là nghệ nhân, người nước ngoài, nô bộc... Các nữ thần chiếm tỷ lệ cao là tiên nữ giáng trần, thần biển, thần núi, thần rừng, thần sông, nhân thần là hoàng hậu, công chúa 70%; nữ thần xuất xứ từ người bình dân và người nước ngoài 30%.

Tục thờ thần Cao Sơn thần, thần Đá có 1000 làng. Thờ tứ vị thánh nương có 94 làng thờ. Thờ thần Đông Hải đại vương (Đoàn Thượng và Nguyễn Phục) có 72 làng. Tục thờ thần cá ông có 6 làng ở huyện Quảng Xương, 4 làng ở Hậu Lộc. Chủ yếu các tục thờ thần cá ông chỉ thấy dấu vết trong lễ cầu ngư ở một số làng ven biển huyện Quảng Xương và Hậu Lộc, duy chỉ xã Quảng Thái là có đền thờ, thần tích và lễ hội một cách quy củ.

        Việc nghiên cứu tục thờ linh thần ở Thanh Hóa, hy vọng, có thể tìm ra những mối liên hệ giữa huyền thoại và hiện thực, giữa di sản vật thể và phi vật thể qua các thời kỳ. Đó là các giá trị văn hóa đa chiều được tích tụ qua nhiều thời kỳ lịch sử, chịu ảnh hưởng đậm nét các điều kiện tự nhiên và xã hội của một vùng, có nội dung và hình thức phong phú, là một nguồn tài nguyên văn hóa quan trọng, đóng góp cho kho tàng văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 322, tháng 4-2011

Tác giả : Lê Văn Tạo

;