TƯ TƯỞNG KHOAN DUNG TRONG DI CHÚC CỦA HỒ CHÍ MINH

Hồ Chí Minh là nhà văn hóa kiệt xuất, biểu tượng cho bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Trong cuộc đời cầm bút, Người đã từng viết nhiều văn kiện quan trọng gắn liền với những sự kiện trọng đại của dân tộc, có sức lay động trái tim của nhân dân trong và ngoài nước. Di chúc là tác phẩm kết tinh trong đó cả tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân suốt đời phấn đấu, hy sinh vì tổ quốc, vì nhân loại. Đó là những lời căn dặn, tình cảm thiết tha, niềm tin sâu sắc của Người gửi lại cho toàn Đảng, toàn dân và các thế hệ mai sau. Trong đó, tư tưởng khoan dung là một trong những nội dung nổi bật, có vai trò quan trọng trong việc định hướng giá trị nhân cách con người Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Bài viết bước đầu phân tích một số biểu hiện của tư tưởng khoan dung Hồ Chí Minh như một gợi mở nhằm phát huy hơn nữa giá trị nhân đạo trong cuộc sống, đồng thời góp phần gìn giữ những giá trị truyền thống, đạo đức chung mang tính nhân loại.


1. Một số biểu hiện của tư tưởng khoan dung trong Di chúc

Trước hết, tư tưởng khoan dung trong Di chúc biểu hiện ở lòng yêu thương mênh mông, sâu sắc đối với con người. Đó là trọng tâm của mọi suy tư, tư tưởng chủ yếu của Hồ Chí Minh. Mọi suy nghĩ, hành động của Người luôn toát lên tấm lòng rộng mở, khoan dung, nhân ái, độ lượng, thể hiện một tâm hồn cao thượng, tình yêu bao la đối với tất thảy mọi người. Người căn dặn toàn Đảng, toàn dân kể cả khi đất nước khó khăn nhất cũng phải quan tâm thiết thực đến những người có công với cách mạng, cả thương binh, liệt sĩ và gia đình của họ. “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, chúng ta phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, phải mở những lớp dạy nghề thích hợp cho họ, để họ có được hành trang cần thiết bước vào cuộc sống tự lập, tự lực cánh sinh”(1). Lời căn dặn vừa là tình yêu, lòng biết ơn nhưng cũng là sự tin tưởng vào bản lĩnh, nghị lực của những con người tàn mà không phế. Trong muôn vàn tình yêu thương dành cho đồng bào, đồng chí, Người không quên dành tình cảm, sự quan tâm đối với phụ nữ. Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò cùng những cống hiến của phụ nữ, lực lượng đông đảo đã góp phần xứng đáng trong sản xuất, chiến đấu, có vai trò quyết định đến thành công của cách mạng. Với vai trò, công lao to lớn của phụ nữ, Hồ Chí Minh căn dặn Đảng và Chính phủ phải có chính sách quan tâm, bồi dưỡng, cất nhắc, giúp đỡ phụ nữ: “Phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo” (2). Đối với gia đình liệt sĩ bị mất người thân, thiếu sức lao động, Đảng và Nhà nước cần có sự quan tâm đặc biệt: “Phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ đói rét”. Với những người đã hy sinh, Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Mỗi địa phương cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm để mãi ghi nhớ sự hy sinh anh dũng của họ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”(3). Tư tưởng của Người vừa thể hiện đạo lý truyền thống của dân tộc, vừa giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ mai sau.

Khoan dung, yêu thương con người trong Di chúc còn thể hiện ở việc chăm lo cho lực lượng kế cận của cách mạng. Hồ Chí Minh dành những dòng thiết tha cho thế hệ trẻ, khen ngợi đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi,… đã đóng góp công sức của mình trong sự nghiệp cách mạng. Theo Người: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” (4). Bởi nếu không chăm lo cho thế hệ trẻ, không tạo dựng một lực lượng kế tục có đức, có tài, sẽ không có những con người xã hội chủ nghĩa để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Đào tạo thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước, không chỉ là sách lược, mà còn là quốc sách, chiến lược dài hạn cho sự tồn tại, hưng vong của một quốc gia. Vì vậy, Người cũng rất quan tâm tới những chiến sĩ trẻ tuổi trong lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đã được rèn luyện trong chiến đấu. Người căn dặn: “Đảng và chính quyền cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. Có thể nói, chiến lược trồng người mà Hồ Chí Minh căn dặn trong Di chúc mang tính khoan dung sâu sắc, có giá trị to lớn đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.

Tư tưởng khoan dung trong Di chúc là sự thống nhất hữu cơ giữa tình yêu thương con người với lòng bao dung, độ lượng và niềm tin vào sức mạnh, phẩm giá của con người, trước hết là của nhân dân lao động. Đối với cả những người lầm đường, lạc lối, đã có lúc đi ngược lại lợi ích của dân tộc, Hồ Chí Minh vẫn thể hiện sự bao dung, vị tha, tin vào phần tốt đẹp, phần thiện trong họ. Từ đó, Người nhắc nhở: “Đối với những nạn nhân của chế độ cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu,... thì Nhà nước vừa phải dùng giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”(5).

Đặc biệt, tư tưởng khoan dung trong Di chúc không chỉ giới hạn trong một dân tộc, mà còn vươn tầm nhân loại. Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm, sự biết ơn đối với bạn bè quốc tế đã giúp đỡ đất nước ta trong công cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Người có ý định đến ngày đất nước thống nhất, “sẽ thay mặt nhân dân ta thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”(6). Ý định này thể hiện tinh thần hòa hiếu và mong muốn được chung sống hòa bình, hữu nghị với các nước trên thế giới của Người.

2. Ý nghĩa hiện thời của tư tưởng khoan dung trong Di chúc

Trong giai đoạn hiện nay, chiến tranh và xung đột vẫn xảy ra ở nhiều khu vực, cuộc chạy đua vũ trang đang tác động rất lớn đến cuộc sống của con người, cản trở sự phát triển xã hội. Bên cạnh đó, quá trình toàn cầu hóa đòi hỏi sự liên kết các quốc gia vì mục tiêu phát triển. Do vậy, việc hiểu và tôn trọng những giá trị vốn có của mỗi quốc gia, dân tộc cũng như những giá trị mới hình thành là vấn đề cấp thiết. Tư tưởng khoan dung Hồ Chí Minh như một cách thức để phát huy hơn nữa lòng nhân đạo trong cuộc sống, đồng thời, góp phần giữ gìn những giá trị truyền thống, đạo đức chung mang tính nhân loại.

Trong đời sống thực tiễn kinh tế thị trường hiện nay, vấn đề lợi ích đã và đang chi phối nhiều mặt của con người. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ làm sao để mỗi hành động vì lợi ích của mình không ảnh hưởng đến lợi ích của người khác, cũng như cần giáo dục ra sao để giúp cho việc định hướng, hình thành những nhu cầu lành mạnh, hợp lý nhằm phát triển con người Việt Nam toàn diện, xây dựng môi trường thật sự nhân văn trong xã hội. Do đó, tư tưởng và đạo đức khoan dung của Hồ Chí Minh thể hiện qua Di chúc có vai trò quan trọng trong định hướng văn hóa ứng xử giữa con người với nhau, không phân biệt dân tộc, đẳng cấp, chủng tộc, tôn giáo,… Phải biết yêu thương, tha thứ, tôn trọng lẫn nhau, không ích kỷ, không vụ lợi, nhằm hướng tới một xã hội Việt Nam tốt đẹp, đảm bảo mục tiêu xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, để xây dựng và phát huy văn hóa ứng xử giữa con người với nhau, không có gì quan trọng hơn việc giáo dục các giá trị truyền thống của dân tộc, nhân loại nói chung, đạo đức khoan dung Hồ Chí Minh nói riêng. Trong đó, đạo lý làm người là chỉ dẫn vô giá đối với toàn thể dân tộc. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, tình yêu thương mênh mông, sâu sắc đối với con người, tinh thần lao động cần cù, lối sống, sinh hoạt giản dị, thuần hậu, có tình, có nghĩa, hài hòa giữa con người với con người, giữa con người với môi trường tự nhiên, giữa xã hội với giới tự nhiên.

Người Việt Nam từ trước đến nay sống có nghĩa, có tình, thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Trong những lúc khó khăn, hoạn nạn, tinh thần này càng thể hiện rõ nét. Đất nước đã thoát khỏi chiến tranh mấy chục năm, nhưng hậu quả nó để lại vẫn nặng nề, không chỉ những người trực tiếp tham gia phải gánh chịu, mà còn ảnh hưởng tới những thế hệ sau, cả về vật chất lẫn tinh thần. Vì vậy, thực hành tinh thần khoan dung Hồ Chí Minh là hết sức quan trọng trong việc chăm lo cho những gia đình có công với cách mạng. Nó vừa thể hiện rõ tinh thần uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, đồng thời cũng là thực hiện đạo lý khoan dung của dân tộc, của Hồ Chí Minh.

Trong chính sách xã hội, chúng ta cần thực hiện sự khoan dung đối với những người đã từng sa vào con đường phạm tội, nhưng biết ăn năn hối cải trở về với sinh hoạt cộng đồng. Truyền thống khoan dung đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại cần được tiếp tục phát huy tác dụng bằng những giải pháp, biện pháp cụ thể, hợp lòng người. Sự khoan hồng của pháp luật đối với những người phạm pháp biểu hiện bản chất tốt đẹp có cội nguồn sâu xa từ truyền thống khoan dung của dân tộc. Tuy nhiên, những kẻ không chịu phục thiện, được giáo dục nhiều lần mà vẫn cố tình vi phạm pháp luật thì cũng phải chịu những hình phạt nghiêm khắc.

Ngày nay, sự tác động của kinh tế thị trường đã làm cho sự phân hóa xã hội diễn ra ngày càng sâu sắc, một bộ phận dân cư rơi vào hoàn cảnh khó khăn, rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng. Chính vì thế, việc kế thừa, phát huy giá trị truyền thống dân tộc và tinh thần khoan dung, nhân ái theo Di chúc phải được thể hiện qua những việc làm cụ thể, nhằm huy động sức mạnh của toàn xã hội, qua đó chia sẻ những khó khăn, mất mát với các tầng lớp nhân dân, nhất là bộ phận dân cư yếu thế. Trong đó, việc thực hiện công bằng xã hội kết hợp với công tác xóa đói, giảm nghèo, phong trào đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ đồng bào bị lũ lụt,… cũng là một khía cạnh nhằm từng bước đưa tinh thần khoan dung, nhân ái Hồ Chí Minh ăn sâu vào thực tiễn cuộc sống. Có như vậy mới xây dựng được một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, nơi mọi người dân đều được tạo điều kiện để phát triển toàn diện, chung sống hòa bình, hạnh phúc.

Tư tưởng khoan dung trong Di chúc còn có giá trị to lớn trong việc định hướng quan hệ đối ngoại với các nước trên thế giới. Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước, các dân tộc tiến bộ và không gây thù oán với một ai. Bài học này phải được biến thành đường lối đối ngoại chủ động, cởi mở, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng. Trước hết, chúng ta phải khẳng định nguyên tắc giao lưu, hợp tác với các dân tộc trên cơ sở bình đẳng, cùng tồn tại hòa bình, tôn trọng, hiểu biết, tin tưởng lẫn nhau. Hiện nay, một số cường quốc đang mưu toan biến toàn cầu hóa thành diễn đàn khuếch trương mô hình của mình, phổ biến các giá trị bên ngoài, áp đặt mô hình xa lạ lên các nước đang phát triển. Chúng ta phải thực hiện đường lối đối ngoại mềm dẻo, uyển chuyển, linh hoạt, chủ động hội nhập quốc tế và khu vực, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các lực lượng tích cực, tiến bộ, nhưng cương quyết vạch trần các chiêu bài nhân quyền, dân chủ từ phương Tây, giữ vững định hướng phát triển của đất nước.

Như vậy, học tập và làm theo đạo đức khoan dung Hồ Chí Minh có giá trị to lớn đối với mỗi con người Việt Nam cụ thể. Nó giúp con người hoàn thiện nhân cách, đạo đức, hướng đến xây dựng những giá trị đạo đức, văn hóa, tri thức, học cách để cùng chung sống hòa bình trong bối cảnh đầy biến động của thế giới. Đồng thời, nó cũng giúp cho đất nước, xã hội Việt Nam phát triển lành mạnh và hợp đạo lý. Bên cạnh việc tu dưỡng nhân cách và đạo đức cá nhân thì khoan dung trở thành cốt lõi cho việc giữ gìn giá trị của nền văn hóa dân tộc, tiếp biến văn minh nhân loại. Hơn nữa, chính việc thực hành tư tưởng khoan dung Hồ Chí Minh sẽ góp phần vào việc xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau vì sự ổn định chính trị, đồng thuận xã hội, xây dựng niềm tin chiến lược, qua đó thúc đẩy tiến bộ nhân loại.

Di chúc của Hồ Chí Minh đã để lại nhiều bài học quý giá đối với dân tộc ta trong sự nghiệp đổi mới hiện nay. Trong đó, tư tưởng khoan dung của Người có vai trò quan trọng trong việc định hướng những giá trị nhân cách con người Việt Nam hội nhập và phát triển. Lịch sử đã chứng minh rằng, khoan dung giúp bảo vệ bản sắc dân tộc ta trước những đe dọa từ bên ngoài, đồng thời làm phong phú thêm bản sắc đó. Ngày nay, việc thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập trong bối cảnh toàn cầu hóa đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với truyền thống khoan dung. Do vậy, để bảo vệ đạo đức khoan dung ở mỗi con người, từ đó khẳng định, phát huy truyền thống khoan dung của dân tộc, góp phần giữ gìn giá trị đạo đức chung mang tính nhân loại, không có cách nào khác là giáo dục những giá trị khoan dung trong truyền thống Việt Nam, đặc biệt là tư tưởng và tấm gương khoan dung Hồ Chí Minh cho các thế hệ người Việt, nhất là thế hệ trẻ.

_______________

1, 2, 3, 4, 5, 6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.509, 510, 509-510, 516, 510, 512.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 383, tháng 5-2016

Tác giả : ĐỖ DUY TÚ

;