Trí thức là vốn quý của dân tộc, là lực lượng tiêu biểu, thể hiện trình độ trí tuệ của một quốc gia và có vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc. Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức vai trò, vị trí của trí thức trong xã hội là một bộ phận quan trọng của lực lượng cách mạng và là “vốn liếng quý báu của dân tộc”. Vì vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của mình, cùng với chăm lo giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức, Người đặc biệt chú trọng việc thu hút, tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh của đội ngũ trí thức.
Hồ Chí Minh là một danh nhân văn hóa, một đại trí thức, một nhà hiền triết với kiến thức uyên thâm nhưng Người luôn luôn khiêm tốn, giản dị, tôn trọng và đánh giá cao đội ngũ trí thức. Người đã cảm hóa, thuyết phục tất cả mọi người bằng chính đức khiêm tốn của một vĩ nhân với đôi mắt sáng hiền từ, tấm lòng đôn hậu, vị tha, hành vi ứng xử tinh tế. Không chỉ vậy, lúc sinh thời, Hồ Chí Minh còn luôn nói những lời, làm những việc mà mỗi người lao động chờ mong. Chính những việc làm đó đã góp phần thuyết phục, cảm hóa được nhân sĩ, trí thức. Người còn trân trọng từ các cháu thanh niên và nhi đồng, chan hòa gần gũi với những người giúp việc quanh mình, nâng niu từng nhân cách.
Qua nghiên cứu di sản lý luận và cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, ta thấy rằng: để cảm hóa, thuyết phục, tập hợp và đoàn kết đội ngũ trí thức trong sự nghiệp cách mạng, Người đã sử dụng nhuần nhuyễn và tinh tế các biện pháp cơ bản sau:
Một là, luôn tôn trọng, đánh giá đúng vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức trong cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới
Đối với sự nghiệp cách mạng, Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ và đánh giá cao vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức trong cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế. Chứng thực là trong cuộc kháng chiến cứu quốc này, những người trí thức Việt Nam đã chung một phần quan trọng. Một số thì trực tiếp tham gia vào công việc kháng chiến, hy sinh cực khổ, chen vai thích cánh với bộ đội nhân dân. Một số thì hăng hái hoạt động giúp đỡ ở ngoài” và “Địa vị những người trí thức ái quốc Việt Nam sẽ là cùng với toàn thể đồng bào, kiến thiết một nước Việt Nam mới, một nước Việt Nam thống nhất và độc lập, dân chủ, tự do, hạnh phúc”. Đồng thời xác định, trí thức là một bộ phận quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân. Không chỉ tôn trọng đội ngũ trí thức mà Người còn thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải biết lắng nghe những ý kiến đóng góp của đội ngũ trí thức để phục vụ sự nghiệp cách mạng.
Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, trí thức phải đi đầu trong việc nâng cao dân trí, xây dựng và kiến thiết nước nhà. Người khẳng định: “Trí thức công nông hóa, trí thức phục vụ nhân dân bây giờ cũng cần, kháng chiến kiến quốc cũng cần, tiến lên xã hội chủ nghĩa càng cần, tiến lên cộng sản chủ nghĩa lại càng cần”. Thực tiễn đã chứng minh, trong mọi lĩnh vực, mọi thời kỳ cách mạng đều rất cần đến học vấn, tài năng và tâm huyết, sức lực của giới trí thức; cần đến sự đồng hành của đội ngũ trí thức cùng dân tộc để tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Người nhấn mạnh: “Chính là những đảng cách mạng lại càng trọng trí thức: vì muốn phát triển văn hóa thì phải cần thầy giáo, muốn phát triển sức khỏe của nhân dân thì phải cần thầy thuốc, muốn phát triển kỹ nghệ phải cần các kỹ sư... Tóm lại cách mạng rất cần trí thức và chính ra chỉ có cách mạng mới biết trọng trí thức”. Đó là những trí thức luôn hết lòng, hết sức, sẵn sàng hy sinh quyền lợi, danh vọng và tính mạng để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.
Hai là, khơi dậy tinh thần yêu nước, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và ghi nhận những cống hiến của đội ngũ trí thức
Trong quá trình tìm đường cứu nước và lãnh đạo cách mạng, để thực hiện tốt việc cảm hóa, thuyết phục, tập hợp đội ngũ trí thức, Hồ Chí Minh luôn chủ động khơi dậy tinh thần yêu nước đoàn kết thương yêu nhau như anh em ruột thịt. Người khẳng định: “Phát triển tinh thần yêu nước. Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần yêu nước ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Tinh thần yêu nước chân chính khác hẳn với tinh thần “vị quốc” của bọn đế quốc phản động. Tinh thần yêu nước là một bộ phận của tinh thần quốc tế. Đối với đội ngũ trí thức, họ luôn muốn được cống hiến cho đất nước và muốn được ghi nhận về những cống hiến, những đóng góp của mình, Người cho rằng: “những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều”. Vì vậy, khơi dậy tinh thần yêu nước, truyền thống dân tộc để họ cống hiến cho tổ quốc và ghi nhận công lao để họ cống hiến tốt hơn. Song, Người cũng chỉ rõ, những người trí thức phải luôn biết nhận khuyết điểm, biết khiêm tốn, không kiêu ngạo và phải ra sức làm các việc thực tế.
Ba là, luôn nhân ái, khoan hồng, yêu thương con người để cảm hóa đội ngũ trí thức
Lòng nhân ái, yêu thương con người là một đặc trưng trong nhân cách Hồ Chí Minh, thực tế từ trong di sản lý luận và cuộc đời hoạt động cách mạng cho thấy, Người rất coi trọng đến việc cảm hóa con người, phê phán thói định kiến, mặc cảm, phân biệt đối xử, kể cả đối với những người bị lầm đường, lạc lối. Người kêu gọi đồng bào: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi, năm ngón tay có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người, có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi tổ tiên ta. Vậy ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”. Mặt khác, trong từng thời kỳ, giai đoạn cách mạng cụ thể, Đảng phải kịp thời chỉ rõ cho nhân dân thấy kẻ thù chính của dân tộc, giai cấp, chủ động đề ra các chủ trương, chính sách đúng đắn đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng bức thiết của các tầng lớp nhân dân để động viên, kêu gọi mọi người kiên quyết đứng lên đấu tranh cho tự do, độc lập. Hồ Chí Minh nói: Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ.
Bốn là, có đường lối, chủ trương, biện pháp đúng để vận động đội ngũ trí thức
Để cảm hóa, thuyết phục, tập hợp trí thức nói riêng, xây dựng khối đại đoàn kết nói chung phải có đường lối, chủ trương và biện pháp đúng. Đại đoàn kết dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là một liên minh, tập hợp quần chúng đơn thuần vô nguyên tắc mà có mục đích, có tổ chức rất rõ ràng. Mục đích của đại đoàn kết được Người chỉ rõ: “Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”. Chủ trương, chính sách nhất quán của Mặt trận dân tộc thống nhất là thực hiện đoàn kết chặt chẽ, lâu dài, đoàn kết thật sự, chân thành, thân ái giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ: “Chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ các tầng lớp nhân dân... Phải đoàn kết tốt các đảng phái, các đoàn thể, các nhân sỹ trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực hiện hợp tác lâu dài, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau tiến bộ. Phải đoàn kết các dân tộc anh em, cùng nhau xây dựng tổ quốc”. Theo đó, Đảng phải dùng phương pháp vận động, giáo dục, thuyết phục, nêu gương, lấy lòng chân thành để đối xử, cảm hóa, khơi dậy tinh thần tự giác, tự nguyện, hết sức tránh gò ép, quan liêu, mệnh lệnh. Như vậy, biện pháp để thu hút, tập hợp, đoàn kết và sử dụng đội ngũ trí thức của Hồ Chí Minh trước hết là việc đánh giá đúng vai trò, luôn trân trọng và sử dụng trí thức; phải khơi dậy tinh thần yêu nước và truyền thống dân tộc trong họ; phải nhân ái, khoan hồng đối với những người lầm đường, lạc lối; phải có đường lối, chủ trương đúng đắn trong chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong điều kiện hiện nay, để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển kinh tế cần phải xây dựng một đội ngũ trí thức với số lượng hợp lý, chất lượng cao. Muốn đạt được điều đó, Đảng ta phải nhận thức và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về trí thức vào việc xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, giỏi về chuyên môn, giàu về năng lực, hiểu biết sâu sắc trên từng lĩnh vực, nối tiếp truyền thống hào hùng của trí thức Việt Nam, đóng góp tài năng và sức lực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới đất nước.
Thực hiện vấn đề này, cần phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng về đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động trí thức. Coi trọng việc xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến. Có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài của đất nước. Đổi mới việc xây dựng và triển khai, tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng về trí thức và công tác vận động trí thức. Tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước trong công tác vận động trí thức. Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ để xây dựng đội ngũ trí thức và tạo môi trường thuận lợi cho trí thức sáng tạo, cống hiến. Đảng lãnh đạo phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác vận động trí thức. Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức của trí thức. Chỉ có như vậy thì việc vận động để tập hợp, khơi dậy, phát huy sức mạnh, tiềm năng sáng tạo của đội ngũ trí thức mới đạt hiệu quả cao, trực tiếp phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
______________
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Văn Khánh (chủ biên), Xây dựng và phát huy nguồn lực trí tuệ Việt Nam phục vụ sự nghiệp chấn hưng đất nước, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2010.
2. Đàm Đức Vượng, Xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu Đề tài cấp nhà nước, Hà Nội, 2010.
3. Hoàng Thị Thuận, Hồ Chí Minh với trí thức tôn giáo, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, 2016, tr. 27-32.
4. Nguyễn Khánh Bật, Trần Thị Huyền, Xây dựng đội ngũ trí thức thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012.
5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016.
Tác giả: Phạm Văn Biển
Nguồn : Tạp chí VHNT số 410, tháng 8 - 2018