Một quốc gia nếu chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế mà không chú ý đến phát triển văn hóa thì sẽ dẫn tới nhiều hệ quả xấu cho xã hội, thậm chí kinh tế không tăng trưởng, hoặc tăng trưởng không vì sự tiến bộ. Đảng ta đã khẳng định phải “phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế” (1). Ngay từ khi nước ta giành được độc lập, Hồ Chí Minh đã có tư tưởng đúng đắn về sự phát triển đồng bộ cả kinh tế lẫn văn hóa.
Để hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa, trước hết, cần nhận thức được quan niệm của Người về văn hóa. Hồ Chí Minh quan niệm nội hàm khái niệm văn hóa với những ý nghĩa rộng, hẹp rất khác nhau. “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” (2). Văn hóa ở đây được hiểu theo nghĩa rộng nhất, là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo ra để đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển của mình trong tiến trình lịch sử. Tuy nhiên, khi nói về mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa, Hồ Chí Minh lại hiểu theo nghĩa hẹp hơn. Văn hóa là đời sống tinh thần xã hội, thuộc về kiến trúc thượng tầng “trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cần chú ý đến, cũng phải coi là quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Nhưng văn hóa là một kiến trúc thượng tầng” (3). Hồ Chí Minh coi kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội là những lĩnh vực của đời sống xã hội, bao quát toàn bộ xã hội, có vị trí, cấp độ và vai trò ngang nhau, trong đó, hai yếu tố then chốt là kinh tế và văn hóa. Kinh tế chính là đời sống vật chất của xã hội, còn văn hóa là đời sống tinh thần của xã hội. Do vậy, để xây dựng, kiến thiết một xã hội cụ thể, phải phát triển cả kinh tế lẫn văn hóa. Hồ Chí Minh cho rằng cần phát triển đồng bộ, hài hòa hai mặt cơ bản nhất của xã hội vì Người đã nhận thấy mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và văn hóa.
Xây dựng kinh tế để tạo cơ sở, điều kiện cho việc xây dựng và phát triển văn hóa, vì vậy, phải đẩy mạnh xây dựng kinh tế trước
Hồ Chí Minh hiểu rất rõ mối quan hệ biện chứng giữa vật chất và tinh thần, giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Vì vậy, Người khẳng định, “văn hóa là một kiến trúc thượng tầng, nhưng cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi, văn hóa mới kiến thiết được và có đủ điều kiện phát triển được” (4). Kinh tế có vai trò rất lớn nên văn hóa dù thế nào cũng không thể tách rời khỏi kinh tế, vẫn bị chi phối bởi yếu tố kinh tế. Kinh tế chính là cơ sở, điều kiện cho sự hình thành và phát triển của văn hóa: “muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển kinh tế và văn hóa. Vì sao không nói phát triển văn hóa và kinh tế. Tục ngữ ta có câu: có thực mới vực được đạo, vì thế kinh tế phải đi trước. Phải phát triển kinh tế và văn hóa để nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân ta” (5). Kinh tế phải đi trước văn hóa vì con người cần phải ăn, uống, ở, mặc trước khi làm khoa học, nghệ thuật, chính trị. Nếu đời sống của người ta còn quá khó khăn, chật vật, còn phải vật lộn với miếng cơm, manh áo thì không thể dành thời gian cho việc phát triển trí tuệ, tâm hồn, quan tâm đến người khác. Sự nghèo nàn của đời sống vật chất có thể dẫn tới sự nghèo nàn về tinh thần. Khi con người quá nghèo khổ, túng quẫn mà nói đến một đời sống tinh thần bác ái, xã hội đồng đại, cùng nhau chia sẻ mọi vấn đề thì thật là một điều không tưởng. Như ở các nước, khi nông dân đã có ruộng cày, đã đủ cơm ăn, áo mặc thì văn hóa nông dân phát triển rất nhanh. Muốn xây dựng văn hóa mới, một nền văn hóa mình vì mọi người, mọi người vì mình, đề cao chủ nghĩa tập thể, tinh thần nhân văn, nhân ái thì trước hết phải làm cho đời sống vật chất của con người được đầy đủ, no ấm, không còn áp bức, bóc lột. Thiếu cơ sở kinh tế vững chắc thì việc xây dựng đời sống văn hóa mới chưa thể đảm bảo thành công thực sự.
Kinh tế còn là điều kiện, cơ sở cho sự phát triển văn hóa, vì kinh tế cung cấp những nguồn lực vật chất để phát triển các hoạt động văn hóa. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ có nhiều trường học, nhiều nhà hát… là yêu cầu chính đáng, nhưng phải phù hợp với sự phát triển của kinh tế. Muốn phát triển tri thức cho mọi người thì phải mở nhiều trường học, phải có đội ngũ giáo viên, muốn xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh cho mọi người phải xây nhiều rạp hát, nhà chiếu phim, có đội ngũ văn nghệ sĩ đủ về số lượng và chất lượng… Tuy nhiên, để làm được những điều này thì phải có tiềm lực về kinh tế. Vì vậy, Người yêu cầu: “Kế hoạch giáo dục phải gắn liền với kế hoạch kinh tế. Giáo dục phải cung cấp cán bộ cho kinh tế. Kinh tế tiến bộ thì giáo dục mới tiến bộ được. Nền kinh tế không phát triển thì giáo dục cũng không phát triển được” (6). Do đó, kinh tế phát triển chậm thì những điều kiện để xây dựng và phát triển văn hóa cũng bị hạn chế rất nhiều.
Mặc dù hiểu rõ vai trò quan trọng của kinh tế đối với văn hóa, nhưng Hồ Chí Minh không tuyệt đối hóa vai trò của kinh tế. Lịch sử đã chứng minh rằng sự giàu có, tiện nghi của đời sống vật chất đôi khi không tạo ra sự phong phú của đời sống tinh thần ở mức tương xứng. Nhiều xã hội, kinh tế phát triển nhưng tệ nạn xã hội vẫn bùng phát, con người vẫn cảm thấy cô đơn, khủng hoảng vì thiếu tình người… Đó là vì văn hóa cũng có tính độc lập tương đối, tác động trở lại rất mạnh mẽ đối với sự phát triển kinh tế, xã hội.
Văn hóa góp phần xây dựng và phát triển kinh tế
Nói về vai trò của văn hóa đối với kinh tế, Hồ Chí Minh viết: “Văn hóa nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị” (7). Văn hóa phải phục vụ cho sự phát triển kinh tế, chính trị, và cũng có nghĩa là kinh tế phải có văn hóa mới có thể tăng trưởng, phục vụ con người một cách đích thực. Hiện nay, người ta đang nói đến sức mạnh cứng và sức mạnh mềm của văn hóa. Sức mạnh cứng của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế, thể hiện ở chỗ bản thân văn hóa cũng có ngành công nghiệp văn hóa, tham gia trực tiếp vào quá trình phát triển kinh tế, trở thành ngành công nghiệp quan trọng của nhiều nền kinh tế quốc dân. Ví dụ, công nghiệp văn hóa ở Mỹ đứng thứ 4 về tỷ trọng trong sự đóng góp vào nền kinh tế quốc dân. Còn sức mạnh mềm của văn hóa chính là văn hóa tác động đến con người. Con người tham gia vào mọi hoạt động của xã hội, trong đó có kinh tế, qua đó văn hóa tác động đến sự phát triển mọi mặt của xã hội, của kinh tế. Sức mạnh mềm của văn hóa mới là sức mạnh nội sinh, chủ yếu, mang tính chiều sâu của văn hóa.
Khi nói đến vai trò của văn hóa đối với kinh tế, Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến sức mạnh mềm, khẳng định mọi ngành nghề trong xã hội đều do người của xã hội tham gia, giữ vai trò quyết định. Văn hóa góp phần phát triển các giá trị nhân cách của con người, hướng con người tới cái đúng, cái tốt, cái đẹp. Vì vậy, Người yêu cầu phải “Xúc tiến công tác văn hóa để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến kiến quốc” (8).
Cái nhân lõi trước hết của văn hóa là tri thức, nên Hồ Chí Minh còn hiểu văn hóa chính là trình độ học thức của con người. Trước hết văn hóa góp phần nâng cao dân trí, hoàn thiện nhận thức của mỗi người trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, không chỉ là tri thức, văn hóa còn là đạo đức, lý tưởng, quan niệm sống, cách tư duy, ứng xử, các giá trị tinh thần của con người. Văn hóa còn góp phần xây dựng con người mới, bồi dưỡng tư tưởng đúng đắn, tình cảm, phẩm chất tốt đẹp, phong cách lành mạnh cho con người. Văn hóa giúp cho con người phân biệt tốt đẹp, lành mạnh với xấu xa, hư hỏng, tiến bộ thúc đẩy sự phát triển xã hội với lạc hậu cản trở con người và dân tộc tiến lên. Từ đó con người sẽ phấn đấu làm cho cái tốt đẹp, lành mạnh, tiến bộ ngày càng tăng, cái lạc hậu, lỗi thời, xấu xa hư hỏng ngày càng bị loại bỏ khỏi đời sống con người và xã hội. Hồ Chí Minh đã nói đến cả hai chức năng xây và chống của văn hóa đối với việc đào tạo con người mới: “phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được những tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ” (9), đồng thời phải có những tác phẩm ca tụng chân thật những con người mới, việc làm mới để tuyên truyền giáo dục. Trong thời kỳ đấu tranh chống giặc ngoại xâm, văn hóa nghệ thuật phải khẳng định, ca ngợi, cổ vũ cho tinh thần anh dũng của quân và dân ta.
Như vậy, vai trò của văn hóa đối với việc xây dựng con người chính là ở chỗ văn hóa bồi đắp, rèn luyện, tạo nên những con người phát triển toàn diện, hài hòa, vừa có trí tuệ, sáng suốt, vừa có phẩm chất, lý tưởng, tình cảm cao đẹp. Toàn bộ các giá trị của văn hóa thẩm thấu vào mỗi người, lại được mỗi người hiện thực hóa thông qua các hoạt động. Từ đó, văn hóa tác động tới sự phát triển của mọi lĩnh vực, sự phát triển kinh tế xã hội. Văn hóa tác động tới kinh tế, xã hội thông qua hoạt động của con người. Do trình độ văn hóa cao hay thấp mà hoạt động của con người tác động tích cực hay tiêu cực, nhiều hay ít tới sự phát triển của xã hội. Từ thực tiễn của đất nước, Hồ Chí Minh nhận định: “Trình độ văn hóa của nhân dân nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ… cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh” (10). Nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu của văn hóa chính là đào tạo con người, góp phần xây dựng những con người phát triển toàn diện. Chỉ như vậy thì văn hóa mới tác động đáng kể tới sự phát triển của xã hội, của kinh tế. Ở đây, Người đã nhìn nhận thấy vai trò của văn hóa chính là động lực, là nguồn lực nội sinh đối với sự phát triển kinh tế, xã hội.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề phát triển xã hội toàn diện, hài hòa đã được đặt ra khi Người nói đến mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và văn hóa. Xây dựng chủ nghĩa xã hội phải chú ý phát triển cả kinh tế và văn hóa. Phát triển kinh tế để làm cơ sở, điều kiện cho phát triển văn hóa. Văn hóa phát triển tức là góp phần xây dựng những con người mới, phát triển toàn diện, thúc đẩy kinh tế phát triển. Kinh tế và văn hóa có mối quan hệ tương hỗ, cùng phát triển với mục đích cuối cùng là hướng tới việc nâng cao đời sống của nhân dân. Tư tưởng này của Hồ Chí Minh cũng là xu thế phát triển của thế giới hiện nay, là mục tiêu mà toàn nhân loại đang hướng tới. Giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa một thời mà nhiều thời, không chỉ có tầm vóc dân tộc mà còn có tầm vóc nhân loại, thời đại.
_______________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.124.
2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.431.
3. Báo Cứu quốc, ngày 8-10-1945.
4. Hồ Chí Minh: Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận, Nxb Văn học, Hà Nội, 1981, tr.345.
5. Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 10, tr.59.
6, 10. Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 8, tr.137-138, 281-282.
7, 8. Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 6, tr.368-369, 173.
9. Hồ Chí Minh - Về công tác văn hóa, văn nghệ, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1977, tr.90.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 350, tháng 8-2013
Tác giả : Hà Thị Thùy Dương