Tư tưởng Hồ Chí Minh trong một số lĩnh vực văn hóa

Những vấn đề chung của văn hóa được Hồ Chí Minh tiếp cận trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và rất gần gũi với nhận thức hiện đại, khi coi văn hóa không chỉ đơn thuần là đời sống tinh thần của con người, xã hội, mà nó chính là linh hồn của một xã hội, là sức mạnh trường tồn của cả dân tộc. Những quan điểm về văn hóa nói chung, về giáo dục, văn nghệ, đời sống nói riêng của Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục là cơ sở, nền tảng để xây dựng và phát triển nền văn hóa trong thời kỳ mới.

 

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa giáo dục

Trong quá trình xây dựng nền giáo dục Việt Nam, Hồ Chí Minh đã đưa ra một hệ thống quan điểm phong phú và toàn diện, định hướng cho nền giáo dục phát triển đúng đắn.

Theo Hồ Chí Minh, nội dung giáo dục phải toàn diện, bao gồm: thể dục, trí dục, mỹ dục, đức dục. Người chỉ rõ: “Nếu không học tập văn hóa, không có trình độ văn hóa thì không học tập được kỹ thuật, không học tập được kỹ thuật thì không theo kịp được nhu cầu kinh tế nước nhà; nhưng phải chú ý học tập chính trị vì nếu chỉ học văn hóa, kỹ thuật mà không có chính trị thì như người nhắm mắt mà đi” (1). Phương châm giáo dục là học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, học tập phải kết hợp với lao động sản xuất, phải kết hợp cả ba khâu gia đình - nhà trường - xã hội, Thực hiện dân chủ, bình đẳng trong giáo dục, học mọi lúc, mọi nơi, học ở mọi người, học suốt đời, coi trọng việc tự học làm cốt.

Phương pháp giáo dục phải sáng tạo, không giáo điều, dập khuôn, máy móc, học tinh thần, căn cốt, bản chất của vấn đề, phù hợp với mục tiêu giáo dục. Cách dạy phù hợp với trình độ, lứa tuổi người học, dạy từ dễ đến khó; kết hợp học tập với vui chơi, giải trí lành mạnh; dùng biện pháp nêu gương gắn với các phong trào thi đua, để nâng cao kiến thức. Đối với mẫu giáo, cốt nhất giữ mãi tuổi hồn nhiên cho các cháu; đối với tiểu học, cốt nhất là dạy đức tính để làm người; đối với trung học, cốt là phải dạy kiến thức cơ bản, học xong rồi sẽ đi làm thợ được ngay, rồi sẽ tiếp tục học lên; đối với đại học, để đào tạo những chuyên gia, nên phải dạy theo phong cách nghiên cứu.

Trong nền giáo dục mới, phải thực hiện học ở mọi nơi, mọi lúc, học mọi người, học suốt đời; coi trọng việc tự học, tự đào tạo và đào tạo lại. Quá trình giáo dục phải đáp ứng được những kiến thức thực tiễn, bổ ích, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế, quản lý xã hội, hình thành nhân cách con người mới Việt Nam.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa văn nghệ

Văn nghệ là biểu hiện tập trung nhất của nền văn hóa, là đỉnh cao của đời sống tinh thần. Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa văn nghệ bao gồm nhiều quan điểm lớn. Dưới đây là ba quan điểm chủ yếu:

Thứ nhất, văn hóa văn nghệ là một mặt trận, nghệ sĩ là chiến sĩ, tác phẩm là vũ khí sắc bén trong đấu tranh cách mạng và trong xây dựng xã hội mới, con người mới.

Văn nghệ là biểu hiện tập trung của văn hóa, văn hóa là mặt trận thì văn nghệ cũng phải là một mặt trận, ngang hàng với các mặt trận khác: quân sự, chính trị, kinh tế… Mặt trận văn nghệ không g­­ươm súng như­­ng thư­­ờng là mặt trận tiền tiêu, tác động to lớn, lâu dài. Hồ Chí Minh xem mặt trận văn hóa như một cuộc chiến đấu khổng lồ, giữa chính và tà, giữa cách mạng và phản cách mạng, cuộc chiến đấu đó rất quyết liệt, lâu dài nhưng rất vẻ vang.

 Nhà văn - chiến sĩ, nghệ sĩ - chiến sĩ là danh hiệu cao quý mà Hồ Chí Minh tặng cho những người làm văn nghệ. Theo Người, đã là chiến sĩ thì phải biết “xung phong”, dám “xung phong”, đó là sứ mạng, là trách nhiệm không thể thoái thác của những người làm văn nghệ. Đại diện cho đời sống tinh thần, lý tưởng của xã hội, chiến sĩ nghệ thuật phải biết trả lời những câu hỏi bức bách, khó khăn nhất của đời sống xã hội bằng nghệ thuật một cách hấp dẫn, say mê, thắp sáng những khát vọng cao đẹp của quần chúng nhân dân.

Trong đấu tranh cách mạng, những tác phẩm của Hồ Chí Minh thực sự là vũ khí sắc bén đánh thẳng vào những tên đầu sỏ của chủ nghĩa thực dân Pháp, những tên quan cai trị tàn ác, tên vua quan phong kiến cam chịu làm tôi tớ cho bọn ngoại xâm. Trong xây dựng xã hội mới, Người dùng ngòi bút làm vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà. Người đã viết hàng loạt tác phẩm như: Con rồng tre, Đường cách mệnh, Bản án chế độ thực dân Pháp… vạch trần tội ác của bọn thực dân, tố cáo tội ác của chúng với nhân dân thế giới, đồng thời, thức tỉnh nhân dân Đông Dương và các dân tộc thuộc địa đứng lên đấu tranh tự giải phóng. Người dùng văn hóa để cổ vũ tinh thần đấu tranh, nổi dậy của nhân dân bị áp bức. Người viết: “Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi” (2). Chính những người cộng sản Pháp thừa nhận, Nguyễn Ái Quốc là người thày đã giúp họ hiểu thế nào là chủ nghĩa thực dân.

Thứ hai, văn nghệ phải gắn với thực tiễn của đời sống nhân dân, thực tiễn lao động sản xuất, chiến đấu, sinh hoạt và xây dựng cuộc sống mới.

Văn nghệ phải bám sát thực tiễn đời sống nhân dân vì đó là nguồn nhựa sống vô tận để nuôi dưỡng các sáng tác. Văn nghệ sĩ phải hòa mình với quần chúng, đi sâu vào quần chúng, lắng nghe quần chúng, hiểu tâm tư nguyện vọng của quần chúng. Ng­ười nói: “Chỉ có quần chúng nhân dân mới nuôi dư­ỡng cho những sáng tác của nhà văn bằng những nguồn nhựa sống. Còn nếu nhà văn quên điều đó thì nhân dân cũng sẽ quên anh ta” (3). Người chỉ rõ nhân dân là người hưởng thụ và cũng là lực lượng sáng tạo: “Quần chúng không phải chỉ sáng tạo ra những của cải vật chất cho xã hội. Quần chúng còn là người sáng tác nữa... Những câu tục ngữ, những câu vè, ca dao rất hay là những sáng tác của quần chúng... Những sáng tác ấy là những hòn ngọc quý” (4). Bên cạnh đó, văn nghệ phải bám sát thực tiễn lao động sản xuất, chiến đấu, sinh hoạt của nhân dân.

Ba là, tác phẩm văn nghệ phải đáp ứng được yêu cầu của đất nước, phải phản ánh cho hay, cho chân thật sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Một tác phẩm hay, theo Hồ Chí Minh, không phải là một tác phẩm viết dài, chỉ diễn đạt đủ nội dung, khi xem ai cũng có thể hiểu được, khi xem rồi thì ai cũng phải suy ngẫm, hình thức thì trong sáng, kế thừa được những tinh hoa của dân tộc và mang hơi thở thời đại, phê phán những cái dở, cái sai trong cuộc sống, hướng nhân dân đến với chân - thiện - mỹ.

Người viết: “Cần làm cho món ăn tinh thần đư­ợc phong phú, không nên bắt mọi ng­ười chỉ đ­ược ăn một món” (5). Người cũng chỉ rõ: “Quần chúng mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thực và phong phú, có hình thức trong sáng và vui tươi. Khi chưa xem thì muốn xem, xem rồi thì có bổ ích. Đó là một tác phẩm hay” (6).

3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa đời sống

Văn hóa đời sống thực chất là đời sống mới, được Hồ Chí Minh nêu ra với ba nội dung: đạo đức mới, lối sống mới và nếp sống mới, có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó, đạo đức mới giữ vai trò chủ yếu.

Đạo đức mới là đạo đức cách mạng, gắn với “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Hồ Chí Minh đã đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính”. Sau này, nhiều lần, Người khẳng định: “Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của nhân dân” và thực hành cần, kiệm, liêm, chính tức là nhen lửa cho đời sống mới. Đạo đức mới được Hồ Chí Minh coi là gốc, là nền tảng của mỗi con người và đặc biệt với người cán bộ, đảng viên.

Lối sống mới là lối sống có lý t­­ưởng, có đạo đức. Việc xây dựng lối sống mới đòi hỏi phải “sửa đổi những việc rất cần thiết, rất phổ thông, trong đời sống của mọi người, tức là sửa đổi cách ăn - cách mặc - cách ở - cách đi lại - cách làm việc”. Xây dựng lối sống khiên tốn, giản dị, chừng mực, điều độ, ngăn nắp, vệ sinh, yêu lao động, quý trọng thời gian, ít lòng ham muốn vật chất, chức quyền, danh lợi. Trong quan hệ với nhân dân, đồng chí, bạn bè, anh em thì cởi mở, chân tình, ân cần, tế nhị, giàu lòng yêu th­­ương, quý trọng con ngư­­ời, đối với mình thì nghiêm khắc, đối với ng­­ười thì khoan dung, độ l­­ượng, sẵn lòng giúp đỡ, đối với việc thì phải dĩ công vi thượng.

Xây dựng nếp sống mới là phải kế thừa những truyền thống tinh thần tốt đẹp, những thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đồng thời, phải biết cải tạo những phong tục tập quán lạc hậu, bổ sung những cái mới, cái tiến bộ mà trước đó chư­­a có. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu thì bỏ… Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì sửa đổi lại cho hợp lý… Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm… Cái gì mới mà hay thì phải làm, phải bổ sung” (7).

Xây dựng nếp sống mới là việc khó cho nên phải kiên trì, bền bỉ, lâu dài, cẩn thận, tránh trấn áp thô bạo. Thói quen và truyền thống lạc hậu cũng là kẻ địch to, nó ngấm ngầm cản trở cách mạng; nhưng không thể xóa bỏ nó bằng trấn áp thô bạo, mà phải cải tạo nó một cách rất cẩn thận, rất chịu khó, rất lâu dài. Trước hết phải tuyên truyền, giải thích để mọi người hiểu được cái lợi của việc xây dựng những thói quen, phong tục, tập quán mới, hướng dẫn cách làm cụ thể, hiểu để làm, để thực hiện cho được đời sống mới. Xây dựng nếp sống mới quan trọng là phải làm gương. Người dạy: “Đời sống mới cũng cần có những người làm gương, những nhà làm gương, những làng làm gương. Khi trông thấy hiệu quả tốt tươi, thì chắc những nơi khác sẽ hăng hái làm theo” (8).

Xây dựng nếp sống mới phải bắt đầu từ từng người, từng gia đình. Người viết: “Do nhiều người nhóm lại mà thành làng. Do nhiều làng nhóm lại mà thành nước. Nếu người này cũng xấu, người kia cũng xấu, thì thành làng xấu, nước hèn. Nếu mỗi người đều tốt, thì thành làng tốt, nước mạnh” (9).

Xây dựng nếp sống mới là một quá trình lâu dài, bền bỉ, phức tạp và kiên trì, do vậy, phải thường xuyên tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân thực hiện, tránh nôn nóng áp đặt trấn áp thô bạo. Xây dựng lối sống mới trở thành thói quen ở mỗi người, trở thành phong tục tập quán của một cộng đồng.

Tóm lại, có thể nói, mỗi tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh đều mang một giá trị văn hóa rộng lớn, có sức lan tỏa sâu sắc đến mỗi người dân và mỗi cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ.

______________

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.384.

2. Hồ Chí Minh, sđd, tập 1, tr.40.

3. Hồ Chí Minh, Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, Nxb Văn học, Hà Nội, 1981, tr.344 - 345.

4. Hồ Chí Minh, sđd, tập 11, tr.559.

5. Hồ Chí Minh, sđd, tập 15, tr.665.

6. Hồ Chí Minh, sđd, tập 13, tr.504 - 505.

7, 8, 9. Hồ Chí Minh, sđd, tập 5, tr.112, 126, 117.

 

Tác giả: Đoàn Thị Hoàng Yến

Nguồn: Tạp chí VHNT số 424, tháng 10 - 2019

;