Tìm hiểu quan niệm về quốc văn trên báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX
Đầu TK XX, xã hội Việt Nam có những biến đổi to lớn, trong đó có “bước chuyển đổi mô hình văn hóa quan trọng: từ nền văn hóa cổ truyền, dựa trên căn bản nông nghiệp và Nho giáo sang một xã hội có tính cách công nghiệp, hiện đại, dù dưới hình thái thực dân” (1). Trong bước chuyển đổi này, giới trí thức bản địa không thể không suy nghĩ về nền văn hóa của dân tộc trong đối sánh với văn hóa Đông - Tây. Ý thức dân tộc đã thúc đẩy họ nhận thấy cần phải xây dựng một nền quốc học mới cho đất nước bằng cách giới thiệu, phổ biến các tư tưởng học thuật, các giá trị văn minh Đông - Tây và văn hóa truyền thống của dân tộc để “khai dân trí”, làm cho đất nước thoát khỏi sự lạc hậu, tăm tối. Nhưng muốn phát triển quốc học, phải xây dựng nền quốc văn, trong đó, quốc ngữ được xem là một “lợi khí”, có thể trở thành công cụ đắc lực cho mục tiêu trên. Quốc văn vì vậy trở thành một trong những vấn đề lớn của văn hóa Việt Nam đầu TK XX.