Trong lĩnh vực thiết kế thời trang, kết cấu, mầu sắc và các yếu tố trang trí trên trang phục dân tộc không chỉ là hình thức chủ nghĩa nằm ở bề ngoài của sản phẩm mà ta có thể nhìn trực tiếp được, mà nó còn tồn tại trong thế giới vô hình ẩn sau mỗi bộ sưu tập (BST). Những phạm trù đó chính là những giá trị văn hóa truyền thống để các nhà thiết kế thời trang khai thác, ứng dụng và sáng tạo ra những sản phẩm đương đại có giá trị cao cả về thẩm mỹ, đồng thời mang lại những giá trị kinh tế không nhỏ.
BST ứng dụng chất liệu và họa tiết thổ cẩm dân tộc của NTK Cao Minh Tiến
Ngành thiết kế thời trang của Việt Nam tuy còn khá trẻ, song những năm gần đây các nhà thiết kế trẻ rất coi trọng khai thác và sử dụng các yếu tố văn hóa truyền thống mang bản sắc dân tộc trong quá trình thiết kế sáng tạo sản phẩm. Việc khai thác sử dụng mỹ thuật truyền thống không chỉ những nhà thiết kế chuyên nghiệp, mà nhiều sinh viên đang theo học ngành thiết kế thời trang ở các trường đại học trên cả nước ứng dụng rất hiệu quả và thành công trong các bài tập chuyên ngành, đặc biệt ở các đồ án tốt nghiệp. Bởi những hoa văn trang trí và màu sắc dân tộc không chỉ có giá trị về mặt thẩm mỹ truyền thống mà còn là cội nguồn cảm hứng rất mạnh mẽ trong quá trình sáng tạo mỹ thuật nói chung và trong lĩnh vực nghệ thuật thiết kế thời trang nói riêng.
Giá trị còn là cơ sở nhận diện quan trọng trong quá trình thiết kế sáng tạo một sản phẩm mỹ thuật ứng dụng. Những yếu tố đó là phương tiện tạo hình, khi hoàn thiện chúng là những yếu tố thể hiện hay phản ánh tính chất thẩm mỹ, thông điệp văn hóa mà nhà thiết kế muốn đưa ra. Trong đó vấn đề bản sắc văn hóa truyền thống luôn được quan tâm chú ý song song với vấn đề xu hướng thẩm mỹ của thời đại. Đó là những tín hiệu thông tin giúp sự nhận diện sản phẩm thiết kế sâu hơn, cụ thể và ấn tượng hơn. Với người tiêu dùng, những tín hiệu họa tiết, màu sắc trên sản phẩm mỹ thuật ứng dụng cũng như trong lĩnh vực thời trang nhiều khi trở thành thói quen thông qua cảm nhận thẩm mỹ thị giác.
BST áo dài sử dụng các yếu tố thổ cẩm của NTK Cao Minh Tiến
Ngày nay, trong một thế giới phẳng, thời đại bùng nổ thông tin và hội nhập kinh tế quốc tế, mỗi chúng ta đều có chung nỗi băn khoăn, lo lắng về hiểm họa bị mất gốc, lai căng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật. Do vậy, vấn đề khai thác truyền thống đưa vào trong các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng đang là vấn đề được xã hội quan tâm.
Ngoài ra, việc tìm phương thức sáng tạo phù hợp, đưa văn hóa truyền thống vào đời sống hiện đại để yếu tố văn hóa đó tiếp tục duy trì, phát triển cũng là một cách tôn vinh văn hóa. Những trường hợp đưa họa tiết, màu sắc của tranh dân gian lên các sản phẩm thời trang chính là một dạng tôn vinh văn hóa truyền thống. Tuy vậy, trong lĩnh vực sáng tạo, đặc biệt là ngành thời trang, ranh giới giữa tôn vinh và chiếm dụng văn hóa rất mong manh. Vì vậy, việc khai thác sử dụng các yếu tố văn hóa truyền thống là một việc làm cần phải chọn lọc và thận trọng.
Việc chiếm dụng văn hóa, nói cho dễ hiểu là lấy văn hóa của một cộng đồng khác, biến thành phương thức giải trí kinh doanh mà thiếu đi sự thấu hiểu về cội nguồn nền văn hóa truyền thống đó. Từ đó dẫn đến sử dụng không đúng bối cảnh, mục đích, tạo nên phản ứng trái chiều hoặc chỉ mang lợi nhuận về cho nhà sản xuất mà bỏ quên cộng đồng bản địa. Từ lâu, việc chiếm dụng văn hóa truyền thống đã bị các nhà nghiên cứu, những người làm công tác bảo tồn văn hóa phản ứng, bởi nó cho thấy tính chất thiếu bền vững trong sáng tạo cũng như làm lai tạp văn hóa bản địa.
BST của Nhà TK Thủy Nguyễn
Những năm gần đây, truyền thông và dư luận ngày càng quan tâm đến việc các hãng thời trang hưởng lợi từ việc đưa vào sản phẩm những họa tiết mang đậm phong cách truyền thống của một số dân tộc thiểu số nhưng không đề cập rõ nguồn gốc các thiết kế ấy, cũng không có bất cứ sự đóng góp nào cho các cộng đồng thiểu số. Việc chiếm dụng văn hóa đã, đang và luôn xảy ra, nhất là trong ngành nghệ thuật nói chung và thiết kế các sản phẩm truyền thông thương hiệu nói riêng. Tuy nhiên, các thương hiệu quốc tế chiếm dụng một cách bài bản và bỏ ra nhiều thời gian để nghiên cứu hơn. Để đưa văn hóa bản địa hay văn hóa truyền thống vào sản phẩm một cách sáng tạo, có tính kế thừa và ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng (gồm cả cộng đồng hiện đại và cộng đồng thiểu số) là điều không dễ dàng và tốn rất nhiều thời gian, tâm sức.
Trong làng thời trang Việt từ xưa đến nay đã có rất nhiều người theo đuổi việc đưa chất liệu truyền thống, họa tiết lấy cảm hứng từ văn hóa, lịch sử dân tộc vào thời trang ứng dụng. Nhưng đưa nó lên thành “công thức cho thành công” có lẽ phải kể đến nhà thiết kế Minh Hạnh với hành trình miệt mài vừa tìm tòi sáng tạo, vừa quảng bá, vừa truyền dạy “triết lý bản sắc” trong thời trang.
Nhà thiết kế Minh Hạnh từng chia sẻ: “Tôi luôn nói với các bạn trẻ rằng: Trong sáng tạo của một nhà thiết kế thì truyền thống là gia tài. Bạn mà không biết cách sử dụng, giữ gìn nó thì chắc chắn gia tài sẽ mất đi mỗi ngày và bạn sẽ không bao giờ giàu có được cả ở nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Không có cái đó, ai nhận ra bạn trong “thế giới phẳng” này? Hiện nay một số nhà thiết kế trẻ cũng đã thành danh trong việc đưa chất liệu, họa tiết và mầu sắc truyền thống vào trong các BST của mình như NTK Cao Minh Tiến, NTK Nhật Thực….
Một thương hiệu thời trang muốn kinh doanh dựa trên nền tảng cốt lõi là “yếu tố văn hóa truyền thống” hay sản phẩm được lấy ý tưởng dựa trên các hình tượng xuất phát từ lịch sử văn hóa thì nên cần có sự đầu tư thích đáng vào việc nghiên cứu các tư liệu văn hóa - lịch sử trong quá trình đưa vào sản xuất sản phẩm để việc truyền bá các yếu tố văn hóa, lịch sử được chính xác và tinh thần dân tộc được truyền tải một cách sâu sắc và mang lại những giá trị kinh tế, thẩm mỹ cao, phù hợp với xu thế của thời đại. Bởi đó là những sản phẩm mang giá trị truyền thống Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Sự phát triển đó không chỉ trong lĩnh thiết kế sáng tạo thời trang mà trong tất cả các lĩnh vực nghệ thuật. Nhiều nhà thiết kế đã định hình phong cách, tên tuổi nhờ biết khai thác vốn văn hóa dân tộc trong thiết kế của mình.
BST dạ hội lấy cảm hứng từ nghệ thuật Tuồng của sinh viên Nguyễn Dạ Thảo Đại học Hòa Bình
ThS. LÊ THÂN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 526, tháng 2-2023