TỪ CÂU CHUYỆN BẢO TỒN DI TÍCH CHÙA VĨNH NGHIÊM

Chùa Vĩnh Nghiêm, thường gọi chùa Đức La, ở xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, thuộc hàng danh lam cổ tự nổi tiếng, một trong những di tích quan trọng trong hệ thống Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Như hiện biết, cho đến nay, dẫu chưa phải là đã có quá nhiều công trình nghiên cứu về chùa Vĩnh Nghiêm, nhưng chỉ với những khảo tả, khảo cứu của một số nhà nghiên cứu đi trước, qua Hà Bắc ngàn năm văn hiến (tập II), Địa chí Hà Bắc, Từ điển Địa chí Bắc Giang, đặc biệt, là qua chuyên khảo Chốn tổ Vĩnh Nghiêm, mà các đồng nghiệp của tôi ở Bảo tàng Bắc Giang cho xuất bản năm 2004, và nhiều bài viết khác nhau, đã được công bố trên các sách, báo ở trung ương và địa phương, thì việc nghiên cứu, giới thiệu di tích này (khảo tả, xác định giá trị tiêu biểu...), hẳn đã giúp những ai quan tâm, mong muốn có những hiểu biết cơ bản về chùa Vĩnh Nghiêm, đã có được những thông tin, luận giải khá đầy đủ, bổ ích. Vì thế, nhân dịp trở lại Vĩnh Nghiêm, dù chỉ dự định đi theo một nẻo đường nhỏ, với mong muốn góp phần tìm hướng bảo vệ và phát huy có hiệu quả di tích này, tôi cũng thấy thật khó trình bày. Trong hoàn cảnh ấy, tôi xin phép được tạm đi vòng - nói cách khác, là từ mong muốn tham góp vào câu chuyện bảo tồn di tích chùa Vĩnh Nghiêm, tôi sẽ men theo một số nghĩ suy về việc bảo vệ và phát huy giá trị của toàn bộ hệ thống di tích thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, để góp vào việc xác định cơ sở cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích chùa Vĩnh Nghiêm nói riêng, toàn bộ khu di tích Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói chung.

Trước hết, cần nhấn mạnh rằng, hệ thống di tích gắn kết, thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử tuy bao gồm rất nhiều chùa tháp, phân bố trên nhiều địa bàn khác nhau, nhưng những di tích quan trọng đều được dựng đặt trên các địa bàn nay thuộc về 3 tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương. Tại Quảng Ninh là khu di tích Yên Tử, với hàng chục điểm di tích lớn nhỏ, cùng đó, là khu di tích chùa Quỳnh Lâm nổi tiếng. Ở Hải Dương là khu di tích chùa Thanh Mai, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, cùng hơn 20 điểm di tích khác, có liên quan tới Thiền phái Trúc Lâm. Ở Bắc Giang là hệ thống di tích thuộc Thiền phái Trúc Lâm, phân bố suốt dọc triền phía tây dãy núi Yên Tử, tập trung ở hai huyện Lục Nam, Lục Ngạn, trong đó chùa Vĩnh Nghiêm là một điểm nhấn đặc biệt quan trọng, “một trung tâm Phật giáo nổi tiếng dưới thời Trần. Đây là trạm trung chuyển, nơi dừng chân của khách hành hương trước khi vượt sông, leo núi lên thánh địa của thiền phái Trúc Lâm trên ngàn xanh Yên Tử” (1). Theo đấy, người xưa đã truyền lời nhắn nhủ:

Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm

Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa đành

Trên địa bàn ba tỉnh này, có rất nhiều vấn đề về tự nhiên, môi trường, văn hóa, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh... liên quan đến bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo Thiền phái Trúc Lâm mà chúng ta cần quan tâm. Xin được nêu một số nét chính:

Đây là vùng núi rừng, biển đảo hết sức rộng lớn, thuộc vùng đông bắc Bắc Bộ, một địa bàn có vị thế đặc biệt quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của quốc gia, dân tộc.

Đây là địa bàn mà các cư dân cổ đã tụ cư sinh sống từ rất sớm (từ thời kỳ đá cũ, văn hóa Sơn Vi, với những di chỉ khảo cổ ở vùng Sơn Động, Lục Ngạn...) và phát triển liên tục cho đến ngày nay. Trong các dòng chảy văn hóa hợp lưu về châu thổ Bắc Bộ để hình thành nền văn hóa Việt cổ, văn minh sông Hồng, mạch nguồn từ vùng núi rừng đông bắc này, theo dòng Lục Nam, xuôi xuống tụ hợp tại Lục Đầu Giang, để từ đó lan tỏa, là một mạch nguồn quan trọng và đặc sắc.

Đây là địa bàn có tiềm năng phát triển kinh tế khá mạnh, với các ngành kinh tế lâm nghiệp, nông nghiệp (nhất là trồng trọt hoa màu), đặc biệt là ngành khai thác khoáng sản (những mỏ than chứa đựng trong lòng Yên Tử có trữ lượng đứng đầu cả nước). Vì thế, đây là vùng có sự hiện diện, phát triển của nhiều ngành kinh tế khác nhau.

Hệ thống giao thông ở vùng rừng núi rộng lớn, có trục phân chia là dãy Yên Tử này, tuy đã được quan tâm đầu tư, nhưng đến nay vẫn chưa thực sự phát triển. Ngoài tuyến đường 18 nối thông Hà Nội với Quảng Ninh, các tuyến đường vắt ngang, nối thông hai sườn Yên Tử và các tuyến đường kết nối các điểm di tích thuộc nội bộ Thiền phái Trúc Lâm và kết nối các điểm di tích này với các di tích, địa chỉ văn hóa khác trong vùng vẫn cơ bản chưa đầu tư phát triển cho thuận lợi, nên việc kết nối, liên thông các điểm di tích, nhất là ở hai sườn đông - tây Yên Tử, hiện vẫn gặp nhiều khó khăn.

Cuối cùng, nhưng lại là vấn đề quan trọng nhất, là việc các di tích trong hệ thống này, trải qua thời gian, mưa nắng, hiện đã và đang bị xuống cấp, nhiều điểm chỉ còn là các phế tích kiến trúc ở trên mặt đất hoặc ở trong lòng đất. Cùng đó, việc quản lý, tiến hành nghiên cứu xếp hạng, khai thác, phát huy giá trị di tích, ngoại trừ khu Yên Tử, còn hầu hết đều chưa được tổ chức chặt chẽ, hiệu quả; thậm chí, rất nhiều di tích ở hai sườn Yên Tử, nhất là sườn phía tây, còn ít được quan tâm.

Từ cái nhìn tổng thể ấy (ở đây không trình bày vấn đề giá trị của các di tích), sẽ dễ nhận thấy có rất nhiều việc cần giải quyết, nhằm đạt tới hiệu quả mong muốn là bảo vệ và phát huy tốt nhất, hiệu quả nhất giá trị của toàn bộ các di tích thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, trong đó có di tích chùa Vĩnh Nghiêm. Sau đây, tôi chỉ tập trung vào việc đề xuất hai nhiệm vụ, mà theo tôi, việc giải quyết tốt các nhiệm vụ này sẽ tạo ra tảng nền, điều kiện cho mọi điều kiện giải quyết các nhiệm vụ tiếp theo.

Nhiệm vụ mở đầu là vấn đề xây dựng quy hoạch.

Theo tôi, trước hết chúng ta cần tập trung cao nhất cho việc tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch tổng thể hệ thống di tích Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trên địa bàn cả ba tỉnh: Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang. Lâu nay, chúng ta thường chỉ quan tâm đầu tư tu bổ cho từng điểm di tích riêng lẻ, việc lập quy hoạch di tích, nếu có, chỉ dừng lại ở việc hoặc là lập quy hoạch cho một khu di tích (khu Yên Tử, khu Côn Sơn - Kiếp Bạc...), hoặc là chỉ lập quy hoạch cho một số điểm di tích từ góc độ tiếp cận của từng tỉnh. Chẳng hạn, tỉnh Quảng Ninh, cùng với việc lập quy hoạch khu di tích Yên Tử, đã đề nghị Bộ VHTTDL ủng hộ việc tổ chức lập quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư bảo tồn, tôn tạo khu di tích về nhà Trần (Thái Lăng, đền Thái và chùa Một Mái) ở huyện Đông Triều, và xem đó là việc bổ sung vào quy hoạch khu di tích Yên Tử. Cùng thời gian đó, tỉnh Bắc Giang lại có đề nghị Bộ VHTTDL ủng hộ việc tổ chức lập quy hoạch bảo tồn tổng thể hệ thống di tích, danh lam thắng cảnh ở sườn tây Yên Tử thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang...

Các di tích thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, từ khi ra đời và trong quá trình tồn tại, luôn có mối quan hệ tự thân, chặt chẽ; sự gắn kết đó không phụ thuộc vào việc phân chia địa giới hành chính hoặc về vị trí địa lý (với sự chia ra sườn đông, sườn tây Yên Tử), trong lịch sử và hiện tại. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng, đã đến lúc cả ba tỉnh cần ngồi lại với nhau, trên cơ sở tranh thủ, phối hợp với các cơ quan trung ương chuyên ngành, để tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch tổng thể cho toàn bộ hệ thống di tích về Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Căn cứ quy hoạch tổng thể này, chúng ta sẽ xác định đúng đắn các dự án cần thực hiện, lộ trình và thứ tự ưu tiên cho việc triển khai các dự án đó, nhằm hướng tới việc bảo tồn bền vững tổng thể di tích trong một kế hoạch thống nhất, đồng thời tạo ra cho xã hội một sản phẩm văn hóa - du lịch tổng thể và hoàn thiện. Chừng nào chưa có quy hoạch tổng thể đó, việc làm của chúng ta khó tránh khỏi tính riêng lẻ, nhất thời, được đâu hay đó,... và dĩ nhiên, những việc làm ấy sẽ là bất cập so với yêu cầu về khoa học và thực tiễn đối với việc bảo tồn hệ thống di tích, sẽ là kém hiệu quả và lãng phí.

Một nhiệm vụ khác, cần được phối hợp chặt chẽ với việc xây dựng quy hoạch tổng thể di tích, là tổ chức nghiên cứu các quy hoạch về giao thông, khai khoáng, trồng và bảo vệ rừng. Chúng ta đã có một số bài học về vấn đề này, như việc khai thác than trong lòng Yên Tử đã làm xuống cấp di tích (diễn ra cuối những năm 90 TK XX), hoặc việc triển khai dự án thủy lợi ở khu vực Suối Mỡ (Bắc Giang), cùng đó là việc xác định những cánh rừng trong khu vực này là rừng sản xuất (mà không phải là rừng đặc dụng), đã làm biến dạng môi trường, cảnh quan của khu thắng cảnh này. Cũng có thông tin về việc hình như Bắc Giang có dự kiến khai thác than ở sườn tây Yên Tử? Do đó, nếu không có sự kết hợp giữa việc tổ chức xây dựng những quy hoạch này và quy hoạch tổng thể di tích, sẽ dẫn tới việc các quy hoạch chống, vênh nhau, không khả thi và kém hiệu quả.

Trước vấn đề này, chúng tôi nghĩ đến việc cần tổ chức nghiên cứu xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả vùng này, bao quát toàn bộ các khu vực có liên quan ở ba tỉnh. Nhưng, đây là câu chuyện lớn, lý tưởng, xin được trở lại vào một dịp khác.

Vấn đề tiếp theo là cần tổ chức nghiên cứu thiết lập hành trình di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.

Thiết lập các hành trình văn hóa, câu chuyện còn nhiều mới mẻ, là một hoạt động bao giờ cũng nhằm đích gắn kết văn hóa với du lịch để đưa lại hiệu quả phát triển kinh tế, xã hội. Lấy đối tượng di sản văn hóa, ở đây là di sản văn hóa Phật giáoTrúc Lâm Yên Tử, để thiết lập các hành trình văn hóa, chỉ là một trường hợp cụ thể trong số nhiều hành trình văn hóa cần được thiết lập dựa trên các đối tượng khác nhau.

Tương tự như việc tổ chức xây dựng quy hoạch, việc thiết lập hành trình di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử cũng là một câu chuyện lớn, cần triển khai lâu dài. Từ năm 2004 đến nay, nhiều di tích và làng nghề gốm cổ ở Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh (và Hà Nội, Bắc Ninh) đã tham gia vào việc thiết lập hành trình văn hóa qua các làng gốm cổ vùng đông bắc châu thổ sông Hồng. Qua đó, chúng ta đã có được một số kinh nghiệm ban đầu về việc thiết lập các hành trình văn hóa. Nhân đề xuất việc này, chúng tôi xin được nhắc lại và khẳng định: thiết lập hành trình di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử chắc chắn không phải là việc xây dựng các tuyến lữ hành du lịch, mà là việc thiếp lập hệ thống thông tin cụ thể, chi tiết về tất cả các mặt: toàn bộ nội dung, đặc điểm, giá trị... của hệ thống di tích và từng điểm di tích; nội dung, giá trị, địa bàn phân bố... của các di sản văn hóa (di tích, lễ hội, làng nghề, ẩm thực...) có liên quan với các di tích trong hệ thống; giao thông kết nối các điểm thuộc hệ thống di tích và các di sản văn hóa có liên quan; đời sống văn hóa, phong tục tập quán... của cộng đồng ở các địa bàn liên quan đến hệ thống di tích; giá cả sinh hoạt trong khu vực... Những thông tin khoa học, có giá trị thực tiễn cao này, chính là nguyên liệu cho các nhà hoạt động du lịch nghiên cứu thiết lập các tuyến du lịch cụ thể, phù hợp với các đối tượng du khách ở trong, ngoài nước, nhằm khai thác tiềm năng của hệ thống di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, cùng các di sản văn hóa trong khu vực và tất cả các yếu tố khác có liên quan tới việc tổ chức có chất lượng, hiệu quả các hoạt động du lịch. Theo cách hiểu đó và theo những điều hiện biết về hệ thống di tích Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, hẳn chúng ta dễ đồng thuận khi xác định rằng, tất cả hệ thống thông tin nói trên, ở phạm vi toàn cục và ở từng tỉnh, đều còn hết sức thiếu hụt, thậm chí nhiều lĩnh vực thông tin còn là những vùng trắng. Tình trạng này nếu không sớm được tập trung khắc phục, tức là chúng ta không cùng nhau sớm tập trung thiết lập hành trình di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, thì việc tu bổ, tôn tạo hệ thống di tích này thật khó đạt tới kết quả mong muốn, là góp phần phát triển kinh tế, xã hội và mọi mặt đời sống của cộng đồng cư dân trên địa bàn.

         Cuối cùng, xin trở lại vấn đề: vì rằng nhận thấy thật khó khăn, khó khả thi nếu chỉ đề xuất định hướng, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị cho riêng lẻ di tích chùa Vĩnh Nghiêm, trong khi với toàn bộ hệ thống di tích, như trình bày, còn đang đặt ra bao công việc, nên chúng tôi đã đặt câu chuyên bảo tồn di tích chùa Vĩnh Nghiêm trong bối cảnh chung của hệ thống di tích. Hy vọng mấy đề xuất đó ít nhiều hữu ích.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 330, tháng 12-2011

Tác giả : Nguyễn Hữu Toàn

;