Chiều ngày 15-12, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Chương trình họp báo về Hội thảo khoa học toàn quốc nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” và Kỳ họp thứ hai (nhiệm kỳ 2021-2026) của Hội đồng. Hội thảo diễn ra từ ngày 19 đến 20-12-2022 tại tỉnh Hà Nam. Bà Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng chủ trì buổi họp báo.
Toàn cảnh buổi họp báo
Tại buổi Họp báo, bà Ngô Phương Lan đã chia sẻ về tính cấp thiết và quy mô của Hội thảo toàn quốc lần này với 3 nội dung chính:
Thứ nhất, về chủ đề và mục tiêu của Hội thảo: Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã xin ý kiến về chủ đề Hội thảo khoa học toàn quốc năm 2022 từ các cơ quan tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ; nguyên Lãnh đạo và Ủy viên, nguyên Ủy viên Hội đồng, các nhà khoa học, các nhà quản lý với số lượng ý kiến 100 chủ đề… sau khi tổng hợp, lựa chọn các ý kiến về chủ đề, Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đã quyết định chủ đề Hội thảo năm 2022 là: Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.
Với chủ đề trên, Hội thảo hướng tới những mục tiêu chủ yếu: 1. Xuất phát từ thực tiễn hoạt động cở các ngành, hội, đơn vị, địa phương và vị trí công tác của nhà khoa học để đánh giá những kết quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; 2. Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, nguyên nhân của những thành tựu, hạn chế sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) trong các lĩnh vực: sáng tạo, nghiên cứu, phát triển lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; công tác xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ; công tác củng cố, đổi mới hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật; công tác giao lưu và hợp tác quốc tế về văn học, nghệ thuật; công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật quần chúng... ở các ngành, hội, đơn vị trung ương và địa phương. Trên cơ sở đó rút ra những bài học kinh nghiệm trong hoạt động tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 23-NQ/TW. 3. Trên cơ sở những phân tích, đánh giá thực trạng, nguyên nhân của những thành tựu, hạn chế, yếu kém và bài học kinh nghiệm trong hoạt động tuyên truyền, triển khai Nghị quyết 23-NQ/TW, đề xuất, kiến nghị phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục phát triển văn học, nghệ thuật thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; 4. Kết quả Hội thảo là những luận cứ khoa học để Hội đồng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được Thường trực Ban Bí thư giao.
Thứ hai, về công tác chuẩn bị Hội thảo: Thường trực Hội đồng đã gửi giấy mời viết tham luận hội thảo tới các cơ quan, đơn vị liên quan, các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia, các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Công tác chuẩn bị đón tiếp các đại biểu tham dự ở các tỉnh xa từ chiều ngày 18-12 và tích cực chuẩn bị các điều kiện vật chất cần thiết để tổ chức thành công Hội thảo.
Đến thời điểm này, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 153 bài tham luận, cho thấy sự hưởng ứng của đông đảo các cơ quan tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình và văn nghệ sĩ cả nước với chủ đề Hội thảo và sự quan tâm đặc biệt của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với Nghị quyết 23-NQ/TW.
Dự kiến tổng số đại biểu tham dự Hội thảo khoảng 250 người, gồm đồng chí lãnh đạo thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy, Hội Văn học, nghệ thuật các tỉnh, thành và tỉnh Hà Nam; các tác giả có tham luận; thành viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; đại diện 10 Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và các nhà khoa học thuộc lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; các phóng viên báo, đài ở Trung ương và địa phương.
Thứ ba, dự kiến kết quả Hội thảo: Kết quả Hội thảo là cơ sở của các luận cứ khoa học để Hội đồng xây dựng báo cáo gửi Thường trực Ban Bí thư, đồng chí Trưởng ban và Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đưa vào nội dung tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, trong đó có nội dung tư vấn giúp Đảng và Nhà nước xây dựng chiến lược phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới; là cơ sở khoa học để các cơ quan, đơn vị, các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và địa phương, đổi mới phương thức lãnh đạo, có những chính sách phù hợp nhằm phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Sau Hội thảo, Hội đồng lựa chọn các tham luận có chất lượng cao để biên tập, in Kỷ yếu. Đây là tài liệu tham khảo giá trị, hữu ích cho những người làm công tác quản lý văn hóa, văn nghệ các cấp, các ngành liên quan đến văn học, nghệ thuật, các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ.
Bà Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng trao đổi với báo chí
Tại buổi họp báo, bà Ngô Phương Lan đã trả lời các câu hỏi về tính thiết thực và những ảnh hưởng tích cực của Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” trong 15 năm qua, thực hiện đối với các cơ sở địa phương.
Bà Ngô Phương Lan cho biết, trong số 150 tham luận thì có hơn 50 bài được gửi về từ các địa phương, và sắp tới Hội thảo sẽ được lắng nghe những phản hồi sâu sát cụ thể hơn từ những người trực tiếp làm công việc này. Và “nhìn lại 14-15 năm qua, bản thân cũng đã nhận thấy Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) ra đời cũng đã rất hào hứng, tin tưởng, phấn khởi và được đánh giá sát thực hơn nữa từ các ý kiến của Hội thảo sắp tới".
Bà Ngô Phương Lan nhấn mạnh: “Nghị quyết 23-NQ/TW về việc xây dựng và phát triển VHNT, như một sự đinh hướng phát triển của Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, văn học nghệ thuật không chỉ là tư tưởng hay nội hàm của các tác phẩm mà thực sự nó đã xây dựng và phát triển thực sự trở thành một ngành Công nghiệp văn hóa, mà tôi muốn trao đổi và khẳng định nó trong chương trình Hội thảo toàn quốc năm 2022 này”.
Sau Hội thảo, Hội đồng tổ chức Kỳ họp thứ hai (nhiệm kỳ 2021-2026) của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Tại kỳ họp, Hội đồng sẽ tập trung thảo luận, đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và kết quả thực hiện nhiệm vụ trong thời gian giữa Kỳ họp thứ nhất với Kỳ họp thứ hai của Hội đồng; cho ý kiến về nhiệm vụ của Hội đồng dự kiến triển khai trong năm 2023 và cả nhiệm kỳ 2021-2026.
Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương hy vọng, Hội thảo khoa học toàn quốc Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” và Kỳ họp thứ hai của Hội đồng sẽ nhận được sự ủng hộ, quan tâm, động viên của các đại biểu, các nhà nghiên cứu, những người liên quan đến lĩnh vực văn học, nghệ thuật và các cơ quan báo, đài trong cả nước.
Tin, ảnh: MAI HƯƠNG