Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An tiền thân là trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật đã trải qua 50 năm xây dựng và phát triển. Nhà trường có chức năng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật cho tỉnh Nghệ An và khu vực Bắc Trung Bộ; đồng thời, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, khai thác giá trị của văn hóa bản địa thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh nhà, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa xứ Nghệ. Trong 50 năm qua, Trường đã đạt được những kết quả nổi bật về các mặt đào tạo, xây dựng đội ngũ, lĩnh vực nghiên cứu khoa học, xứng danh mái trường nghệ thuật trên quê hương Bác Hồ.
Hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường đã góp phần đắc lực vào việc nâng cao tay nghề và chất lượng dạy học. Trung bình hàng năm, có khoảng 40 đề tài cấp trường được thực hiện và nghiệm thu. Nhiều đề tài được chuyển giao để ứng dụng vào thực tiễn giảng dạy và học tập, được nhà trường khen thưởng và đánh giá cao. Ngoài các đề tài lý luận, đề tài thuộc lĩnh vực chuyên đề, môn học để biên soạn thành giáo trình, bài giảng, tài liệu dạy học, nhất là các giáo trình chuyên ngành, bài giảng thuộc những ngành mới mở hay chuyển đổi từ giáo dục nghề nghiệp sang dạy nghề, được nhà trường quan tâm, ưu tiên thực hiện. Đến nay, toàn trường đã có hơn 90% môn học có giáo trình, sách và tài liệu tham khảo do giảng viên trường biên soạn. Nhà trường cũng tổ chức nhiều hội giảng và tích cực tham dự các kỳ thi giáo viên dạy giỏi khối trường dạy nghề, hội thi các trường văn hóa nghệ thuật trong cả nước, nhiều giảng viên đạt giải cao trong các kỳ thi này.
Trong những năm gần đây, nhà trường khuyến khích giảng viên viết bài cho thông tin khoa học, website, tham gia hội thảo; có hàng chục bài viết đạt chất lượng được công bố đều đặn hàng năm. Phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học và đối ngoại được thành lập nhằm đưa hoạt động nghiên cứu khoa học mang tính chuyên nghiệp, bài bản hơn. Nhiều văn bản đã ban hành quy định cụ thể, rõ ràng về nhiệm vụ, giờ chuẩn, kinh phí, quy trình thực hiện nghiên cứu khoa học và hướng dẫn thực hiện việc nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Hàng năm trường tổ chức cho cán bộ giảng viên đi tham quan, học tập trong và ngoài nước, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ… Kinh phí hỗ trợ về chuyên môn (bao gồm học cao học, nghiên cứu sinh, trải nghiệm thực tế…) và hoạt động nghiên cứu khoa học của cán bộ và học sinh, sinh viên được quan tâm ưu tiên hàng đầu.
Hàng năm, bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học theo quy định, giảng viên của nhà trường còn đăng ký, thực hiện các công trình khoa học cấp tỉnh, cấp bộ. Một số đề tài đã được nghiệm thu, hoặc đang được thực hiện như: Nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ của dân tộc Ơ đu ở huyện Tương Dương tỉnh Nghệ An; Nghiên cứu, bảo tồn nghề chế tác nhạc cụ khèn bè của tộc người Thái ở Nghệ An; Một số đặc trưng văn hóa Việt Nam thể hiện qua ca dao người Việt; Nghiên cứu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào việc giảng dạy, học tập dân ca trong trường học… Các đề tài đã tập trung vào việc nghiên cứu sâu rộng thêm về vùng đất và con người xứ Nghệ, bảo tồn và phát huy các giá trị của văn hóa truyền thống, nhất là dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Nhiều cuộc hội thảo, hội nghị khoa học, hội thi, liên hoan tiếng hát dân ca được tổ chức trong các năm qua được hầu hết giảng viên tham gia, thu hút đông đảo nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia trong tỉnh và cả nước tham dự. Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học được tổ chức đều đặn hàng năm.
Nhiều cán bộ giảng viên của trường ở lĩnh vực văn học, văn hóa tích cực viết bài, dự các hội thảo hội nghị khoa học quốc gia, khu vực và quốc tế; tham gia trong các hội đồng đánh giá khoa học cấp tỉnh, bộ; một số cán bộ có nhiều công trình khoa học đã in thành sách, giáo trình hay đăng tải trên tạp chí chuyên ngành. Có những cán bộ của trường đã tham gia các hoạt động văn học nghệ thuật mang tầm quốc gia (Phan Mậu Cảnh - Hội viên Ngôn ngữ học Việt Nam; Phạm Thị Chiên - Hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam; Thái Khắc Cung, Vũ Tiến Vinh, Phạm Xuân Hải, Tạ Minh Huệ - Hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam). Một số cán bộ của trường đạt nhiều giải thưởng khoa học, giáo dục, nghệ thuật có giá trị, tiêu biểu như: giải thưởng nghiên cứu khoa học của Bộ KHCNMT năm 2010 (Phan Mậu Cảnh), giáo viên dạy giỏi - giải nhất, năm 1994 (Vũ Tiến Vinh), giải thưởng Hồ Xuân Hương, giải A cuộc thi viết về cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, giải Thơ trẻ của Hội LHVHNTVN, năm 2011 (Phạm Thị Chiên)...
Ngoài hoạt động nghiên cứu khoa học, trường còn phát triển các hoạt động sáng tác, triển lãm, biểu diễn. Nhiều tác phẩm, chương trình nghệ thuật của cán bộ, sinh viên nhà trường đạt giải cao tại các cuộc thi, triển lãm trong và ngoài nước. Về mỹ thuật, khoa chuyên ngành tổ chức triển lãm mỹ thuật Thày và trò thường niên tại trường; tích cực tham gia các đợt triển lãm do Hội Mỹ thuật Việt Nam, khu vực bắc miền Trung và Hội Văn học nghệ thuật Nghệ An tổ chức. Nhiều họa sĩ của trường tổ chức triển lãm, trưng bày tranh cá nhân như: Lê Vũ Anh triển lãm tại Cộng hòa Pháp các năm 2007, 2008, 2009, 2011, 2014 và đạt các giải thưởng cao như: giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam tại triển lãm bắc miền Trung (Lê Vũ Anh: năm 2001, 2007; Nguyễn Ngọc Ban: năm 2008, 2010, 2012); giải thưởng Văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương (Nguyễn Ngọc Ban năm 2010, Lê Thị Oanh năm 2015). Sinh viên ngành mỹ thuật cũng đạt nhiều giải thưởng tại các triển lãm mỹ thuật: giải ba triển lãm mỹ thuật học sinh sinh viên toàn quốc năm 2006 tại Quảng Ninh; huy chương đồng triển lãm mỹ thuật tài năng trẻ học sinh sinh viên toàn quốc năm 2012 tại Đà Nẵng; giải ba triển lãm mỹ thuật học sinh sinh viên các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật toàn quốc năm 2015.
Về âm nhạc, nhà trường đã đào tạo hàng trăm cán bộ văn hóa văn nghệ phục vụ chiến trường chống Mỹ cứu nước, bổ sung đội ngũ nhạc công, diễn viên hoạt động tại các đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh. Một số nghệ sĩ, nhà quản lý, nhà khoa học… thành đạt từng là học sinh, sinh viên của nhà trường, tiêu biểu là thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội), nhạc sĩ Phan Thanh Chương, Quang Vượng, Lê Xuân Hoan (Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai), NSND Tiến Dũng (Phó Giám đốc Sở VHTTDL Nghệ An), NSND Hồng Lựu (Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ), NSƯT Nguyễn Đình Đắc (Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ), NSƯT Ngọc Hà, NSƯT Tiến Lâm, ca sĩ Phương Thanh, Vũ Thắng Lợi, Đinh Trang, Thanh Tài... Các nhạc sĩ là cựu sinh viên của trường như: Vũ Tiến Vinh, Thái Khắc Cung, Tạ Minh Huệ, Phạm Xuân Hải đã có nhiều tác phẩm đạt các giải thưởng được đưa vào giảng dạy, dàn dựng biểu diễn phục vụ nhiều sự kiện lớn của tỉnh và các địa phương. Thày và trò ngành âm nhạc, múa tích cực tham gia hội thi, hội diễn và đạt nhiều giải thưởng (01 huy chương vàng, 02 huy chương bạc, 01 huy chương đồng tại Liên hoan âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc các trường văn hóa nghệ thuật toàn quốc năm 2010; 01 giải nhất, 01 giải nhì, 01 giải ba tại Hội thi tài năng trẻ học sinh sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật toàn quốc lần thứ nhất năm 2012; 01 huy chương vàng tiết mục đơn ca, 02 huy chương bạc và 01 huy chương đồng tại Hội thi tài năng trẻ học sinh sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật toàn quốc năm 2015)...
Quá trình xây dựng và phát triển của nhà trường trong suốt 50 năm qua không thể không nhắc tới vai trò và sự đóng góp của đội ngũ nghiên cứu khoa học. Trước hết là thế hệ đầu tiên và kế cận như các thày: Nguyễn Hữu Thuông, Nguyễn Vĩnh Toại, Nguyễn Thao Lược, Đặng Thế Tránh, Lê Tài Hòe... Giai đoạn tiếp theo cho đến nay, đội ngũ cán bộ nghiên cứu - giảng viên ngày càng đông đảo, được đào tạo bài bản, có học hàm học vị đạt chuẩn, trên 70% có trình độ sau đại học (trong đó có 1 PGS, 3 tiến sĩ, 3 nghiên cứu sinh). Đây là thế hệ kế tiếp những người đi trước, đưa sự nghiệp của trường nói chung, công tác nghiên cứu khoa học nói riêng đạt nhiều kết quả đáng tự hào, đó là: Phan Mậu Cảnh, Vũ Tiến Vinh, Thái Khắc Cung, Phạm Thị Hòa, Lê Túc Ánh, Tạ Minh Huệ… Tiếp đến là các giảng viên trẻ, thế hệ tiếp nối đưa nhà trường phát triển mạnh mẽ về lĩnh vực nghiên cứu khoa học trong tương lai: Lê Vũ Anh, Phạm Thị Chiên, Nguyễn Thị Thanh Đức, Phạm Thanh Nga, Mai Thị Hoa Phượng, Phạm Xuân Hải, Nguyễn Thị Lương, Nguyễn Ngọc Ban, Lê Văn Hải, Nguyễn Hữu Tình, Thái Văn An, Hoàng Văn Hiếu, Nguyễn Thị Đào, Trương Quỳnh Mai, Hồ Huy Hùng…
Điểm lại 50 năm qua, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học mặc dù đã được các thế hệ nhà trường quan tâm và thu nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhưng trước yêu cầu của một trường chuyên nghiệp trong tình hình mới, thì trường cần thực hiện một số định hướng: kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ giảng dạy với công tác nghiên cứu khoa học; xây dựng kế hoạch nghiên cứu phù hợp với hướng đào tạo nghề và yêu cầu xã hội; góp phần đắc lực vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa xứ Nghệ trong chiến lược xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương. Ứng dụng kỹ thuật và công nghệ mới phục vụ cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy và quản lý, nghiên cứu khoa học và công nghệ. Tổ chức Hội thảo khoa học, liên hoan nghệ thuật cấp tỉnh, khu vực và giữa các trường văn hóa nghệ thuật, các trường dạy nghề; tổ chức triển lãm tranh ảnh, hội thi, hội diễn phục vụ xã hội. Xây dựng các câu lạc bộ chuyên ngành. Thường xuyên mở các lớp tập huấn về phương pháp nghiên cứu khoa học cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên; khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học...
Nửa thế kỷ qua, vượt qua bao khó khăn, các thế hệ tiếp nối nhau của nhà trường đã chung sức đồng lòng phấn đấu, xây dựng để có được một đội ngũ, cơ ngơi và sự nghiệp đáng tự hào như hôm nay. Trường trở thành một địa chỉ tin cậy về giáo dục đào tạo, nơi ươm mầm và chắp cánh tài năng, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng; có những thành quả nổi bật về nghiên cứu khoa học, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa xứ Nghệ, đóng góp xứng đáng vào xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh và khu vực.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 401, tháng 11 - 2017
Tác giả : PHAN MẬU CẢNH