Trong hai ngày liên tiếp từ 15-4 đến 16-4-2022, Viện Pháp tại Việt Nam trình chiếu “Mùa ổi” và “Thương nhớ đồng quê” - hai bộ phim gắn liền với tên tuổi đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh. Đây là hoạt động nhằm tôn vinh đạo diễn gạo cội của Việt Nam sau khi ông được nhận Huân chương Hiệp sĩ Văn học nghệ thuật vào ngày 31-3 vừa qua do Đại sứ Pháp trao tặng.
Nhắc đến đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, là nhắc đến đến một sự nghiệp điện ảnh ấn tượng với tư duy sáng tạo đầy đổi mới, luôn nghĩ khác, làm khác, hướng đến những vấn đề con người, vấn đề xã hội quan tâm. Mùa ổi và Thương nhớ đồng quê là 2 bộ phim nổi tiếng không chỉ được khán giả Việt Nam yêu thích mà còn được đánh giá cao tại các Liên hoan phim quốc tế.
Đại sứ Pháp trao tặng Huân chương cho đạo diễn Đặng Nhật Minh
Thương nhớ đồng quê (1995) từng được chu du tới 60 liên hoan phim quốc tế và đã đạt nhiều giải thưởng lớn trong và ngoài nước. Đây cũng là bộ phim mang lại cho đạo diễn Đặng Nhật Minh Giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1996. Bộ phim lấy bối cảnh những năm 80 của TK XX, thời điểm mà tình hình kinh tế và xã hội Việt Nam đang gặp nhiều thử thách. Một làng quê vốn bình lặng yên ả, chợt xao động đổi thay, từ tâm tư con người đến nhịp sống thường ngày. Quyên, sau những ngày tháng vượt biên sống nơi đất khách quê người, nay lại trở về thăm lại ngôi làng xưa. Còn Ngữ thì vẫn tảo tần chăm sóc người em trai, âm thầm chờ đợi người chồng đi làm ăn xa. Và Nhâm, một chàng trai ở tuổi xuân xanh, nhạy cảm và lãng mạn, gắn bó với làng quê cả một thời tuổi thơ, cho đến khi nhập ngũ, vẫn không sao dứt được tình cảm da diết với đồng quê. Nhiều con người, nhiều cuộc đời, nhưng bằng những điểm tựa khác nhau, họ đều hướng về quê nhà, một lòng "thương nhớ đồng quê".
Mùa ổi (2001) là bộ phim đoạt giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam năm 2001; Giải A của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2000; Giải của Ban Giám khảo trẻ và Giải Donkihote của Hiệp hội các câu lạc bộ điện ảnh thế giới tại Liên hoan phim Locarno của Thụy Sĩ năm 2000 và được tạp chí Studio của Pháp coi là “một kiệt tác về chất thơ”.
Năm 13 tuổi, Hòa bị té từ trên cao và bị ngưng trí nhớ. Cuộc sống của Hòa từ đó về sau luôn chỉ dừng lại như một cậu bé ở tuổi 13. Trong căn hộ tập thể, Hòa là "người nhà" của tất cả các gia đình. Ai có việc gì cần nhờ, cứ "ới" một tiếng là Hòa có mặt mặc dù vì thế mà nhiều người lạm dụng, xem Hòa như một kẻ sai vặt. Chỉ riêng Thủy, em gái ruột của Hòa, là cảm thấy đau lòng. Song, điều khiến Thủy lo lắng hơn là Hòa thường lén về lại ngôi nhà cũ của gia đình, nơi Hòa đã ngã vì hái ổi. Ngôi nhà xưa vẫn còn đó, cây ổi vẫn còn kia nhưng đã thuộc về chủ mới. Thoạt đầu, anh làm cho cô con gái người chủ mới sợ tưởng là kẻ trộm, nhưng sau khi hiểu ra, cô đã lén bố mẹ cho Hòa vào thăm lại ngôi nhà. Từng căn phòng, từng cánh cửa, từng khoảng sân, từng cành cây,... tất cả đều gợi dậy trong anh những ngày ấm êm tươi đẹp của tuổi thơ. Ở đó, anh có bố mẹ, có em gái và một không khí gia đình hạnh phúc.
Thông qua số phận của Hòa - nhân vật chính trong phim Mùa ổi, đạo diễn Đặng Nhật Minh cho thấy những thay đổi về xã hội Việt Nam đã tác động đến con người như thế nào.
Hoạt động chiếu phim này mang đến cho công chúng - những khán giả đam mê với điện ảnh nước nhà trải nghiệm xem phim đáng nhớ trong những ngày cuối cùng tại Viện Pháp ở số 24 Tràng Tiền. Cũng trong tháng 4 này, Viện Pháp đang có chương trình phim tháng 4 với rất nhiều bộ phim hay đặc sắc của điện ảnh Pháp ngữ.
NGÔ HỒNG VÂN