Phát động cuộc thi “Sáng kiến, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả thông qua hoạt động văn hóa ở cơ sở”

Sáng ngày 14-4, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Lễ phát động cuộc thi “Sáng kiến, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả thông qua hoạt động văn hóa ở cơ sở”.

Tham dự buổi lễ có: Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) Lê Thanh Liêm - Trưởng ban tổ chức cuộc thi; Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Ngô Quỳnh Hoa; Đại tá Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh, Bộ đội biên phòng; và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ VHTTDL.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy phát biểu tại buổi lễ phát động

Tại lễ phát động, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lê Thanh Liêm - Trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết: Mục đích của cuộc thi “Sáng kiến, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả thông qua hoạt động văn hóa ở cơ sở” nhằm tìm kiếm, tôn vinh nhân rộng những sáng kiến, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động văn hóa ở cơ sở tiêu biểu đang được triển khai trong thực tiễn hoặc có thể áp dụng rộng rãi, hiệu quả vào thực tiễn; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân thông qua các hoạt động văn hóa ở cơ sở.

Cuộc thi được tổ chức rộng rãi trên phạm vi cả nước, chính thức phát động từ ngày 14-4 đến hết ngày 30-9-2022. Buổi lễ tổng kết và công bố các tác phẩm đoạt giải dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 9-11-2022 (nhân Ngày Pháp luật Việt Nam). Thông tin chi tiết về cuộc thi được thể hiện trong Thể lệ cuộc thi và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ VHTTDL tại địa chỉ: bvhttdl.gov.vn và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ VHTTDL Lê Thanh Liêm - Trưởng ban tổ chức công bố thể lệ cuộc thi

Các tác giả tham dự Cuộc thi gửi tác phẩm dự thi dưới dạng bài viết, khuyến khích minh họa kèm theo hình ảnh, clip, tư liệu, tài liệu liên quan, theo chủ đề, nội dung:

Một là, những sáng kiến, mô hình hiệu quả thông qua hoạt động văn hóa cơ sở để phổ biến, giáo dục pháp luật (như: sáng kiến, mô hình biểu diễn nghệ thuật quần chúng, chiếu phim lưu động, thư viện lưu động, tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trực quan, 2 sinh hoạt văn hóa cộng đồng, lễ hội, quy ước dòng họ… gắn với phổ biến, tuyên truyền, giới thiệu, quán triệt các chủ trương, chính sách, quy định mới của pháp luật và vận động người dân, gia đình thực hiện tốt các quy định của pháp luật).

Hai là, Những sáng kiến, mô hình hiệu quả đang được triển khai trong thực tiễn hoặc có thể áp dụng hiệu quả vào thực tiễn, qua đó vận động mọi người dân nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật.

Bài dự thi gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL, địa chỉ: số 51-53 Ngô Quyền, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội và qua email: [email protected]. Trên bao bì thư gửi bài tham dự cuộc thi tác giả cần ghi rõ: Bài tham gia cuộc thi “Sáng kiến, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả thông qua hoạt động văn hóa ở cơ sở”.

Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp Ngô Quỳnh Hoa phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ tư pháp Ngô Quỳnh Hoa cho biết “Bộ VHTTDL là Bộ đầu tiên tổ chức Cuộc thi “Sáng kiến, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả thông qua hoạt động văn hóa ở cơ sở”. Để một mô hình phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả thì cần đáp ứng được một số tiêu chí cơ bản, đó là: tính lan tỏa và được triển khai rộng rãi; tính khả thi; tính bền vững của mô hình; tính kinh tế. Với chức năng và nhiệm vụ, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cam kết sẵn sàng phối hợp trong quá trình trước, trong và sau cuộc thi nói riêng và việc phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung”.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy phát biểu kết luận và chỉ đạo: Để cuộc thi hiệu quả cần có ba tiêu chí, đó là sự tham gia đông đảo nhất của tầng lớp nhân dân, cá nhân, tổ chức trên cả nước; chất lượng phải cao nhất, phải có tính khả thi, mang tính thực tiễn và đưa lại hiệu quả trong thực tế; phải chọn ra được tác phẩm xuất sắc để trao giải. Để cuộc thi được phổ biến rộng rãi, cần có sự phối hợp, tuyên truyền rộng rãi của các cơ quan báo chí cũng như các đơn vị của Bộ và Sở VHTTDL các địa phương.

Tin, ảnh: NGỌC BÍCH

 

 

;