Triển lãm tranh “Xuân Hà Nội” trong không gian hiện đại

Chiều 26-1-2024, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội) đã tổ chức khai mạc triển lãm tranh “Xuân Hà Nội”, chào đón Xuân Giáp Thìn 2024, hướng tới kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2024) và 70 năm ngày giải phóng Thủ đô.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cùng các đại biểu thưởng ngoạn không gian sắc xuân trên các tác phẩm hội họa truyền thống và không gian 3D

Tham dự khai mạc triển lãm có: Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, cơ quan đơn vị thuộc Bộ VHTTDL, Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước; đại diện Tham tán, Đại sứ các nước: Nga, Cộng Hòa Séc, Đức, Trung Hoa tại Việt Nam; cùng đại diện các Hội nghề nghiệp, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; phóng viên các cơ quan báo, đài truyền thông  đến dự đưa tin.

Triển lãm giới thiệu đến công chúng 36 tác phẩm về chủ đề Mùa Xuân Hà Nội được chọn lọc từ Bộ sưu tập Mỹ thuật hiện đại của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và dòng tranh dân gian Hàng Trống - dòng tranh cổ truyền, đặc trưng của Hà Nội.

Các tác phẩm “Mùa Xuân Hà Nội” được chọn lọc từ Bộ sưu tập Mỹ thuật dân gian - cổ truyền trên nền tảng công nghệ hiện đại

Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ với công chúng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước về nét đặc trưng riêng của mùa xuân trong từng tác phẩm cũng là nguồn cảm hứng của các nghệ sĩ: “Có rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật về mùa Xuân của các nghệ sĩ đã đi vào tâm thức của mỗi người khi nhắc về Hà Nội. Trong những nét tạo hình, không khí, cảnh sắc, sự giao hòa của mùa Xuân Hà Nội là thứ nghệ thuật mang hơi thở, mạch nguồn đó chưa bao giờ ngưng nghỉ, như bốn mùa luân chuyển trong một năm, như cuộc sống luôn vận động, phát triển, sinh sôi... Đó là thời khắc giao thừa thiêng liêng được thể hiện sinh động qua các tác phẩm của danh họa Lê Quốc Lộc, Nguyễn Tư Nghiêm, Phạm Việt Hải, Nguyễn Tiến Chung, Phạm Văn Đôn, Trần Lưu Hậu… và rất nhiều họa sĩ khác đã thể hiện trên các tác phẩm như Chợ hoa, Đi chợ Tết, Ngũ quả, hay Phố, Làng hoa Ngọc Hà, Gò Đống Đa, Văn Miếu, Chùa Láng, Hội đền Phù Đổng... của các danh họa Bùi Xuân Phái, Nguyễn Nghĩa Duyện, Nguyễn Trọng Kiệm…”.

TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc triển lãm

TS Nguyễn Anh Minh cho biết trong triển lãm các tác phẩm hội họa lần này, Bảo tàng đã phối hợp cùng Công ty Trách nhiệm hữu hạn CMYK Việt Nam và các đơn vị tài trợ để áp dụng trưng bày những tác phẩm hội họa bằng hình thức đồ họa kỹ thuật số, trình chiếu mapping, bên cạnh hình thức trưng bày các tác phẩm bản gốc để mang đến cho công chúng một trải nghiệm đầy thú vị bởi các hiệu ứng thị giác mới khi đón mùa xuân về.

Họa sĩ Phạm Thị Nguyệt Nga, người có tác phẩm treo triển lãm lần này đã xúc động, tự hào chia sẻ, bức tranh được bà vẽ năm 1981, lần đầu tiên bức tranh này được triển lãm cá nhân cùng với 50 bức tranh khác, và sau đó được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chọn lựa và lưu giữ. “Đứa trẻ đứng cạnh cây đào đó chính là con trai tôi lúc 5 tuổi và hôm nay đến cùng tôi trong không gian triển lãm này. Cách đây đã nửa thế kỷ, dù rất khó khăn, chiến tranh khắc nghiệt nhưng tôi vẫn luôn dành một tình yêu đặc biệt cho nghệ thuật và tôi đã vẽ rất nhiều các chủ đề về gia đình, về trẻ em và các cảnh sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày. Tranh của tôi cũng đã được rất nhiều người mến chuộng và mua tranh tôi vẽ” - Họa sĩ Phạm Thị Nguyệt Nga cho biết.  

Họa sĩ Phạm Thị Nguyệt Nga cùng con trai của mình (nhân vật trong tranh) chia sẻ những kỷ niệm về bức tranh

Du khách thưởng lãm các tác phẩm nghệ thuật trong không gian triển lãm

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hy vọng triển lãm sẽ như một lời chúc tốt đẹp nhất, một chuyến du xuân an lành, may mắn đầu năm gửi tới công chúng yêu mến nghệ thuật đến tham quan, trải nghiệm trong không khí đón xuân tươi vui ngập tràn. Ước mong một mùa xuân đem đến nhiều niềm vui, cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà.

Triển lãm mở cửa đến hết ngày 25-2-2024.

Tác phẩm “Thăng Long - Đông Đô” của Trần Nguyên Đán, 1984, bột màu

Một góc không gian trưng bày tại triển lãm

TIn, ảnh: MAI HƯƠNG

;