Ra mắt cuốn sách “Trăm năm Trần Hữu Thung”

Sáng ngày 22-1-2024, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam cùng gia đình cố nhà thơ Trần Hữu Thung đã tổ chức buổi ra mắt cuốn sách “Trăm năm Trần Hữu Thung” nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (1923-2023).

Buổi lễ ra mắt có sự tham dự của PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cùng đại diện Hội Nhà văn Nghệ An, Nhà xuất bản Nghệ An, gia đình nhà thơ Trần Hữu Thung và đông đảo các nhà văn, nhà thơ.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều phát biểu tại buổi lễ

Cuốn sách Trăm năm Trần Hữu Thung được Nxb Nghệ An phối hợp với gia đình nhà thơ Trần Hữu Thung tổ chức biên soạn, sách dày hơn 500 trang gồm 2 phần: "Trần Hữu Thung - Tác phẩm tuyển chọn", với các tác phẩm thơ, bút ký, tiểu luận tiêu biểu và "Nhớ Trần Hữu Thung", tập hợp những bài viết, bài thơ tâm đắc của nhiều văn nghệ sĩ viết về ông.

Nhà thơ Trần Hữu Thung sinh ngày 26-7-1923, mất ngày 31-7-1999 tại quê nhà Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, trải qua nhiều cương vị công tác ở Liên khu 5. Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam và từng là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Hội trưởng Hội Văn nghệ Hà Tĩnh.

Là người ham mê văn nghệ, có kiến thức uyên thâm, thông thạo cả chữ Hán và tiếng Pháp, từ những ngày còn rất trẻ, Trần Hữu Thung đã sớm thành công trong việc dùng ngòi bút sáng tác trở thành vũ khí tuyên truyền, vũ khí đấu tranh. Trong cuộc đời cầm bút của mình, nhà thơ Trần Hữu Thung đã xuất bản trên dưới 20 tác phẩm như: Đồng tháng Tám (tập thơ đoạt giải Nhì về thơ của Hội Văn nghệ Việt Nam (1954-1955), Dặn con (thơ - 1955), Ngày thu ấy (thơ - 1957), Gió Nam (thơ - 1962), Hai Tộ hò khoan (thơ - 1961), Chị Nguyễn Thị Minh Khai (thơ - 1961)... Nền văn học Cách mạng Việt Nam mãi còn ghi dấu bài thơ Thăm lúa của nhà thơ Trần Hữu Thung, bởi đây là tác phẩm đầu tiên đạt giải thưởng văn học quốc tế (Bằng “Lauria” và Huy chương Vàng giải thưởng quốc tế tại Liên hoan Thanh niên thế giới tại Bucaret, Rumani năm 1953). Thơ của Trần Hữu Thung trong sáng, giản dị, lạc quan và luôn gần gũi phổ cập trong quần chúng nhân dân. Những tác phẩm của ông đã nằm lòng trong nhiều thế hệ độc giả yêu thơ Việt Nam.

Bên cạnh đó, Trần Hữu Thung còn viết văn xuôi, chủ yếu là những ghi chép, giữ lại những năm tháng, những kỷ niệm của quê hương đánh giặc. Trong gia tài văn học ông để lại, mảng bút ký, tiểu luận,... cũng thực sự là những “quặng vàng” mà chắc chắn những thế hệ hôm nay và mai sau, sẽ còn phải trầm trồ thán phục, biết ơn ông bởi tầng tầng lớp lớp giá trị về lịch sử, về văn hóa,... còn đang tiềm ẩn trong đó.

Bênh cạnh Huy chương vàng, giải thưởng thơ tại Liên hoan Thanh niên thế giới năm 1953, với tác phẩm Thăm lúa, nhà thơ Trần Hữu Thung còn được tặng nhiều giải thưởng uy tín như: giải thưởng Văn nghệ 1951-1952 cho tác phẩm Hai Tộ hò khoan; giải Nhì giải thưởng Văn nghệ 1954-1955 cho 2 tác phẩm Đồng tháng 8Dặn con

Với những đóng góp của mình, cố nhà thơ Trần Hữu Thung đã vinh dự được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2001.

Bìa cuốn sách "Trăm năm Trần Hữu Thung"

Tại buổi lễ, các đại biểu là nhà văn, nhà thơ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam cùng đại diện gia đình cố nhà thơ Trần Hữu Thung đã chia sẻ những nhận định về cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đánh giá cao về sự nghiệp và những cống hiến của cố nhà thơ Trần Hữu Thung cho văn học cách mạng nước nhà. Con người Trần Hữu Thung và tác phẩm của ông là một sự song hành đẹp đẽ,  ông đã sống và dâng hiến hết mình. Ông để lại những tác phẩm lớn, trong đó một tác phẩm bằng ngôn ngữ trong văn, thơ và một tác phẩm nữa là chính cuộc đời ông - một con người bình dị, chân thực, thẳng thắn, mãnh liệt và đầy dâng hiến. Hình ảnh và con người Trần Hữu Thung cũng như đời sống của ông, sáng tạo của ông lại trở nên giá trị vô cùng trong đời sống đương đại của chúng ta hiện nay.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng, các sáng tác của Trần Hữu Thung đã cho người đọc hôm nay thâm nhập cuộc kháng chiến vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh, hậu phương thứ 2 của cả nước thời 9 năm kháng chiến chống Pháp, giúp chúng ta hiểu hơn một thời kỳ con người vùng đất này đã sống, cống hiến, hy sinh xương máu cho nước nhà. Trần Hữu Thung là người tìm ra con đường riêng, từ kết tinh của văn học dân gian, không khí thời đại, để lại cho đời sau một di sản quý báu. Những đóng góp này xứng đáng để Trần Hữu Thung trở thành một tiêu biểu của văn học Việt Nam.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ, Trần Hữu Thung là người sống lặng lẽ, mặc dù rất nổi tiếng nhưng ông sống rất khiêm nhường, giản dị. Gắn mình trong công tác kháng chiến, tác phẩm của Trần Hữu Thung ngay từ buổi đầu đã mang những tình cảm chân thành, cảm động để tuyên truyền vận động quần chúng ở nông thôn.

DIÊN VỸ

;