TỔNG QUAN VỀ LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG Ở BẮC NINH

 

Bắc Ninh là tỉnh thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), có nhiều tiềm năng và thế mạnh về vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cần có cơ chế chính sách thúc đẩy, hỗ trợ, khôi phục và phát triển sản xuất ở các làng nghề, khuyến khích ảnh hưởng lan tỏa của các làng nghề ra khu vực lân cận, hình thành các làng nghề mới, các khu công nghiệp làng nghề, tiến tới di dời sản xuất của các doanh nghiệp vào khu công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các làng nghề phát triển bền vững, lâu dài, đồng thời giữ gìn môi trường sinh thái.

Để thực hiện tốt mục tiêu phát triển chiến lược lâu dài, Bắc Ninh cần nghiên cứu để hiểu biết sâu sắc về các ngành nghề, làng nghề thủ công truyền thống của địa phương; khảo sát phân tích thực trạng các làng nghề, trên cơ sở đó có những chính sách phù hợp, sát thực để đẩy mạnh phát triển và khôi phục các nghề và làng nghề thủ công. Cho đến nay, đã có một số chuyên khảo viết về một số làng nghề thủ công nổi tiếng ở Bắc Ninh như: Làng Đại Bái - Gò Đồng, Làng Vó và nghề đúc đồng truyền thống của Đỗ Thị Hảo; Gốm sành nâu ở Phù Lãng của Trương Minh Hằng; Làng tranh Đông Hồ của Nguyễn Thị Thái Lai… cùng với những biên chép của các học giả đi trước như: Địa chí Hà Bắc, Văn hiến Kinh Bắc, Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ, Sơ khảo lịch sử phát triển nghề thủ công Việt Nam, Tìm hiểu các nghề thủ công điêu khắc cổ truyền, Bắc Ninh thề và lực mới trong TK XXI… Những tư liệu đó đã cho ta một bức tranh toàn cảnh về ngành nghề và làng nghề thủ công ở Bắc Ninh theo các nhóm cơ bản sau đây:

Nghề dệt và các làng nghề dệt: đó là một nhóm các làng nghề tập trung ở thị trấn Từ Sơn và huyện Tiên Sơn bao gồm các làng: Lũng Giang, Nội Duệ, Đình Cả, Hoài Thượng, Hồi Quan… Các làng nghề dệt này trước hết có lịch sử hình thành từ lâu đời, trong sách Địa chí Hà Bắc cho biết: Dưới thời Lý - Trần - Hậu Lê là thời kỳ định hình và nở rộ nhiều nghề thủ công trong đó có những nghề nổi tiếng ở trong nước và nước ngoài (1). Có thể nhận định chắc chắn rằng nghề dệt đã xuất hiện khá sớm trong đời sống kinh tế của cư dân vì những sản phẩm của nghề dệt là mặt hàng thiết yếu nhất cho đời sống của người dân. Sự phát triển của nhóm nghề dệt không chỉ có lịch sử phát triển lâu đời, mà đã có thời phát triển rực rỡ. Tư liệu cho biết, thời Pháp thuộc, để đáp ứng cho nhu cầu buôn bán mặt hàng tơ lụa nhà nước đã mở thêm một ga tàu là ga Đình Cả để cho khách buôn bán về Nội Duệ mua tơ lụa, bán sợi. Gắn với nghề dệt còn có nghề trồng dâu, nuôi tằm, kéo sợi. Những tư liệu về buổi đầu Phật giáo vào nước ta và tín ngưỡng thờ tứ pháp đã cho biết từ xa xưa vùng phát triển nghề dệt cũng là vùng đất trồng dâu, có những cây dâu to như cây cổ thụ. Tư liệu lịch sử Phật giáo cho biết: Luy Lâu có nguồn gốc là Dâu; tiếng Hán phiên âm ra là Luy Lâu - một trong ba thị trấn cổ (Cổ Loa, Luy Lâu, Long Biên) của Việt Nam xưa, nằm trên bờ sông Dâu cách sông Đuống 5 km về phía Bắc. Luy Lâu có nghề trồng dâu, nuôi tằm rất phát triển, tơ lụa, vải vóc được làm ra nhiều. Nhiều con đường thủy, bộ quan trọng của Việt Nam đều qua Luy Lâu. Theo lịch sử Phật giáo Việt Nam, vị trí giao thông thuận tiện đó đã khiến cho Luy Lâu trở thành trung tâm thương mại lớn có tính quốc tế. Sản phẩm tơ lụa của các làng dệt lúc đó có thể đã đóng vai trò quan trọng trong các mặt hàng buôn bán ở thời điểm lịch sử này. Tư liệu trong Địa chí Hà Bắc cho biết: “Suốt một dải từ Văn Giang (từ năm 1946 thuộc tỉnh Hưng Yên) qua Thuận Thành lên đến bờ Ngũ huyện Khê và sông Cầu là một dải nương dâu liền mạch. Sản phẩm nghề dệt trong tỉnh chẳng những có thể đủ dùng hàng ngày, mà các sản phẩm cao cấp của nó còn phục vụ cho các lễ tiết hội hè rất nhiều trên xứ Bắc đặc biệt là các hội quan họ”(2). Tư liệu trên cho thấy đã có một thời ở Bắc Ninh các huyện Tiên Sơn, Thuận Thành và cả Yên Phong đã rất phát triển nghề trồng dâu, chăn tằm, ươm tơ, dệt lụa. Ngày nay, qua khảo sát thực tế nghề dệt và các làng nghề dệt xưa đã biến đổi rất nhiều. Có những làng nghề dệt như làng Đình Cả vào năm 2012 trong làng chỉ còn 100 máy dệt của các gia đình cá thể, sản phẩm đã biến đổi nhiều chủ yếu là dệt loại khăn thắt lưng để xuất khẩu sang Lào. Nhưng sang năm 2013 trong làng không còn một máy dệt nào hoạt động. Nguyên nhân chính là do sản phẩm không bán ra thị trường Lào. Thị trường trong nước chưa có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này. Trường hợp làng Hồi Quan xã Tương Giang lại có những biến đổi theo xu hướng tích cực trên các mặt: Về tổ chức sản xuất đã tiến tới đa dạng hơn; tổ chức sản xuất theo các hộ gia đình thủ công cá thể; một số gia đình ngoài các thành viên trong nhà còn thuê thêm các thợ ở trong làng và các làng phụ cận đến tại nhà làm thêm, thường xuyên trong nhà có tới 10 thợ làm nghề. Đặc biệt xã Tương Giang đã chỉ đạo cho làng Hồi Quan thực hiện quy hoạch khu công nghiệp với tổng diện tích là 8,3 ha = 290.800m2. Mục tiêu chính là tách riêng khu vực sản xuất với khu vực định cư của người dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để cho các gia đình thợ thủ công mở rộng sản xuất, đầu tư dây chuyền và máy công nghiệp hiện đại và bán công nghệ. Về sản phẩm của làng nghề đã có những biến đổi rõ rệt, người dân ở đây không chỉ tập trung vào các loại hàng dệt, mà còn chuyển sang hàng may theo dây chuyền công nghệ, chủ yếu may quần áo trẻ em. Riêng nghề kéo tơ, nếu như trước đây các làng dọc theo sông Cầu đều trồng dâu, nuôi tằm, kéo tơ, làng Chân Lạc đã lập đền thờ bà chúa dâu tằm. Đến nay, nghề kéo tơ đã biến đổi rõ rệt, trong hàng loạt các làng kéo tơ chỉ còn một làng Vọng Nguyệt với quy mô sản xuất nhỏ trong làng còn có ba gia đình theo nghề kéo tơ. Ngoài Vọng Nguyệt còn có các làng như: Đình Tổ (Thuận Thành), Tân Chi, Cảnh Hưng (Tiên Du) cũng có nghề kéo tơ truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay về số lượng sản phẩm lại rất ít và có khả năng nghề kéo tơ sẽ không duy trì được lâu.

Nhóm ngành nghề và làng nghề thứ hai ở Bắc Ninh là nghề mộc, chạm khắc gỗ. Trong tác phẩm Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ, P.Gourou xếp nhóm ngành nghề mộc vào công nghiệp gỗ và nhận định rằng: có một sự trùng hợp đáng chú ý giữa các vùng ngập nước, không làm được vụ mùa với những vùng có nhiều thợ mộc (3). Điều đó không có gì là lạ, vì những người thợ đó làm việc ở ngoài làng của họ, ở những nơi đó, trong nhiều tháng ròng, công việc đồng ruộng không có, dân chúng buộc phải tìm những công việc có lợi. Như vậy, không kể những ngoại lệ không đáng kể, tất cả những người thợ mộc đó đều đi làm ở các tỉnh ngoài địa bàn cư trú của mình. Theo P.Gourou, tỉnh Bắc Ninh có các địa phương như: Đại Vy (tổng Đại Vy, huyện Tiên Du), Hà Vy (tổng Hà Lỗ, phủ Từ Sơn) (4). Về lịch sử nghề mộc, sách Đại Việt sử ký toàn thư tập 1, tr.208 cho biết: Thời đại Lý - Trần với sự phát triển của đạo Phật, việc xây dựng các công trình kiến trúc chùa, tháp là yêu cầu cần thiết yếu đặt ra. Vua thì sai thợ tạo hơn ngàn pho tượng Phật, và hơn ngoàn bức tranh Phật, làm bảo phướn hơn vạn lá. Các hoàng thân quốc thích thì đua nhau xây đền, chùa, nghề mộc và chạm khắc gỗ cũng có cơ hội phát triển. Những dòng tư liệu trên đây có thể nhận thấy các làng nghề mộc ở Bắc Ninh trong đó có các làng ở 5 xã Hương Mạc, Phù Chuẩn, Phù Khê, Tam Sơn, Tương Giang, Quỳnh Phú ở Gia Bình được xem là các làng có nghề mộc phát triển. Riêng làng chạm khắc gỗ và làng mộc ở Phù Khê đã được nhắc đến trong nhiều công trình của các học giả đi trước trong đó có P.Gourou. Những ý kiến của người dân Phù Khê lưu truyền rằng: các thế hệ tiền bối của họ đã đi xây dựng đình, đền, chùa ở nhiều nơi; đình Diềm cũng có sự tham gia của thợ mộc và thợ chạm khắc Phù Khê. Nếu quả thực là như vậy, bức cửa võng có một không hai của đình Diềm lại do những người thợ tài ba của làng Phù Khê sáng tạo ra vào TK XVII. Tư liệu dân gian còn cho biết, khi Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, triều đình có nhu cầu xây dựng cung điện, thành quách nên đã tuyển chọn những nghệ nhân nghề mộc tài hoa ở các làng nghề mộc, trong đó có Phù Khê về chạm khắc rồng và các hoạt tiết trang trí kiến trúc cung điện. Nếu quả thực là như vậy thì nghề mộc ở Phù Khê trong đó có cả Hương Mạc đã phát triển khá sớm. Cũng có thể các thợ mộc ở Phù Khê và các xã khác (Hương Mạc, Phù Chuẩn…) cũng tham gia xây dựng các ngôi chùa đẹp nổi tiếng ở xứ Kinh Bắc. Thời điểm xuất hiện các làng nghề mộc cũng được xem là sớm; trước, sau hoặc cùng thời với nghề dệt. Bởi lẽ con người trong quá trình sinh sống cần dệt vải để phục vụ cho nhu cầu mặc và làm nhà để đáp ứng nhu cầu ở, lao động ra của cải vật chất để phục vụ nhu cầu ăn hàng ngày. Ăn, ở, mặc là nhu cầu thiết yếu cơ bản, đầu tiên cho quá trình tồn tại của con người. Nhìn chung, các làng nghề mộc ở Bắc Ninh đã có lịch sử ra đời và phát triển liên tục từ trước tới nay, trong những năm gần đây xuất hiện thêm các làng nghề mới tiêu biểu như làng gỗ Đồng Kỵ. Khảo sát làng nghề mộc, chạm khắc gỗ Phù Khê, một làng thủ công có truyền thống lâu đời và phát triển từ trước đến nay, nhận thấy ngày nay nghề mộc ở đây đã có nhiều biến đổi: về sản phẩm đã có nhiều chủng loại khác nhau; loại hàng bao gồm làm nhà cửa, các đồ gia dụng… loại hàng chạm có hương án, long khảm, hoành phi, cử võng, y môn, câu đối… Trong nhóm gỗ điêu khắc, người ta thường chia làm ba loại khác nhau: điêu khắc kiến trúc, điêu khắc trang trí nội thất, điêu khắc tôn giáo, tín ngưỡng trong đó chủ yếu là tượng tròn và đồ thờ. Về quy mô sản xuất ở Phù Khê đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất khác nhau từ các gia đình thợ thủ công cá thể, đến tập thể một số gia đình theo tinh thần hợp tác và chuyên môn hóa.

Nhóm các làng nghề gốm ở Bắc Ninh trong đó tiêu biểu có làng gốm Phù Lãng. Bàn về lịch sử ra đời của gốm Phù Lãng còn có nhiều ý kiến khác nhau của các nhà nghiên cứu (Trần Anh Dũng, Trần Đình Luyện cho biết là vào khoảng thời Lê, TK XV - XVIII, Trịnh Cao Tưởng cho rằng, làng gốm Phù Lãng ra đời trong khoảng TK XIII - XIV). Theo xác nhận của nhiều nguồn tư liệu có rất nhiều khả năng là nghề gốm Phù Lãng xuất hiện từ thời Trần. Nhưng hầu như những hiện vật được các nhà khảo cổ học tìm thấy vào thời điểm này hầu hết là loại hình gốm men, không có gốm sành. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, gốm men Phù Lãng có niên đại vào thời Lê. Về kỹ thuật, nghệ thuật tạo hình, trang trí sản phẩm, gốm Phù Lãng không thua kém sản phẩm gốm của các địa phương khác. Loại gốm này được người Việt Nam ưa dùng vì tính đắc dụng của nó. Trong cuộc sống hàng ngày xưa cũng như nay, không có một gia đình nông dân nào ở vùng đồng bằng Bắc Bộ không dùng đồ dùng là gốm Phù Lãng. Văn hóa làng nghề gốm Phù Lãng ngày nay đã thay đổi nhiều so với trước: về không gian cảnh quan làng xã hiện nay trong làng đã không còn một căn nhà tranh nào. Quy trình kỹ thuật tạo ra sản phẩm đã thay đổi nhiều ngay cả lò nung gốm cũng thay đổi cách nung và lò nung; chính điều đó đã làm cho sản phẩm của làng nghề có nhiều biến đổi. Từ chỗ chỉ làm những sản phẩm như: chum, vại, chậu… đã tiến tới sản xuất các bức tranh nghệ thuật gốm, gốm mỹ nghệ. Về tổ chức sản xuất đã có nhiều biến đổi rõ rệt. Có những cơ sở sản xuất như gốm Nhung có hàng nghìn mẫu mã khác nhau, thường xuyên có khoảng 200 công nhân. Ở Phù Lãng, gốm Nhung là cơ sở gốm mỹ nghệ đầu tiên, sau đó có thêm 5 cơ sở khác cùng đi vào khai thác mảng gốm mỹ nghệ. Hiện nay, tại Phù Lãng có 6 cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ bao gồm: gốm Nhung, gốm Thiều, gốm Minh Ngọc (còn gọi là gốm Tịnh), gốm Hồng Minh (còn gọi là gốm Minh Đội), gốm Bảo Nguyên, gốm Thượng Nguyên. Trong 6 cơ sở sản xuất gốm này, duy chỉ có cơ sở Thượng Nguyên là của người ngoài xã; còn lại đều là của người Phù Lãng. Nếu như trước đây các lò gốm Phù Lãng tồn tại nhờ phương pháp gia công hàng loạt những sản phẩm có ưu thế cạnh tranh về chất lượng và giá thành (bền và rẻ). Ngày nay ở Phù Lãng còn có các sản phẩm gia công đơn chiếc, gia cố công phu được bán với giá cao. Đẩy mạnh sản xuất gốm mỹ nghệ hiện đại là một trong những hướng phát triển lâu dài của Phù Lãng. Vì trên thực tế mặt hàng này mang lại giá trị kinh tế khá cao. Có thể nhận thấy rất rõ quá trình biến đổi về sản phẩm của nghề gốm Phù Lãng, biểu hiện trên cả hai phương diện văn hóa làng và văn hóa nghề.

Nhóm làng nghề thứ ba ở Bắc Ninh là đúc, gò đồng. Trong đó ở địa bàn tỉnh Bắc Ninh có làng Đại Bái, xã Đại Bái, huyện Gia Bình đang tồn tại và phát triển. Làng Quảng Bố (làng Vó), xã Quảng Phú, huyện Lương Tài về địa danh hành chính ở hai huyện khác nhau, song hai làng có nghề đúc, gò đồng lại giáp nhau. Tác giả Đỗ Thị Hảo nhận định: Điều có thể khẳng định được là trong nghề đồng ở nước ta, đầu tiên chắc là nghề luyện đồng, đúc đồng như truyền thống Đông Sơn từ nhiều thế kỷ trước CN. Đến một giai đoạn nhất định, do tình hình phát triển và nhu cầu xã hội, nghề gò đồng đã nổi bật lên mà Đại Bái là một trung tâm thịnh vượng, muộn nhất cũng vào TK XV, XVI. Người có công sáng tạo ra nghề gò đồng ấy là Nguyễn Công Truyền. Về tiểu sử của ông còn phải được nghiên cứu xác minh thêm. Trên thực tế, những người thợ thủ công và nghệ nhân của nghề này đều thừa nhận, Nguyễn Công Truyền là vị tiền tiên sư, người đầu tiên sáng lập ra các nghề của họ. Làng Đại Bái có 4 xóm: xóm Tây, xóm Ngoài, xóm Giữa và xóm Sôn. Xưa kia mỗi xóm chuyên sản xuất một loại hàng nhất định. Xóm Tây chuyên về đánh mâm, xóm Ngoài chuyên làm nồi, xóm Giữa làm ấm siêu và xóm Sôn chuyên đánh chậu. Tất cả đều là gia đình các thợ thủ công gò đồng, đời đời truyền kinh nghiệm cho nhau trong gia đình, trong ngõ xóm. Những người làm nghề như vậy, đều tự xem là ở trong một phường. Ngày nay, làng Đại Bái cũng như làng Vó vẫn tiếp tục phát triển nghề truyền thống với những hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh cùng với sự cải tiến kỹ thuật, tư trang, tự chế ra máy móc áp dụng có hiệu quả trong sản xuất, tạo ra những sản phẩm đa dạng, độc đáo và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm không chỉ trong nước, mà còn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Ngoài ba nhóm nghề như đã nêu ra trên đây, ở Bắc Ninh còn có một số làng nghề khác hiện tồn tại ở nhiều tình trạng khác nhau: làng tranh Đông Hồ, nghề làm hương làng Chóa, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong; nghề rèn sắt Nga Hoàng, huyện Quế Võ; nghề làm nón lá Môn Quảng, Gia Bình; nghề làm giấy dó Đống Cao, xã Phong Khê, TP Bắc Ninh; nghề làm đậu gù Trà Lâm, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành; nghề làm bánh cuốn ở Mão Điền, huyện Thuận Thành; nghề mây tre đan ở Du Tràng, xã Giang Sơn, huyện Gia Bình… Trong đó có các nghề và làng nghề vẫn tiếp tục phát triển trong diễn trình lịch sử cho đến nay, cũng có các làng nghề đang trong tình trạng bị mai một, tiêu biểu là làng tranh Đông Hồ và một số làng nghề dệt Lũy Giang, Đình Cả, Nội Duệ. Mặc dù vậy, trong xu thế phát triển đa thành phần kinh tế, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các ngành nghề và làng nghề thủ công, trong đó có các nghề, làng nghề truyền thống và mới phát triển, luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế của người dân của tỉnh Bắc Ninh nói riêng và các địa phương nói chung.

_______________

1, 2. Địa chí Hà Bắc, Thư viện tỉnh Hà Bắc xb, Hà Bắc, 1967.

3, 4. P.Gourou, Người nông dân châu thổ Bắc kỳ, Nxb Trẻ, TP.HCM, 1936.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 353, tháng 11-2013

Tác giả : Đinh Công Tuấn

;