Ngày 24-6, tại Hải Phòng, Bộ VHTTDL phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Quảng cáo và các văn bản quy định chi tiết. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam đã tới dự Hội nghị.
Tham dự còn có đại diện một số cơ quan Ban, ngành T.Ư; lãnh đạo Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam; các cơ quan chức năng thuộc Bộ VHTTDL; Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy phát biểu tại Hội nghị
Tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc cải thiện môi trường kinh doanh
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: Sau 10 năm thực hiện, Luật Quảng cáo và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng hơn giữa các doanh nghiệp; thúc đẩy cạnh tranh; phát triển cơ sở hạ tầng quảng cáo ngoài trời hiện đại; phát triển thị trường quảng cáo với đa dạng các hình thức, dịch vụ đáp ứng được nhu cầu của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc triển khai thực hiện Luật Quảng cáo còn thu được nhiều kết quả tích cực như: đảm bảo mỹ quan đô thị; hạn chế tối đa các hành vi quảng cáo sai sự thật, quảng cáo phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục…
Báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật Quảng cáo của Bộ VHTTDL cho biết: Sau khi Luật Quảng cáo được ban hành, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quảng cáo tiếp tục được đẩy mạnh. Đến tháng 12 năm 2013, hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Quảng cáo lần lượt được ban hành, cụ thể Nghị định số 181/2013/ NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Quảng cáo, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; Thông tư số 10/2013TT-BVHTTDL ngày 06/12/2013 của Bộ VHTTDL quy định chi tiết thi hành Luật Quảng cáo; Thông tư số 19/2013/TT-BXD ngày 31/10/2013 của Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về về phương tiện quảng cáo ngoài trời; Thông tư số 66/2014/TT-BTC ngày 20 tháng 5 năm 2014 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Bên cạnh các văn bản trong lĩnh vực quảng cáo, nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực có liên quan như Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thông tin và truyền thông… cũng đã có quy định về hoạt động quảng cáo trong từng lĩnh vực, nhưng khá thống nhất, đồng bộ, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động quảng cáo phát triển. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến luật cũng được tăng cường trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ VHTTDL tổ chức nhiều hội nghị tập huấn cho các địa phương...
Những hạn chế, bất cập cần sửa đổi
Ngoài những kết quả đạt được, báo cáo cũng nêu rõ những hạn chế trong 10 năm thực hiện Luật Quảng cáo. Cụ thể, nội dung quảng cáo do các doanh nghiệp quảng cáo Việt Nam thiết kế vẫn còn nghèo nàn, đơn điệu, không thu hút được khách hàng và không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Xuất hiện nhiều nội dung quảng cáo, cho dù không vi phạm pháp luật, nhưng rất phản cảm, gây ra nhiều tranh cãi, bất ổn trong xã hội; quảng cáo không phản ánh đúng sự thật, đưa ra các bằng chứng không được kiểm chứng khiến cho người tiêu dùng bị ảnh hưởng khi mua các sản phẩm, dịch vụ được quảng cáo. Doanh thu của các phương tiện quảng cáo truyền thống sụt giảm mạnh do các quy định của pháp luật chưa theo kịp sự phát triển của xã hội cũng như tác động của dịch COVID-19 kéo dài. Tiềm ẩn bất cập trong việc cung cấp thông tin trung thực, chính xác về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ với các loại hình quảng cáo trên Internet, mạng xã hội thông qua người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng (KOLs). Một số quy định chưa cụ thể, rõ ràng về thủ tục hành chính như một số loại giấy tờ trong hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn, đoàn người thực hiện quảng cáo; thời hạn của bảng quảng cáo… còn gây khó khăn trong việc thực hiện.
Mặt khác, trong 10 năm qua, tình hình đất nước và bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi tác động đến việc thực hiện Luật Quảng cáo. Việt Nam đã có nhiều thay đổi với nhiều cam kết quốc tế; sự phát triển khoa học, công nghệ quảng cáo trên thế giới tác động đến xu hướng phát triển của ngành quảng cáo. Ở nước ta tác động từ những thay đổi trong quan hệ kinh tế - xã hội, các cơ chế chính sách mới gặp nhiều khó khăn, một số quy định chưa phù hợp với điều kiện thực tế. Vì vậy việc tổng kết, đánh giá và đề xuất xây dựng Luật Quảng cáo (sửa đổi) trong thời điểm này trở thành một nhiệm vụ khách quan có tính bức thiết; nhằm định hướng xây dựng; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp quảng cáo, tạo dựng hành lang pháp lý phù hợp để tăng cường hiệu quả quản lý các hoạt động quảng cáo trên cả nước trong thời gian tới.
Quang cảnh Hội nghị
Bộ VHTTDL đã đề xuất một số chính sách cần sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kiến nghị của các Bộ, Ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cử tri, đại biểu Quốc hội nhằm giải quyết những bất cập tại Luật Quảng cáo như sau:
Để tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài trong thị trường quảng cáo Việt Nam, cần sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức, cá nhân nước ngoài không hoạt động tại Việt Nam có nhu cầu quảng cáo về sản phẩm hàng hóa dịch vụ và hoạt động của mình tại Việt Nam và các quy định đối với hoạt động đầu tư, hợp tác của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài.
Nhằm đảm bảo sự phù hợp của nội dung quảng cáo, tránh gây bức xúc trong xã hội, cần sửa đổi, bổ sung quy định về cơ chế hoạt động của Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo; hiệu lực pháp lý của Kết quả thẩm định, đồng thời tăng cường yêu cầu của việc xây dựng và thực thi Quy tắc ứng xử.
Sửa đổi, bổ sung các quy định về thời lượng quảng cáo cho phép trên chương trình phim truyện dựa trên thời lượng chương trình để phù hợp và đảm bảo khả năng tự chủ tài chính của các đài truyền hình và nâng cao chất lượng các chương trình truyền tổng hợp vụ của người dân;
Sửa đổi, bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nhằm xác định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo, nhất là người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, ngăn ngừa quảng cáo không trung thực, quảng cáo sai sự thật. Một số nội dung về thủ tục hành chính tại Luật Quảng cáo (thời hạn treo) băng-rôn; một số thành phần hồ sơ trong thủ tục thông báo sản phẩm quảng cáo trên băng quảng cáo, băng-rôn; người thực hiện quảng cáo…
Tại Hội nghị, nhiều tham luận về hoạt động quảng cáo của các địa phương đã được trình bày, đóng góp ý kiến như: Lâm Đồng, Thanh Hóa, Hải Dương, Đà Nẵng, TP.HCM, Hải Phòng…; ý kiến của đại diện Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam... nhằm sửa đổi và hoàn thiện Luật Quảng cáo.
Phát biểu tổng kết Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã ghi nhận các ý kiến đóng góp tại hội nghị và đề nghị các cơ quan chức năng của Bộ, Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ phụ trách lĩnh vực quảng cáo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quảng cáo nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo, trong đó chú trọng công tác phối hợp liên ngành, xây dựng quy chế phối hợp liên ngành. Tiếp sau hội nghị này, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên ngành, chuyên sâu nhằm tiếp tục lấy ý kiến đóng góp sửa đổi Luật Quảng cáo.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy trao Bằng khen của Bộ VHTTDL cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Luật Quảng cáo
Trong dịp này, Bộ VHTTDL đã trao Bằng khen cho 23 tập thể có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Luật Quảng cáo.
Bài, ảnh: LINH GIANG