Ngày 25-6-2022 tại huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam đã diễn ra hội thảo khoa học "Văn hóa đồng chiêm Bình Lục - truyền thống và hiện đại" do Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam và Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc và tổ chức.
Tham dự hội thảo có ông Trần Xuân Lộc - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Nam; ông Lê Xuân Huy - Bí thư Huyện ủy huyện Bình Lục; ông Trần Xuân Dũng - Chủ tịch UBND huyện Bình Lục; các nhà nghiên cứu: PGS, TS Phạm Lan Oanh - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; PGS, TS Bùi Xuân Đính - Hội Dân tộc học Việt Nam; GS, TS Trịnh Sinh - Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, TS Nguyễn Minh San - Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc...
.
Toàn cảnh hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo ông Lê Xuân Huy - Bí thư Huyện ủy huyện Bình Lục cho rằng: Các công trình nghiên cứu và thành tựu khoa học về văn hóa đồng chiêm có đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, trong thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, giao lưu và hội nhập quốc tế sâu rộng và tác động sâu sắc tới đời sống của nhân dân. Văn hóa đồng chiêm còn là tài nguyên vô giá, sức mạnh to lớn trong đổi mới và phát triển bền vững quê hương Bình Lục...
Ông Lê Xuân Huy - Bí thư huyện ủy huyện Bình Lục phát biểu khai mạc hội thảo
Đây là lần đầu tiên hội thảo khoa học về chủ đề văn hóa đồng chiêm ở huyện đồng chiêm Bình Lục - vùng đất cổ, nơi "rốn nước" của châu thổ sông Hồng, đồng bằng Bắc Bộ. Với 40 tham luận của các nhà khoa học đến từ trung ương và tỉnh Hà Nam, đã đề cập tới nhiều lĩnh vực như văn hóa nghệ thuật, lịch sử, địa lý, quân sự, kinh tế, chính trị, xã hội… Tiêu biểu như tham luận: "Công cuộc khai phá vùng chiêm trũng Bình Lục - qua tư liệu khảo cổ học" của GS, TS Trịnh Sinh; “Thái ấp Quắc Hương với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời Trần và quá trình xây dựng, phát triển vùng chiêm trũng Bình Lục” của PGS, TS Nguyễn Thị Phương Chi; các nghiên cứu về "Làng đồng chiêm" của PGS, TS Bùi Xuân Đính, "Thờ Nước - tín ngưỡng dân gian đặc sắc của xứ Đồng chiêm Bình Lục" của TS Võ Hoàng Lan... Ngoài ra còn có nhiều bài tham luận về ẩm thực đồng chiêm, nghề và làng nghề truyền thống, về truyền thống hiếu học của người dân Bình Lục, về Bác Hồ với Bình Lục, Bình Lục với Bác Hồ...
PGS, TS Phạm Lan Oanh - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia tổng kết hội thảo
Tổng kết hội thảo PGS, TS Phạm Lan Oanh khẳng định: “Từ sinh thái trũng thấp, lầy lụt là chủ yếu, văn hóa đồng chiêm là sáng tạo của bao thế hệ người dân Bình Lục, nhằm thích nghi với môi trường, nương theo để thích nghi với môi trường tự nhiên để mưu sinh và phát triển... văn hóa đồng chiêm từ truyền thống đã được khẳng định và trở thành di sản văn hóa đang hiện tồn trong đời sống, có đầy đủ dáng vẻ của văn hóa sinh thái vùng trũng châu thổ Bắc Bộ”.
Tin, ảnh: H.MẠNH