Phong phú các hoạt động kỷ niệm 200 năm Ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu

Sáng 20-6, tại Bến Tre, Lãnh đạo tỉnh đã tổ chức Họp báo thông tin về các hoạt động kỷ niệm 200 năm Ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1/7/1822 - 1/7/2022) và 30 năm Ngày hội truyền thống văn hóa tỉnh Bến Tre (1/7/1992 - 1/7/2022) với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu Hà Nội.

Dự buổi họp báo, tại điểm cầu Bến Tre có: Trưởng Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy, Hiệu Trưởng Trường Chính trị tỉnh Cao Văn Dũng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười; GS,TS Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; Giám đốc Sở VHTTDL Bến Tre Nguyễn Văn Bàn; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bến Tre Trịnh Minh Châu. Tại Điểm cầu Hà Nội, có PGS,TS Phạm Lan Oanh - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

Tại kỳ họp lần thứ 41 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO, diễn ra từ ngày 9 đến 24-11-2021 tại Paris, Pháp), đã chính thức thông qua hồ sơ khoa học danh nhân Nguyễn Đình Chiểu của Việt Nam trong danh sách các danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử có tầm vóc quốc tế niên khóa 2022 - 2023.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười chia sẻ về thân thế, sự nghiệp của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu

UNESCO khẳng định: “Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam; tấm gương vượt qua nghịch cảnh và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời”. Ngoài sáng tác thơ văn, ông còn là một nhà giáo được người đời quý mến về tài năng, đức độ. Trọn đời dốc lòng dạy dỗ, truyền thụ cho môn sinh đạo làm người, đạo lý truyền thống của dân tộc. Điều đáng khâm phục nữa là khi bị mù, Nguyễn Đình Chiểu mới học làm thuốc và trở thành một thầy thuốc giỏi, một lương y tinh thông về y lý phương Đông và y lý Việt Nam. Có thể nói, trên thế giới hiếm có danh nhân nào đạt trên cả 3 lĩnh vực đồ sộ như Nguyễn Đình Chiểu: Thơ văn, Thầy giáo, Thầy thuốc.

Nói về thân thế, sự nghiệp của cụ Nguyễn Đình Chiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười chia sẻ, Bến Tre không phải là nơi cụ Nguyễn Đình Chiểu sinh ra, nhưng vinh hạnh là vùng đất được bầu chọn là nơi sinh sống suốt 26 năm cuối đời và yên nghỉ mãi mãi của cụ tại nơi đây. Nguyễn Đình Chiểu đã sống một cuộc đời theo đạo nghĩa trong biến loạn vẫn giữ gìn được phẩm chất thanh cao. Không chỉ là người con có hiếu, người thầy giáo, người thầy thuốc mẫu mực, ông còn là nhà thơ yêu nước điển hình, có quan niệm văn chương nhất quán, chính nghĩa, công bằng và bộc lộ thương dân, yêu nước. Những cống hiến của Nguyễn Đình Chiểu trong văn học, y học và yêu nghề sâu sắc của ông được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đánh giá rất cao… Đặc biệt từ năm 1992 đến nay tỉnh Bến Tre lấy ngày mùng 1-7, ngày sinh của cụ là ngày truyền thống văn hóa của tỉnh. Di tích Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu là địa điểm về nguồn nhằm giáo dục truyền thống của người dân Bến Tre và cả nước...  

Giám đốc Sở VHTTDL Bến Tre  Nguyễn Văn Bàn thông tin về các hoạt động trong Lễ kỷ niệm

Thông tin về các hoạt động dịp Lễ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1/7/1822 - 1/7/2022); 30 năm Ngày hội truyền thống văn hóa tỉnh Bến Tre (1/7/1992 - 1/7/2022), Giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Văn Bàn cho biết: Từ ngày 6 đến 9-6-2022, Bến Tre phối hợp các tỉnh, thành (Long An, TP.HCM, Thừa Thiên Huế) tổ chức hành trình theo bước chân cụ Đồ tại các tỉnh thành có lưu dấu Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu; từ ngày 18 đến 21-6-2022, tổ chức Hội diễn Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông lần thứ XVIII, quy tụ 13 đoàn nghệ thuật quần chúng đến từ các tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Trường Đại học Cần Thơ tham dự nhằm tuyên truyền kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu; tổ chức Giải Bến Tre Marathon, Hội chợ thương mại - Ẩm thực xứ Dừa năm 2022 và phá kỷ lục, xác lập kỷ lục thế giới 222 món ăn từ dừa. Thực hiện quy trình xác lập kỷ lục Việt Nam, kỷ lục thế giới đối với quyển sách thư pháp khổ lớn “Nguyễn Đình Chiểu thi tuyển” có kích thước 1,4 x 1,8m.

Các sự kiện trọng điểm nằm trong chuỗi hoạt động nhằm cam kết với UNESCO khi trình hồ sơ đề nghị tôn vinh, cụ thể: Trưng bày “Nguyễn Đình Chiểu cuộc đời và sự nghiệp” sẽ được khai mạc vào sáng ngày 28-6-2022 tại Di tích quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, gửi trưng bày ảo đến trụ sở của UNESCO tại Pháp. Nội dung trưng bày sẽ công bố những hiện vật, tài liệu liên quan đến Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu vừa được sưu tầm; Hội thảo khoa học quốc tế Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu với chủ đề “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay” diễn ra vào ngày 29-6-2022 tại khách sạn DiamondStars, thành phố Bến Tre. Hội thảo quy tụ các nhà khoa ở các nước Pháp, Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc đăng ký tham dự và nhận được hơn 100 bài tham luận của các tác giả trong và ngoài nước để tập hợp in thành kỷ yếu; Lễ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu; 30 năm Ngày hội truyền thống văn hóa tỉnh Bến Tre vào lúc 20 giờ ngày 30-6-2022 tại Di tích quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre với 1.000 đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương, đại diện tổ chức UNESCO, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Tổng Lãnh sự một số nước; các tỉnh, thành phố, lãnh đạo và Nhân dân tỉnh Bến Tre. Sau phần lễ là chương trình nghệ thuật đặc sắc tái hiện cuộc đời và sự nghiệp Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu với sự tham gia của các diễn viên, nghệ sĩ, nghệ nhân trong và ngoài nước.

Toàn cảnh buổi họp báo

Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre chủ trì phát động “Ngày hội Văn hóa xứ Dừa” tại 968/968 ấp, khu phố trên địa bàn toàn tỉnh, tập trung từ ngày 27-6 đến ngày 3-7-2022. Ngày hội sẽ tập trung tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu; lịch sử, ý nghĩa Ngày Gia đình Việt Nam; nêu gương người tốt, việc tốt; các hoạt động xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc; xây dựng môi trường gia đình, cộng đồng, xã hội an toàn, lành mạnh. Nội dung tổ chức gồm: sinh hoạt văn hóa cộng đồng (Nói thơ Vân Tiên; ngâm thơ, hò, vè; ca tài tử...); các hoạt động trò chơi dân gian xứ Dừa (kéo co, đi cầu dừa, đi trên gáo dừa, leo dừa, bó đuốc lá dừa); trưng bày mâm cơm gắn với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”,… Ngoài ra còn có các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Ba Tri tổ chức như: Liên hoan Đờn ca Tài tử và Nói thơ Vân Tiên, Diễu hành trang phục áo dài, hội thi ẩm thực Hương vị miền biển, Mâm cơm ngày giỗ, hội thi đua bè chuối, đua xuồng, trò chơi dân gian…

Tại buổi họp báo, GS, TS Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã thông tin về nội dung chính của hoạt động Hội thảo khoa học quốc tế “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu”. GS, TS Nguyễn Chí Bền cho biết, trong thực tế, gần 160 năm tiến trình nghiên cứu về cụ Nguyễn Đình Chiểu, mới chỉ có 2 hội thảo khoa học trong nước. Năm 1972, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức 2 hội nghị khoa học về Cụ. Hai nhà khoa học ở Liên Xô (trước đây), ở Trung Quốc gửi tham luận tham gia, chứ không đến trực tiếp. Năm 1982, đất nước thống nhất được 7 năm, lần đầu tiên hội nghị khoa học quốc gia về Cụ được tổ chức tại Bến Tre ngày 29 và 30-6 với sự tham gia của gần 200 nhà khoa học đến từ các viện, các trường đại học trong cả nước.

GS,TS Nguyễn Chí Bền thông tin về nội dung chính của hoạt động Hội thảo khoa học quốc tế “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu”

Để tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay”, Ban tổ chức đã gửi thư mời 23 nhà khoa học nước ngoài và 108 nhà khoa học trong nước ở 11 địa phương. Ban Tổ chức đã lựa chọn 96 tham luận của các tác giả (17 tham luận của tác giả nước ngoài, 79 tham luận của các tác giả trong nước) in trong Kỷ yếu hội thảo.

Các nội dung chính của hội thảo: Nguyễn Đình Chiểu  trong lịch sử Việt Nam, khu vực và quốc tế nửa sau TK XIX; Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu với vận mệnh quốc gia, số phận con người trong chiến tranh qua nghệ thuật văn chương; Tư tưởng nhân văn của Nguyễn Đình Chiểu; Tư duy tiến bộ về giải phóng con người trong những tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu; Đổi mới lý thuyết và cách tiếp cận truyện Nôm, văn tế và thơ Đường luật của Nguyễn Đình Chiểu; Nhìn lại văn bản công bố tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu trong nước và nước ngoài; Nhân cách văn hóa Nguyễn Đình Chiểu, những giá trị văn hóa trường tồn. Tinh thần hiếu học của Nguyễn Đình Chiểu trong xã hội thế kỷ XIX và dòng chảy lịch sử; Giá trị văn hóa, sức sống, tầm ảnh hưởng các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu với đương thời và hôm nay; Bảo vệ và phát huy giá trị tư tưởng, nhân cách của Nguyễn Đình Chiểu trong bối cảnh hội nhập quốc tế; Di sản Nguyễn Đình Chiểu và phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam, du lịch danh nhân ở Việt Nam nói chung, Bến Tre nói riêng…

Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế đã được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật biên tập và ấn hành, gồm 2 tập. Đây là một hội thảo quốc tế lớn có sự tham gia của các nhà khoa học đến từ các quốc gia, các nhà khoa học trong nước đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học, với cách tiếp cận khác nhau. Nội dung đề cập khác nhau, nhưng đều khẳng định tầm vóc nhân loại của một danh nhân văn hóa Việt Nam được Đại hội đồng UNESCO thông qua Nghị quyết 41C/15 vinh danh và đồng kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Nguyễn Đình Chiểu.

NGỌC BÍCH

;