Sáng 18-6, Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X năm 2022 đã diễn ra tại Đà Nẵng với sự tham dự của 138 đại biểu được lựa chọn từ hàng trăm đề cử ở các địa phương. Chương trình do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các nhà văn trẻ có cơ hội được giao lưu, học hỏi về nghề viết văn từ các thế hệ đi trước, đồng thời đây là dịp để tôn vinh, khuyến khích các cây bút trẻ hăng hái sáng tạo hơn nữa.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu dự Hội nghị
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL; Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng; Nguyễn Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Về phía Hội Nhà văn có: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Nhà thơ Hữu Thỉnh, Cố vấn BCH, nguyên Bí thư Đảng đoàn, nguyên chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, nguyên Bí thư Đảng đoàn, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
Ngoài ra, còn có các nhà văn, nhà thơ tiêu biểu, đại diện cho các Hội đồng và các Ban chuyên môn, các nhà văn đạt giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh. Đặc biệt, có sự góp mặt của đông đảo các tác giả trẻ, đại diện cho những người viết văn trẻ gồm nhiều dân tộc anh em từ các vùng miền trong cả nước về tham dự.
Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X là hội nghị có số lượng đại biểu nhiều nhất so với hai hội nghị liền kề trong 10 năm gần đây. Các đại biểu thuộc các chuyên ngành: thơ, văn xuôi, lý luận phê bình, dịch thuật… đến từ nhiều địa phương, ngành nghề, công việc khác nhau, cho thấy sự đa dạng trong đội ngũ những người viết trẻ.
Mở đầu Hội nghị, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đã có bài diễn văn khai mạc, nhấn mạnh sự hiện diện của 100 nhà văn trẻ đại diện cho hàng ngàn những người viết trẻ toàn quốc đã mag đến những tín hiệu tốt đẹp cho tương lai của nền văn học Việt Nam. Những nhà văn trẻ Việt Nam có nhiều cơ hội, điều kiện để sáng tạo, công bố và quảng bá tác phẩm. Con đường sáng tạo nằm ngay dưới chân họ, tương lai của nền văn học phụ thuộc vào sự dấn thân của họ. Trái tim họ, trí tuệ họ sẽ quyết định những bước đi của họ. Và tương lai của nền văn học Việt Nam phụ thuộc vào sự dấn thân của các nhà văn trẻ trên con đường sáng tạo của mình.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều báo cáo diễn văn khai mạc
Dân tộc ta đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử để dựng nên những trang sử vẻ vang, đáng tự hào, bao thế hệ đã làm nên sự kỳ vĩ của văn hóa Việt Nam từ khi còn rất trẻ. Điều lớn lao nhất chúng ta nhận ra ở họ đó là sự ngập tràn khát vọng, ý chí sống mãnh liệt, tinh thần hiến dâng cho Tổ quốc, cho nhân dân, không gì có thể khuất phục.
Chúng ta đang sống trong thời đại tiến bộ của khoa học, sự rộng mở của dân chủ nhưng phải đương đầu với nhiều thách thức, trong đó có con đường làm người và bảo vệ những giá trị mang tên người để làm nên giá trị vĩnh hằng. Chủ đề của hội nghị “Vì sao chúng ta viết?” đồng thời là câu hỏi phải luôn được vang lên ở bất cứ điều kiện nào khi nhà văn cầm bút. Họ cần viết bằng sự rung động, sáng tạo để vẻ đẹp ấy dù bất cứ thăng trầm nào vẫn ngập tràn giá trị trong đời sống. Mỗi trang viết phải là những nhịp cầu lớn lao, mạnh mẽ và bền chắc để mang yêu thương đến đời sống con người.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng chia sẻ, các nhà văn trẻ hôm nay được tiếp xúc với những nền văn học và văn hóa phong phú, khác biệt hơn các thế hệ nhà văn đi trước, được tiếp nhận nhiều hơn những thông tin đa chiều, có nhiều điều kiện công bố tác phẩm hơn và được sống trong một nền dân chủ ngày càng được mở rộng. Nhưng điều mang tính sống còn của mọi nhà văn và mọi nền văn học là lương tri. Nếu mỗi trang viết của nhà văn không chứa đựng lương tri của con người và của dân tộc mình thì những gì họ viết ra lại trở thành sự phản bội chính nghệ thuật mà họ theo đuổi.
Nhà thơ Hữu Việt, Trưởng Ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Trong báo cáo tại Hội nghị mang tên “Những người mở cánh cửa của cái đẹp”, nhà thơ Hữu Việt, Trưởng Ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam đưa ra các đề xuất nhằm khuyến khích người viết trẻ: Để có một thế hệ nhà văn tương lai tài năng như chúng ta mong muốn, quả thật rất cần “trồng” ngay từ bây giờ.
Ngoài nỗ lực tự đào tạo, vốn được coi là công việc bắt buộc của người cầm bút, thì chỉ có sự hỗ trợ và đầu tư từ nguồn lực Nhà nước, Hội Nhà văn Việt Nam mới có thể đưa những cây bút trẻ tiềm năng đến những trường Đại học tốt nhất, những trung tâm văn học thế giới, hoặc ở mức thấp hơn, tới những cộng đồng văn chương ở đẳng cấp cao để những cây bút đó thu lượm, tích lũy, học hỏi, làm giàu tri thức, hiểu biết và nâng tầm hướng tới những cuộc chinh phục đỉnh cao văn chương trong tương lai.
Hoặc theo cách ít tốn kém hơn mà vẫn hiệu quả, đó là hằng năm chúng ta có nguồn kinh phí để mời những tên tuổi lớn của văn học thế giới sang Việt Nam thỉnh giảng, giao lưu, trao đổi với các nhà văn Việt Nam, đặc biệt là các nhà văn trẻ về văn học thế giới. Việc tiếp theo là mong Nhà nước có chính sách khuyến khích mạnh mẽ người viết trẻ thông qua các cuộc thi, bằng các giải thưởng văn học mang giá trị cao, để người viết trẻ nào còn phân vân ở lằn ranh giữa viết và không viết, giữa “ở lại với văn chương” hay “rời đi làm công việc khác”. Cổ vũ, động viên những người viết trẻ, chính là cổ vũ cho tương lai của văn học.
Cũng nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi hai thư và quà tặng hai đại biểu: tác giả Vũ Nguyên - người sinh ra đã thiệt thòi, khiếm khuyết về cơ thể, nhưng tràn đầy khát vọng cao đẹp với văn chương; tác giả Trần Phú Minh Anh - đại biểu trẻ tuổi nhất tại Hội nghị. Trong thư, Chủ tịch nước bày tỏ niềm vui, xúc động và hy vọng các tác giả tiếp tục giữ ngọn lửa đam mê sáng tác và khát vọng trong cuộc sống. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng gửi quà tặng các đại biểu tham dự Hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, thông điệp xuyên suốt cũng như khẩu hiệu đặt ra ở hội nghị là “Vì sao chúng ta viết?”. Chính thông điệp này đã đặt ra cho những người tham dự hội nghị phải luận giải và tự trả lời. Trong đó, Bộ trưởng bày tỏ tâm đắc với phát biểu của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong diễn văn khai mạc rằng, câu hỏi “Vì sao chúng ta viết?” tuy không mới nhưng vô cùng cần thiết và cấp bách đối với mỗi người ngồi xuống sáng tác văn chương khi họ phải tự trả lời câu hỏi: Viết để làm gì? Viết cho ai và trên tinh thần tư tưởng nào?
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội nghị
Đối với góc độ là những người làm công tác quản lý Nhà nước về văn hóa, Bộ trưởng chia sẻ cần phải hiểu đúng, hiểu sâu về văn học - một lĩnh vực hết sức tinh tế, để có cách nhìn và ứng xử đúng với tác phẩm văn học, đúng với công sức mà nhà văn đã bỏ ra trên cánh đồng nghệ thuật mà họ cày xới thẫm đẫm mồ hôi.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Văn học có chức năng nhận thức, chức năng giáo dục và chức năng thẩm mỹ. Để thực hiện được những chức năng đó không hề đơn giản. Các thế hệ nhà văn đều dấn thân vì những chức năng cao quý này, sáng tạo các tác phẩm văn học có giá trị, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chính những tác phẩm văn học phong phú, đa dạng, nối tiếp nhau qua các thế hệ đã góp phần xây dựng và phát triển nền văn học của nước nhà, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, tôn vinh.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Bộ VHTTDL sẽ đồng hành với Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, cùng trả lời câu hỏi "Vì sao chúng ta viết?". Tuy nhiên, văn học là lĩnh vực khó, nên xét ở góc độ quản lý nhà nước, khó có một quy định pháp luật nào thật đầy đủ và bao quát. Muốn nhà văn cày xới được trên cánh đồng chữ nghĩa, Nhà nước phải tạo ra được hành lang pháp lý thuận lợi nhất, tạo ra động lực cho sự phát triển, nghĩa là bằng các văn bản quy phạm pháp luật để tạo ra sức bật mới.Bộ VHTTDL đã báo cáo với Chính phủ cho phép xây dựng một nghị định về hoạt động văn học - nghệ thuật và giao cho Cục Nghệ thuật Biểu diễn làm việc với Hội Nhà văn Việt Nam để lắng nghe ý kiến.
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các cuộc hội thảo giữa Bộ VHTTDL và Hội Nhà văn Việt Nam trong thời gian tới sẽ xây dựng được cơ sở pháp lý cho hoạt động văn học - nghệ thuật để đáp ứng được thực tiễn đang vận động và phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nhấn mạnh: “Đồng hành với quan điểm Chính phủ kiến tạo, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Hội Nhà văn Việt Nam để thực hiện những công việc cụ thể, thiết thực; làm những việc dễ trước, việc khó sau; làm việc nào chắc việc đó; đi từ cái đơn giản đến cái phức tạp. Chúng tôi đã bàn với Thường trực Hội Nhà văn Việt Nam về việc duy trì và nâng cấp trại sáng tác thì phải xây dựng được giải thưởng văn học quốc gia để phát hiện và đào tạo nhân tài”.
Đồng thời, cần khẩn trương hiện thực hóa đề án về nâng cao năng lực sáng tác, lý luận và phê bình văn học giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt hồi tháng 11-2021 đặt ra mục tiêu: Hằng năm có từ 10-15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn hóa, nghệ thuật chất lượng được công bố; có 2 tác giả đoạt giải thưởng văn học ASEAN và khoảng 20-30 tác phẩm, công trình văn hóa, văn học - nghệ thuật về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước…
Bộ trưởng tin tưởng chắc chắn rằng những nhà văn trẻ sẽ là chủ nhân của những giải thưởng nói trên. Bộ VHTTDL sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ, chắp cánh cho những tài năng trẻ với tất cả sự trân trọng, quý mến, tin yêu.
Tại Hội nghị, một số tham luận của các đại biểu trẻ đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã được trình bày, tập trung bày tỏ ước mơ, trăn trở, đề xuất của bản thân và thế hệ mình xung quanh câu hỏi là chủ đề của hội nghị: “Vì sao chúng ta viết?”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, chủ đề của hội nghị là một câu hỏi vừa dễ, lại vừa khó mà các nhà văn trẻ khi cầm bút cần phải trả lời. Hội Nhà văn Việt Nam đã rất nỗ lực để tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, hiệu quả cho các nhà văn, đặc biệt là thế hệ nhà văn trẻ. Xưa nay, những nhà văn có tác phẩm để đời không chỉ tài năng mà còn có tâm hồn đẹp, đó là sự cống hiến ý nghĩa cho đời sống văn hóa, lịch sử của đất nước và nhân dân.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chụp ảnh lưu niệm với hai tác giả trẻ đặc biệt
Phó Thủ tướng nhận quà kỷ niệm là hai tác phẩm "Mạch rồng" và "Mắt lửa"
Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ và đặt câu hỏi cho Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Tác giả Nguyễn Mạc Yên Hải (Cần Thơ) đặt ra về sự thay đổi trong giáo dục về nền văn học. Tác giả Lê Ngọc (Ninh Bình) băn khoăn trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước có chương trình đào tạo thế nào để các cây bút tự phát có cơ hội phát triển.
Về các câu hỏi này, Phó Thủ tướng có nhiều chia sẻ cởi mở, khẳng định sự thay đổi đã được chú trọng hơn trong nền giáo dục. Cần tăng cường nhiều hoạt động kết nối, chính người viết trẻ cần trở thành “sứ giả” mang những giá trị đó đến với các trường học để tạo ra sự đổi mới, lôi cuốn.
Về kế hoạch đào tạo nhà văn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, luôn có các chương trình đào tạo về văn học trong các nhà trường và tới đây sẽ tăng cường về số lượng, nâng cao chất lượng nhà văn. Quan trọng hàng đầu vẫn là tài năng của từng cá nhân được khơi dậy và phát huy.
Tác giả Lê Hưng Tiến (Ninh Thuận) đặt câu hỏi về hướng mở nào mang tính đặc thù để phát triển văn học và Lê Vũ Trường Giang (Huế) hỏi về chiến lược, kế hoạch phát triển nền tảng tư liệu số cho văn học một cách bài bản và dài hạn như một số quốc gia trên thế giới. Phó Thủ tướng thông tin, Đảng và Nhà nước đã và đang tiếp tục có chiến lược, đề án, chương trình phát triển văn học nghệ thuật với từng nội dung cụ thể. Trong giai đoạn tới, Đảng và Nhà nước sẽ nỗ lực và dành nguồn lực nhiều hơn để thúc đẩy sự phát triển, đặc biệt là quảng bá tinh hoa nền văn học nước nhà ra thế giới.
Trong khuôn khổ Hội nghị, nhiều hoạt động hội thảo, tọa đàm, đi thực tế, đêm Gala thơ - nhạc… sẽ được tổ chức trong các ngày 18 và 19-6.
Bài, ảnh: NGÔ HUYỀN