TÌM LẠI TỤC VÁI LẠY TỔ TIÊN CỦA NGƯỜI VIỆT

Hiện nay, nhìn vào các lễ hội, đặc biệt như lễ hội cấp nhà nước ở đền Hùng, việc vái lạy của vị chủ lễ và các vị trong đoàn khi dâng hương là không thống nhất: người thì lạy 1 lạy, người thì lạy 3 lạy theo Trung Quốc, nhưng cá biệt cũng có người lạy bốn lạy theo Việt Nam. Nghi thức vái lạy của cấp nhà nước trước bài vị tiên đế Hùng Vương còn như thế, huống chi khách thập phương có người vái lạy lia lịa, không biết đâu là đúng, đâu là sai.

Việc vái lạy tổ tiên này, mới nhìn, cứ tưởng là đơn giản, thực hiện thế nào cũng được. Nhưng không đâu, tục vái lạy tổ tiên của dân tộc ta là thuộc hệ văn hóa tư tưởng hằng số chẵn, nó khác tục vái lạy tổ tiên của người Trung Quốc là nằm trong hệ văn hóa tư tưởng hằng số lẻ.

Điều này, từ khi đất nước ta giành lại được quyền tự chủ, các điều khoản về lễ nghi khánh tiết của triều đình và nhà vua bái yết tiên đế ở Thái miếu, hoặc nhà vua chủ tế thiên địa ở đàn Xã Tắc, hoặc nghi thức vái lạy ở gia tộc đều được ghi lại trong các thư tịch.

Song, không thể chỉ đưa ra các chỉ số về tục vái lạy tổ tiên của dân tộc ta khác tục vái lạy tổ tiên của người Trung Quốc thế là đủ mà, phải tìm ra nguồn gốc của hai hệ văn hóa tư tưởng ấy thì mới hiểu được một cách thấu đáo về ý nghĩa của tục này.

Trong thời cổ đại, để xây dựng nền tảng t­ư tưởng cổ đại của mình, ngư­ời phương Bắc, trung tâm là ng­ười Hoa Hạ lấy vũ trụ làm đối tư­ợng, đặt ra thuyết ngũ hành, lấy thiên địa nhân làm điểm xuất phát. Sau đó, tiếp thu thuyết kinh dịch của người Việt Thư­ờng ở phương Nam (1), biểu tư­ợng bằng thanh âm thanh dương biến thiên thành 64 quẻ, dựa vào đó mà lập nên lâu đài Chu dịch nói về triết học phư­ơng Đông.

Ng­ười phư­ơng Nam, trung tâm là ngư­ời Giao Chỉ, lấy con ngư­ời làm đối tượng đặt ra thuyết sinh học, lấy nguyên khí nõ n­ường làm điểm xuất phát, biểu tượng bằng quả trứng ng­ười mẹ. Quả trứng thụ tinh có hai đường máu, phát triển theo hai h­ướng. Dựa vào các hình thái phát triển vòng đời của mỗi hư­ớng đó mà tạo nên vật hèm Hùng Linh Ngọc Lũ (2) hàm nghĩa biểu tượng ghi lại bản sử thi về lịch sử của dân tộc gửi bạn bè gần xa đương thời và tryền lại cho muôn đời hậu thế.

Như vậy, văn hóa hằng số lẻ 1, 3, 5 là của người Hán - Hoa Hạ ở phương Bắc, còn văn hóa hằng số chẵn 2, 4, 8 là của người Việt - Giao Chỉ ở phương Nam. Đó là cái gốc, khởi nguyên bản chất của vấn đề. Từ hai định hướng này đã tạo ra nền văn hóa tư tưởng của người Việt - Giao Chỉ khác văn hóa tư tưởng của người Hán - Hoa Hạ.

1. Văn hóa hằng số lẻ của người Hán

Người Hán coi hằng số lẻ là số sinh cho nên, trong diễn trình về văn hóa tư tưởng của người Hán đều quán triệt hằng số lẻ này.

Hằng số 1: Biểu tượng rồng: 1 con, quay đầu sang bên trái

Giai đoạn Trung Quốc chiếm phía nam sông Trường Giang, tiếp thu nền văn hóa của người phương Nam, trung tâm là người Văn Lang Giao Chỉ quê hương của biểu tượng “đôi rắn quấn nhau nuốt vọi”(3), cho nên giai đoạn này văn hóa biểu tượng ở phía Nam của Trung Quốc đều quay đầu sang bên phải.

Hằng số 3 (thiên địa nhân) là hằng số diệu kỳ, may mắn nhất trong đời của người Trung Quốc. Ai may mắn gặp con số 3 thì phú quý, vinh hiển sẽ đến. Vì thế, hằng số 3 được lấy làm tiêu chí trong việc quy nạp các thiết chế văn hóa tâm linh của vương quyền và phong tục, tập quán của xã hội. Ở đây chỉ đề cập một số điểm tiêu biểu.

Nghi lễ vái lạy, sách Chu lễ ghi: Đứng trước bài vị thì vái 1 cái và lạy 9 lạy, lễ xong đứng dậy vái 1 vái rồi lui ra (số 9 lạy này về sau chỉ lạy 3 lạy, còn 1 vái vẫn giữ nguyên).

Số lạy 3 lạy1 vái này, được thực hiện trong các trường hợp: lạy người quá cố, bề tôi lạy vua và khi vua băng hà thì hoàng gia và quần thần cũng lạy 3 lạy 1 vái, hoặc nhà vua vái lạy ở Thái miếu và ở các tư gia vái lạy gia tiên cũng thực hiện như thế.

Trong lễ tân hôn, phu thê thực hiện tiến trình hành lễ: 1 lạy thiên địa, 1 lạy tông đường, 1 lạy giao bái phu thê.

Cỗ ẩm thực 3 món, cỗ lớn nhất gọi là cỗ thái lao gồm có 3 món: thịt bò, thịt dê, thịt lợn. Cỗ thái lao vua dùng để tế cúng ở Thái miếu, hoặc đãi sứ thần (4).

3 chức quan trong pháp chế nhà Tần: quan thú coi về chính trị, quan úy coi về quân sự, quan giám coi về hậu cần.

Cố vấn 3 người gọi là tam lão ở trong mỗi làng.

Quân đội có tổ tam chế, 3 người.

3 học trò giỏi của Khổng Tử, đó là Tử Du, Tử Hạ, Nhan Hồi.

3 nước lớn thời cổ, Tề, Sở, Triệu.

Quan coi 3 họ tôn thất của Sở, chức tam lư đại phu.

3 tướng tài đời Hán là Giáng Hầu, Chu Bột, Quách Anh

3 quận đất phong cho đại tướng Hàn Tín của nhà Hán (5).

Hằng số 5 là 5 nguyên tố tạo nên vũ trụ, cho nên có thuyết ngũ hành. Vì thế số 5 được lấy làm tiêu chí để quy nạp các hằng số văn hóa.

5 vị vua làm bá chủ chư hầu đời Xuân Thu, đó là: Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công,Tống Tương Công, Tần Mục Công, Sở Trang Vương.

5 cung hình phạt: khắc vào mặt, xẻo mũi, cắt dương vật, chặt chân và chặt đầu.

5 gia vị chế biến trong ẩm thực. Sự tích Y Doãn mang vạc có hòa ngũ vị đến cho vua Thang ăn.

5 âm thanh trong âm nhạc, gọi là ngũ cung: cung, thương, dốc, chủy, vũ. Và còn nhiều nữa không thể dẫn hết.

Tục vận hành vòng tròn trong sinh hoạt folklore là lấy một điểm bên trái hình tròn làm chuẩn, từ đó đi vòng lên phía trên là theo chiều kim đồng hồ, từ đó đi vòng xuống phía dưới là theo chiều ngược kim đồng hồ. Do đó, tục vận hành vòng tròn của người Trung Quốc Hoa Hạ ở phía bắc sông Trường Giang, trong sinh hoạt folklore thì vận hành vòng tròn theo chiều kim đồng hồ, và khi gọt vỏ trái cây thì đặt lưỡi dao quay vào, cho nên các hiện vật biểu tượng khi đứng yên, đều quay đầu sang bên trái. Còn từ phía nam sông Trương Giang trở về nam thì trong sinh hoạt folklore vận hành vòng tròn theo chiều ngược chiều kim đồng hồ, và khi vọt vỏ trái cây thì đặt lưỡi dao quay ra, vì thế, các hiện vật biểu tượng khi đứng yên, đều quay đầu sang bên phải.

 

 

2. Văn hóa hằng số chẵn của người Việt

Người Việt coi hằng số lẻ là hằng số chết, nhất là số 3 và số 5. Do đó, người Việt kiêng số 3 như không đứng chụp ảnh 3 người, hoặc câu ca: chớ đi ngày 7chớ về ngày 3. Ở đây, phải chăng là ngày 5 chứ không phải ngày 7, nhưng ngày 5 thì không đạt vần điệu của thơ. Dù vậy, 7 cũng là số lẻ. Còn số 1, số 3 và số 5 như thắp hương và mâm ngũ quả là cúng cho tổ tiên, còn bát cơm đôi đũa bông cúng người mới chết, các hiện vật đều là xếp theo đôi.

Người Việt quan niệm hằng số chẵn là hằng số của sự sống sinh sôi như hai chất nguyên khí của nam nữ. Quan niệm đó in đậm trong tiềm thức và thể hiện trong hằng số văn hóa tư tưởng và phong tục tập quán của xã hội. Song ở đây chỉ đi vào một số điểm mang tính bản chất, từ đó suy ra để nhận biết hằng số chẵn trong bản sắc văn hóa của người Việt.

Hằng số 2

Đôi thỏi đá cầm tay.

Đôi chữ S và đôi rồng trống mái, quay sang bên phải.

Hằng số 2 và 4 của người Việt

Đôi rắn: ông Cụt ông Dài, đồ vật có: vật đực, vật cái.

Trang phục: có áo kép, áo tứ thân hai màu, hoặc áo nối vai (trên trắng dưới nâu).

Vái lạy

Lạy người sống 2 lạy, như quần thần lạy vua. Sách Đại Việt sử ký toàn thư kỷ nhà Trần, đời vua Trần Thái Tông (1226-1258) trong lễ Minh thệ ở đền thần Đồng Cổ hàng năm vào ngày 4-4 có đoạn ghi: Tể tướng và trăm quan đến trực trước cửa thành từ lúc gà gáy, tờ mờ sáng thì tiến vào triều. Vua ngự ở cửa Hữu Lang điện Đại Minh, trăm quan mặc nhung phục lạy 2 lạy rồi lui ra. Ai nấy đều thành đội ngũ nghi trượng theo hầu ra cửa Tây thành, đến đền thờ thần núi Đồng Cổ (6), như vậy, con lạy cha mẹ, ông bà khi còn sống là 2 lạy.

Lạy người mới chết cũng 2 lạy, coi như người còn sống. Sách Việt Nam phong tục của cụ Phan Kế Bính ghi: Từ lúc ma còn để trong nhà thì con cháu và khách khứa phúng điếu thì chỉ lạy 2 lạy nghĩa là coi như người còn sống. Đến lúc hạ huyệt rồi thì mới lạy 4 lạy, nghĩa là đến đó mới lấy đạo thờ người chết mà thờ (7).

Do đó, nhà vua lạy Tiên đế ở Thái miếu cũng 4 lạy. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: Ngày Mậu Thân là lễ kế thiên thánh tiết. Hôm ấy, buổi sáng vua (Lê Thái Tông 1434-1442) bái yết Thái miếu, làm lễ 4 lạy. Khi về cung, Lỗ bộ ty bày nghi trượng ở Đan Trì... (8).

Như vậy, nghi lễ vái lạy: lạy cha mẹ mới chết là 2 lạy, trước khi lạy, đứng vái 2 vái rồi mới lạy 2 lạy (tư thế lạy, người rạp xuống đất), lạy xong thì đứng dậy vái 2 vái rồi lui ra (giật lùi); khách đến cúng điếu, cũng tiến hành như thế (trưởng nam đứng cạnh quan tài vái theo 2 vái đáp lễ khách). Còn nghi thức lạy trước bàn thờ gia tiên và ở các đền miếu trong lễ hội (các vị trong ban tế) thì vái 2 vái rồi lạy 4 lạy (tư thế lạy, quỳ rạp xuống đất), lạy xong thì vái 2 vái, hoặc 4 vái (vái thì người đứng khom lưng cúi đầu theo tay). Chúng tôi trộm nghĩ, ngày nay trong lễ dâng hương ở các đền, lãnh đạo nếu lạy cũng tiến hành lạy 4 lạy như chủ tế. Nếu đứng dâng hương thì vái 4 vái trước khi dâng hương.

Nghi thức vái lạy này ở vùng Trị - Thiên trong các đình chùa, họ tộc thì vẫn còn giữ được nếp xưa - trừ các cán bộ thoát ly. Nhân đây, cũng xin nói thêm, ở Quảng trị (nay vẫn thấy ở làng Bích La Thượng) có một phong tục nữa, đó là trong hô ngữ giao tiếp từ phải của bậc bề trên và từ dạ của bậc bề dưới. Loại hô ngữ đó nay được dùng trong đối thoại giữa các nhân vật của các bộ phim, để thay cho từ của bậc bề trên và vâng của bậc bề dưới trong hô ngữ của miền Bắc.

Cỗ tiệc khoản đãi

Tứ trụ triều đình 4 bộ: bộ binh, bộ lễ, bộ hộ, bộ hình.

Tứ mẫu của người Việt, tứ phủ, tứ trấn ở Hà Nội

4 vai trong làng: ông lý, ông đồ, ông trùm, ông hương.

4 cấp học vị: tú tài, cử nhân, phó bảng, tiến sĩ.

4 người hiền tài đời Lý: Từ Đạo Hạnh, Khuông Lộ, Mẫn Giác, Lư Ân (9).

4 kiểu khám bệnh của Đông y: vọng, văn, vấn, thiết.

4 tiêu chí trong sản xuất ngày nay: ruộng, vường, ao, chuồng, hoặc nhà, hiên, sân, vườn.

Theo sách Việt Nam phong tục, cỗ mặn có 2 món (thịt trâu thịt bò); cỗ chay có 4 đĩa: một đĩa mía, một đĩa lạc luộc, một đĩa mứt, một đĩa trám; cỗ ngày nay cũng nói 4 bát 4 đĩa.

Tục vận hành vòng tròn

Tục vận hành vòng tròn của người Việt là theo hướng chim Lạc bay, ngược chiều kim đồng hồ. Trong lễ tang người chết có lễ viếng cũng đi ngược chiều kim đồng hồ. Trên quan tài người chết có bát cơm quả trứng và đôi đũa bông (còn lễ tang của người Hán không có tục đi viếng và không có bát cơm quả trứng này).

Người Việt cầm dao gọt vỏ trái cây thì đặt lưỡi dao quay ra, và các hiện vật biểu tượng khi đứng yên, đều quay đầu sang bên phải. Nếu lấy đó làm tiêu chí thì ngày nay vẽ huy hiệu chiến sĩ Điện Biên Phủ và huy hiệu Đoàn thanh niên, hoặc dựng các tượng đài cho quay mặt hướng sang bên trái là khômg đúng với truyền thống văn hóa của người Việt. Tục vận hành vòng tròn theo chiều ngược kim đồng hồ của người Việt Giao Chỉ được quán triệt trong toàn bộ nếp sống sinh hoạt của xã hội.

 

 

3. Nhận xét

Phần trình bày ở trên cho thấy, văn hóa Hán là hằng số lẻ, văn hóa Việt là hằng số chẵn. Văn hóa của hằng số lẻ khởi nguyên từ thuyết ngũ hành,văn hóa của hằng số chẵn bắt nguồn từ thuyết sinh học (10). Từ đó, suy ra hằng số chẵn của thuyết sinh học là đồng tác giả với hằng số chẵn của thuyết kinh dịch. Sách Kinh dịch nguyên thủy của Lê Chí Thiệp đã dẫn nhiều nguồn cứ liệu, trong đó có cứ liệu của hai nhà truyền giáo phương Tây đã 20 năm nghiên cứu văn hóa Trung Hoa là đáng tin cậy không thể bác bỏ được. Hai ông cho rằng, sách Kinh dịch nguyên thủy là của người Việt Thường (Giao Chỉ). Đến đây sách Văn hóa nõ nường của chúng tôi dẫn ra thuyết sinh học lại chứng minh thêm một lần nữa. Sự thật vẫn phải công nhận sự thật.

Bản sắc văn hóa cổ truyền của dân tộc, chủ yếu được thực hiện ở dòng văn hóa vương quyền ở các cố đô và lưu truyền trong văn hóa tâm linh ở các làng quê, qua nghi thức lễ hội rước xách ở đình chùa, còn ở gia đình thì trong việc cúng bái gia tiên, hoặc lễ tang tiệc cưới

Nhưng, trên nửa TK XX thời bao cấp, chúng ta bỏ cụm từ văn hóa tâm linh chỉ nói hiện thực, lại bị chiến tranh kéo dài làm đứt đoạn việc thực hiện nghi lễ văn hóa tâm linh truyền thống của dân tộc. Đến khi có chủ trương đổi mới thì ý thức khôi phục lại nền văn hóa cổ truyền của dân tộc đang dần dà được thực hiện. Song vì bỏ quá lâu và lại mang nặng tính hiện thực, cho nên việc phục hồi văn hóa tâm linh là việc làm không phải dễ dàng. Văn hóa tâm linh cổ truyền, đó là hèm tục huyền bí, bí hiểm của các pháp sư, thầy mo, thủ nhang ở các đình chùa theo cha truyền con nối đảm nhiệm, Song hiện nay, việc đảm nhiệm các trọng trách ấy hầu hết là do các vị “cựu chiến binh”, vì thế, chỉ nói riêng việc vái lạy cũng không thực hiện đúng theo tục của cổ truyền; còn ở gia đình thì việc lớn nhất là lễ nghi cúng bái tổ tiên và lễ tang, tiệc cưới. Nhưng trong lễ tang chỉ thấy linh đình cỗ bàn mà không thấy nghi thức tâm linh đối với người quá cố, còn tiệc cưới chỉ thấy quà mừng, tiệc tùng và loa đài ầm ỹ, mà không thấy ý nghĩa của cỗ tơ hồng.

Ngoài ra, một điểm lớn nhất và hệ trọng nhất, đó là vật hèm Hùng Linh (trống đồng) đồng Sơn, sản phẩm văn hóa mang tính biểu tượng quốc gia, quốc huy của nước Văn Lang, bảo bối, ấn tín và vật truyền ngôi của thời đại Hùng Vương, cho nên đã nâng Hùng Linh thành vị thần và lập đền thờ ở Thanh Hóa từ thuở đó, còn đền thờ ngài ở Hà Nội là mới lập từ đời nhà Lý. Thế mà ngày nay, có những người coi Hùng Linh Đông Sơn là loại nhạc khí, cho nên đã phát động phong trào biểu diễn trống đồng, thế chưa đủ họ còn cho vẽ mặt trống đồng lên mặt trống da, để nói trống đồng trống da đều là trống, điều mà dân gian gọi là lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia.

Tóm lại, nét bản sắc văn hóa Việt khác văn hóa Hán, đó là bản chất. Nó được bắt nguồn từ một quan niệm khởi thủy của nhận thức, rồi được truyền nối, sàng lọc, bổ sung và tích tụ thể hiện trong việc ứng xử của con người đối với thế giới tâm linh siêu hình và tiên tổ, hoặc ứng xử giữa con người với con người trong mối quan hệ của xã hội thực tại. Đó là văn hóa cổ truyền. Nó là cái gốc, điểm tựa trong giao lưu và tiếp biến văn hóa của dân tộc.

Do đó, chúng ta nên tìm lại truyền thống văn hóa cội nguồn của dân tộc để gìn giữ và phát huy. Chính từ những cái nhỏ nhặt này mà tạo thành cái lớn về bản sắc văn hóa của dân tộc.

Nên chăng, Bộ VHTTDL cần có một đề tài nghiên cứu về vấn đề này, để có một văn bản hướng dẫn về nghi thức nhà nước ở lĩnh vực văn hóa tâm linh vái lạy, thực hiên thống nhất trong cả nước, tránh cho việc vái lạy không thống nhất hiện nạy.

Bài khảo cứu này của chúng tôi chỉ mới điểm qua, hẳn có điều không đúng ý của quý bậc cao minh, kính mong được lời chỉ bảo.

_______________

1. Lê Chí Thiệp, Kinh dịch nguyên thủy, Nxb Văn học, 1998, tr.42.

2. Sách Văn hóa nõ nường của chúng tôi, Nxb Khoa học Xã hội, 2008, đề nghị gọi Hùng Linh thay cho tên đồng cổ (trống đồng) của Trung Quốc, do tướng Mã Viện ngụy tạo ra trong lần y đưa quân sang Giao Chỉ đàn áp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 40-43.

3, 10. Dương Đình Minh Sơn, Văn hóa nõ nường, sđd, tr.204.

4, 5. Sử ký Tư Mã Thiên, Nxb Văn học, Hà Nội, 2001, tr.99, 645.

6, 8. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, tr.12, 544.

             7, 9. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb Hà Nội, 1999, tr.36, 248.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 314, tháng 8-2010

Tác giả : Dương Đình Minh Sơn

;