Với chủ đề Ký ức và ước mơ, triển lãm mỹ thuật quốc tế Bắc Kinh lần thứ sáu (the 6th Bejing international art biennale – BIAB 6) tuyển chọn trưng bày 685 tác phẩm của nghệ sĩ đến từ 96 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong số 18.368 sáng tác gửi đến đăng ký tham dự, con số lớn nhất đăng ký tham gia BIAB từ trước đến nay. 9 nghệ sĩ Việt Nam có tác phẩm được chọn trưng bày trong sự kiện này (1).
Những gì trông thấy…
Diện mạo mỹ thuật đương đại thế giới được trình bày hoành tráng, đa dạng và phong phú chưa từng thấy tại BIAB 6. Trong nhiều gian trưng bày, hiện hữu những thủ pháp, chất liệu, phong cách theo mọi trường phái, khuynh hướng khác nhau đã vốn có từ lâu trong mỹ thuật thế giới. Từ lối vờn tỉa nuột nà, mô tả hình khối, ánh sáng, chi tiết sâu như mỹ thuật hàn lâm thời Phục hưng tới lối vẽ đắp nổi, tạo nên chiều sâu cần đủ cho bề dày của các đối tượng trong tranh với bảng màu phong phú và ánh sáng hay bóng tối đều được diễn tả một cách tượng trưng bởi các màu nguyên chất. Nhiều tác phẩm cho thấy sự điêu luyện trong kỹ thuật thể hiện, làm cho chất liệu trở nên hoàn hảo, giúp người sáng tác kể câu chuyện về thế giới vạn vật một cách tự nhiên bằng tiếng nói hiện thực, với lối tả thực theo chuẩn mực hàn lâm mà vẫn không hề cũ, trái lại, nó được nâng tầm với sự điêu luyện trong kỹ năng mô tả hiện thực ở đẳng cấp cao hơn. Việc diễn tả giống như ảnh chụp (với hội họa), tạo chất liệu giống như người thật (với điêu khắc), giống hệt như đối tượng miêu tả, nhưng với kích thước phóng to hơn nhiều lần, đã mang tới hiệu quả thị giác đặc biệt cho người cảm thụ tác phẩm. Nhiều tác phẩm vẫn là cách rung nhòe thiên biến vạn hóa, chan hòa ánh sáng, màu sắc thiên nhiên như trường phái ấn tượng, đến lối chấm đốm theo hình mảng với muôn vàn sắc điểm như tân ấn tượng, hay lối triệt tiêu không vờn khối, thay bằng những mảng màu lớn có đệm nét, hoặc quy vào các khối hình ống bơ như hậu ấn tượng. Từ lối dùng màu chói chang phá cách, phối kết cùng nét, mảng như không hề vẽ những gì thấy trong thực tế, không hề sao chép thiên nhiên, mà theo đuổi lối sáng tạo sắc độ trong bố cục nhiều màu, liên tục tạo hình sống động như phong cách dã thú đến cách phối mượn kỹ thuật điểm mảng màu của trường phái tân ấn tượng và trường phái lập thể, rồi đan xen chồng chéo nhịp điệu, màu sắc và ánh sáng, nhằm thể hiện một cảm giác động như vị lai. Từ đan xen các khối hình kỷ hà trong không gian rộng, vắng lặng của những mảng bóng đổ như kiểu hội họa siêu hình đến lối thể hiện ý tưởng trong suy nghĩ của người sáng tác, chứ không theo đuổi mô tả vạn vật vẫn nhìn thấy thông thường nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào thế giới hữu hình cụ thể, qua đó, bằng đường nét, hình khối, màu sắc, diễn đạt cảm xúc thông qua nhiều dạng thức trừu tượng khác nhau. Từ lối cố tình làm ngắn lùn mọi hình thể người, vật và thổi căng, vờn tròn, bóp ngắn hình, ngộ nghĩnh mọi đối tượng cần miêu tả theo kiểu hồn nhiên đến lối tạo hình những nhân dạng nhạt nhòa, chân dung ẩn hiện chen chúc nơi các quảng trường ngột ngạt, nhấn mạnh xúc cảm cá nhân, hoặc của một nhóm người, hay của chính người họa sĩ như phái biểu hiện. Từ lối diễn đạt tâm thức nặng nề như bị nhốt chặt trong sự giam hãm, và nếu có bất cứ sự vùng vẫy nào, nó chỉ như trượt đi trên mặt đất, giống con chim bị ấn xuống khi bay phía trước cơn bão. Sự ngột ngạt và mối lo âu đang bủa vây tâm thức, cảm giác như cơn động đất đang đến theo lối biểu tượng đến cách miêu tả hình và tả chất cực kỳ điêu luyện, thông qua ý tưởng huyền bí với những hiệu quả thực - ảo đan xen trong tâm hồn và cả những gì khao khát chưa ai biết tới theo lối siêu thực…
Nhiều tác phẩm tổng hợp có sử dụng nhiếp ảnh chiếm lĩnh những mảng tường, không gian lớn, theo phong cách popart; tạo nên hiệu quả về màu, ánh sáng như thật, như mơ trong một không gian đầy mộng mị thông qua nhiều tranh, ảnh kỹ thuật số được thể hiện bằng chất liệu tổng hợp. Bên cạnh đó, phong cách hậu hiện đại được thể hiện qua một số sáng tác theo hình thức nghệ thuật thân thể (body art, body painting) và nghệ thuật đột biến (happening art). Nhiều tác phẩm với ngôn ngữ thể hiện theo phong cách nghệ thuật ý niệm đã chiếm diện tích khá lớn, bên cạnh các gian trưng bày những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt giới thiệu nhiều tìm tòi, thể nghiệm với sự phá cách thông qua công nghệ chế tác tác phẩm mới và dung nạp nhiều chất liệu thể hiện khác nhau như: dán ảnh lên gương, lên kính, cắt dây, cắt vải, phủ nylon màu… miễn thỏa mãn nghệ sĩ sáng tạo và cũng tạo nên những ấn tượng lạ mắt nhất thời. Ngoài ra, với quy mô đồ sộ, triển lãm còn có các góc, các phòng chiếu phim, phô diễn thế mạnh của hình ảnh và âm thanh trong nghệ thuật đương đại hôm nay.
Có chín họa sĩ tạo hình Việt Nam được tuyển chọn tranh sang tham dự lần này: Nguyễn Thị Mai với Đám cưới chuột (sơn mài, 90 x 240 cm), Lê Xuân Chiểu với Hội Tây Nguyên (sơn mài, 135 x 182 cm), Đỗ Đức Khải với Ngày mới (sơn mài, 110 x 220 cm), Nguyễn Đức Việt với Bên thềm nhà (sơn mài, 100 x 130 cm), Nguyễn Minh Tân với Tiếng vọng của ký ức (sơn dầu, 120 x 120 cm), Nguyễn Thị Đạm Thủy với Giấc mơ cuộc sống (sơn dầu, 180 x 180 cm), Nguyễn Mai Hương với Trăng xanh (acrylic, 100 x 120 cm), và hai họa sĩ mà mỗi người có hai tác phẩm được tuyển chọn vào phòng trưng bày đặc biệt Nghệ thuật đương đại các nước Đông Nam Á: Đỗ Lệnh Hùng Tú với Chia sẻ (sơn dầu, 100 x 100 cm) và Vẻ đẹp (sơn dầu, 100 x 100 cm), Trần Thị Hòe với Mầm của đất (sơn mài, 60 x 80 cm) và Cô gái và con trâu (sơn mài, 40 x 60 cm). Bảo tàng quốc gia Bắc Kinh đã chọn mua hai tác phẩm sơn mài Đám cưới chuột và Bên thềm nhà.
Ngoài ra, cùng theo đoàn họa sĩ Việt Nam còn có nữ sinh viên 18 tuổi, Nguyễn Anh Thư, đang học năm thứ nhất, khoa Hội họa, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, được mời tham gia hội thảo đối thoại với các nghệ sĩ quốc tế về chủ đề Ký ức và giấc mơ. Trước hàng trăm nghệ sĩ quốc tế và các nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật, Nguyễn Anh Thư đã có bài phát biểu xúc tích khá chuẩn bằng tiếng Anh, nêu lên tác động của ký ức và giấc mơ đối với người nghệ sĩ tạo hình hôm nay, qua những ấn tượng và cảm xúc của mình về BIAB 6.
Tự trăn trở với mình
Lịch sử Mỹ thuật tạo hình thế giới qua suốt nhiều thế kỷ nay cho thấy, hầu hết các tác phẩm hội họa, điêu khắc… vẫn thường xoay quanh 12 chủ đề: chân dung con người; thân thể con người; đôi lứa; cuộc sống cần lao; cuộc sống nhàn rỗi; câu chuyện lịch sử; phong cảnh; thú vật; tĩnh vật; tôn giáo; phúng dụ, huyền thoại và các hư ảo; nhìn vào thế giới nội tâm (2). Để tải được những câu chuyện ấy, đã có biết bao tên tuổi danh họa bậc thày gắn liền với những trào lưu, khuynh hướng nghệ thuật khác nhau. Nhiều kiệt tác của họ đã trở thành bất tử, làm chuyển biến, thay đổi quan niệm về cái đẹp, tư duy sáng tác tạo hình. Và như vậy, thách thức ngày nay với bất cứ nghệ sĩ sáng tác nào chính là tìm kiếm nội dung gì và thể hiện nó ra sao nếu không muốn mình trở thành bản sao, rập khuôn của những người đi trước.
Giá trị đầu tiên của mỗi tác phẩm hội họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt,… chính là đề tài, nội dung và gắn kèm với nó là hình thức thể hiện sao cho phù hợp. Chính nội dung độc đáo của tác phẩm sẽ giúp tác giả chọn lựa hình thức thể hiện phù hợp. Có nhà nghiên cứu nghệ thuật cho rằng, một khi hành động sáng tác được lặp đi lặp lại nhiều lần qua nội dung và hình thức thể hiện tác phẩm, sẽ dần dần tạo nên dấu ấn, mùi vị của phong cách, cá tính nghệ thuật.
Phải chăng, cái tôi của mỗi người nghệ sĩ sáng tác là tự tìm ra cho mình con đường riêng bằng sự dấn thân trọn đời để tạo nên phong cách trong ngôn ngữ thể hiện tác phẩm; bằng chính những trả giá để vươn tới sự định hình tên tuổi, hay thậm chí phải nếm trải thất bại khi không được đương thời thừa nhận?
Theo triết học, cái tôi bao hàm những đặc tính để phân biệt tôi với những cá nhân khác. Theo phân tâm học, cái tôi (ego) là phần cốt lõi của tính cách liên quan tới thực tại và chịu ảnh hưởng của tác động xã hội. Cái tôi chính là câu trả lời mình là ai, mình đang đứng ở đâu trong thế giới này. Cái tôi với những ý tưởng, ký ức, kết luận, trải nghiệm, những hình thức khác nhau của những ý định hiển lộ hay mơ hồ, những gắng sức có ý thức để là hay không là, ký ức được tích lũy của tầng ý thức bên trong và trong nó bao gồm sự ganh đua, ham muốn để hiện diện. Cùng với thời gian, càng gắn bó với trải nghiệm, thành công hay thất bại, nhiều bao nhiêu, cái tôi càng được củng cố nhiều thêm bấy nhiêu. Cái tôi chính là lối đi riêng – sự tự khai phá mà người sáng tác tìm chọn cho mình để dấn thân. Cái tôi thường gắn liền với bút pháp, hình thành và ổn định phong cách thể hiện của mỗi người sáng tác. Khi cá tính riêng trở nên nhất quán và xuyên suốt trong hàng loạt sáng tác của mỗi tác giả, tự nó sẽ trở thành con tem, mùi vị hay nói cách khác là thương hiệu riêng và nhờ đó, giới lý luận, sáng tác và thưởng ngoạn mỹ thuật có thể dễ dàng phân biệt được tác giả này với tác giả khác. Thực tế cho thấy, cái tôi là tính cách muốn khẳng định bản thân mình trước mọi người, không muốn mình bị vô hình, khiến mình không bị mờ nhạt, nó hoàn toàn khác với sự làm điệu nhất thời của người sáng tác khi chưa định hình được phong cách cho riêng mình. Khi tác giả đã làm chủ nghệ thuật thể hiện thì mọi kỹ năng, chất liệu… sẽ chỉ đơn thuần là phương tiện thể hiện mà thôi. Cái tôi của mỗi người nghệ sĩ sáng tác là sự dấn thân trọn đời làm nên phong cách riêng trong ngôn ngữ thể hiện tác phẩm. Những tên tuổi lớn như Cezanne, Van Gogh, Gauguin, Picasso, Salvador Dali, Henri Matisse, Từ Bi Hồng, Tề Bạch Thạch, Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái... và nhiều bậc thày mỹ thuật khác nữa là những ví dụ cụ thể, sinh động về cái tôi trong sáng tạo nghệ thuật.
Chúng ta đang sống trong một thế giới mà các tín hiệu nghệ thuật tạo hình luôn biến động từng ngày từng giờ. Trong hành trình đi tìm cá tính trong thế giới mỹ thuật đã chật đầy đường cày xới của những bậc thày tài năng, mỗi nghệ sĩ sáng tạo vẫn hằng khát khao có được những ý tưởng, nội dung độc đáo, phong cách thể hiện mang dấu ấn cá nhân. Phải chăng, thách thức mang tính thời đại lớn nhất với mỗi người sáng tác là làm sao để không là bản sao của người khác và không phải là sự lặp lại của chính mình?
_______________
1. Triển lãm diễn ra tại Bảo tàng nghệ thuật quốc gia Trung Quốc (the National Art Museum of China), từ ngày 24- 9 đến 15 - 10 - 2015, do Liên đoàn Văn học nghệ thuật Trung Quốc, chính quyền thành phố Bắc Kinh và Hội Mỹ thuật Trung Quốc tài trợ và phối hợp tổ chức định kỳ 2 năm/ lần, kể từ năm 2003.
2. Theo vi.wikipedia.org
Nguồn : Tạp chí VHNT số 378, tháng 12-2015
Tác giả : ĐỖ LỆNH HÙNG TÚ