Trong cuộc sống hàng ngày, văn hóa thường được hiểu là văn học, nghệ thuật như thơ ca, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh… Một cách hiểu khác, văn hóa là cách sống, bao gồm phong cách ẩm thực, trang phục, cư xử, đức tin, tri thức được tiếp nhận. Trong tiếng Việt, văn hóa được dùng theo nghĩa thông dụng để chỉ học thức, lối sống. Theo nghĩa chuyên biệt, nó để chỉ trình độ phát triển của một giai đoạn. Theo nghĩa rộng, văn hóa bao gồm từ những sản phẩm tinh vi, hiện đại, cho đến tín ngưỡng, phong tục, lối sống… Văn hóa phải được xem xét ở sự vận động không ngừng của nó, tức là ở những hoạt động lao động sản xuất, cảm thụ, sáng tạo, tức là nó chỉ có thể tồn tại trong bối cảnh đồng hành với cuộc sống lao động không ngừng nghỉ của con người.
Văn hóa nghề với tính chất là tiểu văn hóa
Văn hóa nghề là một bộ phận của văn hóa, hoặc có thể nói đó là một phương thức tiếp cận văn hóa ở phạm vi hẹp, tương tự như các thuật ngữ hay được dùng hiện nay như: văn hóa công cở, văn hóa tổ chức, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh… Như vậy, có thể hiểu, văn hóa nghề là tiểu văn hóa. Nó được thể hiện trong thực tiễn, có quan hệ biện chứng với các tiểu văn hóa khác, bởi sự tìm kiếm các nhân tố này không phải chỉ hạn hẹp trong các lĩnh vực của hoạt động hay của đời sống văn hóa. Tiếp cận văn hóa nghề với tính chất là kết tinh của nghề. Nghề là một lĩnh vực hoạt động lao động mà nhờ được đào tạo, con người có được những tri thức, kỹ năng để làm ra các loại sản phẩm vật chất hay tinh thần nào đó, đáp ứng được những nhu cầu của xã hội. Nghề nghiệp là một thuật ngữ dùng để chỉ một hình thức lao động trong xã hội theo sự phân công lao động, ở đó con người sử dụng sức lao động của mình để tạo ra sản phẩm vật chất, tinh thần, đóng góp cho xã hội. Qua hoạt động nghề mà duy trì, phát triển đời sống của cá nhân. Nghề bao gồm nhiều chuyên môn, là một lĩnh vực lao động sản xuất hẹp mà ở đó, con người, bằng năng lực thể chất, tinh thần của mình làm ra những giá trị với tư cách là phương tiện sinh tồn, phát triển của xã hội.
Trong lao động sản xuất, con người một mặt nuôi dưỡng bản thân mình; mặt khác lại sáng tạo ra chính con người văn hóa. Khác với những bản năng tự nhiên của mọi giống loài sinh vật, trong hành vi lao động sản xuất của mình, con người là một thực thể văn hóa. Hoạt động nghề nghiệp của con người là một hoạt động văn hóa. Chính vì vậy mới có khái niệm văn hóa nghề. Ngày nay, để đánh giá chất lượng nguồn nhân lực, người ta đã không chỉ dừng lại ở các thông số về kỹ năng, trình độ tay nghề đơn thuần mà còn ở một trình độ văn hóa nghề nghiệp, tức là ở nhận thức về nghề, những chuẩn mực, giá trị của người lao động, lòng yêu nghề, khả năng sáng tạo tích cực, góp phần tạo ra những nhân tố mới, đem lại hiệu suất lao động cao. Mức độ ứng xử có văn hóa của con người đối với hoạt động lao động nghề nghiệp như thế nào thì nó cũng là thước đo tính người trong chính hoạt động đó. Đây chính là cơ sở để nhận thức đúng đắn về bản chất, vị trí, vai trò của văn hóa nghề trong hoạt động lao động sản xuất của con người. Do đó, văn hóa nghề được hiểu là khái niệm dùng để chỉ cách hành xử của người lao động với nghề nghiệp một cách văn minh, đạt chuẩn mực chân, thiện, mỹ; là tổng hòa sự nhận thức nghề, thái độ, động cơ của con người với nghề trong quá trình lao động sản xuất; là việc người lao động có thể nhận thức, tiến hành những hoạt động thuộc về nghề nghiệp vừa có giá trị văn hóa lại vừa đạt được hiệu quả cao nhất. Văn hóa nghề chính là sự hành nghề có văn hóa.
Cấu trúc của văn hóa nghề
Cấu trúc của văn hóa nghề thể hiện ở tâm thức, hành xử, giá trị nghề.
Tâm thức nghề
Tâm thức nghề trước hết biểu hiện ở sự nhận thức về nghề. Nghề nghiệp sẽ là môi trường để đảm bảo cho con người tồn tại trong xã hội. Sự vững vàng trong nghề nghiệp sẽ tạo điều kiện cho cá nhân có thể độc lập về kinh tế, đóng góp cho xã hội.
Muốn vậy, mỗi cá nhân khi lựa chọn nghề phải có nhận thức về nghề. Nhận thức nghề là sự hiểu biết về nội dung, các giá trị của nghề; là một quá trình người lao động nhận biết, tìm hiểu về nghề nghiệp mình đang quan tâm. Thực tế cho thấy do hạn chế về nhận thức, nhất là thiếu bản lĩnh nghề nghiệp nên một bộ phận không nhỏ thanh niên rơi vào suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, mất phương hướng, giảm sút niềm tin, sống không có hoài bão, lý tưởng. Như vậy, chỉ khi có nhận thức đầy đủ về nghề nghiệp của mình thì người lao động mới có sự lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân.
Việc nhận thức, định hướng tốt nghề nghiệp giúp người lao động đưa ra được những kế hoạch hoạt động phù hợp cho bản thân, nhằm trau dồi kiến thức chuyên môn cũng như các kỹ năng bổ trợ để mang lại thành công trong công việc mình lựa chọn. Không những thế, việc nhận thức tốt về nghề giúp người lao động có thái độ, động cơ nghề nghiệp đúng đắn, có ý thức rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, giúp hình thành các giá trị đạo đức, niềm kiêu hãnh, sự say mê, hứng thú trong lao động.
Động cơ nghề nghiệp là loại động cơ có trong hệ thống động cơ cấu thành nên xu hướng nghề nghiệp. Động cơ này thường xuất hiện khi con người đạt đến độ trưởng thành nhất định, đặc biệt khi con người ý thức được nhu cầu việc làm, nghề nghiệp tương lai của mình. Vì vậy, có thể hiểu động cơ nghề nghiệp là cái thúc đẩy con người hoạt động nhằm thỏa mãn nhu cầu, là lý do thúc đẩy, định hướng con người tham gia vào một lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể, nhằm đạt được nhu cầu. Khi có động cơ chọn nghề đúng đắn sẽ giúp người chọn nghề có thể đạt đến đỉnh cao danh vọng, thực hiện được lý tưởng cao đẹp, phục vụ cho bản thân, gia đình, đất nước. Nếu chọn nghề chỉ đơn thuần vì lợi ích trước mắt về vật chất thì sẽ dễ chán nản, thất vọng, chịu nhiều tổn thất khác.
Hành xử nghề
Hành xử nghề thể hiện ở chuẩn mực đạo đức nghề, kỷ luật nghề, sáng tạo nghề, yêu nghề… Cốt lõi của văn hóa nghề là chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức nghề nghiệp là một bộ phận quan trọng trong nhân cách con người. Nó có ý nghĩa đặc biệt cần thiết đối với hoạt động nghề nghiệp. Nó là thước đo phẩm chất, phản ánh năng lực, tạo ra nội lực bên trong, điều chỉnh sự hoàn thiện nhân cách của người thày. Đạo đức nghề nghiệp có giá trị nâng cao hiệu quả lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội, xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội. Nói đến đạo đức nghề nghiệp là nói tới lương tâm nghề nghiệp. Lương tâm nghề nghiệp là biểu hiện tập trung nhất của ý thức đạo đức cá nhân trong thực tiễn; nó vừa là dấu hiệu, vừa là thước đo sự trưởng thành của đời sống đạo đức cá nhân. Mỗi con người với tư cách một chủ thể đạo đức đã trưởng thành bao giờ cũng biểu hiện là người sống có lương tâm, mà rõ nét nhất là trong hoạt động nghề nghiệp của họ. Lương tâm nghề nghiệp là ý thức trách nhiệm của chủ thể đối với hành vi của mình trong hoạt động nghề nghiệp, là thái độ, cách ứng xử của người làm nghề trước lợi ích của người khác; là sự tự phán xử về các hoạt động, các hành vi nghề nghiệp của mình.
Trong quan hệ nghề nghiệp, xét về góc độ pháp lý, quản lý, kỷ luật nghề là một yếu tố không thể thiếu được. Kỷ luật nghề là sự rèn luyện đặc biệt về tinh thần, phong cách, nhằm tạo ra sự tự chủ, phục tùng. Kỷ luật nghề giúp đào tạo con người, hướng đến mục tiêu, nhờ đó mà thành công. Trong xã hội, nếu con người thực hiện các hoạt động lao động sản xuất đơn lẻ, tách rời nhau thì mỗi người tự sắp xếp quá trình lao động của mình, hoạt động của một người không ảnh hưởng đến hoạt động của những người khác. Thế nhưng điều đó không thể xảy ra, vì con người luôn tồn tại cùng với xã hội loài người. Cái tạo ra trật tự, nề nếp trong quá trình lao động chung giữa một nhóm người hay trong một đơn vị đó là kỷ luật nghề. Với ý nghĩa này, kỷ luật nghề là yêu cầu khách quan đối với tất cả các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức… rộng hơn là bất kỳ một xã hội, nền sản xuất nào. Đặc biệt trong điều kiện sản xuất ngày càng phát triển, cùng với nó là trình độ phân công, tổ chức lao động trong xã hội ngày càng cao; vì vậy, kỷ luật nghề ngày càng trở nên quan trọng.
Sáng tạo nghề là hoạt động tạo ra tính chất mới trong nội dung, phương pháp nghề nghiệp, giúp cho đạt hiệu quả cao trong học nghề, làm nghề. Phát triển nghề nghiệp là một thuật ngữ mô tả nhiều kinh nghiệm đào tạo, thực hành công việc, các mối quan hệ cố vấn giúp người lao động tiến bộ trong nghề nghiệp của mình. Yêu nghề là phẩm chất cao quý của con người khi lựa chọn công việc để lao động, cống hiến sức lực của mình cho cộng đồng, xã hội. Chính lòng yêu nghề là cơ sở, là nền tảng cho những phẩm chất tốt đẹp khác của con người được hoàn thiện hơn khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Phải có lòng yêu nghề mới có động lực thật sự để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ; mới có tinh thần làm việc hăng say, thái độ phục vụ khách hàng tốt nhất. Người có năng lực, có chuyên môn cao nhưng không có lòng yêu nghề thì cũng ít khi làm tốt công việc. Có yêu nghề mới có khát vọng vươn cao, tìm kiếm cái mới, có sáng tạo, cải tiến trong lao động, sản xuất để cho ra những sản phẩm tốt nhất phục vụ khách hàng, cộng đồng, xã hội…
Giá trị nghề
Giá trị nghề là giá trị đặc trưng cho một nghề có khả năng thỏa mãn nhu cầu liên quan đến công việc chuyên môn của người lao động, chi phối người lao động trong việc lựa chọn mục đích, phương thức, phương tiện để tiến hành các hoạt động chuyên môn. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người chưa có nhận thức đúng đắn về giá trị nghề nghiệp mà họ đang theo đuổi, họ theo nghề với những lý do khác nhau chứ không phải xuất phát từ việc nhận thức được giá trị đích thực, ý nghĩa chính trị, xã hội to lớn của nghề. Họ cũng không hiểu được chính giá trị nghề góp phần để phát triển nhân cách, đóng góp cho phát triển cộng đồng nghề, phát triển văn hóa, xã hội… là những giá trị tự thân, được cộng đồng thừa nhận. Vì vậy, trong quá trình lao động, người lao động chưa thực sự tự giác, tích cực, có ý thức rèn luyện nghề, chưa thực sự tâm huyết, gắn bó với nghề đã chọn. Chỉ khi đạt được những yếu tố như nhận thức nghề, hành xử nghề, giá trị nghề thì người lao động sẽ thấy quý trọng, tự hào, tôn vinh nghề nghiệp của mình. Có như thế văn hóa nghề sẽ hình thành, phát triển.
Văn hóa nghề là cơ sở để điều chỉnh hành vi nghề nghiệp trong công tác, kỷ luật trong lao động, đòi hỏi những người lao động phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của công việc trong quá trình lao động. Chức năng thực tiễn của văn hóa nghề là nó khiến người lao động trở thành những người làm việc có kỷ luật, sáng tạo, hiệu quả với năng suất lao động cao. Văn hóa nghề là thước đo trình độ nhận thức của người lao động đối với nghề nghiệp, đòi hỏi mỗi người lao động trong một nghề phải nhận thức được đầy đủ về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của nghề đó, cũng như những hiểu biết sâu sắc về hành vi nghề nghiệp, các quy chuẩn trong công tác. Văn hóa nghề còn là hạt nhân trong nhân cách người lao động, là biểu hiện tập trung của sự trưởng thành, phát triển nhân cách người lao động trong xã hội hiện đại, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế; đồng thời, giúp định hướng, kế thừa những giá trị đạo đức truyền thống với những giá trị đạo đức mới trong nền kinh tế thị trường. Khi văn hóa nghề ngấm sâu sẽ tạo cho người ta niềm tự hào, môi trường chia sẻ tin cậy lẫn nhau, sức mạnh đoàn kết, làm ra những sản phẩm có hàm lượng văn hóa cao. Văn hóa nghề có vai trò vô cùng quan trọng, rất cần thiết; do đó đây là vấn đề lớn trong chiến lược con người mà Đảng, Nhà nước ta xác định phải quan tâm trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 400, tháng 10 - 2017
Tác giả : NGUYỄN THỊ PHƯƠNG HOA