Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đánh trống khai hội
Lễ hội đền Huyền Trân khai mạc ngày 8/2 với sự tham dự của các đồng chí: Lê Trường Lưu, ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thanh Bình, ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cùng đông đảo người dân và du khách.
Lễ hội được mở đầu bằng chương trình biểu diễn nghệ thuật sử thi đặc sắc, tái hiện cuộc đời và công lao to lớn của Công chúa Huyền Trân - ái nữ của vua Trần Nhân Tông, người đã dấn thân, hy sinh tình riêng để gây dựng nên vùng Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế. Công chúa Huyền Trân, là người hiếu nghĩa vẹn toàn, kiên cường, anh dũng mà lại rất hiếu hòa, sống tận lực vì nước, được nhân dân kính ngưỡng, luôn hiển linh phò trợ giúp dân.
Lễ hội đền Huyền Trân Xuân Nhâm Dần 2022 không chỉ thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc mà còn là nơi để mọi người tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước trong việc mở mang bờ cõi, cầu mong vạn sự tốt lành đến với mọi người trong năm mới, đồng thời góp phần quảng bá đến với du khách thập phương và các tầng lớp nhân dân những hình ảnh, giá trị di sản văn hóa Huế, thành phố Văn hóa ASEAN, thành phố Festival của Việt Nam.
Lễ hội đền Huyền Trân năm nay là một trong những sự kiện văn hóa, lễ hội tiêu biểu của Thừa Thiên Huế chào mừng 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chào đón Xuân Nhâm Dần và tiếp tục đẩy mạnh chuỗi các hoạt động, sự kiện của Festival bốn mùa năm 2022, đồng thời cũng là hoạt động kích cầu du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế với tiêu chí "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" trong tình hình mới.
Sau phần Lễ và nghi thức đánh trống khai hội, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, lãnh đạo các sở ban ngành, cùng người dân và du khách đã dâng hương tưởng niệm, tỏ lòng thành kính, tri ân đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông và Công chúa Huyền Trân, những bậc tiền nhân đã có công lao to lớn trong việc mở mang bờ cõi đất nước.
Trong khuôn khổ Lễ hội, còn có các hoạt động nổi bật như: biểu diễn lân sư rồng, biểu diễn võ thuật và thi đấu đẩy gậy, biểu diễn của các câu lạc bộ nghệ thuật, trình diễn thư pháp, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, biểu diễn Ca Huế, biểu diễn nghề truyền thống chằm nón lá, triển lãm Di sản Cố đô Huế qua nghệ thuật ký họa, trình diễn áo dài truyền thống…
XUÂN TRƯỜNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 489, tháng 2-2022