Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chuyển đổi số đã trở thành xu thế, là yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược

Chiều ngày 10-7, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã tổ chức Phiên họp lần thứ 9 - Hội nghị trực tuyến toàn quốc Sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về Chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị.

Hội nghị  được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, kết nối trực tuyến tới các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Toàn cảnh Hội nghị tại trụ sở Chính phủ - Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

Cùng tham dự Hội nghị có các đồng chí: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang – Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; các  Phó Chủ tịch, thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; thành viên Tổ công tác triển khai đề án 06; Lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Lãnh đạo một số tập đoàn, tổng công ty CNTT…

Những kết quả nổi bật của chuyển đối số quốc gia và triển khai Đề án 06 của Chính phủ

Theo Báo cáo của Ủy ban Chuyển đối số quốc gia, chuyển đối số quốc gia và triển khai Đề án 06 của Chính phủ 6 tháng đầu năm 2024 đã đạt nhiều kết quả nổi bật:

Dịch vụ công trực tuyến: Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình (trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính) cả nước đạt 42% (cuối năm 2023 là 17%); bộ, ngành đạt 61% (cuối năm 2023 là 38%); địa phương đạt 17% (cuối năm 2023 là 9%).

Kinh tế số 6 tháng đầu năm ước đạt tăng trưởng 22,4% và tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước đạt 18,3%. Doanh thu lĩnh vực CNTT (kinh tế số ICT) tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm 2023. Tốc độ tăng trưởng doanh số trên sàn giao dịch bán lẻ trực tuyến tăng 80% so với cùng kỳ năm 2023. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tăng 8% so với cùng kỳ.

Quản trị số: Lần đầu tiên sau hơn 20 năm, việc giám sát, đo lường dịch vụ công trực tuyến được thực hiện tự động, online; Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện đánh giá chất lượng online.

Lần đầu tiên Việt Nam đo lường chất lượng mạng viễn thông di động và băng rộng cố định trực tuyến bằng công cụ Make in Vietnam.

Giao dịch chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng, hệ thống thông tin qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia 6 tháng đầu năm tăng mạnh 67% so với cùng kỳ năm 2023.

Hội nghị đã được nghe một số tham luận của các bộ, ngành trung ương, địa phương và các doanh nghiệp CNTT trong công tác chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 của Chính phủ như: Bộ Công Thương, UBND TP.HCM, UBND TP Hải Phòng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Công nghệ CMC, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an. Các báo cáo, ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, 6 tháng đầu năm 2024, công tác chuyển đổi số quốc gia đã đạt được một số kết quả tích cực.

Phát biểu Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chuyển đổi số đã trở thành phong trào, xu thế, là yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược. Thời gian qua, công tác chỉ đạo, điều hành đã có kinh nghiệm hơn, lớp lang, bài bản hơn, bám sát thực tiễn hơn, có hiệu quả hơn. Công tác tổ chức thực hiện từ Trung ương đến cơ sở được triển khai đồng bộ, tích cực hơn. Kết quả mang lại thiết thực và thuyết phục.

Theo Thủ tướng, người dân, doanh nghiệp ủng hộ, đồng hành, tham gia tích cực hơn. Có thể nói, Chuyển đổi số đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà và vào từng người”. Niềm tin của các cấp, các ngành, các địa phương, người dân và doanh nghiệp được củng cố và nâng lên, góp phần truyền cảm hứng và tạo động lực phát triển mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, bất cập cần phải khắc phục, đầu tư, chỉ đạo, thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị - Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã định hướng các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới:

Thứ nhất là, tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chuyển đổi số. Đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng, sức ảnh hưởng, lan tỏa và động lực cho sự phát triển trong quá trình chuyển đổi số; tập trung xây dựng, chia sẻ cơ sở dữ liệu cho bộ, ngành, địa phương mình và chia sẻ dữ liệu này với các bộ, ngành, các địa phương khác và tập trung về cơ sở dữ liệu quốc gia.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ này, với tinh thần chỉ bàn làm, không bàn lùi, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm phải có sản phẩm, kết quả cụ thể.

Phấn đấu đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến được thực hiện toàn trình; 50% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân; 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính; 50% thủ tục, giấy tờ của người dân liên quan đến dữ liệu dân cư được cắt giảm...

Khẩn trương xử lý các nhiệm vụ quá hạn, tồn đọng trong giai đoạn 2023-2024. Yêu cầu 12 bộ, ngành và 20 địa phương chưa ban hành Kế hoạch, khẩn trương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 trước ngày 20-7-2024.

Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức họp, thống nhất nội dung với các bộ, ngành liên quan, khẩn thương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành "Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030" trong tháng 7-2024.

Yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045". Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố số liệu tỷ trọng kinh tế số trong GDP hằng năm theo đúng quy định.

Thứ 2, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách: Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành các văn bản thi hành Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông. Sớm nghiên cứu xây dựng, ban hành tiêu chuẩn về địa chỉ số quốc gia.

Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên ngân sách Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị máy móc.

Bộ Nội vụ khẩn trương xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành các văn bản thi hành Luật Lưu trữ (sửa đổi), báo cáo lộ trình thực hiện trong tháng 7-2024.

Thứ 3, về phát triển kinh tế số, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương tổ chức các phiên họp chuyên đề số hóa các ngành, lĩnh vực phụ trách. Đẩy mạnh số hóa, làm giàu cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương; xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế và thực hiện đồng bộ các giải pháp về hóa đơn điện tử; rà soát, xử lý nghiêm các vi phạm của các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn điện tử; đẩy mạnh hạ tầng thanh toán điện tử, hạ tầng thông tin tín dụng, bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán đa dạng, ngày càng tăng nhanh; thanh toán qua internet, điện thoại di động, thanh toán không tiếp xúc, không dùng tiền mặt. Đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số...

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Bộ VHTTDL - Ảnh: Thanh Danh

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bộ VHTTDL - Ảnh: Thanh Danh

Thứ 4, về dịch vụ công trực tuyến, sớm hoàn thành triển khai 30 dịch vụ công thiết yếu còn lại, nhất là tích hợp, công bố nhóm thủ tục hành chính đăng ký thành lập hộ kinh doanh và đăng ký thuế lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; kết nối, chia sẻ dữ liệu, cơ sở dữ liệu dân cư về người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh.

Thứ 5, về phát triển hạ tầng số quốc gia, Thủ tướng giao Bộ Công an tham mưu xây dựng, trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 175/NQ-CP để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Yêu cầu Bộ Y tế sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển hạ tầng số và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số y tế đến năm 2030. Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai. Bộ Xây dựng xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà ở; các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý…

Thứ 6, về phát triển các nền tảng số, dịch vụ số, dữ liệu số, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng đẩy nhanh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin nhà ở và thị trường bất động sản với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, hoàn thành trong tháng 7-2024.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để liên thông dữ liệu đăng ký tàu cá, nhật ký khai thác thủy sản; tích hợp tài khoản VNeID và thực hiện các thủ tục về đăng ký tàu cá, khai thác thủy sản, hoàn thành trong tháng 8-2024.

Bộ Tư pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu của ngành Tư pháp như hộ tịch điện tử, quốc tịch, lý lịch tư pháp hoàn thành trong tháng 7-2024.

Bộ Lao động, thương binh và xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành Kế hoạch triển khai thu mẫu ADN cho thân nhân, hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính để chính thức công bố triển khai trước ngày 27-7-2024 (Ngày Thương binh, Liệt sĩ).

Thứ 7, về an ninh, an toàn thông tin, trước tình hình tấn công mạng trên thế giới và trong nước gia tăng mạnh thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp, giao ban hằng tháng, có đánh giá, hướng dẫn, giám sát, bảo vệ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia của các bộ, ngành, địa phương.

Thứ 8, sự tham gia của các doanh nghiệp, tận dụng tối đa sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước, sử dụng các hệ thống, các cơ sở dữ liệu, cơ sở hạ tầng, phần mềm mà các doanh nghiệp có thể làm được.

Thứ 9, về thi đua, khen thưởng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Nội vụ tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền về khen thưởng các tập thể, cá nhân, đồng thời tổ chức khen thưởng theo thẩm quyền.

THANH DANH

;