Từ xưa cùng với các sinh hoạt lao động sản xuất, dân gian ta cũng có những thói quen văn hóa, thú chơi thanh lịch nâng cánh cho tâm hồn trẻ trung, bay bổng. Mỗi thú chơi đều có tính giáo dục cao, hướng tới chân, thiện, mỹ và nhuốm màu triết lý nhờ các đối tượng đặc thù: cây hoa là mộc, đá là thổ, chim là kim, cá là thủy và tranh gốm là hỏa. Những yếu tố đó đã tạo nên sự cân bằng tự nhiên giúp thể trí khỏe mạnh, yêu đời yêu người và đem tới cho mỗi nhà sức sống thanh xuân tràn trề, hạnh phúc và niềm vui.
Nhờ Việt Nam có khí hậu ẩm ướt, nhiều rừng rậm, vườn tược khắp nơi, cây cối tươi tốt, đem lại bầu không khí trong lành và cảnh quan xanh mướt, nên mọi người thích trồng cây, đó cũng là một nét đẹp văn hóa đã có từ lâu. Nhiều người yêu cây, có khi còn nâng lên thành thú chơi nghệ thuật cây- hoa kiểng, giới thiệu các loại cây hoa đẹp và trưng bày trang trọng trong gia đình.
Với nghệ thuật cây cảnh, cây nào cũng có thể làm cảnh, song người chơi cây thường chọn những loài có lá xanh, hoa thơm, quả mọng hàm ý “trồng cây có ngày hái quả”. Các loại cây như đa, si, sung, tùng, bách, trắc, mai chiếu thủy, kim giao, ruối, chè, bông bụt..., ngoài trồng tự nhiên, họ còn tạo dáng làm nên cây thế, mường tượng đến những loài cổ thụ gốc rễ nổi cuộn cầu mong cho người cũng được trường sinh, vững chãi tương tự. Cây thế được tạo theo các dạng: thế trực - thẳng đứng hiên ngang, thế tung - xếp tầng bay bổng, thế hoành - dang rộng che phủ và các thế phái sinh như rồng cuộn hổ ngồi, chim phượng nhảy múa, cha con, anh em... Để làm được như vậy phải áp dụng nhiều kỹ thuật, như muốn thân cây thế to phải chiết tách từ cây cổ thụ, cũng có loại cây cần trồng từ hạt và phải uốn từ khi còn nhỏ. Lấy ghim, kẹp, dây thép cố định cành, thân, lá, rễ và tỉa cắt thường xuyên giúp cây giữ được nguyên hình thể. Tựu chung, cây thế đẹp thường hội đủ các yếu tố: có thân liền gốc thuôn dần đến ngọn, mình mẩy già lão, gân guốc, vỏ tróc nứt nẻ tạo ra u bướu, hang hốc; cành cao cành thấp lô xô, lá nhỏ dày vừa phải không che khuất cành, các tán hợp thành khối tam giác; hoa to rực rỡ, quả sai lủng lẳng.
Mọi người thường sắp đặt cây cảnh thành các bộ: tứ quý gồm tùng, trúc, cúc, mai hoặc mai, lan, cúc, trúc ứng với bốn mùa; tứ linh: đa, sung, sanh, si ứng với bốn linh vật long, lân, quy, phụng tượng trưng cho vẻ đẹp thái hòa; bộ thọ: thông, tre, bách, tuế, vạn niên thanh tượng trưng cho tuổi thọ, sự tinh thông; bộ lộc: trạng nguyên, đỗ quyên, lộc vừng, kim ngân, kim quýt cho quan chức, tài lộc và bộ phúc: hạnh, lựu, lê, khế cho hạnh phúc, sự thanh nhàn, đông con nhiều cháu; bộ tam sơn, bộ ngũ nhạc, bộ rừng chỉ tiểu thiên trong đại thiên mang cả vũ trụ vào nhà. Ngoài chơi cây lúp xúp, bonsai có người còn chơi cây cổ thụ thật, đánh từ rừng núi, đồng bãi về và do cây to lớn nên lá tán rủ xanh cho cả một khu vườn. Cũng có người không chỉ tạo góc vườn riêng mà xây dựng cả ngôi nhà thành nghệ thuật hoa viên với sân trước, vườn sau, ban công, mái vẩy đều đậm hoa lá. Do cây là mộc, nên người ta hay trưng cây ở hướng đông nam, hướng của mặt trời ấm áp để quanh năm gia đình sẽ đón nhận được vượng khí, sự rạng rỡ, vui vẻ, phát triển đến với mình.
Cùng cây cảnh, nhiều người cũng chơi hoa kiểng đặc biệt là những loài hoa có màu sắc sặc sỡ và làn hương thơm mát. Vào xuân, mọi người thường chơi hoa thủy tiên, huệ, lyly, tu líp, nghệ tây, lục bình, hành biển... Những loại hoa này đều có thân củ hoặc rễ lá ngậm nước và cho hoa đẹp màu trắng, vàng, hồng hoặc đỏ. Giống cây cảnh để tạo hình cho hoa, người chơi thường bóc rễ, tỉa lá và đặt củ của nó nổi bật trên mặt chậu. Trước đó, người ta thường ngâm củ trong nước lạnh 10-150C, hàng ngày thay nước, tăng dần nhiệt độ thúc củ trổ hoa, rồi bày chỗ mát cho hoa lâu tàn. Nhiều người thích trưng hoa thủy tiên trong bát thủy tinh, vì thủy là nước, tiên là sự khởi đầu hay cô gái đẹp. Trồng và chơi thủy tiên cùng các loài hoa trong những ngày tết là việc lành có ý nghĩa mang tới sự phồn vinh, no ấm và tươi sáng cho mỗi người.
Bên cạnh thủy tiên, một loại hoa nữa được hết sức yêu chuộng, đó là lan. Tự thân hoa lan đã cho một thú chơi riêng. Sở dĩ được yêu mến như vậy vì lan là thân cỏ nhưng lại cho hoa to, dài và đẹp. Mỗi bông hoặc chùm, giò hoa đều ló ra từ nách lá nên dọc thân cây có nhiều hoa. Mỗi bông lan còn có cấu hình tuyệt đẹp và ngát hương. Loại có hương thơm phải kể tới lan quế, giáng hương, vani; lan có hoa giống hình con vật gồm hoàng yến, bạch hạc, đuôi phượng, lưỡi bò, xương cá, bò cạp, ruồi trâu...; giống móng vuốt: móng rồng, móng rùa, vảy cá, mũi câu...; giống thân tre chia đốt: bạch trúc, hoàng trúc, cờ lao; có lá dài như mái tóc: thủy tiên, tóc tiên... Nói chung, khi nhìn vào nhành lan, người chơi đều cảm nhận mỗi bông hoa là những cánh bướm, cánh chim dập dờn.
Hiện nay, mọi người thường chơi các loại lan như địa lan (cymbidium) gồm lan có củ và không củ trồng dưới đất mùn trộn trấu mục, rạ, cám dừa, cát khô. Chẳng hạn lan kiếm, nhất điểm hồng, lô hội, giả hạc, gấm ngũ hổ, bạch phượng, chuồn chuồn, hoàng hậu... nhưng quen thuộc nhất là giống lan kiếm có những giò hoa vươn cao, cánh trổ sắc nhọn như thanh ngọc (cho hoa màu xanh), hoàng vũ (vàng), cẩm tú (lam), hồng điểm (đốm đỏ), bạch ngọc (trắng)... Thạch lan với các loại lan mọc trên vỏ cây ẩm, rêu và đá như lan hài (paphiopedium), hồ điệp (phalaenopsis)... Lan hài có nhiều ở Việt Nam, cây mọc tốt trong hỗn hợp rêu nước, tro than, vỏ đậu, xơ rối... và cho hoa đẹp giống những chiếc hài gồm delematti (hoa hồng nhạt), armeniacum hay villosum (vàng óng), esquyroli (có đài to), calosum (vân màu sặc sỡ). Phong lan mọc bám trên vật chủ, giá thể hút hơi ẩm và ni tơ từ không khí như hoàng thảo (dendrobium), bò cạp (arachnis), phượng vĩ (renanthera), vanda, mokara, vanilla, cattleya...
So với cây kiểng và nhiều loài hoa, trồng lan phải tỉ mỉ, nhẫn nại vì cây chỉ mọc tốt trong ánh sáng nhẹ và điều kiện ẩm ướt. Do đó, người chơi luôn phải đặt cây ở chỗ râm mát và tưới nước thường xuyên (nhất là cây bám trên gỗ), cũng như phun sương đều đặn bởi nhiều cây hấp thụ nước từ lá. Để lá, hoa tươi, sáng, bóng cần lấy vải bông lau sạch từng cánh. Với địa lan tuy dễ dàng hơn song cây thường tốt lá, cần tỉa cắt định kỳ mới trổ hoa đẹp. Mọi người thường trưng lan quanh nhà, chỗ này một giò chỗ kia một giò và khoan thai đi ngắm, thưởng hoa như thu cả một bầu thiên nhiên, rừng núi vào nhà. Những người yêu lan cũng gửi vào hoa nhiều ước nguyện: mong luôn có được sự hiếm quý - bất ngờ, phong lưu - thoáng đạt, giàu sang - phú quý, tái hợp - trùng lai...
Cũng giống như cây cỏ, đá gần gũi với người, ở đâu cũng thấy. Những đêm mưa to gió lớn hoặc khô hạn thì vách núi, bãi sông và lòng suối luôn hiện ra những khối đá kỳ lạ, người dân đem về hình thành thú chơi đá cảnh. Đá cảnh có nhiều loại: đá nham thạch chứa bọt nhám ráp do núi lửa phun; đá san hô dạng phiến ống rỗng do các loại san hô hóa tạo; đá trầm tích xốp, vảy do các loài trai sò ốc hến và cát phù sa lắng đọng; đá gỗ do dương xỉ và nhiều cây cổ đại biến thành...
Nhiều người thích chơi đá cảnh, bởi không cần gia công cầu kỳ, tự thân mỗi tảng đã đẹp, có viên giống hòn núi, có viên giống hang động hoặc hình người. Điều hay nữa là đá đặt đâu nằm đấy, không sợ xê dịch biến mất. Đá có nhiều màu sắc như xanh, đỏ, tím, vàng, đen, nâu, hồng, trắng... quý giá hơn cả là những viên đá có các màu như mắt mèo, sáp vàng, vỏ dưa, huyền vũ, khía vằn mai rùa... Viên đá nào cũng có vân, tạo nên sự khác biệt và uốn lượn móc nối, đan xen khó tả. Khi ngắm một viên đá, người xem cũng có được nhiều cảm giác và liên tưởng. Nhìn một viên nham thạch xù xì xanh xám luôn có cảm tưởng nó như một quả núi đang chui lên từ lòng đất. Những viên đá san hô xốp mềm lại giống một đứa trẻ rưng rưng khóc. Những viên đá có hình thù kỳ quái thì nhìn ở góc này thấy giống con chim, góc kia lại là con thú...
Tùy dụng ý từng người mà có cách sắp đặt trong nhà những khối đá khác nhau. Nhà rộng có vườn đặt các hòn giả sơn lớn, nhà hẹp trưng đá vừa phải. Những viên trùng điệp như ngọn núi nhấp nhô, hoặc từ trên cao xuôi xuống kiểu ruộng bậc thang thường để nguyên hoặc phối ghép thể trung du hay đồng bãi ven biển. Những viên chồng chất, đan xen, thẩm lậu có măng đá mọc bên trong như một động lên trời hoặc xuống đất (cõi âm phủ) thì xếp sắp giống động tuyết của đạo Phật, sơn trang đạo Mẫu, tu viên đạo Lão. Những viên đá nhỏ ít vân, màu sắc đậm, hình thù như cánh chim đại bàng bay, con hổ vồ mồi, con cá vượt long vũ, đá mang tượng phồn thực linga và yoni thì đánh bóng tạo trơn như ngọc bày trong tủ. Có người lại thích trải đá ra sân vườn làm vườn đá, dùng các khối đá có mặt bằng xếp phong thủy, bàn ghế. Đá có hõm sâu chế chậu cảnh sen, súng, và đá gõ phát ra tiếng trầm bổng, lanh canh sắp thành bộ đàn. Nhiều người dùng những viên sỏi, đá nhỏ để viết thư pháp thạch thơ.
Việc chơi đá, trưng đá với nhiều người không chỉ trang trí cho ngôi nhà sinh động, hoành tráng mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa: đặt đá trong nhà là để tạo sự cân bằng âm dương khi nhà có quá nhiều đồ kim khí hay đồ gỗ. Do đá có tính mát, cũng giúp thu nhiệt hấp thụ những tia xạ độc và hạ hỏa ở người hay nóng nảy. Ngoài ra, còn vì đá là hiện sinh của đất tạo nên sự sống vĩnh hằng, nên trưng bày đá là hàm ý mong muốn một cuộc sống gia đình hạnh cửu. Đá còn tượng trưng cho núi và người cha (công cha như núi Thái Sơn) và cho tình nghĩa vợ chồng chung thủy sắt đá không mòn, nên trưng bày đá là một cách để tỏ rõ lòng hiếu kính với cha mẹ, ân nghĩa với vợ chồng.
Từ lâu mọi người đã có thú chơi chim. Tùy đặc tính nổi trội của từng loài mà người ta chia ra ba loại chim hót, chim khoe mẽ và chim đá. Chim hót có đặc tính hay kêu, hót hay song bộ lông mộc mạc, đôi khi chỉ một, hai màu như sơn ca, hồng tước, bách thanh, cu gáy... Ngoài ra có loại có thể bắt chiếc tiếng người, ô tô, chó mèo như vẹt, két, xít, cưỡng, nhồng, yểng,... Chim khoe mẽ có bộ lông sặc sỡ dáng vẻ xinh xắn, yểu điệu như ngũ sắc, bảy màu như manh manh, trĩ, công... Chim đá hay nổi cáu, bay nhảy náo động và khi bị xâm chiếm lãnh thổ hoặc tranh chấp thì xông vào chiến đấu, chủ yếu dùng mỏ, cánh, số ít dùng móng vuốt nhọn đâm, móc đối phương, loại này có chích chòe, chìa vôi, chào mào, họa mi... Tuy nhiên, đó chỉ là sự phân chia một cách tương đối, vì kỳ thực con chim nào cũng đẹp, hót hay và chành chọe giỏi.
Dựa vào trọng lượng, tính khí của chim, người chơi làm lồng bằng tre, gỗ có hình dạng, kích thước khác nhau. Chim nhỏ linh động hay bay nhảy thì làm lồng thanh cao cho chúng chao liệng. Chim lớn chậm chạp thì lồng thấp. Lồng tròn nuôi gáy, lồng vuông nuôi két, lồng chuông nuôi yến, uyên ương. Cũng tùy loại chim mà cho ăn thức ăn riêng. Dân gian có câu: cu cu ăn đậu ăn mè, bồ câu ăn lúa, chích chòe ăn khoai. Nói chung, thức ăn của chim có hai loại: loại tươi gồm cào cào, châu chấu, dế, giun, lá rau, cà chua, cà rốt, ớt, chuối, cam...; loại khô gồm các loại hạt, hỗn hợp bột đậu xanh, đậu đỏ, ngô lạc, gạo thóc, quả khô tán mịn trộn các loại vitamin bổ sung. Nước uống cho chim là nước sôi để nguội hoặc nước mưa lắng trong. Gần đây, người ta chủ yếu cho chim ăn lương thực vì củ quả dễ kiếm. Tập cho chim ăn bột bằng cách thả sâu vào bột cho chúng ăn kết hợp làm quen. Muốn chim hót thanh cao thì cho ăn chất tươi, thanh, chua, mát và hót trầm lắng thì ăn khô, mặn, ngọt và ấm... Muốn chim sặc sỡ, chẳng hạn có mào đỏ, lông đuôi, cánh đỏ... thì cho ăn chất đỏ. Để chim khỏe mạnh, sạch sẽ, không bệnh thì ngày nào cũng phải làm vệ sinh lồng và cho chim tắm. Tắm nắng: đặt lồng mở hé khăn dưới nắng tản. Tắm nước: thả chim vào lồng có bát nước to để chúng lấy mỏ ngậm nước vuốt lông. Tắm cát: đổ cát vào đáy lồng dày ngập đế để chim kỳ cọ giải nhiệt loại bỏ ký sinh. Buổi sáng tắm nắng, buổi trưa tắm nước hoặc cát, buổi tối trùm áo lồng cho chim ngủ đúng giờ.
Phần lớn những người nuôi chim cảnh đều để nghe tiếng hót. Người ta thường nuôi bốn, năm loại chim tạo ra ban nhạc. Mỗi loại chim giữ một cung bậc. Vành khuyên có tiếng hót lích chích. Sơn ca hót cao vút. Họa mi hót du dương. Chào mào hót liếng thoắng. Chìa vôi hót vang lừng. Chim gáy hót trầm ấm. Để chim hót, khoe mẽ và đá hay, người chơi thường đặt lồng của chúng cạnh nhau. Các con chim sẽ cất tiếng hót thách thức, xù lông, đập cánh và bay liệng. Có chim như chích chòe khi cao hứng thường chạy vòng tròn đáy lồng, nhảy qua nhảy lại que cầu, xệ chùm lông trắng ở cánh và đuôi. Cu gáy nếu ở không gian rộng thì thoắt đậu, thoắt bay... Cũng có người nuôi chim nhằm chữa bệnh. Mỗi ngày nghe chim hót líu lo, ngắm nhìn dáng vẻ loắt choắt và các động tác ngộ nghĩnh của chúng tinh thần luôn phấn chấn, nhờ thế khỏi các chứng nhức mỏi, tức thở, sôi bụng, mất ngủ... Do chim là biểu tượng của khí trời, của hành kim nên nhiều người còn gửi gắm vào đó ước vọng bay cao, vươn xa, mong muốn cuộc sống vui vẻ, giàu sang, phú quý.
Thú chơi cá cũng cầu kỳ không kém. Tùy diện tích nhà ở, mỗi người chơi có các bể cá khác nhau. Ở quê đất đai rộng rãi người dân thường xây hồ cá cảnh. Đô thị diện tích hẹp thì lại làm những cái bể nhỏ, dài từ 0,5 m (đặt trên bàn) đến 3 m (đặt dọc sườn nhà). Các bể cá thường nông, hẹp thiếu khí nên cần thêm trong bể một chiếc bình nén khí, một cái vòi xông hơi bơm ô xi vào hòa tan trong nước, một máy lọc để thay nước, thả than hoạt tính hấp thu cặn bã, thức ăn thừa của cá, và cứ ba ngày thay một lần. Đối với nước biển thì một tuần thay nước một lần. Nhiệt độ nước tốt nhất chừng 27- 300C, vì nếu cao hơn thì cá khó thở, thấp hơn sẽ nhiễm bệnh nấm trắng. Cũng cần các ngọn đèn huỳnh quang nhằm tăng màu sắc và ánh sáng mạnh tắm nắng cho cá. Trong bể cũng thường thấy những cây thủy sinh như rong cúc, xương cá, móc câu, rau dừa, lá ngò... vừa để trang trí, vừa làm thức ăn cho cá. Để chúng mọc tốt phải chiếu đèn thường xuyên, khi cây mọc quá dài, xù xòa phải cắt bớt ngọn tránh che kín bể và nhả nhiều khí CO2 vào nước làm cá sặc. Do cá ăn tạp nên có thể cho chúng ăn bất cứ thứ gì như giun đỏ, cám xay, bỏng ngô cùng các sinh tố kháng bệnh, nhưng trước đó phải trộn chất kết dính vào thức ăn để không làm đục nước.
Trong các thú chơi, chơi cá có lẽ là sinh hoạt văn hóa mà mọi người gửi gắm vào đó nhiều mong ước nhất. Dân gian tin rằng ngoài niềm vui, cá còn đem lại an lành, phồn thịnh. Cá theo âm Hán Việt có nghĩa là dư, thể hiện sự thừa thãi, phong phú. Trong các truyện cổ tích, cá là một trong bốn vật cưỡi của thần tiên, nhờ thế mà tượng trưng cho niềm an lạc, vui sướng. Cá cũng từng hóa rồng biểu hiện của thi cử đỗ đạt, quyền uy; cá luôn bơi lội đông đúc cho ý nghĩa hạnh phúc nên vào dịp đầu năm, lễ tiết mọi người thường mua cá nuôi tặng nhau như một câu chúc sang năm dư dật, thăng tiến và may mắn. Người ta thường nuôi một lúc 8 hay 12, 32 con, đặt bể cá gần cửa như để của cải, tài lộc chảy vào nhà. Cũng có người chỉ nuôi một con cá rồng, tuy nhiên không phải vì nó đắt tiền mà bởi cái tên rồng đã gợi niềm thái hòa viên mãn. Những người kinh doanh thường nuôi các loại cá mã giáp, ngân long, ánh trăng, cá vàng, cá kiếm, hồng tượng để cầu mong buôn bán thuận lợi sẽ thu về được nhiều kim ngân, vàng bạc. Học sinh, sinh viên, công chức thích nuôi cá chép, cá chọi vì sự dũng cảm, hãnh tiến, khỏe mạnh. Người già thích nuôi cá la hán, ông tiên đem lại cảm giác thư thái và tuổi thọ. Để con cá phát huy thêm hồng vận, người chơi đặt cho chúng rất nhiều tên đẹp với các từ như thái, hòa, kim, tài, hoàng, phúc...
Thú chơi tranh đã có lâu đời, theo truyền thống nhằm khắc họa nếp sinh hoạt, các hình ảnh tươi đẹp gần gũi trong gia đình, làng quê. Tựu chung, người ta chơi tranh thuộc các dòng tranh dân gian như Đông Hồ, Hàng Trống, Sình, Kim Hoàng, Nam Hoàng. Các loại tranh đều in bằng kỹ thuật khắc ván, ốp màu nhưng cũng có một số điểm khác biệt về đường nét, chi tiết. Tranh Đông Hồ in màu trước in nét sau, rồi sửa chi tiết bằng bút vẽ. Tranh được in trên giấy dó dai chắc màu trắng, hồng hoặc vàng phủ hồ điệp trắng bóng. Chủ đề phong phú ca ngợi đời sống dân dã hiền hòa như vinh quy bái tổ, đám cưới chuột, thầy đồ cóc, mẹ con đàn gà, lợn nái ăn dáy, hứng dừa, đánh ghen, cậu bé ôm gà, ôm vịt, ôm cóc... Tranh có kích cỡ nhỏ (lá mít) màu sắc rực rỡ, in xong đem dán tường trang trí quanh năm.
Tranh Hàng Trống nửa in nửa vẽ. Đầu tiên in ván lấy hình bằng mực tàu, rồi dùng bút tô vờn màu chuyển sắc. Giấy in cỡ to nhiều khổ bồi dầy một đến ba lớp. Đây là tranh thờ cúng với chủ đề thần tiên, Phật pháp, tam tòa thánh mẫu, tứ phủ, ngũ hổ, tứ quý, tứ tượng, tố nữ và các linh vật tam giáo. Màu sắc trang nghiêm, tranh có lỗ lồng suốt để treo trang trọng trên ban thờ hoặc phòng khách cả năm.
Tranh Sình sau khi in thoáng thì tô chấm màu và điểm thêm chi tiết nếu cần bằng bút xơ dừa. Mắt, mũi, miệng và những chi tiết tạo nên sự sống động luôn được làm sau cùng. Cũng là tranh thờ, nhưng đối tượng của tranh Sình phong phú hơn gồm bách linh và treo dán ở nhiều nơi, trong nhà ngoài sân, cây vườn, chuồng lợn gà, trâu bò. Một số tranh cúng với sớ táo quân, cúng xong đốt luôn, một số để một năm rồi đốt, thay bằng tranh mới.
Vào những ngày tết, mọi nhà đều treo tranh dân gian gợi nhớ những ký ức và hướng tới viễn cảnh tươi đẹp. Mỗi bức tranh từ màu sắc đến hình thù và cách bài trí đều mang đậm tâm tư tình cảm của người treo và gia đình như mong ước con cháu sau này sẽ được đỗ đạt như ông quan trạng vinh quy về làng, chăm chỉ học giỏi như thầy đồ cóc dạy học, tiến đạt như cá chép hóa rồng, thuận lợi như thuyền xuôi gió, đầm ấm hạnh phúc như mẹ con đàn gà lợn âm dương...
Cùng với tranh, nhiều gia đình cũng trưng đồ gốm sứ, gồm đồ cổ (hoặc giả cổ) và vật có hình ảnh mới lạ, hấp dẫn như chim thú, con người được tạo hình bằng đất. Thật ra, thú chơi gốm sứ đã tồn tại tự nhiên với mỗi người, trong mỗi nhà đều có nhiều vật dụng bằng gốm. Có nhiều thứ gốm như gốm thô Chăm Ninh Thuận, gốm Cậy Hải Dương, Bát Tràng Gia Lâm, các loại gốm men ngọc, men rạn, men hoa lam, men hoa nâu, men nhum, men chảy... Có nhiều làng làm gốm như Bát Tràng, Thổ Hà, Phù Lãng, Hương Canh. Để làm một sản phẩm gốm, đầu tiên phải kiếm đất sét dẻo, nhào mịn rồi đưa lên bàn xoay tay chuốt tạo hình. Sau đó để khô, và nếu cần thì bít vá, nạo khắc một lần nữa. Khi nó còn ẩm, sẽ quét men, tiếp tục phơi và cuối cùng cho vào lò nung. Sản phẩm ra lò sẽ có màu nâu sậm hoặc vàng da lươn... Ngoài đồ gốm ở làng nghề, nhiều người cũng tự mua bàn xoay để quay nặn theo hình thù và vẽ họa tiết, màu sắc ưa thích trên các sản phẩm tự tạo. Thường thấy là tranh gốm, tượng gốm hình người, con giống, hũ bình, bát đĩa, chân đèn, giá đôn và các tiểu cảnh dạng thác nước phong thủy to nhỏ. Việc trưng bày gốm không những góp phần tô điểm không gian căn nhà truyền thống trở nên ấm cúng, sinh động mà còn là thói quen văn hóa ngàn đời cần lưu truyền mãi mãi trong mỗi gia đình.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 344, tháng 2-2013
Tác giả : Chu Mạnh Cường