Trong thi đấu thể thao, đồng bào Tây Nguyên rất ít khi để ý đến kết quả thắng thua, mà thường nghiêng hẳn sang yếu tố chơi. Chơi trong nghĩa giải trí, vô tư, không mảy may vụ lợi.
Đẩy gậy, môn thể thao ưu thích của người Tây Nguyên
Già làng K’Tếu, ngụ tại xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ: “Xưa nay, khi nói hoặc viết về các di sản văn hóa bản địa Tây Nguyên, một số người đến từ nền văn hóa khác thường chỉ đề cập đến yếu tố tâm linh, coi đó là trọng yếu; thậm chí, duy nhất trong hoạt động văn hóa tinh thần của cư dân nơi đây, mà quên đi rằng chơi mới là yếu tố đầu tiên cần phải nhắc tới”.
Chia sẻ của già làng K’Tếu cũng là nhận định mà nhà nhân học người Pháp Jacques Dournes, người có gần 30 năm sống ở Tây Nguyên, từng đưa ra trước kia. Trong cuốn sách Miền đất huyền ảo, nhà nhân học Jacques Dournes đã viết: “Người Tây Nguyên vốn rất trẻ về mặt tinh thần. Họ biết đùa chơi ở mọi lứa tuổi. Yếu tố vô tư là cốt yếu đối với các trò chơi của người bản địa Tây Nguyên”.
Thật vậy, ban đầu, trò chơi là một hoạt động mà con người sáng tạo ra trong khi đi tìm niềm vui thích, cả thể chất lẫn tinh thần. Qua phương tiện trò chơi, nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau của con người được biểu hiện: niềm vui, sức mạnh, kỹ thuật, sự nỗ lực, chiến thắng v.v... Nghiên cứu của nhà nhân học Jacques Dournes còn chỉ ra rằng, người Tây Nguyên quan niệm, trò chơi chỉ thực sự là trò chơi khi nó mang lại niềm vui thích cho người chơi, hoặc người chơi tìm thấy ở đó những niềm vui thích mà mình mong muốn. Người Tây Nguyên hoàn toàn xa lạ với các trò chơi có tính may rủi, hay nói chính xác hơn là họ không quan tâm đến những trò đó. “Giống như trẻ con, trong các trò chơi của mình, đàn ông (Tây Nguyên) chỉ nhằm tìm niềm thích thú vô tư. Họ không hề nghĩ đến những môn thể thao có thể kiếm lợi. Họ chỉ chờ đợi ở đây một trò tiêu khiển về thể chất và tinh thần”, nhà nhân học Jacques Dournes cho hay.
Theo đó, các trò chơi mang lại nhiều niềm vui thích cho người Tây Nguyên bao gồm: đẩy gậy, phóng lao, bắn nỏv.v... Trong những trò chơi có tính chất ganh đua kiểu này, nó cũng trở thành một biểu hiện mang tính thẩm mỹ. Trí tưởng tượng càng phong phú thì đối tượng của các cuộc ganh đua nói trên càng đa dạng. Vì thế, các cuộc thi đấu xem ai là người đẩy một người ra khỏi vòng tròn với thời gian nhanh nhất, ai là người phóng cây lao đi xa hơn và ai là người bắn nỏ chính xác đến từng mi li mét rất gây ấn tượng. Thanh niên cường tráng, khỏe mạnh tìm đến những môn thể thao kể trên để thể hiện tài năng, còn người lớn tuổi và trẻ con lại háo hức tham gia cổ vũ hết mình. Mỗi đối tượng sẽ tìm thấy một sự thỏa mãn riêng. Các cuộc đấu vì thế là cuộc chơi về tài uyển chuyển, sự dẻo dai, kỹ chiến thuật và tâm lý của những người trực tiếp thi đấu. Tính ganh đua, sự ngẫu hứng của người chơi đã lây sang cả khán giả, khiến khán giả thích thú. Như người trực tiếp thi đấu, người xem cũng có những chuyển biến tâm trạng theo diễn biến của cuộc đấu. Sự hồn nhiên, vô tư của khán giả đã làm cho các cuộc thi đấu thể thao trở nên rất sôi nổi. Trong lúc cuộc đấu diễn ra, cả khi cuộc đấu kết thúc, tiếng xuýt xoa tiếc rẻ, tiếng reo hò sảng khoái, xen lẫn những tiếng vỗ tay, tiếng cười nói vang lên không dứt tạo không khí vui vẻ và đoàn kết.
Theo già làng K’Tếu, xét về góc độ văn hóa, các trò chơi của người Tây Nguyên đều mang ý nghĩa đề cao tính tập thể, kết nối cộng đồng, bên cạnh yếu tố tăng thêm sự sảng khoái, hăng say trong lao động, hình thành nên ý chí kiên cường, sự dẻo dai và ý thức vươn lên giành chiến thắng của mỗi con người, mỗi cộng đồng. “Trò chơi vốn dĩ là một hình thức giải trí. Vì thế, yếu tố chơi phải được đặt lên hàng đầu. Yếu tố này sẽ tự mất đi khi con người trở nên thực dụng”, Nghệ nhân Ưu tú Điểu K’Lộc, ngụ xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, nhấn mạnh.
Tác giả: Trịnh Chu
Nguồn: Tạp chí VHNT số 450, tháng 1-2021