Cùng với sự phát triển của đất nước, chất lượng đời sống của người dân đã có nhiều tiến bộ. Những lo lắng về vật chất đã không còn rốt ráo như trước đây. Điều đó đảm bảo cho người dân đón tết cả (tết Nguyên đán) với một tinh thần khác, tâm thế khác. Bởi vậy, từ trang trí không gian nhà ở, vườn tược đến mua sắm các thức dùng ngày tết, người dân đã cho thấy những ứng xử khác với trước. Thậm chí, ở nhiều nơi, nhất là khu vực thành thị, nhiều gia đình đã chuyển đổi từ ăn tết thành chơi tết. Đi cùng với những sự thay đổi ấy, xã hội cũng đang chứng kiến nhiều biến thái (1) trong cách ứng xử, thậm chí phải chấp nhận sự mai một của một số giá trị.
Nói đến tết là nói đến mừng tuổi. Ngày trước, ông bà ta vất vả, gần độ tết chỉ dành dụm được dăm ba đồng tiền lẻ để mừng tuổi cháu, mong cho cháu sang năm mới ngoan hơn, học giỏi hơn. Đồng tiền đó thường không đủ lớn để mua nổi một thứ gì đó có giá trị. Ngày nay, đời sống các gia đình đã khá giả hơn, mừng tuổi đã được người dân tự phát hình thành phong trào. Khách đến chúc tết, khách mừng tuổi chủ nhà (nhà có trẻ nhỏ hoặc người già). Khách đến chúc tết (có mang theo trẻ nhỏ), chủ nhà mừng tuổi. Ngày tết, mỗi cá nhân thường luân phiên sắm hai vai khách và chủ, vì thế, hầu bao rút ra thường kha khá. Nhiều gia đình nông thôn, khoản mừng tuổi đã gây nên tâm lý không thoải mái. Mừng tuổi là ứng xử văn hóa trong dân gian, dĩ nhiên là tự nguyện, biểu hiện tấm lòng quý trọng tình cảm, yêu trẻ, kính già, do đó mặc dù phải chịu những tác động khách quan, song người dân vẫn tuân theo không thể khác. Dần dần, do không có sự điều tiết nên kiểu mừng tuổi này đã nghiễm nhiên tồn tại trong đời sống hiện đại như một cách ứng xử mới của con người trong bối cảnh mới.
Quà tết là một phần hương vị ngày tết, biểu hiện tình cảm chân thành, quý mến của người biếu đối với người nhận. Quà tết, do đó, thường là... quà như: vật trang trí, vật kỷ niệm, áo quần, đồ dùng ngày tết... Và, thường là những vật tượng trưng cho cái đẹp, sự trang nhã. Ngày nay, người ta vẫn biếu nhau các loại quà. Tuy nhiên, bên cạnh đó, do sự chi phối của điều kiện khách quan tới tâm lý, người ta đã biến quà thành phong bì để biếu. Quà là phong bì đã trở thành một cách ứng xử của con người Việt Nam thời hiện đại, được không ít người coi đó là ứng xử phù hợp với xu thế mới, bối cảnh mới. Điều này có mặt tích cực, song mặt trái của nó là đã tồn tại trong một số quan hệ thiêng liêng được coi như giá trị của dân tộc như thày - trò, người bệnh - thày thuốc, em - anh... Đặc biệt, mặt trái lớn nhất của nó là dễ dẫn đến tâm lý coi trọng đồng tiền, trong khi ý nghĩa lớn nhất của hành động biếu quà tết đó là biểu thị tình cảm (của người biếu đối với người được nhận). Quà tết đó, cũng như các loại quà trong dân gian nói chung, vì nó chuyển tải thông điệp tình cảm đằng sau vật chất nên thường được người nhận trân trọng và sử dụng, không đem bán, tặng, cho người khác. Bởi vì, người Việt Nam rất trọng tình nên cho rằng, khi bán, tặng, cho thứ quà ấy đi cũng có nghĩa đã bán, tặng, cho tấm lòng của người biếu cho người khác. Và hơn thế, cũng vì quý trọng tình cảm, trọng nhau nên người Việt Nam cho rằng, sự lựa chọn của người biếu quà là sự lựa chọn sáng suốt nhất nên người nhận quà cứ yên tâm sử dụng. Do đó, không phải ngẫu nhiên việc chọn quà luôn là một việc khó trong dân gian từ xưa đến nay. Đời sống hiện đại, chất lượng cuộc sống tác động mạnh tới thị hiếu, gu thẩm mỹ con người nên người biếu quà khó đoán được ý thích của người nhận vì thế họ chọn hình thức quà phong bì để người nhận tự mua lấy những thứ mình thích. Ngoài ra còn có nhiều lí do khác như chất lượng, sự an toàn của quà (do người biếu quà có thể không kiểm soát được trong xu thế hàng giả, hàng kém chất lượng) đã tác động tới tâm lý người nhận nên hình thức biếu quà phong bì đã phổ biến trong xã hội. Từ biếu quà là vật chất cụ thể đến biếu quà phong bì là một sự phát triển trong nhận thức về quà song ít nhiều tác động không tích cực tới tâm lý xã hội.
Từ chỗ ăn tết đến chơi tết, một bộ phận lớp trẻ người Việt đã hình thành một hình thức chơi mới. Đó là chơi - du lịch. Do áp lực công việc, lớp trẻ không có thời gian rảnh rỗi, tết là thời điểm thích hợp để nghỉ ngơi, lấy lại tinh thần để sang năm mới tiếp tục làm việc, vì thế họ tìm đến các địa điểm du lịch. Mặc dù tết bây giờ chú trọng chơi nhiều hơn ăn, nhưng ở quê, trọng tình vẫn là tính cách nổi bật nên ngày tết nhà này phải đi chúc tết nhà khác, đi hết các nhà trong làng, đi những nơi quen biết. Cũng vì trọng tình và trọng ứng xử nên nhà nào cũng chuẩn bị mâm cỗ, rượu, tiệc để thết đón (đối với người ở quê, đi chúc tết cũng là cách chơi tết). Vì thế, đối với lớp trẻ ở thành thị, tập quán này có phần gây mệt mỏi, không phù hợp với họ. Trên thực tế, việc lớp trẻ ở thành thị chọn đi du lịch thay vì về quê, đi vòng quanh xóm làng chúc tết có nguyên nhân sâu xa từ nghề nghiệp. Tết vốn là biến âm của từ tiết, là thời điểm người làm nông nghỉ ngơi sau những tháng ngày vất vả với mùa màng. Trước đây, thời điểm này là vào tháng 11, sau này do ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa nên ta chọn tháng giêng. Nói cách khác, tết là tết của người nông dân, là tiết mà người nông dân chọn để bù lại những tháng ngày lao động vất vả bằng việc ăn nhiều thức ăn (bánh chưng, thịt, dưa, cá...) và đi chơi (đi chúc tết, các trò chơi như đánh cờ, chọi gà...). Lớp trẻ lớn lên lập thân không phải bằng nghề nông nên tâm thức nông nghiệp có phần bị mai một, hình ảnh làng không còn giá trị nguyên ủy như cư dân sinh sống tại làng, vì thế, việc chúc tụng ngày tết đối với họ có phần không thích hợp. Hơn nữa, bộ phận lớp trẻ này ít nhiều chịu ảnh hưởng của phương Tây (qua ngả học đường, các kênh truyền thông) với quan niệm, tết là dịp nghỉ ngơi.
Các thức cúng và dùng trong ngày tết là một phần hương vị của tết cổ truyền đã ít nhiều mai một trong đời sống hiện đại. Bánh chưng đã ít người tự gói, thay vào đó, thường là mua sẵn. Số lượng mua cũng chỉ khoảng dăm ba cái, đủ để bày trên bàn thờ. Các gia đình nông thôn cũng gói với số lượng ít hơn, không nhiều như trước đây. Ngày xưa, do bối cảnh sản xuất nông nghiệp, tết là tiết nghỉ ngơi, là dịp vui chơi, quần tụ trong khi đời sống khó khăn nên bánh chưng (là thức ăn ngon) phải gói nhiều để ăn trong nhiều ngày, đó cũng là một cách biểu hiện sự sung túc trong ngày tết (gắn với từ ăn trong ăn tết). Gắn với bánh chưng với công đoạn gói là hình ảnh những đứa trẻ xum xúm bụng như mở cờ, với công đoạn nấu là hình ảnh cả nhà quần tụ bên nồi bánh để đun, canh. Đặc biệt, trẻ em ngày ấy rất háo hức với món bánh chưng con (là bánh chưng có kích thước nhỏ hơn bánh chưng thông thường) bởi vì đó là món ngoại lệ, được ăn ngay khi chín, không phụ thuộc vào việc cúng gia tiên, trời, phật. Có những đứa trẻ rất thích món bánh chưng con nên dè sẻn không dám ăn, trước là dùng làm đồ chơi, đến khi chơi chê chán thì bóc bánh ăn. Với trẻ con ngày ấy, bánh chưng con thực sự là một phần của tết. Ngày nay, hình ảnh này hầu như không xuất hiện nữa. Cùng với bánh chưng, bánh dày gần như không được người dân gói. Lý do khá đơn giản, gói bánh dày công phu hơn, vị của bánh dày cũng khá giống với bánh chưng nên có bánh chưng thay thế.
Tranh tết, câu đối tết là một phần không thể thiếu trong thời xa xưa, biểu hiện tinh thần coi trọng giá trị nhân văn, coi trọng cái đẹp, ít nhất là những giá trị tinh thần kết tinh trong câu đối, ẩn mình trong bức họa. Bức họa ở đây có khi họa bằng chữ gọi là tranh chữ. Tranh chữ thường là các chữ mà chủ nhân tâm đắc, hoặc tổng kết một năm cũ, hoặc gắn với sự cầu mong trong năm mới như: an (yên ổn), phúc (việc tốt lành, điều may mắn), khang (yên vui, khỏe mạnh). Ngày nay, tranh chữ bán khá nhiều trên thị trường nhưng rất lố bịch vì nó không cho thấy giá trị thẩm mỹ của sáng tạo mà kỳ thực đó là sự lên men của công nghệ. Bởi thế, ngày xưa, cha ông rất kỹ trong chọn người cho chữ, gọi là xin chữ, có khi phải mua chữ. Cũng là chữ đó nhưng phải là ai viết, có nghĩa, phẩm chất của người viết hết sức quan trọng. Chơi tranh, cũng như chơi câu đối là việc rất khó, thể hiện tinh thần trọng học, trọng giá trị nhân văn. Bởi thế, đối với những gia đình coi trọng gia phong, ngày tết thể nào cũng có vài câu đối treo hai bên bàn thờ - vốn được đặt ở gian nhà chính là nơi trang trọng của cả ngôi nhà, hội tụ đủ vượng khí. Những gia đình đi lại, bạn bè với nhau thì chúc nhau bằng câu đối thể hiện quan sát (quan tâm) của gia đình này đối với gia đình kia. Ngày nay, hình thức chơi tranh, chơi câu đối và chúc tết bằng câu đối đã dần dần mai một. Một phần lý do là các gia đình do đời sống khá giả hơn nên đã trang trí phòng khách theo một thiết kế nhất định, phòng thờ có khi được đặt ở một phòng riêng, nằm ở trên gác; phần khác, do các giá trị văn chương (câu đối là một thể loại văn chương), giá trị tinh thần không còn có vị trí như trước đây, thậm chí xã hội đang chứng kiến sự lai căng văn hóa, sự xuống cấp về đạo đức, sự tha hóa.
Như vậy, trong đời sống hiện đại, cùng với sự phát triển của kinh tế gia đình, nghề nghiệp, thị hiếu thẩm mỹ, tết của người Việt hiện đại đã có nhiều thay đổi so với cổ truyền. Về cơ bản, những nét cổ truyền vẫn được lưu giữ song đã có nhiều giá trị bị biến thái hoặc mai một. Tất cả những điều đó, suy cho cùng là ứng xử của con người trong bối cảnh mới. Do đó, đối với những giá trị đứng trước nguy cơ bị mai một thì phải điều chỉnh từ cách thức ứng xử (bởi bối cảnh, điều kiện bên ngoài thì không thể thay đổi). Có như thế, giá trị của ngày tết mới thực sự được phát huy, được làm giàu dựa trên nét cổ truyền truyền thống.
_______________
1. Từ biến thái có nghĩa là “hình thái đã biến đổi ít nhiều so với hình thái gốc” (dẫn theo: Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1996, tr.61).
Nguồn : Tạp chí VHNT số 355, tháng 1-2014
Tác giả : Nguyễn Mạnh Hà