TẠO ĐIỂM NHẤN VĂN HÓA VÙNG MIỀN CHO BẢO TÀNG ĐỊA PHƯƠNG

Hiện nay, các bảo tàng địa phương muốn thu hút khách tham quan cần phải khoác lên mình một bộ trang phục mới, riêng và độc nhất. Tính riêng và độc nhất thể hiện ở bản sắc hay sắc thái riêng của từng vùng, miền. Đây chính là nét độc đáo mà các bảo tàng địa phương cần phải biết cách khai thác và khai thác một cách triệt để.

1. Nét riêng của văn hóa vùng miền

Không gian văn hóa của tộc người chính là không gian sinh tồn của tộc người đó. Nó gắn liền với vùng lãnh thổ mà cộng đồng dân cư của tộc người đó sinh sống. Trong xã hội hiện nay, lãnh thổ tộc người vẫn còn tồn tại. Tuy vậy, do sự phát triển xã hội và sự di chuyển dân cư phần lớn lãnh thổ tộc người bị phá vỡ. Qua đó, tình trạng cư trú đan xen giữa các tộc người trên cùng một lãnh thổ đã diễn ra. Chính vì thế, không gian văn hóa tộc người không còn nguyên vẹn. Đó cũng chính là một trong những xung lực tạo nên sự tiếp biến, hỗn dung văn hóa, một hiện tượng phổ biến trong bức tranh chung văn hóa nhân loại hiện nay.

Văn hóa vùng còn là một dạng thức của không gian văn hóa. Ở đó, do quá trình giao lưu văn hóa lâu dài giữa các tộc người, đã tạo nên các sắc diện văn hóa chung. Ví như: nhà mồ và văn hóa nhà mồ là một hiện tượng văn hóa độc đáo của các tộc người ở Tây Nguyên. Thực ra, văn hóa nhà mồ không còn là hiện tượng văn hóa đơn lẻ, mà đúng ra là một tổ hợp các hiện tượng văn hóa, thể hiện qua các phương diện (tín ngưỡng, nghi lễ, lễ hội, tạo hình, diễn xướng, phong tục...). Nó phổ biến tương đối đều khắp ở các tộc người bản địa Tây Nguyên. Tuy nhiên sẽ sai lệch, nếu chúng ta xem đó là hiện tượng văn hóa mang tính đồng nhất. Tùy theo mỗi tộc người, mỗi vùng miền đều mang các sắc thái riêng.

Mỗi vùng, miền đều có điều kiện tự nhiên, môi trường khác nhau, vì vậy, cư dân cư trú cũng có nét khác biệt. Qua đó, điều kiện sinh thái, động thực vật sinh sống trong môi trường đó cũng có nét khác về cách săn mồi, điều kiện sinh trưởng… Các tộc người sinh sống tại các môi trường sinh thái ấy phải phù hợp và thích nghi với những tập tục của họ. Từ đó tạo ra sự khác biệt văn hóa giữa các vùng, miền.

Khi nhắc đến Nam Bộ là nói tới những dòng sông lớn nhỏ, cánh đồng phì nhiêu hợp thành vựa lúa lớn nhất của cả nước, bãi biển đẹp, vườn cây ăn quả xum xuê, vườn quốc gia, vườn chim, khu bảo tồn thiên nhiên, chợ nổi trên bến dưới thuyền, nhiều ngôi nhà trăm cột, chùa đền thánh thất nguy nga. Những lễ hội tín ngưỡng tôn giáo thu hút khách hành hương, văn hóa ẩm thực độc đáo muôn vẻ từ thời khẩn hoang đến thời hiện đại luôn mở rộng hội nhập bốn phương, nghệ thuật đàn ca tài tử, sân khấu cải lương, hàng trăm điệu hò, điệu lý, bài vè…

Nói về Nam Bộ cũng là nói tới những con người phương Nam dễ thương, với tâm hồn bình dị, trực tính, giàu đạo nghĩa, sống hết mình, dám ăn, dám chơi, dám làm. Đó là những con người miền Nam rất cởi mở trong nếp nghĩ và nếp sống, nhạy cảm với tiếp biến văn hóa Nam Bắc Tây Đông.

Nhắc đến Tây Nam Bộ hay vùng văn hóa đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, chúng ta cũng thấy rất rõ nét khác biệt giữa một số vùng ví như: Đồng Tháp quê hương của các giống lúa nổi như lúa trời (lúa ma), lúa sạ (sạ khô, sạ ướt, sạ vãi, sạ tỉa, sạ ngâm) là những giống lúa gieo thẳng, ký ức của thời khẩn hoang, làng hoa kiểng Sa Đéc là một trong những trung tâm hoa kiểng của toàn miền Nam, điểm du lịch là vườn cò Tháp Mười, tràm chim Tam Nông nổi tiếng; An Giang là nơi có chùa Tây An, khu du lịch núi Sam, tưng bừng với lễ hội miếu Bà Chúa Xứ. Long Xuyên và Châu Đốc là hai nơi bán nhiều thứ mắm thơm ngon nhất nước; Bạc Liêu xưa có công tử Bạc Liêu ăn chơi khét tiếng. Đồng bào Việt - Hoa - Khơme chí thú làm ăn trên vùng đất phì nhiêu, chằng chịt sông rạch, kênh mương. Hấp dẫn du khách nhất vẫn là vườn chim Bạc Liêu vô cùng sống động…

2. Đặc trưng của các bảo tàng

Trưng bày bảo tàng là vấn đề không còn mới. Từ xưa đến nay, chúng ta vẫn thường làm và truyền nghề cho nhau về những phương pháp trưng bày như theo niên đại (trưng bày theo tuần tự thời gian), chuyên đề (trưng bày theo đề tài mà kết cấu nội dung quyết định), theo đề cương (nghĩa là trưng bày theo một kịch bản văn học đã được xây dựng trên cơ sở tài liệu hiện vật)... Đa phần, các bảo tàng dựa vào sưu tập hiện vật gốc để hình thành và lựa chọn giải pháp trưng bày. Do vậy, phương pháp trưng bày này không bị lệ thuộc vào phạm vi lãnh thổ. Xử lý khoa học và đồng bộ mối quan hệ giữa nội dung khoa học- mỹ thuật - kiến trúc và kỹ thuật. Hiện vật đảm bảo tính chân xác, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ của hiện vật. Hiện vật trưng bày phải đảm bảo tính khái quát, đa dạng, tiêu biểu và tính liên tục của hiện vật. Thường xuyên cập nhật trong trưng bày hiện vật. Đồng thời phải đảm bảo duy trì và phát huy mối quan hệ chặt chẽ và tương hỗ giữa trưng bày và người xem.

Hiện nay, khả năng tổ chức hoạt động, cũng như về lĩnh vực bảo tàng học, ngành bảo tàng nước ta vẫn còn nhiều bất cập, đó là chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội, đặc biệt là chưa phản ánh được đầy đủ những giá trị văn hóa, truyền thống quý giá của cha ông qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Bảo tàng đặc trưng văn hóa địa phương, về văn hóa vật thể và phi vật thể của các tộc người cần trưng bày những yếu tố văn hóa riêng biệt của tộc người ấy. Ngoài đặc trưng văn hóa chung của dân tộc Việt Nam, mỗi tộc người đều có nét riêng như cách ăn, ở, mặc, đi lại và những phong tục tập quán, lễ hội vùng; cũng như vậy ở phần lịch sử xã hội, đặc biệt là phần lịch sử cận hiện đại, việc trưng bày thường theo cách phân kỳ lịch sử chung, nếu không làm rõ những đặc trưng này rất dễ dẫn đến tình trạng giống nhau ở các bảo tàng về cách trình bày và trưng bày hiện vật. Đó cũng là điểm yếu của các bảo tàng nước ta hiện nay.

3. Bảo tàng, điểm đến của du lịch

Khi đi du lịch tâm lý mua quà về làm đồ lưu niệm để ghi lại dấu ấn chuyến đi đã trở thành thói quen của nhiều du khách. Tuy nhiên, các mặt hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch tương đối đa dạng về chủng loại, mẫu mã, các sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương thì lại ít và đơn điệu... Sản phẩm hàng lưu niệm du lịch hiện nay thiếu đặc trưng địa phương. Ngoài ra, sản phẩm đồ lưu niệm ngoài nét đặc trưng về văn hóa địa phương, thẩm mỹ thì cũng phải tính đến yếu tố thuận tiện. Bởi khách đi du lịch dài ngày, họ phải thường xuyên di chuyển, sẽ bất tiện khi phải mang theo những sản phẩm đòi hỏi phải giữ gìn, bảo quản cẩn thận.

Do chưa đáp ứng được thị hiếu của khách tham quan nên sản phẩm hàng lưu niệm đến nay vẫn chưa thu hút được khách du lịch. Điều này không chỉ làm cho địa phương mất đi nguồn thu mà còn bỏ lỡ cơ hội quảng bá hình ảnh thông qua chính đồ lưu niệm. Theo đó, sản phẩm thiết kế phải mang tính đặc thù riêng phản ánh nét đặc trưng mang dấu ấn địa phương. Việc xây dựng, củng cố sản phẩm đồ lưu niệm để tạo dựng hình ảnh du lịch là yêu cầu cấp thiết đối với ngành du lịch nói chung và bảo tàng nói riêng trong giai đoạn hiện nay.

4. Tạo cú hích thu hút công chúng đến bảo tàng

Bảo tàng đóng vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng. Tuy nhiên, việc thu hút công chúng đến bảo tàng còn yếu kém cần có nhiều giải pháp để khắc phục. Vì hiện nay, hệ thống trưng bày bảo tàng cũ kỹ, lạc hậu thiếu hấp dẫn, hoạt động triển lãm, sự kiện còn yếu, công tác truyền thông, marketing, quan hệ công chúng chưa thật sự được phát huy... Bảo tàng chưa có chiến lược kết hợp với các công ty du lịch địa phương và các công ty du lịch lữ hành lân cận. Nếu có, các chiến lược ấy chưa được triển khai một cách triệt để và hiệu quả thấp. Một số bảo tàng địa phương hoạt động không hiệu quả. Ngày làm việc trong tuần không có khách đến tham quan. Thi thoảng có một vài khách lẻ vào tham quan nhưng chỉ tham quan vài phòng trưng bày. Vào ngày cuối tuần (thứ bảy, chủ nhật), bảo tàng càng vắng người thậm chí có ngày không một người khách tham quan. Bên cạnh đó, bảo tàng phải trả một khoản kinh phí không hề nhỏ cho điện thắp sáng vào 2 ngày cuối tuần. Đồng thời, bảo tàng còn phải trả thù lao làm việc ngoài giờ cho cán bộ bảo tàng tham gia trực trưng bày và trực lãnh đạo… Để khắc phục tình trạng này, các bảo tàng phải tìm cách đổi mới phương thức hoạt động để tiếp cận nhiều hơn với công chúng, trước hết là đổi mới trưng bày. Sự đổi mới trưng bày của các bảo tàng phải nhắm tới mục đích làm cho tài liệu, hiện vật, hình ảnh sống động gợi mở cho khách tham quan những cảm xúc, liên tưởng đến các câu chuyện của lịch sử, từ đó làm tăng sức hấp dẫn của bảo tàng.

Một số bảo tàng đã mạnh dạn sáng tạo nhiều hình thức hoạt động, trưng bày phong phú lôi cuốn khách đến thăm. Ngoài ra, những hoạt động trải nghiệm để du khách tham gia tìm hiểu về từng thời kỳ lịch sử cũng như nhiều ngành nghề truyền thống cũng được các bảo tàng quan tâm. Ngoài ra, bảo tàng cũng chú ý tới dịch vụ tiện ích cho công chúng như có điều hòa mùa nóng, nhà phục vụ đồ ăn, giải khát, khu vực vệ sinh đạt chuẩn quốc tế, quầy bán hàng lưu niệm với nhiều sản phẩm đặc trưng như hàng may mặc, thêu, dệt, trang sức trong đó có sản phẩm đặc thù mang thương hiệu riêng của bảo tàng. Bên cạnh đó, bảo tàng nên thường xuyên thực hiện liên kết với các trường học, tổ chức những buổi vừa đi tham quan, vừa học.

Muốn thu hút công chúng đến bảo tàng một cách hiệu quả đòi hỏi mỗi bảo tàng phải từng bước đổi mới tư duy, năng động và sáng tạo tìm ra những hướng đi phù hợp để xây dựng vị thế và phát triển,

Nguồn : Tạp chí VHNT số 405, tháng 3 - 2018

Tác giả : BÙI THỊ HỒNG LOAN

;