Nằm trong khuôn khổ “Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2022, ngày 12-2, tại Làng dân tộc Ba Na, Khu các làng dân tộc II (Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã tái hiện lại đám cưới của dân tộc Ba Na tỉnh Gia Lai hết sức chân thực và độc đáo.
Phong tục cưới hỏi của dân tộc Ba Na với những nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc luôn được coi trọng và giữ gìn cho đến ngày nay. Trai gái Ba Na đến tuổi trưởng thành đều có thể tự do chọn lựa người bạn đời mà không cần đến cha mẹ. Tiêu chuẩn chọn lựa bạn đời, đó là trung thực, khỏe mạnh, giỏi làm rẫy, trai có tài săn bắn, lấy củi; gái thạo đan lát, dệt vải.
Ông mối chuẩn bị treo các vật thiêng lên cột gưng trước sự chứng kiến của hai gia đình
Từ lúc yêu nhau cho đến khi nên vợ nên chồng, đôi trai gái phải qua hai lễ tục bắt buộc là lễ trao vòng và lễ cưới. Lễ cưới, tiếng Ba Na gọi là “pơ koong”, thường được tiến hành vào cuối năm, nghĩa là sau mùa thu hoạch, trong tháng “khay ning nong”, tương đương với tháng 12 và tháng 1 dương lịch, đó là lúc nông nhàn, thóc lúa đã đầy kho, trâu bò đầy chuồng và gà đầy sân. Ngày cưới bao giờ cũng là ngày giữa tháng, ngày trăng tròn, ngày được coi là tốt nhất để tiến hành công việc trọng đại. Đám cưới diễn ra trọn một ngày và là ngày hội của làng.
Những vật quan trọng trong lễ cưới có 2 xâu thịt heo, 2 khăn choàng truyền thống của 2 bên gia đình treo trên 2 con dao gỗ. Theo quan niệm xưa nếu đôi trai gái xảy ra xích mích trong lễ cưới thì cô gái phải lấy khăn choàng đó treo cổ, chàng trai phải lấy dao tự đâm mình.
Ngọn nến sáp ong trên cột gưng được duy trì suốt cả lễ cưới, đây là biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu
Trong lễ cưới bắt buộc phải có một người mai mối, người này sẽ kiểm tra mối quan hệ của đôi trai gái có họ hàng hay không, đã đủ tuổi chưa, rồi rủ thêm người trong làng cùng mai mối cho đôi trai gái. Ông mai mối đưa lời thề nếu chàng trai bỏ cô gái hoặc ngược lại, sẽ phải đền một con trâu, một tạ heo và 50 ché rượu.
Ông mối đưa lời thề trước sự chứng kiến của hai bên gia đình
Trước sự chứng kiến của 2 gia đình, đôi trai gái lần lượt trao vòng (vòng nhôm hoặc vòng đồng) cho nhau. Người Ba Na thống nhất sau lễ trao vòng, đôi trai gái sẽ không được phép có quan hệ yêu đương khác nữa. Nếu vi phạm phải trả lại vòng và nộp cho ông mai mối lễ vật, đồng thời bồi thường danh dự cho bên kia cũng bằng heo, rượu. Hôn lễ được cử hành tại nhà gái trước, sau đó lễ chính tại nhà rông, cùng uống chung ché rượu cần.
Sau nhiều thủ tục nghi thức truyền thống, già làng sẽ cho phép mọi người uống rượu, lấy xâu thịt ra chia để mọi người cùng ăn. Tiếp đó là nghi thức tạt nước cho mát mẻ, theo quan niệm của đồng bào, như vậy mới hạnh phúc lâu bền.
Trai gái trong làng nhảy múa để chúc phúc cho đôi vợ chồng mới cưới
Tin: NGÔ HUYỀN - Ảnh: TUẤN MINH