“Nhạc và Đời”, “Cho muôn đời sau” là hai cuốn sách viết về cuộc đời và âm nhạc của cố nhạc sĩ Hoàng Vân, vừa ra mắt độc giả vào dịp giỗ lần thứ tư của ông.
Đây là hai cuốn đầu tiên được xuất bản dành trọn cho cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Vân. Đây như một bản song tấu giúp độc giả hiểu rõ hơn về hoàn cảnh đã kiến tạo nên phong cách âm nhạc, cũng như vẻ đẹp và cái hay trong tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân.
Nhạc và Đời (Viện Âm nhạc xuất bản) là cuốn sách bao gồm 15 bài lý luận phân tích về các ca khúc và tác phẩm khí nhạc tiêu biểu do các nhà lý luận âm nhạc, nhạc sĩ, nhạc trưởng nổi tiếng viết và tuyển chọn một số các bài nổi bật của nhiều nhà báo, nhà văn, nhạc sĩ… viết về con người, cuộc đời của ông được tổng hợp từ nhiều năm. Phần phụ lục bao gồm danh sách tổng tập các tác phẩm của ông hiện đã tìm được cũng như thư mục báo chí, sách, luận văn xung quanh cuộc đời và sự nghiệp Hoàng Vân.
Cuốn Cho muôn đời sau (Nhà xuất bản Kim Đồng) do con gái của ông là Tiến sĩ Âm nhạc Lê Y Linh chấp bút viết về những hồi ký, tiểu sử và các tác phẩm để đời của ông.
Trong vòng hơn nửa thế kỷ sáng tác, nhạc sĩ Hoàng Vân đã để lại khoảng hơn 700 tác phẩm trong gần như tất cả các thể loại và các hình thức âm nhạc. Sau ngày ông rời xa cõi tạm, gia đình đã dày công thống kê, lưu trữ và bảo tồn di cảo của nhạc sĩ. Hai cuốn sách này là kết quả đánh dấu một giai đoạn của công việc bảo tồn và nghiên cứu khối lượng tác phẩm đồ sộ do ông để lại. Yêu nhạc của ông, chúng ta sẽ càng hiểu hơn thêm về các tác phẩm khi đọc những cuốn sách này.
Nhạc sĩ Hoàng Vân (Lê Văn Ngọ, 1930-2018) thuộc thế hệ nhạc sĩ Việt Nam được may mắn đồng hành với cuộc chiến tranh giành độc lập tự do của dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX. Song song với việc sưu tầm và bảo tồn nền âm nhạc dân tộc truyền thống, đây cũng chính là giai đoạn mà Việt Nam đặt nền móng cho sự phát triển trong tương lai của một nền âm nhạc chuyên nghiệp hòa nhập với ngôn ngữ âm nhạc quốc tế. Các ca khúc của ông mang nhiều hình thức và đề tài đa dạng, từ ca khúc nghệ thuật đến ca khúc thời sự, từ tráng ca đến ngợi ca, từ ngành ca đến tình ca, từ tình ca đến du ca, từ dân ca đến những bài hát đậm tình quốc tế năm châu, từ người thợ mỏ đến người nông dân, từ thanh niên tới thiếu nhi. Tất cả những đề tài tưởng như rất xa rời nghệ thuật đã được hát lên với những cung bậc xúc cảm nhất… Những tác phẩm mà tôn chỉ của nhạc sĩ là sáng tạo, sự hướng thượng, là cuộc hành trình đi tìm cái đẹp và bao trùm lên tất cả là tình yêu Tổ quốc.
Ông đã có một sự nghiệp sáng chói, sáng tác ở nhiều thể loại và ở thể loại nào cũng ghi dấu ấn khó quên với người yêu nhạc và là một phần không thể tách rời với lịch sử âm nhạc Việt Nam. Với những đóng góp to lớn đó, năm 2000, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.
Tiến sĩ Lê Y Linh chia sẻ, nhạc sĩ Hoàng Vân không ghi nhật ký, không viết hồi ký, nên để có được các tư liệu về cha, cô đã phải tìm tòi, sưu tầm tác phẩm của ông tại Đài Tiếng nói Việt Nam nơi ông đã làm việc trong phần lớn cuộc đời. Gặp gỡ những người đã sống đã có dịp làm việc tiếp xúc với nhạc sĩ để kiểm chứng về các nguồn thông tin tài liệu… Khi đọc cuốn sách này, người đọc có thể sẽ hiểu thêm về âm nhạc Việt Nam, hiểu thêm về cuộc đời sáng tạo của một nhạc sĩ, về một giai đoạn hào hùng trong lịch sử dân tộc.
Bìa của hai cuốn sách dựa trên bức chân dung tự họa của chính nhạc sĩ Hoàng Vân và được thiết kế bởi người cháu họ của ông, họa sĩ Lê Thiết Cương. Đây là bản "Song tấu trên chủ đề cái đẹp", bởi vì dù tác phẩm ở thể loại nào, được viết dưới hình thức nào, và đề tài gì, âm nhạc của Hoàng Vân luôn lấy chân - thiện - mỹ làm phương châm.
N.B