Tái hiện nghi lễ cấp sắc của người Dao quần chẹt

Trong khuôn khổ Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, chiều ngày 16-4, tại không gian làng dân tộc Dao - Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Dao quần chẹt đến từ Vĩnh Phúc đã tái hiện nghi lễ Cấp sắc của dân tộc mình hết sức chân thực và độc đáo.

Người Dao quan niệm rằng, có trải qua lễ cấp sắc mới có tâm, có đức để phân biệt phải trái, mới được công nhận là con cháu Bàn Vương, để lúc sống có đủ tư cách thờ cúng tổ tiên và khi chết thì hồn được đoàn tụ với tổ tiên, không phải chịu kiếp đọa đày ở âm phủ. Người được cấp sắc mới có âm binh và đủ uy lực điều khiển chúng bảo vệ gia đình, dòng họ.

Người đã qua một lần làm lễ cấp sắc mới được coi là người đàn ông trưởng thành. Xã hội truyền thống của người Dao nói chung có sự phân biệt khá rõ giữa trẻ và già, đặc biệt là giữa những người đã và chưa được cấp sắc.

Người đàn ông chưa qua lễ cấp sắc thì dù già vẫn bị dân làng coi là trẻ con. Người đã qua lễ cấp sắc thì dù trẻ vẫn được coi là người lớn tuổi, được ngồi với các già làng để bàn bạc những công việc hệ trọng của làng, được tham gia cúng bái hoặc giúp việc cho các thầy cúng trong các cuộc cúng lễ của tư gia cũng như của cộng đồng.

Thầy cúng bày biện bàn thờ, các vật phẩm liên quan và tiến hành trình tự của nghi lễ

Ngày nay, người Dao ở Lãng Công chỉ làm 1 lễ cấp sắc, trong đó cấp 3 đèn rồi cấp luôn 7 đèn. Mỗi kỳ cấp sắc thường khá tốn kém, bậc càng cao, phí càng nhiều. Cấp sắc phải theo thứ bậc trong gia đình: cấp cho bố rồi mới cấp cho con, cấp cho anh rồi mới cấp cho em. Có thể tổ chức cấp sắc cho nhiều người cùng họ trong một lần. Nhưng lễ cấp từ 7 đèn trở lên thì mỗi cuộc lễ chỉ được phép cấp cho mỗi bậc một người chịu lễ. Theo quan niệm dân gian, những người đã được chịu lễ cấp 3, 7, 9 đèn thì khi chết, hồn về với tổ tiên. Người được cấp 12 đèn thì khi chết, hồn về với Ngọc Hoàng.

Hầu hết nam giới được cấp sắc đều biết cúng. Có một số người thạo cúng, giỏi pháp thuật thường được mời đi cúng và trở thành thầy cúng.

Lễ qua đèn (cấp 3 đèn, 36 âm binh) gồm có các bước nghi lễ sau:

Trình diện: những người thụ lễ đứng trước bàn thờ, thầy cúng chủ trì cuộc lễ đọc sớ kể rõ lai lịch từng người chịu lễ; 

Cấp đèn: Thầy cúng làm phép cấp đèn cho người chịu lễ, tuyên đọc bản sắc của người thụ lễ cùng các điều răn, lời nguyện và lời thề. 

Hạ đèn và giao âm binh: Thầy cúng làm phép giao âm binh cho người thụ lễ; kể từ đó, người chịu lễ trở thành người và điều khiển 36 âm binh dưới quyền mình.

Qua cầu: Thầy cúng làm phép, khấn cúng và dẫn người chịu lễ sang thế giới bên kia để biết lối đi lại và liên hệ với các thánh, thần.

Đặt tên: Thầy cúng đặt và viết tên thiêng của người chịu lễ lên bàn cúng để xin sự chuẩn nhận của các thần, thánh; sau lễ quá tăng, người chịu lễ sẽ có tên trong số những môn đệ của thần thánh và có quyền đi làm các lễ cúng.

Thăng cấp gồm các nghi lễ chủ yếu sau:

Lễ lên đèn: Thầy cúng làm nghi thức và pháp thuật cấp đèn cho người chịu lễ 7, 9, 12 đèn.

Lễ ban mũ: Người chịu lễ được thầy cúng làm lễ ban cho 1 mũ thầy cúng có thêu các hình thánh Tam Thanh hoặc Tam Bảo.

Lễ trình diện Ngọc Hoàng: Mời Ngọc Hoàng hạ thế chứng giám vị thầy cúng tiền bối trao ấn tín cho người chịu lễ.

Lễ tơ hồng: Hai vợ chồng người chịu lễ được các thầy cúng làm nghi lễ thánh hóa cuộc hôn nhân của họ và trình báo với thần thánh; bài cúng được viết làm 2 bản: 1 bản đốt sau khi xong lễ, bản kia được trao cho hai vợ chồng người chịu lễ và sẽ được đốt trong tang lễ của người chết sau.

Lễ thăm thiên đình: Bảy thầy cúng xúm lại đu đẩy người chịu lễ trong tiếng trống, kèn, thanh la, não bạt rền rĩ cho đến lúc người đó hôn mê - nhập hồn về trời.

Thầy cúng chủ đám đọc cuốn sách cúng Quá tang slâu (sách cấp sắc). Sau đó, các thầy cúng nhảy múa gọi hồn người chịu lễ trở về.

Lễ cấp sắc thường được tổ chức vào tháng 11, tháng 12 âm lịch và tháng 1 năm sau. Ngày lễ cấp sắc được chọn kỹ, kiêng trùng với các ngày mất của người trong gia đình. Người thụ lễ (và vợ) kiêng trong 1 tháng trước lễ không hò hát, không cãi nhau, không kiện cáo,...

Lễ cấp sắc là một sinh hoạt tín ngưỡng đặc trưng của người Dao nói chung, nhưng về nội dung cụ thể của việc tổ chức nghi lễ, địa điểm, số lượng người chịu lễ… thì ở mỗi nhóm địa phương lại có những khác biệt nhất định. Về cơ bản, có hai cấp bậc nghi lễ cấp sắc: qua đèn (quá tăng) và thăng cấp (tẩu slai).

Một số hình ảnh trong lễ cấp sắc

Lễ cấp sắc xưa nay vẫn là một sinh hoạt tín ngưỡng thiêng liêng của người Dao. Nhìn chung, nghi lễ này vừa chứa đựng giá trị nhân văn, vừa mang tính giáo dục sâu sắc, thể hiện qua các điều kiện giáo huấn ghi trong các văn bản cấp sắc. Người thụ lễ tuyệt đối kỵ làm việc xấu, việc ác. Họ là những người tôn kính thầy dạy, biết ơn nghĩa cha mẹ, thủy chung với bạn bè, trọng nghĩa khinh tài, có lòng vị tha và dũng cảm, không lừa lọc, không dâm đãng. Bên cạnh đó, lễ cấp sắc còn lưu giữ được những điệu múa cổ truyền của dân tộc. Phần lớn các tiết mục văn nghệ độc đáo của dân tộc Dao được tiếp thu và cải biên để biểu diễn trên sân khấu hiện đại đều được trích từ những điệu múa trong lễ cấp sắc truyền thống. 

Tin, ảnh: NGÔ HUYỀN

;