Đại dịch bệnh COVID-19 đã tác động sâu sắc đến kinh tế, đời sống xã hội, đặc biệt là sinh kế của một bộ phận không nhỏ cư dân trên trái đất. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật (trong đó có âm nhạc, xiếc, điện ảnh, sân khấu…) rơi vào tình trạng đóng băng. Tác động của COVID-19 ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp sáng tạo nói chung và các (nghệ sĩ biểu diễn) nói riêng. Từ những luận điểm và luận chứng, bài viết này chỉ ra một số giải pháp nhằm tạo ra sự hỗ trợ cần thiết và hiệu quả cho các nghệ sĩ biểu diễn trong và hậu đại dịch.
COVID-19 ảnh hưởng đến ngành công nghiệp biểu diễn như thế nào?
Đại dịch COVID-19 đã làm nhiều ngành công nghiệp sáng tạo, trong đó có ngành nghệ thuật biểu diễn rơi vào cảnh lao đao. Chủ trương giãn cách xã hội đã khiến hầu hết các chương trình biểu diễn bị hủy bỏ hoặc hoãn vô thời hạn. Riêng Hàn Quốc, chỉ trong 4 tháng gần đây, hơn 2.500 chương trình biểu diễn bị hủy bỏ, thiệt hại 52,3 tỷ won (42 triệu USD - theo báo cáo của Liên đoàn Văn hóa Nghệ thuật và Văn hóa tư nhân Hàn Quốc).
Còn tại Việt Nam, theo NSND Nguyễn Quang Vinh, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn: “Từ Tết tới giờ, các chương trình cấp phép biểu diễn chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là các chương trình nghệ thuật mang tính chính trị như chương trình Mừng Đảng, mừng xuân, Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng... Còn lại có tới hơn 90% các chương trình mặc dù đã được cấp phép trước đó, các đơn vị sản xuất cũng đã lên khung, thậm chí phát hành vé cũng đều bị hủy hoặc xin lùi không thời hạn”.
Trong 3 tháng đầu năm 2020, ngành nghệ thuật các nhà hát trực thuộc Bộ VHTTDL đều phải tạm dừng hoạt động. Nhiều nhà hát không có nguồn thu. 100% sân khấu tại các nhà hát trong cả nước đều đồng loạt đóng cửa. Hàng loạt các chương trình biểu diễn thường kỳ ở các quán cà phê và các show ca nhạc lớn đã phải tạm ngừng. Thị trường biểu diễn ca nhạc đóng băng hoàn toàn. Nếu có cố tổ chức biểu diễn trong lúc đó cũng không có người xem. Chính vì vậy, không cần phải nhắc nhở, trước tình hình dịch COVID-19 hoành hành, các nhà sản xuất, bầu sô đều chủ động xin hủy hoặc lùi không thời hạn các chương trình đã xin cấp phép trước đó. Các chương trình biểu diễn, show ca nhạc lớn tiền tỷ, thậm chí hàng chục tỷ như chương trình Cảm ơn tình yêu của Đông Đô show nhân dịp Ngày Lễ tình yêu 14-2 hay chương trình Modern Talking & Sandra, chương trình hướng tới ngày phụ nữ 8-3, tour lưu diễn Hồ Thiên Nga của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam… đều phải hủy và chưa biết đến bao giờ mới có thể biểu diễn bù lại được.
Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng phải lùi việc tổ chức một số cuộc thi, liên hoan chuyên ngành. Thậm chí, nếu cuối năm, tình hình tốt hơn mà dồn lại nhiều đầu việc thì cũng phải lựa chọn tổ chức sự kiện nào cho hiệu quả. Đó là sự thiệt thòi đối với các đơn vị tổ chức biểu diễn, vừa là thiệt thòi cho công chúng khi không được thưởng thức những chương trình nghệ thuật chất lượng cao. Tuy nhiên, cả thế giới đều không có lựa chọn nào khác, vì bảo đảm sức khỏe cộng đồng là ưu tiên hàng đầu.
Tác động của COVID-19 đối với việc làm của nghệ sĩ
Trong cuộc khảo sát gần đây nhất về tác động của đại dịch COVID-19 đến các ngành trên thế giới của Viện nghiên cứu Gratan (Australia), ngành dịch vụ và sáng tạo nghệ thuật bị ảnh hưởng nhiều và trầm trọng nhất. Hầu hết các công việc trong hai ngành này đều đòi hỏi sự tiếp xúc gần với mọi người. Nhưng COVID-19 buộc các chính phủ phải thực hiện việc giãn cách xã hội, hoạt động nghệ thuật biểu diễn phải dừng lại. Chính vì vậy, theo kết quả cuộc khảo sát dưới đây, có tới gần 40% người lao động nghệ thuật mất việc làm và ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sáng tạo. Tất nhiên, con số này sẽ được phân ra làm hai. Đó là những nghệ sĩ có thu nhập cao và thấp. Rõ ràng, nghệ sĩ biểu diễn có thu nhập thấp, thường là ở các đơn vị nghệ thuật hàn lâm, cổ truyền… sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Đối với các nước trên thế giới nói chung và những nước nằm trong nghiên cứu này (trừ Việt Nam) nói riêng, tác động đột ngột của COVID-19 đối với các nghệ sĩ đã khiến cho sự bấp bênh trong nghề nghiệp ngày càng nghiêm trọng. Một trong những lý do chính là trong hệ thống nhà hát của những nước này không tồn tại mô hình biên chế đối với các nghệ sĩ. Vì vậy, cuộc khủng hoảng xảy ra đối với các nghệ sĩ tại những nước này trở nên nghiêm trọng hơn, tạo ra sự bấp bênh trong công việc, dẫn đến sự bất an dài hạn, những vấn đề bất bình đẳng và tâm lý bị ảnh hưởng. Các cuộc khảo sát qua mạng xã hội gần đây đối với một số nghệ sĩ, nhà soạn nhạc cho thấy không chỉ là sự mong manh trong cuộc sống và sinh kế đối với nghề nghiệp này, mà còn là quan điểm của chính phủ và các cơ quan quản lý trong việc hiểu rõ bản chất của ngành nghề cũng như những lỗ hổng trong các hệ thống hỗ trợ hiện nay.
Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam có 115 đơn vị nghệ thuật công lập, trong đó có 12 đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL, 103 tổ chức nghệ thuật thuộc các Sở VHTDL. Phần lớn mỗi tỉnh có từ 1 đến 2 đơn vị nghệ thuật công lập, riêng TP.HCM có 8, Hải Phòng có 5, Thanh Hóa có 4 và Hà Nội có 6 đơn vị nghệ thuật công lập. Trong số đó, có một phần không nhỏ là các đơn vị nghệ thuật truyền thống, là những loại hình nghệ thuật cần được bảo tồn, phát triển. Đối với những đơn vị này, tất cả các khoản thu nhập tăng thêm đều dựa vào hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Mức lương cơ bản quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống cho các nghệ sĩ. Nhưng gặp khó khăn hơn cả là các đơn vị tự chủ hoàn toàn vốn chỉ có nguồn thu từ biểu diễn, như Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật đương đại... Các nghệ sĩ, diễn viên hầu như chấp nhận việc giảm lương như Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, trong tháng qua, Ban giám đốc tình nguyện không nhận lương, nhân viên chỉ nhận 30% lương. Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đã cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên nghỉ tạm thời, hưởng 50% lương cho đến khi tình hình dịch được kiểm soát tốt hơn… Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Vinh, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết: “Ngay cả khi dịch đã được khống chế thì lĩnh vực này cũng chưa thể vực dậy ngay được, mà phải cần ít nhất 6 tháng bởi người dân phải ổn định cuộc sống, tâm lý...”.
Trong khi đó, bản thân các nghệ sĩ biểu diễn, vốn hầu hết là nghệ sĩ sống dựa trên thu nhập từ biểu diễn ở các tụ điểm, sự kiện, quán bar, nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, tham dự sự kiện, quảng cáo… Sự ra đời của biện pháp giãn cách xã hội đã khiến những địa điểm kể trên phải đóng cửa. Đồng thời, những hoạt động khác như tham dự sự kiện, đóng phim, quảng cáo… cũng dừng lại. Hậu quả là nguồn thu nhập của các nghệ sĩ biến mất. Không chỉ có họ, những người làm công việc hậu đài như kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, đạo diễn… thu nhập cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo nghệ thuật, mà trong đó có nghệ thuật biểu diễn được biết đến như một ngành lao động ở cấp độ cao. Nhưng phần lớn trong số họ chỉ ký hợp đồng ngắn hạn, hợp đồng thời vụ. Các nhà khoa học, nhà quản lý và giới truyền thông chỉ ra rằng mức thu nhập của các nghệ sĩ là rất thấp, thậm chí thấp hơn nhiều so với các ngành khác như luật sư, bác sĩ, giảng viên… Điều này khiến cho họ dễ bị những thách thức trong cuộc sống làm cho tổn thương như: không được hưởng các quy định về bảo hộ việc làm, không đủ khả năng trang trải mức sống cơ bản của bản thân và gia đình, khó tiết kiệm hoặc có đủ lương hưu để hoạch định cho tương lai.
Khi đại dịch lan đến khắp nơi trên thế giới, nhiều chương trình biểu diễn bị hủy bỏ, đóng cửa, rất nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ sân khấu không những mất việc ngay lập tức, mà còn không có bảo hiểm cho việc hủy bỏ chương trình đó. Ví dụ, Liên minh Nhạc sĩ Hy Lạp giải thích rằng hầu hết các thành viên của mình được tuyển dụng với các hợp đồng có thời hạn cố định đại diện cho khối lượng công việc của họ, hoặc không có bất kỳ hợp đồng chính thức nào. Vì vậy, nếu không thực hiện được công việc theo kế hoạch, thì những người này không có bồi thường theo cơ chế dự phòng. Điều này cũng xảy ra đối với Liên minh Nhạc sĩ Anh, Ireland. Một số các nhà hát lớn hơn có thể hỗ trợ một phần nào theo hợp đồng, nhưng phần lớn, khả năng sinh kế dần biến mất cũng như công việc tương lai và thu nhập. Thêm vào đó, với nhiều nghệ sĩ biểu diễn tự do thông qua công ty nhỏ mang tính độc lập, việc hủy bỏ tổ chức chương trình đồng nghĩa với việc mất toàn bộ chi phí của PR, marketing, thuê trang thiết bị, địa điểm... Có quá nhiều cơ hội bị đánh mất như hủy show, mất vai trò hàng đầu, album bị phá vỡ, tour lưu diễn khó có cơ hội phục hồi được.
Không chỉ gặp vấn đề về thu nhập, các nghệ sĩ biểu diễn còn nằm trong nhóm có nguy cơ mắc các căn bệnh về tâm lý. Các nhà nghiên cứu Bắc Ireland đã chứng minh rằng những người làm việc trong ngành công nghiệp sáng tạo có nguy cơ mắc các bệnh về tâm thần. 36% những người làm việc trong các ngành công nghiệp sáng tạo có nguy cơ mắc các bệnh về tâm lý. Nghiên cứu khác ở Anh, Australia cũng có thấy nhóm người này thường chịu đựng các vấn đề về tâm lý, như sụ bấp bênh trong công việc, giờ làm việc… kém hơn các ngành nghề khác.
Nên có nguồn trợ cấp cho nghệ sĩ?
Những nguồn kiếm sống của các nghệ sĩ biểu diễn như đã nói ở trên nằm giữa hoặc ngoài những điều khoản của chính phủ các nước Anh, Ireland và Hy Lạp. Nguồn sống của họ đến từ lương cơ bản và thu nhập biểu diễn, do các công ty phi lợi nhuận điều hành. Những công ty này thường không có nhân viên hoặc không ký hợp đồng dài hạn cho họ. Vì vậy, trong một số trường hợp, hoạt động của họ không nằm trong danh mục lao động được bảo trợ. Hợp đồng lương thường rất ít và ngắn nên không đủ điều kiện hưởng trợ cấp 70 hoặc 80% (con số đưa ra tại Anh và Ireland). Các dự án trợ cấp thất nghiệp cũng khá đa dạng ở các nước: trong đó cao nhất là 350 euro/tuần tại Ireland; 76-96 euro/tuần hoặc 80% lương cơ bản tại Anh).
Ở Hy Lạp, lao động tự do và nhân viên bình thường bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh có thể xin trợ cấp một lần, với 800 euro cho mục đích đặc biệt, nhưng điều này chỉ được áp dụng với những người có thể chứng minh được thu nhập thường xuyên cho đến trước thời điểm dịch bệnh bùng phát. Các nghệ sĩ bị sụt giảm nghiêm trọng từ thu nhập thường xuyên, lại rất khó nhận được khoản trợ cấp này. Mặt khác, điều khoản tối đa cho việc nhận trợ cấp là trong 12 tuần, song, việc có thể tổ chức lại chương trình biểu diễn, hoặc các tụ điểm… sẽ khó khôi phục trước năm 2021.
Trong nhiều trường hợp, cách thức trợ cấp việc làm và các dự án nghệ thuật được trợ giá không đủ hiệu quả đối với các nghệ sĩ tự do giúp họ có được những khoản trợ cấp ngay lập tức (ví dụ như Quỹ Bread & Butter ở Anh với mức chi khẩn cấp 200 bảng Anh/nghệ sĩ đã phải đóng sau khi mở cửa có 30 phút, đã nhận được tới 200 đơn đăng ký). Mặc dù những chiến dịch đòi hỏi sự công bằng đã được một số cơ quan quản lý nghệ thuật công cộng (xứ Wales và Scotland) đáp ứng, nhưng phản ứng của những cơ quan này về tổng thể không nhất quán và chưa đồng đều. Thậm chí, một số cơ quan thuộc chính phủ và tổ chức quốc tế, từng yêu cầu các nghệ sĩ làm việc miễn phí trong một số dự án, còn hạn chế sự hỗ trợ công đối với họ trong cuộc khủng hoảng này.
Hoạt động sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ là một trong những vấn đề rất nhạy cảm. Những điều chỉnh đột ngột, sự căng thẳng và đối mặt với khó khăn trong cuộc sống khiến cho các nghệ sĩ khó hoạt động trong hệ sinh thái nghệ thuật, nơi con người chỉ sống trong khoảng không gian của sự sáng tạo mà thôi. Trong khi đó, rất hiếm khi chúng ta có thể thấy được những bước tiến trong cải thiện sự bất bình đẳng trong nghệ thuật sáng tạo, biểu diễn để giảm tải áp lực về cuộc sống đời thường cho các nghệ sĩ. Nhiều trường hợp, nghệ sĩ còn không được đưa vào tầng lớp lao động được hưởng trợ cấp trong những trường hợp khẩn cấp. Một số cơ quan quản lý và các học viện lớn còn sẵn sàng đình chỉ sự hỗ trợ các cá nhân nghệ sĩ và một số dự án khác.
Các chính phủ đã làm gì để hỗ trợ?
Chính phủ Đức đã đưa ra gói viện trợ sâu rộng cho các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo của đất nước. Theo đó, khoản hỗ trợ trị giá 50 tỷ euro (54 tỷ USD) sẽ được cung cấp cụ thể cho các doanh nghiệp nhỏ và những người lao động tự do, gồm cả những người thuộc lĩnh vực văn hóa, sáng tạo. Gói viện trợ gồm ba phần: hỗ trợ cho những lao động tự thân và các doanh nghiệp nhỏ, và mở rộng cho các nghệ sĩ và doanh nghiệp văn hóa nhỏ, thông qua việc giảm các chi phí như cho thuê địa điểm, cho vay giúp các doanh nghiệp khắc phục khó khăn tài chính. Ngoài khoản kinh phí, chính sách an sinh xã hội (bao gồm bảo hiểm thất nghiệp) sẽ được cung cấp cho những người làm việc tự do, gồm cả nghệ sĩ, trong khoảng thời gian sáu tháng và chi phí nhà ở sẽ được hỗ trợ để đảm bảo mọi người không bị mất nhà ở do khó khăn về tài chính.
Chính phủ Pháp cũng công bố một loạt hành động hỗ trợ: như các biện pháp ngoại trừ đặc biệt cho phép những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt những người làm việc không liên tục, tiếp tục hoạt động cho đến khi kết thúc thời gian phong tỏa trong xã hội; một quỹ hỗ trợ khẩn cấp 23,5 triệu euro cho lĩnh vực văn hóa.
Italia ra sắc lệnh ngày 17-3 để cứu trợ cho ngành Văn hóa. Trong đó, chính phủ nước này hỗ trợ 600 euro trong tháng 3 cho mỗi một lao động tự do làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, được ghi vào giấy tờ an sinh xã hội của chính họ; thành lập một quỹ trị giá 130 triệu euro để hỗ trợ cho lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh và lĩnh vực nghe nhìn.
Tây Ban Nha cũng phê chuẩn một số biện pháp liên quan đến lĩnh vực văn hóa. Hai đặc điểm chính được tính đến: tính thời vụ và sự gián đoạn của hoạt động văn hóa và thu nhập của người lao động trong lĩnh vực văn hóa. Do tính chất không liên tục của các hợp đồng cho người lao động tự thân trong lĩnh vực văn hóa, thời gian mà họ được bồi thường có thể được kéo dài. Trước đó, ngày 25-3, Chính phủ Tây Ban Nha đã công bố chính sách bảo lãnh dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực văn hóa và thể thao với giá trị lên tới 20 triệu euro, tạo điều kiện hỗ trợ kinh tế cho các công ty thuộc lĩnh vực văn hóa và thể thao ở Tây Ban Nha giải quyết khó khăn về tài chính liên quan đến tiền lương, trả các hóa đơn, thực hiện nghĩa vụ tài chính và thuế.
Chính phủ Anh hỗ trợ tài chính cho những người lao động tự do trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo. Người lao động tự do trong lĩnh vực này sẽ được hưởng trong ba tháng, với 80% thu nhập trung bình hằng tháng của họ trong ba năm tài chính vừa qua, nhưng với mức trần 2.500 bảng/tháng. Chính phủ kỳ vọng 95% người làm việc tự do trong lĩnh vực này sẽ được bảo vệ bởi quy định nêu trên. Vào ngày 25-3, Hội đồng nghệ thuật Anh đã ra mắt gói cứu trợ khẩn cấp trị giá 160 triệu bảng cho các tổ chức và nghệ sĩ sáng tạo. 20 triệu bảng dành riêng cho cá nhân các nghệ sĩ và lao động tự do.
Giải pháp nào cho nghệ sĩ biểu diễn thời hậu COVID-19?
Với những phân tích trên, nhất thiết cần phải có những hoạt động quyết liệt và ngay lập tức cũng như chiến lược dài hơi trong việc phục hồi nghệ thuật biểu diễn thời hậu COVID-19. Một mức tính có tên gọi là thu nhập cơ bản toàn cầu (Universal Basic Income - UBI) đã được đưa ra để các nước châu Âu dựa vào đó, cân đối mức thu nhập cho nghệ sĩ. Cho dù cách tính này có thể chỉ là ngắn hạn hoặc chung hạn, nhưng theo các chuyên gia tài chính châu Âu, đây có thể là giải pháp tốt hơn so với cách tính của chế độ bồi thường phức tạp, quan liêu, nhiều khoảng trống mà các nghệ sĩ tự do bị mắc vào. Còn về lâu dài, bản chất của hỗ trợ Nhà nước, phúc lợi xã hội và hệ thống thuế nên thích ứng với những thay đổi trong danh mục hỗ trợ đầu tư cho sáng tạo nghệ thuật. Đó là việc cần nghiêm túc tính đến các đặc thù của lao động sáng tạo không an toàn đang trở nên phổ biến trong các lĩnh vực công việc khác và đáp ứng nó bằng một cải cách phúc lợi mạnh mẽ. Điều này cũng cho thấy chính phủ nên khẳng định văn hóa và nghệ thuật cần được tích hợp trong chiến lược tái tạo kinh tế xã hội và chuyển đổi tương lai. Cách nhìn nhận này có thể coi như một sự giảm bớt các tác động tiêu cực của giãn cách xã hội trong giai đoạn COVID-19 và thể hiện sự đóng góp của họ đối với sự thịnh vượng chung của xã hội.
Để có thể vực dậy ngành Nghệ thuật biểu diễn cũng như lấy lại niềm hứng khởi trong hoạt động sáng tạo của các nghệ sĩ, một số biện pháp dưới đây có thể sẽ có tác dụng: xây dựng quỹ chung để có thể hỗ trợ cho cả đơn vị nghệ thuật và cá nhân nghệ sĩ; thiết kế quỹ để có thể hoạt động đạt hiệu quả đối đa, với đầy đủ các yêu cầu, đề xuất cụ thể và được báo cáo công khai, minh bạch; cân nhắc việc kêu gọi để có những khoản tài trợ lớn bên cạnh những khoản đã có; Đồng thời với đó, cần cung cấp quản lý tài chính và có khả năng tư vấn cho đơn vị; mua vé/tài trợ vé sự kiện đã bị hủy bỏ để hỗ trợ các đơn vị phục hồi lại khả năng tài chính, tái sinh cho những sự kiện sau đó; tư vấn hỗ trợ điều hành chung và nếu có thể, chuyển hóa tài trợ dự án sang tài trợ hỗ trợ thực hiện. Cơ quan quản lý nghệ thuật cũng cần nắm bắt tâm tư của nghệ sĩ, các đơn vị nghệ thuật, kịp thời giải quyết các khó khăn về tâm lý, khuyến khích nhân viên tranh thủ thời gian tập trung cho tái tạo năng lượng, tự nâng cao tay nghề. Các đơn vị nghệ thuật từng bước tận dụng nguồn dữ liệu sẵn có, chọn lọc, khai thác qua mạng thông qua nền tảng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, hoạt động này cần từng bước vì hiện tại, ở Việt Nam, nhiều đơn vị chưa sẵn sàng xây dựng hệ thống dữ liệu các sản phẩm của mình. Bản thân các đơn vị nghệ thuật và các nghệ sĩ thể hiện thái độ tích cực, chia sẻ, có ý thức chung tay với cộng đồng, các cơ quan quản lý trong việc phòng, chống dịch COVID-19.
Riêng đối với Bộ VHTTDL cũng đã đưa ra một số phương án cấp thiết để giúp các nhà hát đối phó với dịch COVID-19. Tại cuộc họp với lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn và các nhà hát, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định, trong thời gian tới, Cục Nghệ thuật biểu diễn và Vụ Kế hoạch, Tài chính cần tăng cường cơ chế đặt hàng, đặc biệt đối với các nhà hát truyền thống, trong đó, chú trọng các tác phẩm lớn, có giá trị nghệ thuật cao. Bên cạnh đó, nhà hát cũng cần nghiên cứu phương thức xây dựng nhà hát online sao cho hiệu quả và hợp lý cũng như chú trọng luyện tập, xây dựng các chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị. Không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ cấp thiết, Thứ trưởng cho rằng, hiện nay nghệ thuật biểu diễn của chúng ta đang thiếu những tác phẩm lớn, mang tính thời đại, ghi được dấu ấn trong lòng khán giả. Vì vậy, trách nhiệm của các Nhà hát, Cục Nghệ thuật biểu diễn và Bộ VHTTDL là không chỉ xây dựng một dự án để chung tay vượt qua khó khăn trong vòng thời gian ngắn sắp tới mà còn cần một chiến lược lâu dài, tổng thể để phát triển hơn.
_______________
Tài liệu tham khảo:
Bài viết sử dụng số liệu nghiên cứu từ các website của tổ chức dưới đây:
culturalpolicies.net; ericarts.org; coe.int; ietm.org; enicpa.net.
Bồ Đào Nha: dgartes.pt; gulbenkian.pt; serralves.pt. Anh: artscouncil.org.uk; scottisharts.org.uk; artswales.org.uk; artscouncil-ni.org; cloreduffield.org.uk; genesisfoundation.org.uk; jerwood.org; phf.org.uk.
Tác giả: Nguyễn Tuyết Hoa
Nguồn: Tạp chí VHNT số 432, tháng 6-2020